“Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Đại đội tôi” - Ký ức chiến trường của Phạm Văn Việt
Nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ngày 24 tháng 02 năm 2023, tại Quảng Bình, Bộ Quốc phòng; Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của Cách mạng Việt Nam – người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”. Đại tá Phạm Văn Việt, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn công binh 77 vinh dự được Ban tổ chức cuộc Hội thảo mời tham dự… Tại cuộc Hội thảo này, Đại tá Phạm Văn Việt đã kể lại những kỷ niệm cảm động của Tư lệnh với đơn vị công binh của anh từ nền bài viết: “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Đại đội tôi”.
Ban Biên tập Trang TT&BT Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu tới các đồng chí và bạn đọc toàn văn bài viết này:
TƯ LỆNH ĐỒNG SỸ NGUYÊN VỚI ĐẠI ĐỘI TÔI
(Ký ức chiến trường của Phạm Văn Việt)
Đầu năm 1969, sau khi Trung đoàn Công binh 10 giải thể tại Binh trạm 44, tôi được điều động về giữ chức chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 77 trực thuộc Bộ Tư Lệnh 559. Nhiệm vụ chính của Tiểu đoàn tôi là xây dựng chỉ huy sở Bộ Tư lệnh, nhưng thỉnh thoảng lại được lệnh đi tham gia bảo đảm giao thông trên một đoạn đường nào đó.
Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 ngày đó rộng lắm, gồm cả một hệ thống địa đạo, hầm nổi, hầm chìm, đường xá chẳng chịt. Tiếng là đơn vị chuyên làm nhiệm vụ trong khu vực này nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ đi được đến mọi chỗ; ai làm đâu biết đấy thôi, chẳng biết và cũng không được biết đó là địa chỉ của ai, bộ phận nào.
Chính vì nhiệm vụ như vậy tôi mới may mắn được gặp và tiếp chuyện Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mấy lần, và mỗi lần gặp đều để lại trong tôi những kỷ niệm giản dị mà rất khó quên. Xin được kể lại hai trong số những kỷ niệm ấy.
Lần thứ nhất, vào cuối năm 1969, tôi đưa một Trung đội đến sửa sang và gia cố thêm mấy hạng mục tại cửa một khu địa đạo. Giữa lúc chúng tôi đang nghỉ ăn trưa thì thấy một “ông” dáng cao to, tóc hoa râm cắt cua, nét mặt rất hiền từ, từ trong địa đạo bước ra. Chưa biết đấy là ai nhưng thấy ông xuất hiện ở địa điểm đặc biệt này, tôi (và có lẽ tất cả anh em) đều thầm đoán “chắc là cỡ bự chứ không phải thường!”. Ông đến bắt tay, chia thuốc lá cho từng chiến sỹ và hỏi tên gì, quê quán ở đâu, nhập ngũ năm nào, nhà có mấy anh chị em, lâu nay có nhận được thư nhà không,v v… Mặc dù từ con người ông không mảy may có vẻ gì để người khác cảm thấy “sợ” hay khó gần nhưng những phút đầu tất cả chúng tôi ai nấy đều chỉ “chào Thủ trưởng ạ” và trả lời “ngắn gọn” từng câu hỏi của ông rồi im lặng với cái nhìn đầy ngưỡng mộ. Đến khi một chiến sỹ trả lời ông rẳng “em quê Hà Bắc” thì ông hỏi: “Có vợ chưa?” và nói luôn: “Đất nhà cậu là thanh niên hay lấy vợ sớm lắm đấy nhé”.
Thế là cả ông và chúng tôi đều cười vui vẻ, không còn có khoảng cách gì nữa. Bằng giọng Quảng Bình rất nhỏ nhẹ và chậm rãi ông nói với chúng tôi:“Thế nào, công việc có vất vả lắm không? Ăn uống hàng ngày ra sao? Có no không?”. Lắng nghe từng người trả lời xong, ông bảo: “Làm anh lính Công binh, công việc thầm lặng nhưng quan trọng lắm, chiến công to lớn lắm. Bác Hồ nói “Bộ binh là lưỡi mác, Công binh là cán mác”. Các cậu nghe câu ấy bao giờ chưa? Tôi đang định trả lời “báo cáo Thủ trưởng hồi ở trường sỹ quan Công binh em có được nghe các thầy nói rồi ạ” thì cả Trung đội đã gần như đồng thanh “Chưa ạ“, thành thử tôi cũng im luôn. Ông nói tiếp:“Công binh có truyền thống rất vẻ vang là “Mở đường thắng lợi”. Danh hiệu này đã ghi trên lá cờ Bác Hồ tặng cho Binh chủng từ hồi kháng chiến chống Pháp đấy. Trên tuyến lửa Trường Sơn này vị trí của bộ đội Công binh càng quan trọng. Các cậu làm tại đây nhưng đồng thời lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khi có lệnh là ra ngay mặt đường bảo đảm giao thông. Ở đó mới thật sự là thử lửa. Thanh niên nói chung, chiến sỹ Quân đội nói riêng, phải qua thử lửa mới rắn rỏi và trưởng thành lên được.” Nói đến đây hình như chợt nhớ ra điều gì, tự nhiên ông quay lưng đi thẳng vào trong địa đạo. Chúng tôi đang ngơ ngác nhìn nhau chưa kịp “bình luận” gì thì mấy phút sau đã thấy ông quay ra, hai tay bưng một bát tô. Đang đứng ở gần cửa địa đạo nên thoạt nhìn tôi nhận ra ngay đó là bát canh bí xanh. Ông cười rất hiền và nói: “Tặng các cậu bát canh ăn cho vui nhé! Gian khổ, hy sinh cố gắng chịu đựng và vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Mai kia nước nhà hòa bình, thống nhất chúng ta sẽ có tất cả những gì mà hiện nay chúng ta đang ao ước.”
Cả Trung đội chúng tôi nhìn nhau, thật quá bất ngờ. Tôi vội giơ hai tay đỡ bát canh từ tay ông mà không hiểu tại sao tự nhiên thấy nóng ran khắp cả người. Bát canh của Tư lệnh chỉ thế này thôi ư ? Mấy sợi bí xanh, cấp dưỡng nạo (hay thái) rất mỏng, hình như nấu với bột cua hay tôm thì phải. Và tôi buột miệng: “Trời ơi! Cả bữa của Thủ trưởng có một bát canh mà lại mang cho chúng em thế này thì Thủ trưởng ăn bằng gì?! Thay mặt đơn vị, em xin cám ơn Thủ trưởng, nhưng xin gửi lại Thủ trưởng thôi, chứ để đây chúng em đông thế này biết ai ăn ai đừng!? Ông lại cười và bảo: “Gọi là cùng ăn với nhau cho vui thôi mà. Chẳng nhẽ bữa của tớ phải có cả nồi canh to tướng mới mời được các cậu hay sao?” Thế là chúng tôi cũng cười theo ông rất tự nhiên.
Mãi gần tuần sau, khi anh Nguyễn Hoàng Hiếu, Chính trị viên Tiểu đoàn xuống thăm đơn vị, tôi kể chuyện trên đây cho anh nghe, anh bảo: “Vậy là các cậu được Tư lệnh chiêu đãi rồi còn gì!” Lúc đó tôi mới biết đó chính ta Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Nhưng chưa kịp mừng thì tôi đã giật thót người, may mà không ai để ý, vì bên tai tôi có ai đó đang trách: “Chết cha rồi! Việt ơi, sao trưa hôm đó mày lại nói năng dở hơi thế!?
Từ đó, mỗi lần có dịp đi qua vị trí đóng quân của Đại đội tôi, kể cả khi chúng tôi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông cách xa Bộ Tư lệnh hàng mấy chục cây số, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đều có quà cho cán bộ, chiến sỹ. Có khi ông vào tận lán, có khi xe ông đỗ ngoài đường, giao cho đồng chí nào đó đi cùng mang vào. Lúc thì mấy gói thuốc lá, lúc lại mấy gói thuốc lào. Mỗi lần như vậy, dù ít dù nhiều chúng tôi cũng chia đều cho các Trung đội và công bố rõ: ”Quà của Tư lệnh đấy!”.
Ảnh minh họa
Lần thứ hai, cũng giữa năm 1970. Lúc này tôi đã là Chính trị viên Đại đội, Bí thư chi bộ. Đơn vị nhận nhiệm vụ làm một đoạn đường cho xe con chạy trong khu Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh, dài chừng 2 ki - lô - mét. Lán của Đại đội tôi cách trung tâm Sở chỉ huy của Bộ Tư Lệnh khoảng 1 ki – lô – mét. Trời mưa rả rích đã gần một tuần rồi không ngớt. Sáng hôm đó các anh trong Ban chỉ huy Đại đội đều mỗi người mỗi ngả xuống “hiện trường” với anh em; tôi được phân công trực ở nhà. Đang ngồi tại lán chuẩn bị nghị quyết chi bộ thì một chiến sỹ hớt hải chạy lên nói trong hơi thở hổn hển:
- Báo cáo Thủ trưởng, Đại đội có khách ạ ! Tôi hỏi:
- Khách nào ? Ở đâu ?
Đồng chí chí chiến sỹ đáp:
- Không biết khách nào nhưng khá đông và đang ở dưới bếp ấy ạ!
Nghe vậy tôi vội chạy ngay xuống bếp. Bếp ở dưới gần bờ suối, cách lán của tôi khoảng năm chục mét. Đến cách bếp khoảng hơn chục mét tôi đã trông thấy đúng là Tư lệnh rồi. Ông trội hẳn lên trong những người đứng xung quanh. Tôi đến nơi thì vừa lúc nghe được trọn vẹn cuộc đối thoại sau đây giữa Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với với đồng chí Thòong A Sáng, chiến sỹ nuôi quân, người dân tộc Sán Dìu (Quảng Ninh):
Tư Lệnh: “Này đồng chí ! Bộ đội ăn có no không?”
Sáng: “Tạm đủ!”
Tư Lệnh: “Cơm ăn với gì?”
Sáng : “Muối!”
Tư lệnh: “Gì nữa?”
Sáng: “Muối cũng không đủ làm gì còn gì nữa!”
Nghe đến đây thì mọi người cười ồ, còn tôi thì quýnh lên không biết “chui vào đâu” cho đỡ xấu hổ, đành phải “chữa thẹn” bằng cách”: “Mời Tư Lệnh và các đồng chí lên nhà Đại đội xơi nước ạ!” Với vẻ mặt thật sự không vui,Tư lệnh lặng lẽ đi lên nhà Đại đội. Mọi người cũng im lặng đi theo. Vừa đến nơi, chưa ai kịp ngồi thì Tư lệnh nói luôn: “Anh Triệu đâu?” Nghe tiếng người “dạ”, tôi ngoảnh lại mới biết đó là đồng chí Đại tá Cục trưởng Cục Hậu cần, người mà tôi nghe tên từ lâu, nay mới gặp mặt. “Các anh làm ăn thế nào mà để đại đội 3 ăn cơm muối cũng không đủ?” – Tư lệnh hỏi. Rổi không để đồng chí Cục trưởng kịp nói gì, Tư lệnh tiếp luôn: “Anh em nó vất vả ngày đêm, dầm mưa dãi nắng làm đường cho ta đi, làm nhà cho ta ở, làm hầm cho ta trú bom đạn. Nó ở ngay sát nách Bộ Tư Lệnh mà để cuộc sống nó thế này sao?”.
“Báo cáo Tư lệnh…”Đồng chí Triệu chưa nói hết câu thì Tư lệnh lại tiếp: “Thôi, báo cáo sau. Từ nay, đơn vị nào tôi chưa biết, với đại đội 3, các anh không được để thiếu hay chậm tiêu chuẩn hậu cần của nó. Không được để nó đi vác gạo xa quá một cây số. Nếu cần thì lấy xe của tôi chở lương thực, thực phẩm cho anh em!...”. “Rõ!” Hình như đồng chí Triệu đã biết rằng lúc này chỉ cần nói với Tư lệnh như thế là đủ; mọi câu chữ khác đều thừa!
Tối hôm đó, trong lúc ăn cơm, tôi kể lại câu chuyện diễn ra buổi sáng cho các anh trong cả Ban chỉ huy đại đội nghe. Đại đội trưởng Vũ Văn Thận, quê Nam Hà nói: “Sao “cụ” đi cả đoàn đông thế mà không ai báo cho bọn mình biết trước nhỉ? Anh Nguyễn Quang, Đại đội phó thì băn khoăn: “Coi chừng chuyến này cánh mình bị Cục Hậu cần cho ăn đòn cũng nên!” Nhưng mãi vẫn không thấy lời “tiên đoán” của Quang thành hiện thực mà chỉ thấy các cơ quan trong Bộ Tư lệnh đều quan tâm đến Đại đội tôi nhiều hơn và đợt làm đường đó chúng tôi đã hoàn thành vượt thời gian gần một tuần!
Những chuyện tôi vừa kể diễn ra cách nay đã 52 năm. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước ta chuẩn bị kỷ niệm 47 năm ngày đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 47 năm qua, không chỉ người Việt Nam mà tất cả bạn bè của chúng ta trên khắp năm Châu cũng vậy, mỗi khi nhắc tới chiến công đánh Mỹ và thắng Mỹ của Việt Nam đều không thể không nhắc đến Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và vị Tư lệnh tài ba một thời của mặt trận đó – Tướng Đồng Sỹ Nguyên. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng không mấy ai biết được những mẩu chuyện nhỏ về ông như tôi vừa kể. Đó là một trong những nét bình dị mà sáng trong nhất tạo nên nhân cách ông. Và với tôi, đó là những kỷ niệm, những bài học đã trở thành hành trang của cả cuộc đời 44 năm quân ngũ của tôi cũng như mãi mãi sau này.
Tôi đã nhiều lần kể lại những mẩu chuyện trên đây cho cấp dưới của tôi, học trò của tôi và con cháu tôi nữa, với một niềm tự hào thật sự. Và thật cảm động khi thấy nhiều đồng chí cán bộ nghe tôi kể xong, nét mặt trở nên nghiêm trang hơn và chỉ nói một câu:”Các cụ ngày xưa thế chứ!”
Đại tá Phạm Văn Việt
Nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 77 - Đoàn 559
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN