Tiểu đoàn 18 Thông tin – 50 năm trong đội hình Sư đoàn Bộ binh 968 Anh hùng.

Ngày đăng: 06:25 22/11/2022 Lượt xem: 484
50 NĂM TRONG ĐỘI HÌNH SƯ ĐOÀN BỘ BINH 968 ANH HÙNG
QUÂN TÌNH NGUYỆN NAM LÀO,
TIỂU ĐOÀN 18 THÔNG TIN XỨNG ĐÁNG VỚI TRUYỀN THỐNG
“KỊP THỜI, CHÍNH XÁC, BÍ MẬT, AN TOÀN”
 
       Theo cuốn Lịch sử Sư đoàn bộ binh 968- NXB QĐND năm 2008 thì “Trong phiên họp ngày 3 tháng 1 năm 1972, theo đề nghị của Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Sư đoàn 968, Bộ Tư lệnh đoàn 559 ra Quyết định thành lập Tiểu đoàn 18 Thông tin gồm 3 đại đội: Đại đội 24 hữu tuyến điện, Đại đội 25 vô tuyến điện, Đại đội 26 truyền đạt. Đồng chí Thượng úy Đậu Duy Thành giữ chức Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Viêm- Chính trị viên tiểu đoàn”.
Tiền thân các đơn vị của Tiểu đoàn 18 là Đại đội 9 Vô tuyến điện, Đại đội 10 Hữu tuyến điện, Đại đội 11 Truyền đạt. Đây là các Đại đội Thông tin của Mặt trận Y.
       Ngày 20/11/1972, tại Nam Lào, Tiểu đoàn 18 Thông tin ra mắt, từ đó ngày 20/11 hàng năm được coi là ngày truyền thống của tiểu đoàn. Cùng với các Trung đoàn Bộ binh, Pháo binh, các Tiểu đoàn, Đại đội binh chủng trực thuộc, Tiểu đoàn 18 Thông tin đã góp công xây dựng nên truyền thống anh hùng của Sư đoàn bộ binh 968 anh hùng Quân tình nguyện Nam Lào.
       Giai đoạn 1968-1977: Chống Mỹ cứu nước và những năm đầu giải phóng. Ngày 28 tháng 6 năm 1968. Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 98/TM-QĐ về tổ chức và quy định quân tình nguyện ở Nam Lào “Tách đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Nam Lào thành hai lực lượng”:
- Lực lượng Chuyên gia quân sự mang phiên hiệu đoàn 565
- Lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên hiệu đoàn 968. Các đơn vị thuộc BTL Đoàn 968 bao gồm, 5 Tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 3, 4, 5); các Đại đội trực thuộc: Đại đội S4 Đặc công, đại đội 5 Cao xạ, đại đội 6 pháo binh hỗn hợp, đại đội thông tin, đại đội Công binh, đại đội trinh sát, đại đội vận tải và đội điều trị 49 Quân Y. Từ lúc này lực lượng Thông tin chính thức nằm trong đội hình Bộ Tư lệnh 968.
       Tháng 11 năm 1968, bảo đảm Thông tin liên lạc (TTLL) cho Bộ Tư lệnh (BTL) Đoàn 968 chỉ huy các đơn vị tiến công địch ở Pha Lan, Xê Xụ, Attapeu, Tha Teng, Xaravan.
       Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1969, bảo đảm TTLL cho BTL Đoàn 968 chỉ huy các đơn vị tiến công địch, giải phóng Tha Teng, Xaravan.
       Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1969, bảo đảm TTLL cho BTL Đoàn 968 chỉ huy các đơn vị tiến công địch, giải phóng Mường Phìn.
      Từ tháng 1 đến tháng 2 năm 1970, bảo đảm TTLL cho BTL Đoàn 968 chỉ huy các đơn vị tiến công địch ở Tăng Vai, Bun Xạng, Mường Phìn, Keng Kooc, Pha Lan, Đồng Hến.
       Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1970, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận X chỉ huy các đơn vị tiến công địch ở thị xã Mường Mày, Attapeu.
       Tháng 4 và 5 năm 1970, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận Z chỉ huy các đơn vị tiến công địch, giải phóng thị xã Xaravan.
       Tháng 9 và 10 năm 1970, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận 968 chỉ huy Trung đoàn 9 tiến công địch ở Pha Lan, Đồng Hến, các Tiểu đoàn 1, 2, 3 tiến công địch ở Xaravan.
       Tháng 2 và 3 năm 1971, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận Y chỉ huy Trung đoàn 9 và các đơn vị tiến công địch ở PS.22, LS.165, PS.38 Pắc Soòng.
      Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1971, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận Y chỉ huy các đơn vị tiến công địch giải phóng cao nguyên Boloven.
       Tháng 12 năm 1971, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận Y chỉ huy Trung đoàn 9 và các đơn vị tiến công địch ở Pắc Soòng, Tha Teng.
       Tháng 2, 3 năm 1972, bảo đảm TTLL cho BTL Mặt trận Y chỉ huy Trung đoàn 9 và Trung đoàn 39 tiến công địch ở Tha Teng, Keng Nhao, Lào Ngam.
       Tháng 4, 5, 6 năm 1972, bảo đảm TTLL cho BTL Sư đoàn 968 chỉ huy Trung đoàn 9 tiến công địch ở ngã 3 Lào Ngam; Trung đoàn 39, Trung đoàn 19 tiến công địch giải phóng Khongsedone.
       Tháng 9, 10 năm 1972, bảo đảm TTLL cho BTL Sư đoàn 968 chỉ huy Trung đoàn 9 tiến công địch Thái Lan ở ngã 3 Lào Ngam; Trung đoàn 39, Trung đoàn 19 tiến công địch giải phóng Khongsedone, bao vây Pakse.
       Tháng 11 năm 1972, bảo đảm TTLL cho BTL Sư đoàn 968 chỉ huy Trung đoàn 39 tiến công địch cơ động ở ngã 3 Lào Ngam; Trung đoàn 19, Trung đoàn 9 tiến công địch giải phóng thị xã Xaravan.
       Trong chiến dịch 128 ngày đêm (18/10/1972 – 22/2/1973), bảo đảm TTLL cho BTL Sư đoàn 968 chỉ huy các Trung đoàn 9, 19, 39 tiến công địch Noong Lé, Xaravan, Pắc Soòng, Phù Chuôm, Phù Ta Din, Phù Nông, Kim Nọi … giành thế chủ động buộc địch phải ký hiệp định về lập lại hòa bình ở Lào.
       Tháng 12 năm 1974, Tiểu đoàn 18 TT cùng với Trung đoàn 19, 29 và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 968 được lệnh hành quân về Tây Nguyên tham gia chiến dịch Tây Nguyên.
        Tháng 1 và 2 năm 1975, Đại đội 25 Vô tuyến điện tổ chức 3 đài 15W thay thế các đài 15W của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 nghi binh lừa địch, Đại đội 24 hữu tuyến điện tổ chức tháo gỡ dây thép gai ở sân bay Đức Cơ, kéo đường dây trần dã chiến từ Sở chỉ huy Sư đoàn đến trạm bổ trợ hữu tuyến điện của Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên dài hơn 17 km.
       Tháng 3 năm 1975, tổ chức bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19 nổ súng tiến công căn cứ Đồn Tầm - Chốt Mỹ mở màn chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn 29 vây ép Kon Tum. Bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19 đánh chiếm Quận lỵ Thanh An - Thanh Bình, sân bay Cù Hanh, thị xã Play Ku, Trung đoàn 29 đánh chiếm thị xã Kon Tum, chia cắt đường 19…
       Từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 năm 1975, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19 tiến công đánh chiếm sân bay Phù Cát (Sân bay quân sự lớn nhất của ngụy Sài Gòn ở miền Trung), Trung đoàn 29, Trung đoàn 25 đánh chiếm Diêu Trì- Quy Nhơn.
       Từ 02- 25 tháng 4 năm 1975, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các đơn vị phối hợp với Quân đoàn 3, Quân khu 5 giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, tiếp quản và bảo vệ Quân cảng Cam Ranh, sân bay Nha Trang, sân bay Thành Sơn.
       Tháng 6 năm 1975 đến tháng 6 năm 1976, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 9, 19, 29, 25, 4 truy quét FULRO và vận động quần chúng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắc.
       Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1976, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn (Đoàn 4) chỉ huy Trung đoàn 19 và các đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ trồng bông trên địa bàn tình Thuận Hải.
       Tháng 11 năm 1976, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các đơn vị cơ động về Đắk Tô nhận nhiệm vụ mới.
Tháng 12 năm 1976 đến tháng 4 năm 1977 bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 9, 19 và 4 Pháo binh huấn luyện cho nhiệm vụ mới.
       Tháng 5 năm 1977, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các đơn vị cơ động về Hướng Hóa- Quảng Trị nhận nhiệm vụ mới trong đội hình Quân đoàn II.
       Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1977, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 9, 19 và 4 Pháo binh huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ mới.
       Giai đoạn từ 1977-1988: Làm nghĩa vụ quốc tế lần 2
      Tháng 12 năm 1977, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 19, 9, 4 pháo binh hành quân sang đất bạn Lào lần II làm nhiệm vụ Quốc tế.
       Từ tháng 1 năm 1978 đến tháng 6 năm 1978, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 19, 9, 101, 4 pháo binh và các đơn vị trực thuộc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu; bảo đảm TTLL với BTL Quân đoàn II, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tỉnh đội Bình Trị Thiên, Sư đoàn 384, các đội tình báo ngoại tuyến của Cục II (Bộ Quốc phòng) …
       Từ tháng 7 năm 1978 đến tháng 6 năm 1979, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19, 9, 4 pháo binh và các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ và chiến đấu; bảo đảm TTLL với BTL Binh đoàn 678, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tỉnh đội Bình Trị Thiên, Sư đoàn 384, các đội tình báo ngoại tuyến của Cục II (Bộ Quốc phòng) …
       Từ tháng 12 năm 1979 đến tháng 2 năm 1980, Đại đội 2 thi công 2 tuyến dây trần cơ bản dài hơn 20 km: Tuyến 1, từ sở chỉ huy (SCH) Sư đoàn đi Sư đoàn 4 bạn Lào và Trạm kiểm soát quân sự (KSQS) Sê Nô dài 13 km; tuyến 2 từ Sở CH Sư đoàn đi Trung đoàn 9, D3 Tăng-Thiết giáp, d24 Quân Y dài 14 km.
       Từ tháng 7 năm 1979 đến tháng 2 năm 1981, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19, 9, 830, 4 pháo binh và các đội cơ sở, các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ và chiến đấu; bảo đảm TTLL với BTL Binh đoàn 678, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tỉnh đội Bình Trị Thiên, Sư đoàn 384, các đội tình báo ngoại tuyến của Cục II (Bộ Quốc phòng) …
       Từ tháng 3 năm 1981 đến tháng 2 năm 1984, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19, 9, 830, 425, 4 pháo binh và các đội cơ sở, các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ và chiến đấu; bảo đảm TTLL với BTL Binh đoàn 678, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tỉnh đội Bình Trị Thiên, Sư đoàn 384, các đội tình báo ngoại tuyến của Cục II (Bộ Quốc phòng) …
       Từ tháng 3 năm 1984 đến tháng 9 năm 1985, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19, 9, 830, 425, 4 pháo binh và các đội cơ sở, các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ và chiến đấu; bảo đảm TTLL với BTL Quân khu 4, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tỉnh đội Bình Trị Thiên, Sư đoàn 384, các đội tình báo ngoại tuyến của Cục II (Bộ Quốc phòng) …
       Tháng 10 năm 1985, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 19, 425 di chuyển lên khu vực Khăm Muộn.
       Từ tháng 11 năm 1985 đến tháng 11 năm 1987, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19, 9, 830, 425, 4 pháo binh và các đội cơ sở, các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ và chiến đấu; bảo đảm TTLL với BTL Quân khu 4, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tỉnh đội Bình Trị Thiên, Sư đoàn 384, các đội tình báo ngoại tuyến của Cục II (Bộ Quốc phòng) …
       Tháng 12 năm 1987, bảo đảm TTLL cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19, 9, 4 pháo binh, các đơn vị trực thuộc và cơ quan Sư đoàn cơ động về Tổ Quốc; chỉ huy trung đoàn 830 tiếp tục làm nhiệm vụ Quốc tế.
       Tháng 1 đến tháng 11 năm 1988, bảo đảm cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 830 làm nhiệm vụ Quốc tế; các trung đoàn 19, 4 pháo binh và các đơn vị trực thuộc xây dựng doanh trại, huấn luyện SSCĐ; Trung đoàn 9 huấn luyện quân dự bị động viên (QDBĐV).
       Giai đoạn từ 1988 đến nay: Đứng chân ở Quảng Trị, bảo vệ toàn diện phía nam Quân khu 4 và sẵn sàng cơ động làm nghĩa vụ quốc tế.
       Tháng 12 năm 1988, bảo đảm cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 830 cơ động từ Đồng Hến- Lào về Tân Lâm (Quảng Trị), các trung đoàn 19, 4 pháo binh và các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ; Trung đoàn 9 huấn luyện Quân DBĐV.
       Từ tháng 1 năm 1989 đến tháng 6 năm 1992, bảo đảm cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 19, 4 pháo binh và các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ; Trung đoàn 9, 830 huấn luyện QDBĐV.
       Từ tháng 7 năm 1992 đến tháng 4 năm 1994, các Tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn rút gọn xuống Đại đội, Tiểu đoàn 18 TT thành Đại đội 18 thông tin.
       Tháng 5 năm 1994, Bộ Tổng Tham mưu quyết định khôi phục lại Tiểu đoàn 18 thông tin và các tiểu đoàn trực thuộc của Sư đoàn.
       Từ tháng 5 năm 1994 đến tháng 2 năm 2002, bảo đảm cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19 và các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ; Trung đoàn 9, 830 huấn luyện Quân DBĐV.
       Từ tháng 3 năm 2002 đến tháng 2 năm 2010, bảo đảm cho Sư đoàn chỉ huy các Trung đoàn 19, Trung đoàn 176 và các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ;
       Trung đoàn 9 huấn luyện Quân DBĐV; bảo đảm TTLL cho các đơn vị làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
      Từ tháng 3 năm 2010 đến tháng 11 năm 2022, bảo đảm cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 19 và các đơn vị trực thuộc huấn luyện SSCĐ; Trung đoàn 9, Trung đoàn 176 huấn luyện Quân DBĐV; bảo đảm TTLL cho các đơn vị làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
 
Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm:
       Ngày 20/11/2022 được sự đồng ý của Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 968, tại doanh trại Tiểu đoàn Thông tin 18 ở Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị đã diễn ra buổi Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 50 ngày thành lập Tiểu đoàn 18 Thông tin Sư đoàn 968. Đến dự và chia vui có Đại tá Nguyễn Thanh Hùng-Chính ủy Sư đoàn 968, Đại tá Nguyễn Bá Duẩn-Chính ủy BCHQS tỉnh Quảng Trị cùng cá Thủ trưởng các phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật đã đến động viên, chia vui, tặng quà.
       Tham dự còn có Chủ tịch UBND xã Cam Hiếu là nơi đơn vị đóng quân, BLL Nữ CSTS Thành phố Đông Hà và toàn thể cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 18 TT. Trên 40 cựu chiến binh của tiểu đoàn 18 thông tin các thế hệ đến từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa thiên-Huế, Đồng Nai, Vũng Tàu cùng Ban liên lạc CCB f968 tỉnh Quảng Trị chung tay tổ chức gặp mặt truyền thống ấm tình đồng đội với nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. 
       Tại buổi gặp mặt, sau các ý kiến phát biểu của Thượng tá Đinh Thanh Niên, Trưởng ban liên lạc CCB sư đoàn 968 Quảng Trị, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng- Chính ủy Sư đoàn là tham luận của các nguyên Tiểu đoàn trưởng đã ngoài 80 tuổi, đó là đồng chí Nguyễn Văn Phúc ( giai đoạn 1975-1977); đồng chí Ninh Thế Hượi ( giai đoạn 1979-1980) đại diện cho lãnh đạo tiểu đoàn thông tin tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế lần thứ nhất. Đại diện cho cán bộ, chiến sỹ làm nghĩa vụ quốc tế lần thứ hai, Đồng chí Lê Lợi, Thầy thuốc ưu tú, Bs chuyên khoa I, nguyên thống kê chính trị tiểu đoàn ( giai đoạn 1981-1985) phát biểu. Các tham luận tập trung vào ký ức hào hùng về những năm tháng phục vụ chiến đấu và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ thông tin ở các mặt trận, những máu xương của các Liệt sỹ, Thương binh góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, để thông tin xứng đáng với tám chữ vàng “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”.
       Và cuối cùng là ý kiến của đồng chí Đại úy Trần Đức Nguyên, chính trị viên tiểu đoàn thông tin 18 đương nhiệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự anh dũng, kiên cường không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng tiểu đoàn thông tin qua 50 năm. Thay mặt cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn thông tin 18, đồng chí hứa cùng với ban lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng để tiểu đoàn thông tin 18 ngày càng phát triển.
Sau khi tặng hoa, quà kỷ niệm, đoàn cựu chiến binh đã đi thăm doanh trại cùng trang thiết bị hiện đại của tiểu đoàn thông tin 18…
       Trước đó, đoàn cựu chiến binh cũng đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm 5.248 Liệt sỹ của sư đoàn 968 mới được xây dựng và khánh thành ngày 28/6/2022.
       Thăm và dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, khu tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Thăm và chụp ảnh lưu niệm tại cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
       Đoàn cũng đến thăm Tiểu vương cung Thánh đường La Vang ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cách thành cổ Quảng Trị 6 km về phía nam. Đây là trung tâm Thánh mẫu toàn quốc của giáo hội Công giáo Việt Nam. Di tích tháp chuông là trung tâm thánh địa, phần còn sót lại của thánh đường được xây dựng từ 1924- 1929 bởi phần lớn đã bị hủy hoại do chiến tranh năm 1972. Đây cũng là nơi mà từ 1966-1967 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ của trung đoàn 9 anh hùng (khi đó chính ủy là đồng chí Lê Khả Phiêu) đã anh dũng hy sinh. Trong đoàn CCB của tiểu đoàn 18 thông tin có các đồng chí  từng tham gia chiến đấu ở khu vực này trong chiến tranh. Sau này trung đoàn 9 được Bộ Tổng Tham mưu điều về đội hình Sư đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào.
       Cuộc gặp mặt lần đầu tiên sau 50 năm thành lập tiểu đoàn 18 thông tin (Sư đoàn bộ binh 968 anh hùng, quân tình nguyện Nam Lào) hoàn thành tốt đẹp, ấm áp tình đồng đội. 


Đại tá Nguyễn Thanh Hùng-Chính ủy Sư đoàn 968 phát biểu chúc mừng trong buổi gặp mặt


Thượng tá Đinh Thanh Niên, Trưởng ban liên lạc CCB sư đoàn 968 Quảng Trị
phát biểu trong buổi gặp mặt


Đồng chí Lê Lợi, Thầy thuốc ưu tú, Bs chuyên khoa I, nguyên thống kê chính trị tiểu đoàn 
phát biểu tham luận và cảm tưởng trong buổi gặp mặt


Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt chụp ảnh lưu niệm trước Nhà truyền thống của Sư đoàn 968



Đoàn thăm và dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị,
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn (2 ảnh trên)

 
 
TTUT-BsCKI. Lê Lợi
Ủy viên BCH Hội Khoa học-Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam
Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm tỉnh Nam Định.
Giảng viên thỉnh giảng các trường ĐH Y Dược Thái Bình và ĐH Điều dưỡng Nam Định
Cựu chiến binh Sư đoàn bộ binh 968 anh hùng, Quân tình nguyện Nam Lào
Phó Chủ tịch Hội VH-NT Trường Sơn 

tin tức liên quan
test 123