DIỄN VĂN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH THIẾU TƯỚNG HOÀN THẾ THIỆN – CHÍNH ỦY BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
DIỄN VĂN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH
THIẾU TƯỚNG HOÀN THẾ THIỆN – CHÍNH ỦY BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
Thiếu tướng Võ Sở
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
Thưa đồng chí Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Cục Phó cục Tuyên Huấn, Đại diện cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cực Chính trị.
Thưa Đại tá Vũ Phúc Hậu- Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12
Thưa các đồng chí đại biểu khách quý!
Hôm nay, chúng ta họp mặt tại một địa chỉ đỏ của Trường Sơn - Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh để long trọng tổ chức buổi Gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thiếu tướng Chính ủy Trường Sơn Hoàng Thế Thiện. Tại Bảo tàng này đã và đang lưu giữ một số kỷ vật của Thiếu tướng gắn với Trường Sơn huyền thoại.
Với tình cảm của những cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, chúng ta bày tỏ sự nhớ thương và trân trọng về một Chính ủy của Trường Sơn – người đã gần 5 năm sát cánh cùng đồng chí Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và tập thể Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn lãnh đạo một đội quân hùng hậu với 9 sư đoàn và 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng Miền Nam và cách mạng của 2 nước bạn Lào và Campuchia anh em, tạo nên một Trường Sơn huyền thoại và góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thưa các đồng chí.
Chính ủy Trường Sơn – Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20/10/1922 tại thành phố Hải Phòng, trong một gia đình dân nghèo thành thị yêu nước. Quê gốc của đồng chí ở thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Gia đình bố mẹ của đồng chí là cơ sở của nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng (sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) từ năm 1927.
Sớm ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ cha, ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal, chàng thanh niên Hoàng Thế Thiện đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1940, đồng chí tham gia Tiểu tổ bí mật do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, xây dựng lại cơ sở cách mạng bí mật tại thành phố Hải Phòng đã bị địch khủng bố tan rã trước đó.
Cuối năm 1942, đồng chí được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo.
Tháng 3/1943, đồng chí Hoàng Thế Thiện bị chính quyền thực dân Pháp bắt và bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị đày lên nhà tù Sơn La.
Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục tập thể trong nhóm của nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang Tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Vũ Nhai.
Tháng 8/1945, đồng chí tham gia cướp chính quyền tại thị xã Thái Nguyên. Trên cương vị là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân Vũ Nhai.
Tháng 9/1945, đồng chí làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí là lãnh đạo đầu tiên của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 10/1946, đồng chí làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên.
Tháng 4/1947, đồng chí Hoàng Thế Thiện được điều vào Quân đội nhân dân Việt Nam làm Phái viên Chính trị Khu 10, rồi Trưởng phòng Chính trị Liên Khu 10 - Quân khu ủy viên. Và sau đó là Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô. Tháng 9/1949, đồng chí được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, Nam tiến lần thứ nhất.
Tại chiến trường Nam Bộ, đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách: Phái viên Kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (thuộc Khu 9); Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long; Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ; Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ, rồi làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3. Tháng 7/1956, đồng chí được điều về làm Chính ủy đầu tiên Ban Nghiên cứu Sân bay, rồi làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân (Đại tá Đặng Tính là Cục trưởng).
Tháng 10/1964, đồng chí lại trở về Nam trên con tàu “không số” để tham gia xây dựng lực lượng vũ trang tại Nam Bộ làm Phó Chính ủy Quân khu 8 (Trung Nam Bộ). Tháng 7/1965, đồng chí về miền Đông tham gia thành lập Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9.
Tháng 8/1966, đồng chí được điều động ra Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, rồi làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304.
Tháng 7/1970 đồng chí Hoàng Thế Thiện được cấp trên điều sang chiến trường Trường Sơn làm Phó Chính ủy Mặt trận 968 - Nam Lào. Tháng 10 cùng năm, đồng chí là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn...
Đồng chí Hoàng Thế Thiện có gần 5 năm gắn bó với Trường Sơn trên cương vị Phó Chính ủy rồi Chính ủy Bộ đội Trường Sơn (từ 29/7/1970 đến ngày 4/3/1975). Ở Trường Sơn, đồng chí có mặt trực tiếp tại nhiều trọng điểm ác liệt, chỉ huy tháo gỡ khó khăn, giải phóng trọng điểm, rồi trực tiếp chỉ huy giải phóng nhiều vùng rộng lớn tại Nam Lào… Gần 5 năm ở Trường Sơn là quãng thời gian gian khổ ác liệt nhất và nhiệm vụ chi viện phát triển ngày một to lớn hơn của Bộ đội Trường Sơn. Đồng chí đã cùng với tập thể Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn mà đặc biệt là sát cánh cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng hùng hậu của chiến trường Trường Sơn phát triển mới về tổ chức lực lượng, nâng cao nghệ thuật chiến đấu hợp đồng binh chủng, giành hết thắng lợi này cho tới thắng lợi khác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho các chiến trường…
Ngày 5/3/1975, đồng chí được Bộ Chính trị điều từ Trường Sơn vào Nam Bộ làm Chính ủy đầu tiên khi thành lập Quân đoàn 4.
Năm 1976, đồng chí Hoàng Thế Thiện được bầu làm Ủy viên Dự khuyết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và làm Phó Chủ nhiệm rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế; năm 1987, đồng chí được điều làm Trưởng ban B.68 của Trung ương Đảng, giúp bạn Campuchia…
Tháng 7/1982, đồng chí Hoàng Thế Thiện được điều về nước làm Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội.
Tháng 5/1983, đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II.
Tháng 2/1987, đồng chí làm Thứ trưởng Thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước và Quân đội trao nhiều trọng trách, nhiệm vụ khác nhau, nhiệm vụ và trọng trách nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc…
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã vĩnh biệt chúng ta hồi 14 giờ 40 phút ngày 5/9/1995 tại Viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, thọ 73 tuổi.
Đồng chí Hoàng Thế Thiện được phong quân hàm Thượng tá năm 1958, Đại tá năm 1966 và Thiếu tướng năm 1974. Đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý.
Thưa các đồng chí .
Đồng chí Hoàng Thế Thiện là người Chính ủy thứ 5 của Bộ đội Trường Sơn kể từ khi thành lập ngày 19/5/1959. Tuy không thuộc lớp cán bộ lãnh đạo của thời kỳ đầu tiên của Đoàn 559 và Bộ Tư lệnh 559, nhưng thời kỳ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trên cương vị Phó Chính ủy rồi Chính ủy, đồng chí Hoàng Thế Thiện có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển lớn mạnh và những chiến công oanh liệt của Bộ đội Trường Sơn; góp phần đầy ý nghĩa vào việc xây dựng nên Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Thưa các đồng chí.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, chúng ta tưởng nhớ đến một vị tướng, một Chính ủy của Trường Sơn không chỉ giỏi về công tác Đảng, công tác chính trị mà còn có kiến thức quân sự sâu sắc.
Tháng 4 năm 1974, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chi viện, trước chuyển biến của cục diện chiến trường, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và đồng chí Hoàng Thế Thiện là “Tổng Công trình sư” của việc đổi mới căn bản về tổ chức lực lượng của Bộ đội Trường Sơn.
Bộ đội Trường Sơn nhờ được tổ chức lực lượng mới là các sư đoàn, trung đoàn binh chủng, tạo nên một bước đột phá và chuyển biến cơ bản, hiệu quả trong công tác chi viện chiến lược. Cũng nhờ sự thay đổi về tổ chức lực lượng mà Bộ đội Trường Sơn đã đáp ứng được yêu cầu to lớn của công tác chi viện và đáp ứng yêu cầu phục vụ trực tiếp các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Gần 5 năm chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử với Trường Sơn huyền thoại. Trong tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, đồng chí tuy là một cán bộ cao cấp nhưng sống chân thành, gần gũi, thương yêu cán bộ, chiến sĩ. Trong khó khăn gian khổ, đồng chí luôn thể hiện sự bình tĩnh, kiên định ý chí quyết thắng, tìm mọi biện pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu”.
Trong cuộc đời hơn 55 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện có khá nhiều điều đặc biệt:
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện dành gần cả cuộc đời cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã 3 lần Nam tiến tham gia đánh giặc vào các năm: 1949, 1964 và 1975. Đồng chí là người gắn bó với cả 2 đơn vị chủ lực đầu tiên của Nam Bộ từ buổi đầu thành lập là Sư đoàn 9 (năm 1965) và Quân đoàn 4 (năm 1975).
Có thể nói đồng chí là vị tướng đầu tiên và duy nhất vượt đường Hồ Chí Minh trên biển để vào tuyến lửa Trường Sơn mở đường Hồ Chí Minh trên bộ. Là vì tướng Trường Sơn đúng nghĩa.
Đồng chí là vị tướng vừa tham gia mở đường Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam, vừa trực tiếp chỉ huy bộ đội tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí là vị tướng tham gia chỉ huy một số chiến dịch quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến: Đắk Tô 1, Đường 9 – Nam Lào, Xuân Lộc, Hồ Chí Minh.
Đồng chí là vị tướng của những nhiệm vụ khẩn cấp. Là vị tướng chỉ huy nhiều đơn vị; đâu cần là có mặt, luôn sẵn sàng nơi bão tố, những nơi khó khăn, ác liệt nhất; làm nghĩa vụ quốc tế giúp cả Cách mạng Lào và Cách mạng Campuchia và luôn là hạt nhân đoàn kết trong các đơn vị.
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Thiếu tướng Chính ủy Hoàng Thế Thiện, toàn thể cán bộ và hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao và sự cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với sự nghiệp vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn. Những di sản của đồng chí với Trường Sơn mãi mãi sẽ được các chiến sĩ Trường Sơn hôm nay giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam xin gửi tới gia đình Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lời chúc mừng tốt đẹp, lời cảm ơn trân trọng.
Thiếu tướng – Chính ủy Hoàng Thế Thiện sống mãi trong tình cảm của các chiến sĩ Trường Sơn hôm qua và của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hôm nay!
Xin cảm ơn các đại biểu và các đông chí.