"Câu chuyện đặc biệt Hai cháu bé Lào năm xưa và việc cần sự giúp đỡ gia đình Lào-Việt - Lâm Văn Chung" - TG: Hoàng Kiền
CÂU CHUYỆN ĐẶC BIỆT HAI CHÁU BÉ LÀO NĂM XƯA
VÀ VIỆC CẦN SỰ GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH LÀO - VIỆT LÂM VĂN TRUNG
(Sau ba ngày trao đổi rất nhiều với vợ chồng cháu Trung (Bảy) đại tá Đậu Xuân Tường, Thượng tá Nguyễn Đức Tín, xem lại các bài viết đã đăng trên báo, các Video đã đưa lên mạng... các sách đã viết. Tôi viết hoàn chỉnh bài đăng này, đưa lên trang Facebook của mình. Mong đồng đội bạn bè, người thân và cộng đồng mạng quan tâm đọc, giúp đỡ gia đình Lào - Việt Lâm Văn Quang).
Chuyện xảy ra vào ngày 19 tháng 12 năm 1973 tại Binh trạm 37, Binh trạm cuối cùng sâu nhất trên đường Trường Sơn ở khu vực tiếp giáp ba nước Đông Dương, thuộc Sư đoàn 470 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nơi chiến trường vô cùng ác liệt. Đang chuẩn bị ăn cơm trưa, Đội điều trị nhận được lệnh đến bản Nọi - xã Phăng Đen - huyện Xay Xa Tha - tỉnh A Tô Pơ cấp cứu một cặp song sinh của vợ anh bộ đội Pa Thét Lào. Tới nơi, hai cháu sơ sinh đã chuyển ra chuẩn bị chôn cùng mẹ theo tập tục ở đây, vì mẹ cháu đã chết. Hai bé trai nặng 1,2 kg và 1,5 kg người tím tái đang thoi thóp thở. Tổ cấp cứu xin ý kiến, được cấp trên chỉ đạo đưa hai cháu về đội điều trị cứu chữa ngay. Trong khi gia đình còn đắn đo, tổ đã "cướp người" đồng thời thuyết phục gia đình và dân bản, giải thích cho dân hiểu, không sợ ma làm hại nữa đâu. Đội điều trị, phân công bố đỡ đầu là Trung uý - Bác sỹ Bùi Xuân Quang, hai mẹ nuôi là Trung sĩ Y tá Phan Thị Thanh Huyền và Trung sĩ Y tá Nguyễn Thị Minh Đồng nuôi dưỡng hai cháu. Bố của hai cháu là Thạo Bun Ma đau đớn, khóc ròng nói qua nước mắt: “Cám ơn các đồng chí bộ đội Việt Nam, tuy không thể cứu được mẹ, nhưng cứu được hai đứa bé, nhưng bây giờ biết nuôi nấng chăm sóc làm sao, bố thì chinh chiến nay chiến trường này, mai chiến trường khác, gia đình không có ai thân thích, lại còn ba con nhỏ nữa. Nếu tôi đưa về thì chúng cũng chết mất, nhờ bộ đội Việt Nam chăm sóc hộ, công ơn này tôi không bao giờ quên".
Chia sẻ với mất mát, cảm thông với hoàn cảnh của hai cháu. Ban chỉ huy hội ý và điện báo cáo lên cấp trên, Sư đoàn điện xuống chỉ đạo Binh trạm nhận hai cháu bé và chăm sóc thật chu đáo. Được hai cô y tá giỏi trực tiếp nuôi dưỡng cùng với sự chăm sóc yêu thương đùm bọc của cả đơn vị, hai cháu khoẻ lên lớn nhanh, niềm vui mừng của cả đội điều trị, ai cũng như nở ra từng khúc ruột. Tên hai cháu ban đầu được đặt là Hồ Thanh Ba và Hồ Thanh Bảy (Lấy họ Bác Hồ, tên do các cháu được sinh ra tại khu vực Binh trạm 37 – Ba và Bảy).
Ngày 21/2/1974 bố của hai cháu là Thạo Bun Ma làm giấy bảo đảm cho hai cháu để anh em bộ đội Việt Nam nuôi, có chữ ký đóng dấu xác nhận của xã Phăng Đen và huyện Xay Xa Tha. Binh trạm 37 làm lý lịch cho hai cháu, có ký đóng dấu xác nhận của Thiếu tá Hồ Tấn Mạnh - Phó chính uỷ Binh trạm.
Tháng 3 năm 1974, Binh trạm 37 chuyển thành Trung đoàn làm đường ống xăng dầu, hai cháu được chuyển ra bàn giao cho Viện 48 thuộc Sư đoàn 472 - BTL Trường Sơn. Viện đổi tên hai cháu thành Quang và Trung, là tên của Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, mật danh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn hồi đó. Hai cô y tá: Hoàng Thị Cúc chăm sóc cháu Quang, Nguyễn Thị Thập chăm sóc cháu Trung. Cả hai cô còn trẻ, chưa có gia đình nhưng tận tình chăm sóc cùng với cả tập thể cán bộ nhân viên của bệnh viện hết lòng, các thương bệnh binh mới đến đều quan tâm tới hai cháu. Giữa rừng già ở chiến trường Trường Sơn, được nghe tiếng trẻ thơ là niềm vui chung của đơn vị.
Tháng 8 năm 1974 trong chuyến đi khảo sát tìm mỏ vật liệu, tôi và anh Vi Văn Chúm cùng là trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn 472 vào Viện 48 thăm đồng hương quê tôi, thăm hai cháu. Thấy các cô bộ đội Việt Nam chăm sóc thật tận tình chu đáo, giành cho hai cháu vật chất quí nhất có được ở chiến trường và tình yêu thương đằm thắm. Chúng tôi nhìn hai cháu vừa mừng vừa thương.
Cuối năm 1974 các Sư đoàn chuyển sang phía đông xây dựng đường cơ bản, vận chuyển chi viện cho chiến trường. Viện 48 cùng di chuyển sang phía Đông Trường Sơn, ta chuẩn bị mở chiến dịch lớn, không thể mang các cháu đi theo được nữa. Ban chỉ huy Viện điện báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo, nhận được chỉ thị nếu tình huống khó khăn quá thì giao các cháu cho phía bạn. Các cô và chỉ huy đơn vị đã đề nghị chuyển các cháu ra Bắc... Sau một đêm suy nghĩ, Chính uỷ Đỗ Thế Nhung xin nhận cháu Quang (Ba) làm con nuôi đưa về quê ở Thái Bình và bàn với Chủ nhiệm khoa nội Bác sĩ Lâm Văn Chiến nhận cháu Trung (Bảy) làm con nuôi đưa về quê ở Ninh Bình. Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho điều động ngay một xe ô tô chở hai ông bố nuôi, cùng hai cô y tá, một Quân Y sĩ đi kèm để chăm sóc và giải quyết mọi tình huống bất trắc có thể xẩy ra trên suốt cả chặng đường dài ra Bắc về hai quê hương mới của hai cháu.
Được sự chăm sóc nuôi dưỡng của hai gia đình, hai cháu ăn học, lớn lên bố mẹ nuôi cưới vợ cho. Cháu Đỗ Thế Quang (Ba) ở Thái Bình có hai con trai một con gái, cháu Lâm Văn Trung (Bảy) ở Ninh Bình có hai con gái, cuộc sống của hai gia đình các cháu cũng như những gia đình hai thôn quê.
Năm 2001, nhờ các Cựu chiến binh Trường Sơn kết nối, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Quốc gia Lào đã tổ chức cầu truyền hình giữa Thủ đô hai nước: Hà Nội - Viêng Chăn, hai cháu được gặp người thân. Mẹ cháu mất khi sinh hai cháu ra, bố cháu đi bộ đội Pa Thét Lào mất năm 1978, còn hai anh trai và một chị gái bên Lào, bố mẹ mất khi cả ba anh chị của các cháu còn nhỏ, tự kiếm ăn nuôi sống nhau, lớn lên; nhưng chỉ có anh trai giáp hai cháu là Kẹo Sa Khỏn lên Viêng Chăn được để gặp nhau qua cầu truyền hình, thật vui mừng, xúc động, như thể trong mơ.
Năm 2002 được các tổ chức tạo điều kiện, hai gia đình các cháu về thăm quê bên Lào ở bản Nọi - xã Phăng Đen - huyện Xây Xa Thả -Tỉnh A Tô Pư , gặp lại anh chị, họ hàng, dân bản thật là phấn khởi và xúc động vô cùng.
Hội Trường Sơn Sư đoàn 470 và Hội Trường Sơn Bệnh viện 48 thường xuyên tổ chức thăm tặng quà đồng đội Đỗ Thế Nhung và gia đình cháu Lâm Thế Quang ở Thái Bình, đồng đội Lâm Văn Chiến và gia đình cháu Lâm Văn Trung ở Ninh Bình.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), Hội Trường Sơn Bệnh viện 48 tổ chức gặp mặt kỷ niệm tại Bảo Tàng Đường Hồ Chí Minh. Sau 45 năm hai cháu Đỗ Thế Quang và Lâm Văn Trung cùng vợ con được gặp lại các bác, các chú, các cô bộ đội Trường Sơn năm xưa trong niềm vui mừng xúc động, dạt dào tình yêu thương, sáng ngời hình ảnh cao đẹp Việt - Lào. Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thật tự hào, tiếp tục giữ gìn phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào với Trường Sơn Huyền thoại. Thay mặt Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam về dự, tôi gặp lại hai cháu sau 45 năm, chụp tấm ảnh chung kỷ niệm thật vui mừng cảm động.
Tấm ảnh kỷ niệm Thiếu tướng Hoàng Kiền chụp cùng 2 cháu Đỗ Thế Quang và Lâm Văn Trung
tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh sau 45 năm gặp lại
Hai cháu Đỗ Thế Quang và Lâm Văn Trung cùng vợ con được gặp lại các bác, các chú,
các cô bộ đội Trường Sơn năm xưa trong niềm vui mừng xúc động...
CUỘC ĐIỆN THOẠI ĐÊM KHUYA
Gần 23 giờ đêm 2/6/2022 nhận được tin nhắn qua Mesenger, cháu là Đỗ Hồng Vân vợ anh Bảy người Lào ạ!
Bảy nào cháu.
Hai anh em người Lào sinh đôi được bộ đội Việt Nam nuôi ạ, có ảnh chụp chung với bác đấy.
Ồ, bác nhớ rồi.
Thế ai giới thiệu mà cháu biết đến Facebook của bác?
Qua Facebook của bác Phùng Ánh, Cựu chiến binh Trường Sơn công tác ở Viện 48 năm xưa cùng tham gia chăm sóc nuôi dưỡng anh Ba và anh Bảy, cháu biết đến bác qua các hoạt động tình nghĩa trên Facebook, thế là cháu tìm Mesenger của bác để nhắn tin ạ.
Cháu nhắn tin trình bày: Có một việc của gia đình cháu, cháu cầu cứu bác giúp chúng cháu. Nhắn tin rất nhiều mất nhiều thời gian, lâu lắm mà chưa hết ý. Tôi hỏi số điện thoại rồi nói chuyện, cháu vừa nói vừa khóc, hoàn cảnh cháu khó khăn lắm về nhà cửa đất đai. Họ đang nói kỷ luật cháu, lý do là Đảng viên, Trạm trưởng trạm y tế xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, không vận động được chồng để làm nhà trên đất đấu thầu đất nông ngHiệp. Cháu oan ức lắm bác ạ.
Sáng hôm sau tôi gọi điện nói chuyện với cả hai vợ chồng cháu rất nhiều lần tìm hiểu cho rõ.
Các cháu lấy nhau có hai con gái, bố mẹ nuôi không có đất, bố mẹ vợ cho mượn mảnh đất làm nhà, cháu Bảy đứng ra xây, đất vẫn mang tên của ông bà ngoại. Cả dãy gần chục gia đình, các cháu cũng không biết nguồn gốc đất, khi có đơn kiện, địa phương kiểm tra, là đất đấu thầu sản xuất chứ không phải là đất thổ cư. Bên cạnh cũng có gia đình như nhà cháu mà không việc gì, họ lại cứ kiện nhà các cháu. Cách đây gần chục năm vào năm 2015 họ kiện, các cháu đã báo cáo giải trình xong rồi, tổ chức không xử lý, cháu vẫn được bầu vào Hội đồng nhân dân xã hai khoá liền. Nay họ lại kiện khơi lại, Tổ chức yêu cầu Đảng viên Đỗ Hồng Vân kiểm điểm để kỷ luật Đảng nên cháu rất bức xúc, oan ức lắm, mất ăn mất ngủ mới tìm đến cầu cứu bác giúp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị bệnh ngứa, được Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình tổ chức vận động đồng đội ủng hộ kinh phí, xin cho sang chữa một tháng miễn phí ở cơ sở khử độc Đioxin, về vẫn không khỏi, ốm đau ở nhà thôi, tiền thuốc cũng tốn kém, hơn một năm nay Bảy chỉ ngồi ở nhà gãi ngứa thôi.
Qua trao đổi với các cháu được biết, cháu Quang ( Ba ) ở Thái Bình gia đình ổn định, Ba học hết lớp 9/10, lao động làm ăn, bố nuôi cắt đất cho làm nhà, kinh tế, mọi mặt gia đình khá hơn em Trung. Trung (Bảy) học hết lớp 7/10, nghỉ đi lao động làm thuê làm mướn, hoàn cảnh gia đình bố nuôi cũng khó khăn, không có đất cho làm nhà, sang nhờ bên ngoại. Con gái lớn học đại học bên Lào 5 năm chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Lào về chưa xin được việc, con gái nhỏ đang học lớp 10.
Cháu Trung (Bảy) đã viết thư tay và đơn gửi huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 26/5/2023 đề nghị quan tâm giúp đỡ cháu.
Nghe các cháu trình bày cũng thật thương cảm, chú hướng dẫn hai cháu năm việc:
- Chữa bệnh: Cứ lấy cỏ mực - tức là cỏ nhọ nồi giã ra xát vào hàng ngày cho chồng cháu, kiên trì sẽ đỡ và có thể khỏi. Rồi các chú tìm thêm thuốc nữa.
- Đất đai: Cứ bình tĩnh, chồng cháu làm đơn nhận có sai phạm, nhưng do hoàn cảnh gia đình như thế, bên Lào thì đất thoải mái, về Việt Nam làm con nuôi, gia đình bố nuôi cũng khó khăn, không có đất chia cho nên cảnh tình thế này, mong các cấp Chính quyền địa phương xem xét chiếu cố. Cả hai cháu đều có ý kiến và ký vào.
- Gửi hồ sơ các loại, bác sẽ trao đổi với Đại tá Đậu Xuân Tường, Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 470, Thượng tá Nguyễn Đức Tín - Chủ tịch Hội Trường Sơn Bệnh viện 48 và đề nghị các bác lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam quan tâm xem xét giúp đỡ.
- Chú sẽ trao đổi với Tiến sĩ Vũ Văn Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình nơi có nhiều sinh viên Lào học tập quan tâm xem xét giúp con gái cháu vào làm việc.
- Cháu chụp ảnh gia đình, tình trạng bệnh của chồng cháu, nhà cháu và khu vực đang ở để bác xem thêm, có cơ sở thông tin cho các nơi.
VỀ LỊCH SỬ
Tại Nho Quan - Ninh Bình có đền thờ Công chúa nước Lào - Nhồi Hoa. Vào thế kỷ XV, vâng lệnh Vua cha, Công chúa đưa đàn voi từ bên nước Triệu Voi sang giúp nhà Vua nước ta luyện voi đánh giặc, khi trở về do lâm bệnh nặng, bà mất tại đây. Nhân dân đã lập đền thờ Công chúa ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đền thờ được cấp Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh, đã có cuộc hội thảo khoa học để nâng di tích lịch sử lên tầm Quốc gia. Công chúa Nhồi hoa là vị Công chúa nước ngoài duy nhất được lập đền thờ ở nước ta. Một minh chứng về lịch sử, tình hữu nghị lâu đời, thuỷ chung son sắt giữa hai nước Việt - Lào.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn được mở ra chủ yếu bên đất Lào để chi viện sức người sức của cho chiến trường giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sự giúp đỡ của nhân dân Lào với đường Trường Sơn nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung là vô cùng to lớn. Mối quan hệ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước là vô tư, trong sáng, mẫu mực, thuỷ chung mà trên thế giới không nơi nào có được. Bộ đội Trường Sơn đã nuôi dưỡng từ lúc sơ sinh, rồi đưa hai cháu bé người Lào về Việt Nam nuôi dạy cho đến nay, đó là một biểu hiện tình cảm đặc biệt giữa hai nước.
Đề nghị lãnh đạo , Chính quyền xã Gia Tiến - huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình xem xét giúp đỡ gia đình các cháu.
VỚI HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM
Ngày 5/6/2023 tại Hội nghị giao ban Hội Trường Sơn Việt Nam, tôi nêu vấn đề ra, Thường trực và cơ quan trao đổi thêm thông tin. Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội kết luận: Cần có công văn đề nghị địa phương giúp đỡ, Cơ quan nắm thêm tình hình cụ thể để đề xuất giúp các cháu.
Với cương vị Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, Tôi điện thoại trao đổi Thượng tá Nguyễn Đức Tín - Chủ tịch Hội Trường Sơn Bệnh viện 48, Đại tá Đậu Xuân Tường - Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 470, cùng thống nhất sẽ tổ chức chuyến về thăm gia đình cháu, xem tình hình cụ thể để có công văn đề nghị Chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ và vận động đồng đội ủng hộ kinh phí, Trung tâm nhân đạo Trường Sơn khám cấp thuốc miễn phí chữa bệnh cho cháu Lâm Văn Trung.
Tôi đã liên lạc với Tiến sĩ Vũ Văn Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình nói về hoàn cảnh của gia đình cháu. Tiến sỹ Trường nói là đã đọc xong quyển sách về Tây Trường Sơn - Tình sâu Nghĩa nặng do tôi tặng, đã biết về câu chuyện hai cháu bé người Lào, bố Tiến sỹ Trường là Cựu chiến binh Trường Sơn cũng đã đọc và rất cảm động. Tôi đề nghị Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình tiếp nhận Cử nhân ngôn ngữ Lào là Lâm Trung Anh vào làm việc tại trường, Tiến sĩ Hiệu trưởng sẽ xem xét tiếp nhận vào làm hợp đồng, vì trường đang giảm biên chế, ( SĐT cháu Anh 0382888232 ).
MONG SỰ QUAN TÂM GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH LÀO - VIỆT CỦA ĐỒNG ĐỘI TRƯỜNG SƠN VÀ CỘNG ĐỒNG
Gia đình tại thôn Hán Nam - xã Gia Tiến - huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình.
Lâm Quang Trung - Số điện thoại 0969745754
Đỗ Hồng Vân - Số điện thoại 0869521860
Lâm Trung Anh - Số điện thoại 0382888232
Tài khoản - Lâm Trung Anh - Ngân hàng MB 050115929999
Tôi hỏi cháu Trung lấy tài khoản đăng bài trên trang Facebook của tôi để ủng hộ gia đình cháu.
Mong gia đình các cháu: Ổn định - Vui - Khoẻ - Thành công - Hạnh phúc.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam