“Cảm nghĩ về Đại hội II, Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn” Ghi chép của Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 03:56 24/08/2022 Lượt xem: 282

CẢM NGHĨ VỀ ĐẠI HỘI II
 HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRƯỜNG SƠN

 Ghi chép của  Lê Trung Khiên
 
         Hà Nội những ngày đầu thu tháng tám, trời mưa rả  rích, song trên con đường dẫn vào Bảo tàng Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh ( phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) những người lính Trường Sơn vui vẻ rảo bước với bộ quân phục lấp lánh huân huy chương trước ngực. Lâu rồi, hôm nay chúng  tôi mới có dịp gặp lại những đồng đội đã một thời “ xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ. Đứng bên những tấm pa nô, khẩu hiệu trang trí Đại hội lần thứ II Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, đặc biệt là những hình ảnh trong khuôn viên bảo tàng, mỗi người đều trào dâng cảm xúc đặc biệt. Một ý nghĩ thoáng qua trong tôi: “ ai dám nghĩ cách đây  50 năm, ngày còn ở Trường Sơn đầy bom đạn lại có ngày hôm nay giữa Thủ đô Hà Nội những người lính chúng tôi gặp lại nhau trong một sự kiện đặc biệt này”.
          Các đồng chí lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam như thiếu tướng Hoàng Anh  Tuấn, thiếu tướng Hoàng Kiền, thiếu thướng Hồ Sỹ Hậu; Chủ tịch Hội, nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long và các anh thường trực Hội VHNTTS … thân mật bắt tay từng đại biểu tại phòng lễ tân. Niềm vui xen lẫn xúc động, ai cũng muốn ghi lại hình ảnh ban đầu trong một sự kiện lớn của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Chiều muộn ngày 20 tháng 8, trước khi làm lễ đặt vòng hoa và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường Trường Sơn,  trời bổng nhiên tạnh mưa, tôi thầm nghĩ “ có lẽ đây là điềm lành, các liệt sỹ về phù hộ cho Đại hội”. Đứng trước tượng đài, nghe đại tá Đoàn Danh Bình đọc lời phát biểu trong tiếng nhạc “ hồn tử sỹ” trầm hùng, chúng tôi ai cũng bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ đến  những đồng đội đã ngã xuống để làm nên huyền thoại “ đường mòn”  Hồ Chí Minh trong cuộc  kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
          Buổi tối 20 tháng 8 trời vẫn mưa nặng hạt, song không làm giảm đi niềm vui  của “ Đêm giao lưu văn nghệ” với những bài hát về Trường Sơn do Câu lạc bộ  Phong lan trình diễn. Những bài hát “ đi cùng năm tháng” mỗi khi cất lên, trong mỗi chúng tôi ai cũng trào dâng cảm xúc  khó nói nên lời. “ Cô gái mở đường”, “ Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “ Đường Trường Sơn xe anh qua” … Cùng những ca khúc, điệu múa đầy chất trữ tình như “ Tiếng hát giữa rừng mơ”, “ màn hát múa đàn tính”, xen lẫn là những bài thơ do chính các hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn sáng tác, trình bày. Đại tá nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy, Phó Chủ tịch Hội VHNTTS chịu trách nhiệm dẫn dắt chương trình, với những lời bình thật sâu sắc nhưng đầy chất hóm hỉnh. Bằng chất giọng ấm áp của người con quê Quảng Bình, anh đã đọc bài thơ mở đầu chương trình “ giòng  sông của chúng ta” của thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu. Thú thực, chúng tôi đã bị chinh phục không chỉ bằng những tác phẩm nghệ thuật mà bằng cả  sự nhiệt tình, mang  đậm tính đồng đội của các anh như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Kiền, Hồ Sỹ Hậu… Đêm đã muộn, nhưng những lời ca, tiếng hát vẫn làm xốn xang mỗi người, đặc biệt tất cả hội trường cùng chia  vui  trong điệu múa “ Lăm vông” kết thúc đêm giao lưu văn nghệ.


 
          Năm năm qua, có biết bao khó khăn, mà lớn nhất là ba năm chịu ảnh hưởng  của đại dịch Cô vid- 19; vậy mà từ 87 hội viên sáng lập ban đầu, đến nay đã có 336 hội viên trên khắp mọi  miền đất nước, từ  Nam bộ xa xôi, miền Trung, Tây Nguyên hùng vĩ đến miền núi phía Bắc, tận nơi có cao nguyên đá Đồng Văn, di sản địa chất nhân loại. Nói điều này để chúng ta thấy sức sống và sự lan tỏa của Văn học Nghệ thuật Trường Sơn trên các lĩnh vực hoạt động: Báo chí, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Hội họa, Biểu diễn nghệ thuật, Thơ, Văn; trong đó  gần 30 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội VHNT Trung ương và địa phương.
          Thường trực Hội, tuy tuổi cao, sức khỏe hạn chế, song với “ tay nghề” chuyên môn vững, dày dặn kinh nghiệm cộng với tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo của chất lính Trường Sơn đã cùng Ban chấp hành và hội viên tạo nên những sản phẩm nghệ thuật mang “ thương hiệu” mà ít Hội VHNT địa phương có được. Những ấn phẩm đã để lại trong lòng người đọc như: “ Trường Sơn thuở ấy… bây giờ”, “ Khát vọng Trường Sơn”, “ Mây trắng Trường Sơn” v.v…Những cuộc thi viết về Trường Sơn thu hút hàng trăm, hàng nghìn người tham gia như: “ Hào khí Trường Sơn”, “ gương sáng nữ chiến sỹ Trường Sơn”, trong đó tỷ lệ đạt giải của Hội viên VHNTTS chiếm 60- 70%. Những buổi biểu diễn của Câu lạc bộ nghệ thuật “ Phong lan Trường Sơn”, của các Câu lạc bộ Trường Sơn địa phương đã để lại trong lòng khán giải ấn tượng sâu sắc với những tiết mục dàn dựng công phu mang đậm chất Trường Sơn. Những triển lãm ảnh về Trường Sơn, gợi lại cho người xem về vẻ đẹp và đậm chất anh hùng ca của Trường Sơn một thời bom đạn .v.v…Các hội viên Hội VHNTTS đã tỏa sáng về các địa phương , điển hình như” Hội VHNTTS tỉnh Thái Bình, Câu lạc bộ thơ Thạch Thất Hà Nội, Hội VHNTTS Bắc Ninh, Yên Bái, các nhóm VHNTTS tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Nam Định, Sư đoàn 471, 470 v.v…
          Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thiếu tường Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Hội Văn học nghệ thuật trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời nhắc nhở cán bộ hội viên tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động, đi sâu tìm tòi, sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với Trường Sơn. Mỗi đại biểu dự Đại hội đặt niềm tin vào Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 2022- 2027 sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội. Mong muốn của mỗi người làm sao hình tượng Trường Sơn trong chiến tranh cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước được kết nối, lan tỏa sâu rộng hơn nữa, để Trường Sơn không bị mai một lãng quên mà sẽ trở thành một hình tượng tỏa sáng trong lòng dân tộc. Trách nhiệm trên có phần đóng góp của những người hoạt động trong Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn.
          Giờ phút chia tay lưu luyến, mỗi người trở vể điạ phương và cùng hẹn 5 năm sau sẽ gặp lại trong kỳ Đại hội thứ ba. Năm năm nữa không dài, nhưng cũng không ngắn đối với chúng tôi khi đã ở lứa tuổi “ xưa nay hiếm”, trong đó nhiều người còn mang thương tật, bệnh tật … Song niềm tin của mỗi người sẽ được gặp nhau thường xuyên thông qua các tác phẩm văn học được giới thiệu trên trang báo của Trung ương Hội./.

 
Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Thanh Hóa
tin tức liên quan
test 123