"Về nơi đất thiêng" - Ký của Vũ Hồng Thái

Ngày đăng: 09:26 11/12/2022 Lượt xem: 537
VỀ NƠI ĐẤT THIÊNG
Ký của Vũ Hồng Thái
(Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình)

 
       Năm 2022, năm kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 33 năm ngày thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam. Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình tổ chức chuyến hành hương "Về nơi đất thiêng", thể theo nguyện vọng của cán bộ, hội viên.
       Trước ngày lên đường Đoàn đã tới dâng hương, báo cáo với các Anh hùng Liệt sỹ tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sỹ.
       Do công việc chuẩn bị chu đáo, sáng ngày 09/11/2022 đúng 04h35' xe chuyển bánh từ Thành phố Thái Bình hướng về phía Nam, họ vui như ngày nào, vẫy chào người thân ra tiễn, dưới ánh bình minh của buổi sớm mai.
Vui như ngày nào, nhưng không phải ở cái tuổi 20 mà phần đông họ đã ở cái tuổi "thất, bát thập" rồi. Đoàn có 45 người, thì 27 người tuổi từ 60 đến 83, có 17 chị đều từ 65 tuổi trở lên. Đoàn có 29 đồng chí là Thương binh, là nạn nhân chất độc da cam, 100% đồng chí được tặng Huân, Huy chương. Có 02 đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang, yên tâm là trong đoàn có 03 bác sỹ đều tự chuẩn bị thuốc men chu đáo.
       Qua cầu Tân Đệ, họ nhớ ngày từ đơn vị đi nhờ xe tải về phép bị nhỡ phà, cả bọn đêm khoác ba lô chờ sáng, bị muỗi xơi thịt. Rồi chuyện lo việc cho cháu đi học, lo ông ở nhà, nhưng các con động viên đi, cơ hội hiếm có, nên quyết tâm đi.
       Một loáng đã tới đất Ninh Bình đường phố đã nhiều xe và người qua lại, Tam Điệp đây rồi "một đèo, một đèo - lại một đèo". Nơi Quang Trung - Nguyễn Huệ thần tốc hành quân qua đây, cũng tháng 11 - cách nay 233 năm, giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
       Đã sang tiết Đông mà nắng vàng, gió mát, nét mặt ai ai cũng rạng rỡ, nhìn qua bên phải Núi Quyết, cầu Hàm Rồng đang soi mình bên dòng sông Mã. Có lẽ điệu hò xứ Thanh đã nhắc Nguyễn Hữu Bản thể hiện vai trò thống lĩnh Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn Thái Bình trong chuyến đi, anh giới thiệu Hoàng Anh Tú, ông ngoại trẻ đẹp nhất, điều khiển chương trình: "Hát cho đồng đội nghe". Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát - Tôi người lái xe, Tình em gửi trọn con đường, Nổi lửa lên em... Cả xe là hội trường, cả đoàn là ca sỹ. Phục vụ trang âm là hai tay lái lụa: Huy Hiếu, Nam Phi lúc hát tự do, khi hát karaoke. Vũ Huy nhà quay phim trẻ nhưng có bề dày kinh nghiệm, lúc đầu xe, khi cuối để tác nghiệp cả trong, ngoài xe.
       Đường đẹp, xe tốt mới nửa ngày mà đoàn đã tới quê hương Xô Viết - Sông Lam, Núi Hồng, cả xe sôi động ngắm nhìn các khu công nghiệp, khu kinh tế nơi đây đã từng bom dội lên bom, đạn cày lên đạn. Cuối xe Hoàng Anh Tú giọng ca số một cùng Kiều Oanh cất lên bài ca: Nghệ Tĩnh mình ơi. Sông Lam gọi Núi Hồng... và đây rồi Đèo Ngang, giờ là hầm Đèo Ngang xuyên qua dãy Hoành Sơn nơi sâu nặng nghĩa tình của những tay lái Trường Sơn và các cô gái Thanh niên xung phong "... đã cùng em từng nhiều đêm thức trọn, nối tiếp những tuyến đường xe qua...".
       Ra khỏi hầm Đèo Ngang, trời Quảng Bình rộng mở, không ai bảo ai, nhưng là lính Trường Sơn thì không ai không nhớ những năm tháng được đồng bào Quảng Bình - Quảng Trị chở che. Và ai cũng biết mình sắp được đến bên Người là linh hồn và sức mạnh của Quân đội nhân dân; trời trở gió, sập xùi thương nhớ cùng đoàn chiến sỹ Trường Sơn. Được Ban quản lý tạo điều kiện, đội hình chỉnh tề, Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình kính cẩn dâng hương thơm và hoa tươi từ quê hương lên phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mong Người an giấc ngàn thu, phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an. Hứa với Người: Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Xứng danh người Cựu chiến binh, Người chiến sỹ Trường Sơn.
       Sông Hương đây rồi, cầu Trường Tiền rực rỡ ánh điện màu, dòng sông Hương nhộn nhịp những chiếc thuyền rồng xuôi ngược chở lữ khách thưởng thức đờn ca, hình như từ dòng sông và trong xe cùng hát: "Sông Hương tấp lập, thuyền trôi hững hờ, em trao nói đội và em hẹn hò..". Thế mà ngày ấy những chiến sỹ trong xe đây, chiến đấu trên A Lưới cứ ước ao đi trên đường phố cùng nàng áo tím mộng mơ. Sáng mai thưởng thức: Bún bò giò heo, cùng tiếng dạ ngọt ngào, lái xe tính cung đường, đề xuất: Để đảm bảo chương trình, ta nên "vượt xung" ngày và đêm nay. Trưởng đoàn hội ý Ban tổ chức, xin ý kiến cả xe, nhất trí "hành quân đêm": Huế - Sóc Trăng ! 1.300km. Có lẽ cái khí thế "Yến Tử -  B4, B2..." Ngày ấy cách nay trên dưới 50 năm vẫn còn nguyên trong họ. Họ lại hát, lại kể chuyện vui hành quân Nam tiến. Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Hạnh kể chuyện chiến đấu giành các điểm cao ở Trường Sơn và nước bạn Lào để mở đường, chuyện làm công tác dân vận, rồi ông say xưa hát bài: Tình Việt Lào, cả xe vỗ tay hát theo. Rồi bài tiếp bài: Hoa đẹp Chăm Pa, 83 tuổi mà ông múa cùng Phạm Thị Mỵ, Hương Vị, Bùi Hậu, Kiều Oanh... như một diễn viên.
       Có lẽ vui, nên đường ngắn lại, đèo Hải Vân mây quyện lưng trời, và: cửa hầm đèo kia rồi, mọi người ngừng hát trầm trồ ngợi ca một công trình vĩ đại, đúng như lời Bác dạy: "... xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...". Hầm đèo Hải Vân dài 6,28km là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam á, một công trình hiện đại về văn hóa kiến trúc.
       Xuôi về Nam nắng vàng hơn, những bài ca: Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây, Cô gái mở đường - Đường Trường Sơn xe anh qua... do ca sỹ chiến sỹ Nguyễn Hữu Bản, Trần Thanh Phúc, Vũ Thị Vị, Trần Thanh Mai, Phạm Thị Chín và cả xe cùng hát. Xe giảm dần tốc độ và dừng lại bên tấm bia đá nguyên khối đề: Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở đầu lối vào và tượng chị trong khu vườn, vai đeo túi thuốc quân y, đầu che nón. Đoàn vào trong nhà lưu niệm dâng lễ, hương, trước tượng bán thân, trắng tinh khôi người liệt sỹ Anh hùng, quả cảm đầy mưu trí vì đồng đội, đồng bào và tình yêu mãnh liệt thủy chung, một quan niệm sống, một cách sống để đời. Đúng như lời thơ của Lê Mạnh Hùng viết bên tượng đài chị "...Chị đã hy sinh một thời thiếu nữ/ Để hôm nay đất nước hóa Anh hùng". Bên tượng đài chị chúng tôi hát dưới bóng râm của cây xanh và gió mát từ biển thổi vào: Hát về mẹ Việt Nam anh hùng. Bài ca may áo, cô gái Sài Gòn đi tải đạn và khúc hát chèo của Hải Lâm. Hẳn chị vui vì đất nước hôm nay và buổi hội ngộ của chiến sỹ Trường Sơn quê lúa.
       Đi xuyên đêm, xe bay trên đường cao tốc, trời sáng rõ, đoàn ghé trạm xăng, ăn sáng mỳ tôm đi tiếp, mặt trời lên độ 2 con sào càng thấy cái nhộn nhịp, náo nhiệt của Thành phố Hồ Chí Minh, lái xe thông báo: Sắp chui hầm Thủ Thiên, ôi cái hầm đã nghe, hôm nay mới biết, thật là ngưỡng mộ, đi trong hầm 6 làn xe, dài 1.490m, cao 8,9m cách mặt nước sông Sài Gòn 24m mà sáng choang với vận tốc 60km/h. Đúng là thời của (4.0) bốn chấm không, thật ngưỡng mộ và tự hào.
       Đi như bay, thế mà không ai say, chưa ai ốm, có lẽ cái háo hức của "Thần tốc" làm cho cả đoàn chỉ thấy vui, vui hơn nữa là giọng kể của người lái xe gầy còm, đã là thủ trưởng ngành văn hóa thông tin tỉnh Nguyễn Thanh, kể truyện: "Ngày xưa, bây giờ" làm cả xe cười như lắc nẻ, thế mà người kể cứ tưng tửng như không, lại còn biết chọn cái thời điểm để kể, làm mọi người cứ tỉnh như sáo, chưa chợp mắt đã tới Thành phố Mỹ Tho (Vĩnh Long), vượt qua 11 tỉnh thôi mà.
       Đoàn đến với sông Tiền mênh mông sóng nước, dài hơn 200km với các cù lao: Long, Ly, Quy, Phụng mang nặng phù sa của sông Mê Công và sông Tiền, sông Hậu, nên vườn trái xum xuê những đặc sản dừa, chôm chôm, sầu riêng, xoài, mít của Bến Tre, Tiền Giang, ngắn, cầu Rạch Miễu, đi thuyền chèo tay trên dòng kênh dừa nước, giao lưu đờn ca tài tử với những giọng ca vàng và có lẽ không ai trong đoàn không mến yêu người con gái khăn rằn Thúy Hằng Bến Tre có đôi mắt biết nói, cái miệng như hoa, tận tình và chu đáo.
       Rời Bến Tre, đoàn về chùa Dơi (Sóc Trăng) kết thúc một chuyến du lịch miệt vườn. Rời Sóc Trăng đoàn ra bến tàu Trần Đề về với đất thiêng Côn Đảo, trời cao, gió lộng và nắng chang chang, biển mênh mông sóng lừng trước mùa gió chướng. 14 giờ còi hú hồi dài rời bến ai ai cùng nhìn ra hướng ấy, nơi họ mong chờ bao tháng bao ngày. Vài chục người lên boong ngắm biển và muốn sớm nhìn thấy đảo thiêng. Ra xa sóng bạc đầu đã nổi và gió càng to, người ta và bạn Tây nắm tay nhau theo từng đợt xô đẩy của sóng và gió, họ cười vui thân thiện. Hơn 2 giờ tàu chạy, sóng đã giảm, phía trước một và hai đảo đã rõ dần, có lẽ trong gần ngàn du khách, nhiều người nhớ tới "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán. Thán phục cái ý chí kiên cường của người cách mạng, có thuyền đâu, chỉ bè tự tạo thôi mà vượt trùng khơi, những cánh chim Hải âu đã lượn quanh tầu, còi đã báo cập bến, người bấm điện thoại, người xem đồng hồ để ghi nhớ cái thời khắc đặt chân lên đảo thiêng.
       Xe của Công ty dịch vụ Côn Đảo đã chờ sẵn (do Công ty du lịch Tân Sơn Thái Bình hợp đồng) xe chạy bon bon trên đường nhựa phẳng lì, với cây xanh hai bên đường tỏa bóng. Nhưng nơi đây là địa ngục trần gian đã giam cầm hàng vạn tù chính trị lớn nhất Đông Dương thời Pháp, Mỹ từ năm 1862 đến năm 1975.
       16h15' ngày 12/11/2022 xe đưa đoàn tới Nghĩa trang Hàng Dương, do chuẩn bị chu đáo lễ nghi từ nhà, đoàn trang nghiêm kính cẩn dâng hương với vòng hoa mang dòng chữ: Đời đời biết ơn các Anh hùng Liệt sỹ lên trước tượng đài nghĩa trang Hàng Dương. Ban tổ chức quản trang đọc lời giới thiệu đoàn Cựu chiến binh - Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình, do đồng chí Vũ Hồng Thái làm Trưởng đoàn, các đồng chí lãnh đạo đoàn: Quách Đức Bối, Phạm Thị Mỵ, Lại Ngọc Thư, Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Văn Ngọc lên dâng hương, các Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Xuân Liêm và Nguyễn Thanh cùng các thành viên trong đoàn lên dâng hương. Trời Côn Đảo tím xanh một màu và gió như ngừng thổi, tượng đài vút cao như khí phách người cách mạng, hàng dương xanh vươn cao càng làm nổi bật tượng đài, bát hương bùng cháy như hào quang tỏa sáng. Ôi thiêng liêng, bất tử, cả đoàn Thái Bình và các đoàn cùng nguyện cầu hương hồn Liệt sỹ được siêu sinh tịnh độ.
       17h05' đoàn CCB Trường Sơn Thái Bình sang viếng mộ chị Sáu - Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu, một số đoàn đã dâng hương xong, gặp đoàn CCB quân phục chỉnh tề họ nhường đường, dừng lại bên đường ngắm những chậu hoa xứ, hoa mai trắng, hoa ngọc bút trắng chỉ thiên đang tỏa hương thơm. Phạm Thị Mỵ, Tạ Thị Hạnh, Vũ Thị Vị trân trọng mang lễ đi đầu: Hương thơm, hoa huệ thơm và bánh đặc sản quê hương. cả đoàn xếp hàng trang nghiêm, 45 trái tim kính cẩn, các đoàn khác tạo điều kiện cùng nghiêm trang, khi đồng chí trưởng đoàn dâng hương, các thành viên dâng lễ, đồng chí trưởng đoàn khấn lời tâm nguyện trước linh vị người liệt nữ anh hùng, khói hương cuộn bay trên ngôi mộ phủ hoa quý của mọi miền đất nước, chị Sáu mắt nhìn âu yếm đàn em thân yêu tỏa ra thắp hương trên các mộ phần. Mặt trời đã khuất núi, đoàn về nghỉ tại Hotel Côn Sơn Victory. Mới tới Côn Đảo và thấy một phần đảo thiêng, qua nghe anh lái xe giới thiệu, mọi người đều ngưỡng mộ trước sự đổi thay kỳ diệu của chốn địa ngục trần gian này. Có lẽ: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, cây xanh, môi trường, an ninh hiếm nơi nào có được, danh hiệu huyện văn hóa đúng là độc đáo, ai cũng mong sáng mai được đi thăm tiếp, được hiểu thêm. Nhưng đêm nay 12/11/2022 cái đêm ngủ tại Côn Đảo sẽ nhớ đời với họ.
       Theo lịch trình chỉ còn sáng 13, Đoàn lưu hành trên Côn Đảo mà còn nhiều nơi đoàn muốn tới thăm. Lãnh đạo đoàn thống nhất đến dâng hương Đền thờ Côn Đảo nơi tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các Anh hùng liệt sỹ, đồng bào đồng chí đã hy sinh vì độc lập tự do. Đền xây dựng trên khu đất đẹp rộng 3.760m2 riêng nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của 1.921 liệt sỹ, có 10 hạng mục: Tứ trụ, cổng tam quan, nhà chuông, tả mạc, hữu mạc, tiền đường, hậu cung... bên những hàng cây chậu hoa từ mọi miền Tổ quốc. Được Ban tổ chức tạo điều kiện, đồng chí trưởng đoàn lên bục thỉnh chuông và dâng hương. Đoàn vào tiền đường chiêm bái bức Đại tự: "Vì Tổ quốc quênnh" ở chính điện và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, ảnh Anh hùng Võ Thị Sáu và chân linh các vị: Nguyễn An Ninh, Vũ Văn Hiếu, Lê Tự Kính, Huỳnh Tiến Lợi, Trần Văn Thời, Hồ Văn Năm, Phạm Thành Trung, Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, Ngô Đên, Nguyễn Thị Hoa và Lê Văn Việt.
Trước sân đền rộng, gió mát và nắng vàng ban sớm. Đội văn nghệ Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn tỉnh cùng đoàn thực hiện chương trình văn nghệ đặc biệt tri ân những người con bất tử vì Tổ quốc quên mình nơi đảo thiêng.
       Đoàn ra dâng hương mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh, Nguyễn Chí Hiểu và các mộ phần Anh hùng liệt sỹ. Có điều đặc biệt khi đoàn xếp hành chỉnh tề trước mộ Tổng Bí thư, mưa rơi rào rào nhưng khi dâng hương trời lại tạnh, xung quanh những cánh cò trắng bay lượn là rà.
       Theo hướng dẫn viên, đoàn tới thăm nghĩa trang Hàng Keo dâng hương tưởng nhớ: nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại mà không có mộ phần, chỉ có lễ đài và tượng đài tưởng niệm dưới tán cây rừng ! Tới thăm các trại giam "Địa ngục trần gian": Phú Hải, Phú Tường, Phú An... với 127 phòng giam, 44 xà lim có 504 phòng giam biệt lập, những cái tên khi nghe đã rùng rợn: chuồng cọp, chuồng bò, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã giam cầm, tra tấn, cực hình người tù trong đó có các đồng chí: Ngô Gia Tự, Lê Trọng Bộ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn An Ninh... Qua cầu Tầu nơi chúng bắt người tù lao động khổ sai, mà đánh đập tàn nhẫn làm 914 người chết tại đây!
       Xe chuyển làn theo hướng Tây, bên những cây bàng cổ thụ: "Cây di sản quốc gia" nhiều và to không đâu có, cây đã chứng kiến 113 năm cực kỳ dã man của bọn thực dân đế quốc tay sai. Đoàn tới thắp hương miếu thờ bà Phi Yến (An Sơn Miếu) thứ phi của Nguyễn Phúc Ánh, miếu bà được xây dựng từ năm 1785, thờ người phụ nữ: vợ Chúa Nguyễn khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, trốn ra đảo, Nguyễn Ánh đã đưa Hoàng tử Cải tháp tùng cùng Bá Đa Lộc làm con tin sang Pháp cầu cứu, bà Phi Yến khuyên: "Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ Chúa không nên nhờ vả ngoại bang. Nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau..." Bà đã bị Nguyễn Ánh giam và mất ở đây. Con trai Hoàng tử Cải bị quăng xuống biển, dân xây miếu thờ ở làng Cỏ Ống miếu Cậu: (Thiếu Gia Miếu).
       Với tài năng, sự quan sát tinh tường, cảm phục những người con đã vì nước quên mình tại Côn Đảo, nhà thơ Lê Mạnh Hùng chiến sĩ bộ binh, một thành viên trong đoàn đã viết bài thơ: "Côn Đảo hồn thiêng đất nước" Thanh Phúc trình bày làm xúc động người nghe.
       13 giờ ngày 13/11 Đoàn tạm biệt Côn Đảo ra tàu vào đất liền. Xe Công ty du lịch Tân Sơn chở đoàn về Thành phố Hồ Chí Minh.
       Sáng 14/11 các đồng chí đại diện Ban liên lạc Biệt động Sài Gòn - Gia Định và người con trai của Anh hùng Trần Văn Lai hiện là đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chờ. Xe dừng trên đường Võ Văn Tần, khi một người giơ tay niềm nở đón, đoàn xuống xe, đường phố đông, xôn xao, ngắm nhìn các thành viên xuống xe quân phục lấp lánh Huân huy chương vào nhà số 270 nơi các biệt động giao nhận tài liệu và nơi có hầm đặc biệt do ông Trần Văn Lai - nhà thầu khoán Dinh Độc Lập mang tên Mai Hồng Quế cùng vợ và đồng đội đào, chứa hàng tấn vũ khí ngay bên nhà tướng ngụy Ngô Quang Trưởng để tấn công dinh Độc Lập xuân 1968. Cầm các khẩu súng, mang trên tay các loại mìn thời đó trong hầm sâu, không xa Dinh Độc Lập, ai cũng thán phục biệt động Sài Gòn - Gia Định, thán phục và tự hào người Anh hùng Trần Văn Lai người con ưu tú của Thái Bình, đúng là "Nơi hầm tối là nơi sáng nhất - Nơi nhìn ra sức mạnh Việt Nam".
       Đồng chí Lê Độ phó ban thường trực Câu lạc bộ biệt động Sài Gòn thân mật tiếp và giới thiệu tóm tắt di tích được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận "Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia"; "Hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968". Mọi người đọc lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 09/5/2005 và lưu bút của của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết ngày 31/01/2018 càng tự hào về Đảng ta - Nhân dân ta - Quân đội ta. Đoàn rất vui được gặp những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn mà đồng chí Lê Độ và bà Đặng Thị Thiệp là phu nhân của Anh hùng Trần Văn Lai đại diện. Đội văn nghệ hát giao lưu ngợi ca người con gái Sài Gòn, những người lính Biệt động Anh hùng. Đồng chí Trưởng đoàn biếu sách: "Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa" tập 3. Đồng chí Lê Độ tặng Kỷ niệm chương của Biệt động Sài Gòn, chợ Lớn - Gia Định cho lãnh đạo đoàn.
       14 giờ ngày 14/11 đoàn tới thăm bảo tồn di tích: Dinh Độc Lập, một biểu tượng minh chứng cho sự thất bại nhục nhã của Đế quốc Mỹ và Chính quyền tay sai sau 30 năm can thiệp, xâm lược của tên đế quốc mạnh nhất thế giới. Cùng khách thập phương, nhiều bạn nước ngoài ngạc nhiên trước sức mạnh của một chế độ ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ nuôi dưỡng, trang bị tối tân thế mà đại bại. Họ trầm trồ quan sát dấu tích 02 quả bom do phi công Ngụy được Mỹ đào tạo ném trúng dinh Độc Lập. Họ vây quanh chụp ảnh, quay phim đội văn nghệ của Đoàn bộ đội Trường Sơn Thái Bình biểu diễn ngay bên 2 chiếc xe tăng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập và cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh của Bùi Quang Thận quê Thái Bình.
       16 giờ đoàn tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, tại bến cảng Nhà Rồng, đoàn dâng hoa lên tượng đài Bác dưới nắng vàng rực rỡ với từng đàn chim yến, nhạn lượn quanh. Đoàn du khách Malaysia thấy đoàn vòng quanh hát bên tượng đài Bác họ cười vui cùng vỗ tay theo và vai chen vai bên những người cựu chiến binh Việt Nam. Có điều lạ là: khi xe rời dinh Độc Lập, qua đường Nguyễn Tất Thành, trời đổ mưa to nước chảy ngang đường ai cũng lo, thế mà vừa đến cổng Bến Nhà Rồng trời tạnh hẳn, nắng vàng rực rỡ, ai cũng bảo "Bác thương chiến sỹ Trường Sơn!". Tạm biệt Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, mọi người ngắm tượng Bác rưng rưng lệ, nhờ có chuyến đi lịch sử này cách nay 111 năm, để có đất nước hòa bình, thống nhất "to đẹp, đàng hoàng" như hôm nay. Đoàn kính tặng tập thơ văn "Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa", tỏ lòng biết ơn Ban quản lý.
       Trước khi về nơi nghỉ, đoàn qua thăm chợ Bến Thành có lẽ đây là chợ lớn nhất nước, đúng là: "Chợ thêm đông, chợ vui Bến Thành".
        Ngày 15/11 đoàn tới địa đạo Củ Chi một hệ thống hầm phòng thủ dài 250km dưới sâu lòng đất do quân dân huyện Củ Chi đào thời chống Mỹ, dưới tán rừng xanh mát, đoàn được hướng dẫn viên cho xem phim tài liệu, được đi xem những hình tượng du kích Củ Chi cưa bom lép lấy thuốc chế bom mìn, thấy đủ kiểu hầm chông mà bọn Mỹ ngụy hết vía, gặp các chị du kích may áo quần tự cấp, thấy hệ thống thông hơi kỳ diệu ở tổ mối, dưới gốc cây. Đặc biệt đoàn được xuống địa đạo, có cả trạm cứu thương, phòng họp... Đây là nhánh cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh mà năm 1968 quân giải phóng xuất phát tấn công Sài Gòn. Dưới bóng cây mát, bàn ghế bằng cây rừng, đoàn được các du kích khăn rằn mời mỳ (sắn) luộc nóng hổi, ôi ngon và nhớ lại một thời…
       Gần 12 giờ đoàn tới viếng thăm đền Bến Dược, tọa lạc trên khu đất rộng 7ha, cây xanh và các loại hoa, bảo tháp vút cao soi bóng dòng sông Sài Gòn tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, nơi thờ 44.752 Liệt sỹ được khắc tên trên đá hoa cương mạ vàng, có 800 liệt sỹ chưa xác định được quê. Đoàn dâng  hương trước tượng Bác Hồ và Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng Liệt sỹ, các bát hương các tỉnh, các Quân khu và bát hương thờ Liệt sỹ Trường Sơn. Ai cũng nghẹn ngào trước sự hy sinh lớn lao của Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng Liệt sỹ "vì nước quên mình". Dưới tán cây và nắng vàng đội văn nghệ và cả đoàn hát tri ân, hát cho đồng đội nghe vang vọng cả rừng cây.
       14 giờ từ Bến Dược đoàn đi Tây Ninh theo quốc lộ 22A đi qua các huyện Hoóc Môn, Trảng Bom, Gò Dầu hai bên đường những miệt vườn hoa trái xum xê, có những đoạn đường như là kiểu mẫu về đường và cây, đẹp tuyệt vời. Anh hùng Nguyễn Xuân Liêm người chiến sỹ bộ binh Trường Sơn lập công tiêu biểu được ra Bắc học lái xe tăng, anh đang nhớ lại đội hình lữ đoàn tăng của anh tấn công Xuân 1975 từ đây giải phóng Xuân Lộc, anh chở cả xác đại đội trưởng hy sinh trong lúc tấn công. Thành viên Lê Mạnh Hùng tay súng bộ binh cừ khôi, anh đang quan sát có phải quà đồi kia mình đã tiêu diệt tên lính Mỹ. Cõng bạn bị thương nặng, trong khi mình cũng bị thương. Độ hơn 16 giờ xe tới cửa khẩu Mộc Bài, có người lính từ xa giơ cả 2 tay vẫy gọi. Đỗ Thị Miên đang ngồi trong xe, đứng dậy. Con rể em ở đồn Biên Phòng này đấy. Cả đoàn xuống xe bắt tay người chiến sỹ Biên phòng nơi tuyến đầu Tây Nam. Bùi Xuân Tiến dẫn đoàn thăm, chụp ảnh kỷ niệm, anh trao đổi với bạn Campuchia, dẫn đoàn sang đất Ăng Co, chụp hình bên cột mốc cùng với các chiến sỹ Campuchia. Đại diện đoàn vào thăm đồn Biên phòng và tặng sách "Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa". Có lẽ vui nhất hôm ấy là mẹ con chị Miên - hai chiến sỹ: Một bộ đội Trường Sơn, một Bộ đội Biên phòng chụp hình ở cột mốc biên giới Mộc Bài.
       Sáng ngày 16/11 từ Thành phố Tây Ninh đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sỹ Tân Biên, ai cũng khen Thành phố quy hoạch đường xá rộng và đẹp, đúng là thủ phủ miền Tây. Đường đi Tân Biên khá tốt, hai bên đường xanh thẳm rừng cao su và cây trái, có những cây hoa vàng rực rỡ dưới nắng vàng. Khoảng 9 giờ đoàn tới cổng Nghĩa trang Liệt sỹ Tân Biên, nhưng cổng đóng khóa, may sao một cô gái đi Honda tới "để cháu gọi chú quản trang", "cháu người Thái Bình". Thế là mọi người còn đang hỏi chuyện thì chú quản trang tới mổ cổng. Ôi! nghĩa trang liệt sỹ Tân Biên, nơi biên ải tuyến đầu Tây Nam này, hội tụ 14.299 mộ Liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập của ta và bạn!
Đoàn kính cẩn trước tượng đài cao vút, mang lá cờ Tổ quốc trên đỉnh tháp, mênh mông và tĩnh mịch, bốn bề cây xanh, chúng tôi dâng hương, nguyện cầu linh hồn các Liệt sỹ được siêu sinh tịnh độ, phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an, đoàn tỏa ra thắp hương lên các phần mộ Liệt sỹ. Chúng tôi lặng người, nghiêm trang dâng hương và kính chào các thầy giáo, cô giáo là các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc tại lễ đài, do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây. Ôi ! linh thiêng vậy, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, chúng tôi được đâng hương lên bia khắc tên 111 liệt sỹ là nhà giáo đi B và 510 nhà giáo địa phương.
        Chúng tôi cúi đầu và rơi lệ trước nấm mộ tập thể của 124 Anh hùng Liệt sỹ, không biết các Liệt sỹ hy sinh trong hoàn cảnh nào, ở đâu. Chắc chắn là vì ta vì bạn để Đông Dương có được hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay.
        Trong số mộ Liệt sỹ có danh tính, may mắn anh Nguyễn Thiện Chí thành viên của đoàn tìm được mộ em trai Nguyễn Văn Ba hy sinh tháng 8 năm 1978 và anh Hùng tìm thấy mộ Liệt sỹ Bùi Văn Đẩu anh họ của anh Chí, tỉnh Thái Bình có nhiều phần mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Tân Biên lắm !
       Tôi tới chị quản trang đang quét lá rụng quanh mộ Liệt sỹ được biết hai vợ chồng chị đã làm ở đây 30 năm, tôi thầm cảm tạ và gọi là để tỏ lòng biết ơn.
        Trời đã về trưa, đoàn tụ lại dưới bóng đa râm mát, chúng tôi lại hát tri ân, hát cho đồng đội nghe. Tuổi này thế mà có mệt đâu, có lẽ vui, vinh dự được hát ở Tân Biên này nên hát tốp ca, lại đơn ca, cả hát chèo quê lúa. Anh chị Phương lao công nghỉ tay xem hát và nói: Chưa có đoàn bộ đội nào vào đây mà hát hay như đoàn này.
        Nhận lời mời của anh Phạm Văn Toan quê Thái Bình, một quân nhân chuyển ngành, con nuôi Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh, hiện là Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận, 12 giờ 05 phút xe chuyển bánh: Tây Ninh, Bình Thuận, nhưng đi qua Thành phố xe nhiều nên hơn 19 giờ đoàn mới tới Thành phố biển Phan Thiết. Các đồng chí cán bộ cơ quan Bảo hiểm tỉnh Bình Thuận đã đón sẵn ở khách sạn Bình Minh. Một tình cảm dạt dào của tuổi trẻ với Cựu chiến binh. Chúng tôi nâng ly chúc mừng sự hội ngộ hiếm hoi này. Đồng chí Giám đốc nói lời chào mừng Đoàn, đồng chí trưởng đoàn có lời cảm ơn và chúc mừng Bảo hiểm xã hội Bình Thuận được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì. Cảm động khi giọng ca của nữ viên chức Bảo hiểm xã hội Bình Thuận mở đầu chương trình giao lưu với bài "Nắng ấm quê hương" như một ca sĩ chuyên nghiệp. Hoàng Anh Tú một CCB đẹp trai lên sánh vai cùng hát. Rồi chủ và khách những giọng ca vàng, có lúc hát riêng, có lúc cùng hát, cả trưởng đoàn và Giám đốc cùng hát, một đêm rất vui trên Thành phố biển hiện đại và văn minh.
        Như đã hẹn, sớm mai 7 giờ 30 phút, đồng chí Giám đốc tới đón và dẫn đoàn tới viếng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bình Thuận, bên trường học Dục Thanh.
        Đoàn đội hình trang nghiêm, kính cẩn dâng hương hoa lên tượng Bác thờ ở gian giữa đền, thưa với Bác: chúng cháu những ngày qua đã tới những nơi đất thiêng để tri ân các Anh hùng Liệt sỹ. Bác mỉm cười như ngợi khen đoàn. Rồi đoàn ra chụp ảnh dưới tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi ở trước đền.
        Đồng chí hướng dẫn đưa đoàn vào trường Dục Thanh nơi Bác Hồ dạy học ở đây năm 1910. Ngôi trường được trùng tu, phục chế như xưa cả đoàn chúng tôi được ngồi vào 11 dãy bàn học, chúng tôi thấy như Bác đang đứng bên chiếc bảng đen và giọng nói ấm áp của Người. Vào gian trong chúng tôi được chiêm ngưỡng những kỷ vật gốc: Chiếc phản Bác nằm, tủ đựng sách... được ngắm, được sờ vào kỷ vật thiêng liêng. Ra vườn - Ôi ! cây khế. Cây khế từ ngày ấy vẫn còn đây, quanh gốc cội, cây phát triển xum xuê, lá xanh và quả rất sai, tự nhiên một trái rơi trúng vai trưởng đoàn, vàng ươm. Anh nâng lên cùng các thành viên hưởng lộc, thơm ngon, một kỷ niệm nhớ đời.
        Các đồng chí lãnh đạo đoàn kính tặng tủ sách trường Dục Thanh cuốn "Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa" tập III - Chị cán bộ Bảo tàng rất vui tiếp nhận và nói "Tôi sẽ đọc và giới thiệu với giáo viên, học sinh ở đây về tập văn thơ quý này". Tạm biệt Thành phố biển Bình Thuận văn minh, mến khách, đoàn về với xứ dừa Tam Quan - Bình Định dạt dào sóng biển, nơi có những con tàu không số, chở vũ khí ngày đó vô đây.
        Đã sang ngày thứ 10, mà đường về từ Bình Định - Thái Bình còn 1300km, lãnh đạo đoàn trao đổi với lái xe; xin ý kiến cả đoàn, lại "vượt cung". Toàn đoàn nhất trí, vì sức khỏe tốt, không ai ốm, không ai say và có lẽ cái mong gặp cháu, bà gặp ông, ông gặp bà đã thúc giục. Thế là trưa 18 tháng 11 đoàn tập kết tại nhà hàng làng Chài - Lăng Cô, xứ Huế. Một công trình kiến trúc tre tiêu biểu của văn hóa Việt, ai cũng vui phấn khởi, nâng cốc chúc mừng một chuyến hành hương "Về nơi đất thiêng" thành công mỹ mãn, họ được tới những nơi thiêng liêng nhất, Anh hùng nhất của chủ nghĩa Anh hùng, cách mạng Việt Nam. Để tri ân, để thấy sự đổi thay và mạnh giàu của đất nước sau 47 năm hòa bình thống nhất, mà mỗi thành viên trong đoàn đều có sự góp công. Họ vững tin ở tương lai huy hoàng của dâ tộc, sự trường tồn của non sông Tổ quốc mà bao thế hệ đã anh dũng hy sinh để có được hôm nay. Họ ca vang bài ca: Hội truyền thống Trường Sơn, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân... và khi vừng đông ửng đỏ, đường phố thành phố Thái Bình đã có những tốp người đạp xe và chạy thể thao; chiếc xe chở đoàn "Cựu chiến binh Trường Sơn tỉnh Thái Bình thăm chiến trường xưa" dừng bánh nơi tập kết, xe máy, xe con của người thân đã chờ sẵn đón người nhà. Họ tươi vui, tay nắm tay, chào tạm biệt và cảm ơn lái xe, cảm ơn lãnh đạo và các thành viên, hẹn gặp lại những lần đi tới.
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRỌNG YẾU ĐƯỢC GHI LẠI TRONG CHUYẾN ĐI

Đoàn Hội Trường Sơn Thái Bình hát dưới tượng đài Đặng Thùy Trâm

Đoàn Hội Trường Sơn Thái Bình dâng hương tại phần mộ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu

Đoàn Hội Trường Sơn Thái Bình tại Cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh

Chủ tịch Hội Trường Sơn Thái Bình – Vũ Hồng Thái tặng tập thơ “Chiến sỹ Trường Sơn quê lúa”
cho tủ sách của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Trường Dục Thanh,
thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Đội Văn nghệ Hội VHNT Trường Sơn tỉnh Thái Bình hát bên xe tăng tại Dinh độc lập – TP Hồ Chí Minh.
 
Thái Bình, tháng 11 năm 2022
Vũ Hồng Thái
(Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình)
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
tin tức liên quan
test 123