N237- Ban XD 67 Trường Sơn Thanh Hóa - Lịch sử và Truyền thống

Ngày đăng: 04:54 23/04/2023 Lượt xem: 92
   
N237- Ban XD 67 Trường Sơn Thanh Hóa -
 Lịch sử và Truyền thống
(Bài viết nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ N237 và ngày thành lập Ban XD 67)

 
       Đội TNXP N34 gồm nam, nữ thanh niên tuổi 18 đôi mươi con em của quê hương thị xã Thanh Hóa ( nay là TP Thanh Hóa), huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, được UBHC tỉnh Thanh Hóa ( nay là UBND tỉnh Thanh hóa) thành lập ngày 14/4/1969, chọn con số 34 đặt tên cho đơn vị, hàm ý nghĩa chiến thắng Hàm Rồng oanh liệt của quân và dân Thanh Hóa trong hai ngày 3-4/4/1965, tỏ ý mong mỏi đơn vị nối tiếp truyền thống quê hương Thanh Hóa anh hùng. Đội được điều động bổ xung vào Ban XD 67, đổi phiên hiệu là N237 theo Nghị quyết số 43 NQ/ TWĐTN ngày 30/6/1969 của Ban bí thư TW Đoàn thanh niên lao động Việt Nam ( nay là Đoàn TNCSHCM). Đơn vị làm nhiệm vụ mở đường, bắc cầu bảo đảm giao thông phục vụ chiến đấu  trên 84 km tuyến Thống nhất 16A miền Tây Quảng Bình, Bắc Quảng Trị. thuộc hệ thống đường ngang tuyến Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh. Đường 16 có nhiều trọng điểm xung yếu như : Bang, Chu Kê, dốc Khảo Sát, dốc Ả, dốc Em, dốc 10%, Vít Thù Lù, dốc Thực Phẩm, làng Ho, dốc Khỉ, Đông Xuân, đèo 1001, ngã Ba Dân Chủ ( gặp đường 10), Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng.
      Đội TNXP N237( N34) tổ chức theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 71 TTG- CN ngày 21 tháng 6 năm 1965 vê việc tổ chức các “ Đội TNXP chống Mỹ cứu nước” phục vụ công tác GTVT, là một lực lượng đặc biệt, quân sự hóa của thanh niên, có vũ trang, được tổ chức và xây dựng trên 3 mặt trận: sản xuất, chiến đấu và học tập.
       Ban chỉ huy Đội được UBHC tỉnh chỉ định và điều động: đồng chí Đinh Tấn Thạc ( quê Tam Kỳ, Quảng Nam) công tác ở Nông trường Thống Nhát ( Yên Định) làm Đội trưởng, đồng chí Hoàng Minh Giảng cán bộ đoàn ngành GTVT Thanh Hóa làm Đội phó hậu cần, đồng chí Trịnh Thị Nhạn Bí thư đoàn xã Yên Trường ( Yên Định) làm Đội phó Bí thư đoàn. Ban XD 67 điều động đồng chí Phạm Tiến Dũng ( quê Hà Nội) Thượng úy Binh trạm 17 sang làm Đội phó quân sự, đồng chí Nguyễn Thanh Bính ( quê Bình Định) làm Đội phó Kế hoạch thi công.
         Năm 1970 đồng chí Phạm Tiến Dũng trở lại BT 17, năm 1971 đồng chí Trần Minh Hóa ( quê Nga Sơn) được đề bạt Đội phó Kế hoạch thi công thay đồng chí Nguyễn Thanh Bính nhận nhiệm vụ khác, năm 1972 đồng chí Hoàng Công Ánh điều động từ đường 10 sang làm đội trưởng thay đồng chí Đinh Tấn Thạc.
         Đội N237( N34) gồm 1250 cán bộ chiến sỹ được biên chế ở 07 đại đội trực tiếp do các huyện bố trí gồm có : Chi bộ Đảng, Chi Đoàn, Ban chỉ huy đại đội: Đại đội trưởng, Chính trị viên trưởng ( Bí thư chi bộ), Chính trị viên phó ( Bí thư chi đoàn), Đại đội phó đời sống hậu càn, Y tá, Giáo viên chuyên trách, liên lạc, cán bộ kỷ thuật ( do Ban XD 67 cử sang) : C2371( Đông Sơn, Thị xã), C2372 ( Thọ Xuân), C2373 ( Triệu Sơn), C2374 ( Yên Định, Vĩnh Lộc), C2375 ( Hoằng Hóa), C2376 ( Tĩnh Gia), C2377 ( Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh), 03 đơn vị chuyên môn gồm Đội cơ giới 18, Bệnh xá, Hậu cứ và tăng gia. Cơ quan Đội có 10 phòng ban gồm các cán bộ, CNV của Ban XD 67, Công trường 16 điều sang : Phòng Quản tri- Hành chính, phòng Nhân sự- Tiền lương, phòng Đời sống- Hậu cần, phòng Kế hoạch- Kỷ thuật, phòng Vật tư- Thiết bị, phòng Tài vụ, phòng Thông tin – Điện đài, phòng Quân sự, phòng Chính trị, phòng Thi đua- Văn hóa.
         Công tác lãnh đạo chính tri tư tưởng do Đảng bộ N237, ban đầu gồm có 45 đảng viên được Tỉnh ủy Thanh Hóa ra quyết định thành lập và chỉ định Ban chấp hành lâm thời gồm 05 đồng chí. Đồng chí Bùi Khối( quê Thành Tiến, Thạch Thành) Bí thư Đảng ủy xã Thành Tiến làm Bí thư Đảng ủy, 09 Chi bộ cơ sở: 07 chi bộ đại đội, chi bộ Cơ giới 18, chi bộ Bệnh xá và Hậu cứ tăng gia, đảng viên mới được kết nạp tại Trường Sơn là 35 đồng chí. Ngày 25/3/1970 tại cơ quan Đội ( dốc Ả) đã tổ chức Đại hội Đảng bộ N237 lần thứ nhất bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí : đồng chí Bùi Khối được bầu làm Bí thư đảng ủy, đồng chí Đinh Tấn Thạc Đội trưởng làm Phó Bí thư , đồng chí Trịnh Thị Nhạn Bí thư đoàn là Thường vụ đảng ủy và 08 đảng ủy viên: Nguyễn Thanh Bính đội phó, Phạm Hồng Sơn C trưởng C2377, Lê Minh Thóc C trưởng C2372, Nguyễn Thị Quyên chính trị viên trưởng C2376, Lê Ngọc Xương chính trị viên trưởng C2377, Lê Đức Ngữ chính trị viên trưởng C2375, Trịnh Ngọc Quyền trưởng ban tổ chức đảng ủy N237, Ngô Duy Tân ( quê Nga Sơn) Ban tuyên giáo đảng ủy N237
      Là một trong những tuyến đường chiến lược Tây Trường Sơn, vận tải vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam nói chung cụ thể cho mặt trận B5- Đ9 Bình Trị Thiên. Các đại đội được bố trí bảo đảm các cung đường có các trọng điểm ác liệt, thay đổi luân chuyển trên tuyến đường theo yêu cầu của nhiệm vụ:
      * C2371 (C341) đảm bảo cung đường từ ngã tư Thạch Bàn, Bang, dốc Chu Kê: Ban chỉ huy đại đội gồm có:: Đại đội trưởng Lê Kinh Hay ( quê Đông Minh, Đông Sơn) sau đó do sức khỏe yếu được xuất ngũ về địa phương đ/c Nguyễn Văn Sỹ ( quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh) Công trường 16 bổ xung làm Đại đội trưởng, Chính trị viên trưởng Trịnh Thị Tuyên ( quê Đông Quang, Đông Sơn) đại đội phó hậu cần Trần Thị Đãi ( quê Đông Văn, Đông Sơn), chính trị viên phó ( bí thư đoàn) Lê Bách Tùng ( quê ở tiểu khu Lam Sơn, thị xã Thanh Hóa) năm 1970 Lê Thị Yến ( quê ở Đông Nam, Đông Sơn).thay Lê Bách Tùng chuyển lên cơ quan Đội. Giữa năm 1970 đơn vị được chia đôi 1/2 bổ xung vào C2372, 1/2 bổ xung vào C2373. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ rút về Đội, đồng chí Trịnh Thị Tuyên về đơn vị Tăng gia, hậu cứ, đồng chí Lê Thị Yến chuyển sang đội cơ giới 18, đồng chí Trần Thị Đãi chuyển vê trường Nông nghiệp Thanh Hóa. Đơn vị có 06 đồng chí hy sinh tại tuyến đường được công nhận liệt sỹ : “Lê Bách Tùng (P. Lam Sơn), Nguyễn Trọng Đại( P. Nam Ngạn), Nguyễn Văn Khỏe ( P. Đông Vệ), Vũ Thị Lụa ( P. Phú Sơn), Hồ Văn Kiện, Nguyễn Văn Sính( xã Đông Văn),
      * C2372 (C342) đảm bảo cung đường có các trọng điểm : dốc Chu Kê , dốc Khảo sát, dốc Ả, dốc Em. Ban chỉ huy đại đội gồm có: Đại đội trưởng Lê Minh Thóc ( quê Xuân Hòa, Thọ Xuân), Chính trị viên trưởng Trịnh Thị Quế ( quê Xuân Trường Thọ Xuân), Đại đội phó hậu cần Lê Thị Lan ( quê Xuân Tín, Thọ Xuân), chính trị viên phó( bí thư đoàn) Nguyễn Thị Nguyên ( quê Thọ Hải, Thọ Xuân), năm 1971 đồng chí Trịnh Quế bị thương đi điều trị và an dưỡng ở Nam Hà, đồng chí Nguyễn Thị Nguyên thay làm Chính trị viên trưởng, A trưởng Lê Vũ Quang đề bạt làm chính trị viên phó. Đơn vị có 05 đồng chí hy sinh tại tuyến đường: “ Lê Thị Thửa (quê Bắc Lương, Thọ Xuân), Nguyễn Thị Tân( quê Xuân Yên, Thọ Xuân), Trịnh Thị Hàn( quê Phú Yên, Thọ Xuân), Nguyễn Văn Kỳ ( quê Xuân Thiên, Thọ Xuân), Đỗ Thị Vượng ( quê Xuân Minh, Thọ Xuân).
      * C2373( C343) đảm bảo cung đường có các trọng điểm: dốc 10%, Vít Thù Lù. Ban chỉ huy đại đội gồm có: Đại đội trưởng Trần Thị Xuyên ( quê Dân Lý, Triệu Sơn), Chính trị viên trưởng Trịnh Ngọc Quyền ( quê Tân Ninh, Triệu Sơn) sau đó rút lên Ban tổ chức N237, đại đội phó hậu cần Hà Văn Đường ( quê Hợp Thành, Triệu Sơn), Chính trị viên phó Lê Thị The ( quê Đồng Thắng, Triệu Sơn). Đơn vị có 05 đồng chí hy sinh tại tuyến đường: “ Phạm Văn Cành( quê Dân Quyền, Triệu Sơn), Trần Huy Thục (quê Thọ Ngọc, Triệu Sơn), Lê Duy Kiểm ( quê Thọ Tiến, Triệu Sơn), Hà Hồng Khôi ( Hợp Thành, Triệu Sơn), Trần Công Lịch ( quê Đồng Lợi, Triệu Sơn).
      * C2374 ( C344) đảm bảo cung đường có các trọng điểm: dốc Thực Phẩm, làng Ho. Ban chỉ huy đại đội gồm có: Đại đội trưởng Nguyễn Thị Mận ( quê Yên Định), Chính trị viên trưởng Lê Văn Lợi ( quê Yên Phú, Yên Định), Đại đội phó hậu cần Ngô Thị Do( quê Định Hòa, Yên Định), Chính trị viên phó Trịnh Thị Thảo( quê Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc). Đơn vị có 03 đồng chí hy sinh tại tuyến đường: Bùi Văn Minh ( quê Yên Lạc, Yên Định), Trịnh Hồng Phê( quê Vĩnh Minh, Vĩnh Lộc), Lê Thị Thanh ( quê Yên Phú, Yên Định).
      * C2375 ( C345) đảm bảo cung đường có các trọng điểm: dốc Khỉ, Đông Xuân. Ban chỉ huy đại đội gồm có: Đại đội trưởng Cao Ngọc Liễn ( quê Hoằng Lưu, Hoằng Hóa), Chính trị viên trưởng Lê Đức Ngữ ( quê Hoằng Tân, Hoằng Hóa), Đại đội phó hậu cần Nguyễn Thị Huy ( quê Hoằng Đại, Hoằng Hóa), Chính trị viên phó Đào Thị Xuân ( quê Hoằng Khê, Hoằng Hóa), năm 1970 đồng chí Cao Ngọc Liễn hy sinh, đề bạt đồng chí Lê Xuân Trịnh A trưởng lên Ban chỉ huy đại đội. Đơn vị có 10 đồng chí hy sinh tại tuyến đường: “ Cao Ngọc Liễn ( quê Hoằng Lưu, Hoằng Hóa), Lê Thị Hồng ( quê Hoằng Đồng, Hoằng Hóa), Hồ Thị Huân ( quê Hoằng Hải, Hoằng Hóa), Lê Thị Mão ( Hoằng Đại, Hoằng Hóa), Nguyễn Ngọc Hợi ( quê Hoằng Lộc, Hoằng Hóa), Trương Đình Thắng ( quê Hoằng Trường, Hoằng Hóa), Lê Mạnh Hùng ( quê Hoằng Quý, Hoằng Hóa), Nguyễn Thị Tâm (quê Hoằng Cát, Hoằng Hóa), Nguyễn Thị Mao ( quê Hoằng Đạt, Hoằng Hóa), Cao Văn Tợi ( quê Hoằng Đức, Hoằng Hóa).
       * C2376 ( C346) đảm bảo cung đường có các trọng điểm: Bãi đạn, dèo 1001. Ban chỉ huy đại đội gồm có: Đại đội trưởng Lê Hồng Thái ( quê Trường Lâm, Tĩnh Gia ), Chính trị viên trưởng Nguyễn Thị Quyên ( quê Hải Bình, Tĩnh Gia), Đại đội phó hậu cần Lê Thị Liên ( quê Trúc Lâm, Tĩnh Gia), Chính trị viên phó Nguyễn Thị Năm ( quê Anh Sơn, Tĩnh Gia). Đơn vị có 04 đồng chí hy sinh tại tuyến đường: “ Lâm Ngọc Đông ( quê Hải An, Tĩnh Gia), Đỗ Thị Lý ( quê Hải Lĩnh, Tĩnh Gia), Lê Văn Ngữ ( quê Tỉnh Hải, Tĩnh Gia), Lê Thị Nguyệt ( quê Hùng Sơn, Tĩnh Gia).
      * C2377 ( C347) đảm bảo cung đường có các trọng điểm : ngã ba Dân Chủ, Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng. Ban chỉ huy đại đội gồm có: Đại đội trưởng Phạm Hồng Sơn ( quê Bình Lương, Như Xuân), Chính trị viên trưởng Lê Ngọc Xương ( quê Xuân Dương, Thường Xuân), Đại đội phó hâu cần Lê Thị Ty ( quê Thọ Thanh, Thường Xuân) Chính trị viên phó Lê Thị Viên ( TT Yên Cát, Như Xuân). Đơn vị có 03 đồng chí hy sinh tại tuyến đường : “ Quách Thị Kẹo ( quê Xuân Du, Như Thanh), Trương Thị Chiến ( quê Tân Thành, Thường Xuân), Lò Văn Ron ( quê Xuân Mỹ, Thường Xuân).
      Các đơn vị đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, mặc cho bom đạn của địch đánh phá ác liệt, với ý chí “ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” với quyết tâm địch đánh ngày coi như không đánh, địch đánh đêm xóa hẳn tắc đêm, hạn chế tắc giờ. Tuyến đường sau khi được sữa chữa nâng cấp để vận tải cơ giới từ chổ xe chạy một chiều, đến tháng 5/1970 đã được mở rộng ra 5m mặt đường và rãi cấp phối một số đoạn bị lầy lội, làm mới 38 chiếc cầu tạm qua khe suối, phà cho xe qua. Các trọng điểm ác liệt đều bố trí âu dấu xe khi có máy bay Mỹ đánh phá để ẩn náu.Tuyến đường bị máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm, đỉnh điểm nhất là ngày 1/5/1970, đơn vị đã có nhiều đồng chí bị thương, hy sinh, tổn thất nặng nề nhất là C2375 ( Hoằng Hóa) trong đó có đ/c Cao Ngọc Liễn Đại đội trưởng.
       Tháng 6,7 năm 1969 để chuẩn bị cho chiến dịch đường 9- Nam Lào. Mặt trận Bình Trị Thiên đã huy động hơn 600 cán bộ chiến N237 do đ/c Trịnh Thị Nhạn Đội phó bí thư đoàn chỉ huy vào gùi hàng: vũ khí, đạn dược, quân trang, lương thực thực phẩm từ ngầm Sê Păng Hiêng theo tuyến đường suối vào chiến trường Khe Sanh. Mỗi chiến sỹ gùi trên lưng hàng hóa bình quân từ 50 kg trở lên, nhiều đ/c đã gùi trên 70 kg điển hình như hai kiện tướng gùi hàng: Trương Thị Nga C2371, Lê Hùng Thức C2372. Kết thúc chiến dịch Ban chỉ huy mặt trận đã tặng giấy khen cho tập thể và nhiều cá nhân xuất sắc.
        Về nhiệm vụ học tập: cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với cán bộ chiến sỹ để nâng cao trình độ văn hóa, đào tạo chuyên môn sau này. Ngoài giáo viên chuyên trách do Ty giáo dục Thanh Hóa cử đi, mỗi đại đội còn chọn cử một đến hai đ/c có trình độ văn hóa cấp 3 làm giáo viên bán chuyên trách dạy ngoài giờ, buổi tối, ngày mưa không lên tuyến. Đôi 237 thành lập trường BTVH trực thuộc Ty giáo dục Quảng Bình năm 1971, 1972 đã tổ chức các kỳ thi tốt ngiệp cấp 2, 3, sau khi tốt nghiệp nhiều đ/c đã đước cử đi học ĐH, THCN các ngành chuyên môn khác nhau phục vụ trong các cơ quan doanh nghiệp và ngành GTVT nay hầu hết đã nghĩ hưu. Với tinh thần ở tuyến lửa Trường Sơn “ Tiếng hát át tiếng bom”, “ hát cho đồng đội tôi nghe”, các đơn vị đều thành lập các đội văn nghệ tập luyên  để tham gia hội diễn vào các dịp tết, ngày lễ kỷ niệm thành lập Đoàn 26/3.. tạo một không khí vui tươi phấn khởi, yêu đời, lạc quan vào một tương lai tươi sáng của đất nước.
        Cuộc chiến đấu trên mặt trân GTVT của đơn vị từ 14/4/1969 đến 31/12/1972 là một cuộc chiến đấu ác liệt dưới mưa bom bão đạn, gian lao khốc liệt của gió núi mưa ngàn Trường Sơn với bao hy sinh tổn thất nhiều đ/c đã hy sinh anh dũng, bị thương tật, một số đ/c nữ đã hiến trọn tuổi thanh xuân của đời con gái trên tuyến đường, để rồi phải chịu cảnh “lỡ làng” và còn biết bao nổi đau mất mát, bệnh tật mà trong nhiều năm qua đơn vị vẫn âm thầm chịu đựng và không thể bù đắp hết được
        Hoàn thành nhiệm vụ tháng 12/1972 đơn vị bàn giao tuyến đường lại cho lực lượng TNXP các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương viết tiếp những trang sử hào hùng vẻ vang của tuyến Thống Nhất 16A Trường Sơn anh hùng. Cán bộ chiến sỹ một số được chuyển ngành, đi học Đại học, THCN còn lại đa số được đi an dưỡng sau đó xuất ngũ về địa phương, xây dựng gia đình lao động sản xuất, nuôi dạy con cái hòa mình với cuộc sống mới. Nhưng bản chất TNXP và truyền thống của đơn vị vẫn mãi đồng hành cùng nhau trên mọi nẽo đường. Ngay từ những năm đầu 1990 nhiều đồng đội tâm huyết đã biết nhóm lên ngọn lửa ấm áp nghĩa tình đồng đội, lần lượt các Ban liên lạc hoạt động tự nguyện ra đời ( C2371, C2376, C2372,C2375, C2377, C2373, C2374)
Nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh của tập thể, động viên giúp đỡ nhau, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống đời thường. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của đơn vị( 14/4/1969- 14/4/2009). Ngày 10/4/2009 Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định thành lập Ban liên lạc số 157 QĐ/HCTNXP-TH, gồm 11 đ/c do đ/c Bùi Khối nguyên Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban ( nay là đ/c  Hoàng Mạnh Hùng làm Trưởng ban). Ngay sau khi được thành lập Ban liên lạc đã đi vào hoạt động tích cực và hiệu quả, tổ chức thành công lễ kỷ niệm 40, 45, năm ngày truyền thống đơn vị vào các năm 2009, 2014. Vừa qua ngày 14/4/2019 hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống thống Bộ đội Trường Sơn. tại Hội trường lớn Trung tâm hội nghị tỉnh Thanh Hóa ( 25B) đơn vị đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống( 14/4/1969- 14/4/2019) và đưa hoạt động vào nề nếp, động viên cán bộ, chiến sỹ tham gia tích cực vào các phong trào hoạt động của các cấp hội cơ sở, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội nơi cư trú. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến và nhân sự cho Đại hội Hội Cựu TNXP các cấp nhiệm kỳ 1, 2, 3. Hội Trường Sơn các cấp nhiệm kỳ 1,2. Đơn vị vinh dự có 4 đ/c là ủy viên BCH tỉnh Hội TNXP, 1 đ/c là ủy viên BCH tỉnh Hội Trường Sơn đảm nhận các cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện (Thọ Xuân, Như Xuân, Hoằng Hóa), Trưởng ban liên lạc N237, hơn 50 đ/c là Chủ tich, phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP cơ sở, các Hội đoàn thể chính trị, xã hội cấp xã, phường. Nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, cổ vũ, ủng hộ giúp đỡ sát cánh cùng nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giầu đẹp văn minh. Ban liên lạc đã làm tốt nhiệm vụ là một nhân chứng lịch sử của đơn vị kiến nghị, đề nghị Sở LĐTB và XH , Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa giải quyết các chế độ còn tồn đọng sau chiến tranh như: liệt sỹ, thương bệnh binh, chất độc điôxin. Đề nghị các tổ chức xã hội từ thiên xây dựng hơn 12 căn nhà tình nghĩa cho các Cựu TNXP, chiến sỹ Trường Sơn trong đơn vị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá mỗi căn nhà là 50 tr đồng
Hàng năm Ban liên lạc còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, thăm các di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh của đất nước, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng cho tổ quốc nhân dịp vào các ngày lễ kỷ niệm hàng năm. Một hoạt động hết sức có ý nghĩa, để tri ân tưởng nhớ tới công lao của các liệt sỹ TNXP N237 đã hy sinh anh dũng trên tuyến 16 Trường Sơn, thể theo nguyện vọng của Ban liên lac N237. Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa xét thấy đây là một nghĩa cử cao đẹp, phù hợp với đạo lý nhớ nguồn, truyền thống đền ơn đáp nghĩa, đã đề nghị UBND, Sở LĐTB và XH, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa xem xét hồ sơ, hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng. Ban liên lạc đơn vị truyền thống N237 đã vận động các tổ chức, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí gần 200 triệu đồng, anh em cán bộ chiến sỹ trong đơn vị Cựu TNXP N237 đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng nhà Bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP N237 tại ngã Ba Dân Chủ ( thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ). Công trình đã được tiến hành vào ngày 05/7/2012 ( dịp kỷ niệm ngày truyền thống TNXP 15/7) và hoàn thành vào ngày 05/12/2012. Lễ khánh khành vào ngày 24/12/2012 nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam ( 22/12/1944- 22/12/2012).
Trên tuyến đường Tây Trường Sơn có một công trình truyền thống biểu trưng những tình cảm của quê hương xứ Thanh tạc vào lịch sử hào hùng của Trường Sơn đại ngàn”. Đây là một công trình để lại cho thế hệ mai sau, truyền thống của TNXP Việt Nam, chiến sỹ Trường Sơn anh hùng
         Năm mươi năm, một phần 2 thế kỷ đã trôi qua, kỷ niệm đồng đội những năm tháng từng sống chiến đấu, lao động và học tập trên tuyến 16 Trường Sơn mãi mãi đi vào ký ức không phai mờ, tình cảm gắn bó keo sơn thủy chung đã giúp các bộ chiến sỹ N237 luôn biết vượt qua mọi khó khăn. ốm đau, bệnh tật hậu quả của chiến trường ác liệt tiếp xúc với bom đạn và chất độc hóa học năm xưa không làm nguôi đi được ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của các Cựu TNXP N237, động viên giúp đỡ nhau sống vui , sống khỏe, sống vì nghĩa tình đồng đội.
Truyền thống của đơn vị mãi mãi được gìn giữ và phát huy, góp phần vào truyền thống của TNXP Việt Nam, chiến sỹ Trường Sơn anh hùng.
                                                                                 Hoàng Mạnh Hùng
                                                                            Trưởng ban liên lạc N237
                                                                 CTV Bản tin và trang báo điện tử Trường Sơn


 
DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA BLL
 
 













tin tức liên quan
test 123