50 NĂM NGÀY ĐẦU QUÂN
CỦA 500 CÔ GÁI MIỀN CỐ ĐÔ HOA LƯ
Tháng 8 năm 1973 - thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang trong thời kỳ gay go và quyết liệt. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gần 500 chị em nữ Thanh niên con em của mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đã tình nguyện xung phong lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong số họ phần đông tuổi đời mới chỉ 16- 17. Sau thời gian ngắn huấn luyện Tân binh, tháng 10 năm 1973 đơn vị của các chị được lệnh hành quân vào chi viện cho lực lượng bộ đội Trường Sơn trên đất bạn Lào. Sau chặng dài gần một tháng hành quân, đơn vị của chị em đến được Binh trạm 34 thuộc Sư đoàn 472 Công binh, tại Sư đoàn 472 các chị được biên chế về các đơn vị như: Trung đoàn 34; Trung đoàn 35, một số chị em được biên chế về Sư đoàn bộ và được đào tạo làm công tác Hậu cần, Thông tin, Văn công, Y tá…
Tháng 10 năm 1974 Sư đoàn 472 nhận nhiệm vụ lật cánh về đất Việt làm nhiệm vụ mở đường Đông Trường Sơn (riêng Trung đoàn 34 vẫn ở lại nước bạn Lào và sau đó Trung đoàn được sát nhập vào Sư đoàn 473). Khi đó Sở chỉ huy Sư đoàn 472 đóng quân tại huyện Nam Giang, Quảng Nam, các đơn vị của Sư đoàn rải khăp cả tuyền dài của con đường 14, riêng Trung đoàn 35 – Đơn vị có quân số phần đông là chị em Ninh Bình đứng chân tại khu vực Sông Bung. Nhiệm vụ của toàn Sư đoàn 472 lúc này là khai thông con đường 14 – tuyến giao thông huyết mạch chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam…
Suốt quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, Dù trong khó khăn gian khổ và mất mát hy sinh nhưng 500 cô giái Hoa Lư ngày ấy đã chung sức - họ có mặt ở mọi lĩnh vực công tác; mọi cung tuyến kể cả những trọng điểm ác liệt nhất của tuyến đường Trường Sơn. Từ những thành tích đạt được có nhiều chị đã được bình bầu là Chiến sỹ thi đua, Chiến sỹ quyết thắng và nhiều chị được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tất cả những gì là cống hiến và hy sinh của các chị đã góp phần làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn…
Tháng 10 năm 1976 phần lớn số chị em này được ra quân – Một số ít được chuyển ngành, một số ít đủ điều kiện đi ôn văn hoá thi vào các trường Đại học, còn lại phần đông không đủ điều kiện về sức khoẻ và trình độ văn hoá thì trở về với quê hương, đến nay số chị em này rất khó khăn trong cuộc sống vì đa số không được hưởng chế độ gì. Trong số chị em trở về ngày đó, đến nay theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có khoảng trên 60 chị em đã ra đi mãi mãi vì di chứng chiến tranh và ốm đau bệnh tật; khoảng 20 % số chị em không được hưởng chế độ gì ngoài Bảo hiểm Y tế CCB; khoảng 25% là Thương bệnh binh và phơi nhiễm chất độc da cam và còn một số chị em vì di chứng Dioxin đã không được quyền làm vợ, làm mẹ, cùng với đó là không ít chị em đang hàng ngày phải vật vã chống đỡ với những căn bệnh hiểm nghèo – khó khăn chồng chất khó khăn…
Về với đời thường – Bao khó khăn, bao buồn vui là vậy nhưng các chị luôn phát huy tốt bản chất người lính Cụ Hồ, phát huy Truyền thống Trường Sơn anh hùng. Với ý trí và nghị lực của mình - không ỷ lại hay ngóng chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chị đã kiên trì vượt khó khăn về kinh tế, bệnh tật tích cực tham gia lao động sản xuất cải thiện kinh tế gia đình và tích cực trong các hoạt động xã hội, nhiều chị đã trở thành những cán bộ lòng cốt của địa phương... Đặc biệt trong cuộc sống đời thường hôm nay các chị tìm đến nhau với hoạt động truyền thống và nghĩa tình đồng đội mang lại hiệu quả cao và thiết thực.
Hôm nay Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ. Đến dự và chia vui cùng chị em có: Đại biểu đại diện Hội CCB tỉnh Ninh Bình; đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; đại diện Sở LĐ Thương binh Xã hội tỉnh; đại diện Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh; đại diện Hội LHPN VN tỉnh; đại diện Hội CCB và Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Ninh Bình; đồng chí Trần Xuân Sinh – Uỷ viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam - Chủ tịch Hội TT Trường Sơn tỉnh Ninh Bình; Các đồng chí là Uỷ viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam: Lê Hồng Huân, Phó Ban TT thi đua Hội Trường Sơn Việt Nam; Đào Hữu Thi, Nhạc sỹ Trường Sơn; Phạm Sinh, Phó Tổng BT Trang TT&BT Trường Sơn. Đại biểu khách mời tham dự còn có: Đồng chí Dương Thị Thơm, Phó Ban LL Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình; Đại biểu Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn các huyện thị trong tỉnh; Đại biểu Chính quyền đoàn thể địa phương của các phường trong thành phố … Cùng 135 hội viên Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình.
Một chương trình Văn nghệ đặc biệt đầy hào khí Trường Sơn và sức sống người lính chào mừng buổi gặp với các màn dân vũ do chính chị em trong Ban Liên lạc trình diễn, cùng với đó là những tiết mục văn nghệ của nhóm Ê kíp Nhạc sỹ Trường Sơn Đào Hữu Thi đến từ Quận Long Biên, Hà Nội và một số cây văn nghệ là khách mời khác.
Sau chương trình Văn nghệ là diễn văn chào mừng do đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn thành phố Ninh Bình, Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình trình bày. Tiếp theo buổi gặp mặt còn được đón nhận nhiều ý kiến chia sẻ và chúc mừng; nhiều hoa và quà tặng của các đoàn đại biểu và đại biểu cá nhân về dự và chia vui cùng chị em trong ngày vui này …
Tại buổi gặp mặt này đã diễn ra chương trình tặng quà. Trong đó với sự vận động của Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình, Doanh nghiệp Vũ Duyên đã trao tặng 10 phần quà cho 10 hội viên khó khăn và chị Nguyễn Thị Lâm, hội viên của Ban Liên lạc đến từ Nam Định đã tặng quà cho 3 đồng đội đặc biết khó khăn.
Buổi gặp mặt của Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình hôm nay còn phải kể đến tấm lòng nghĩa tình của chị Dương Thị Thơm, Phó Ban LL Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình - Là nhà tài trợ cho buổi gặp mặt, chị Thơm đã bố trí Hội trường tổ chức buổi gặp mặt, nơi ngủ nghỉ cho đại biểu khách mời và hỗ trợ một phần dịch vụ Hậu cần miễn phí cho buổi gặp mặt tại: VISSAI NINH BINH HOTEL- Một khách sạn 5 sao nằm tại trung tâm thành phố Ninh Bình của Tập đoàn Vissai do con trai của chị Thơm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Có thể nói đây là cuộc gặp mặt đầy ấn tượng và ý nghĩa – Ý nghĩa bởi nó được thực hiện từ lòng mong muốn và cố gắng của chị em hội viên, từ ý tưởng và sự phối kết hợp giữa Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình và Ban LL Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh, của sự quan tâm đến từ lãnh đạo Hội Trường Sơn tỉnh Ninh Bình. Tất cả những gì là truyền thống, là nghĩa tình, là thành công hôm qua, hôm nay và cả ngày mai của chị em Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình nó đã và sẽ góp phần mang lại niềm vui, sự ấm áp nghĩa tình đồng đội cho những cô gái sinh ra nơi mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình mà họ đã:
“Thời con gái là thời cầm súng
Thời phá bom, xẻ núi, bắc cầu
Trở về tình nghĩa bên nhau
Vẫn nguyên chất lính xanh màu Trường Sơn”.
Dư âm của buổi gặp mặt Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973 nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình chẳng những đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người tham dự, mà nó còn có sức lan tỏa trong phong trào xây dựng và phát triển hoạt động của Nữ Chiến sỹ Trường Sơn trong các địa phương trong và ngoài tỉnh Ninh Bình.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI LẠI TỪ CUỘC GẶP MẶT
Một số tiết mục trong chương trình Văn nghệ chào mừng (4 ảnh trên)
Đồng chí Đỗ Tuyết An khai mạc Lễ Kỷ niệm
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8 năm 1973
nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình trình bày Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm
Đồng chí Trần Xuân Sinh, Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Ninh Bình phát biểu chúc mừng
Đón nhận Lẵng hoa của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình
Đại biểu và toàn cảnh Hội trường - Nơi diễn ra Lễ Kỷ niệm (2 ảnh trên)
Đồng chí Trần Xuân Sinh, Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Ninh Bình
trao quà cho các hội viên tại Lễ kỷ niệm
Thực hiện: Phạm Sinh và Lê Huân