Dấu ấn đêm giao lưu Trại viết Trường Sơn

Ngày đăng: 04:52 19/09/2023 Lượt xem: 276
 
 
DẤU ẤN ĐÊM GIAO LƯU TRẠI VIẾT TRƯỜNG SƠN
 
       Khi tiếng đàn tính, điệu hát Then cất lên, cả hội trường lặng im phăng phắc. Gió như cũng ngừng thổi. Mọi người chăm chú hướng lên sân khấu để thưởng thức những tiết mục Văn nghệ của các “Nghệ sĩ chân đất” thể hiện những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước theo làn điệu Then truyền thống dân tộc Tày. Các “Nghệ sĩ chân đất” ấy là những chàng trai cô gái độ tuổi từ 15 đến 17 và các em nhỏ tuổi lớp mầm non đến từ đội Văn nghệ không chuyên của Bản làng Thái Hải (Thái Nguyên) Với những lời ca tiếng hát trầm bỗng của các em hòa quyện với tiếng đàn thánh thót đã cho người xem như thấy mình đang đứng bên dòng suối róc rách của bản nhạc núi rừng.
       Tiết mục của các em kết thúc, tiếng vỗ tay rào rào vang vọng cả hội trường như những tràng pháo liên thanh đêm Ba mươi Tết.
        Đêm nay, 17 tháng 9 năm 2023, sân khấu tại Bản làng Thái Hải như trang trọng hơn để tổ chức một sự kiện đặc biệt: Giao lưu Trại viết Trường Sơn. Đây là một sự kiện đặc biệt, đẹp đẽ khi Hội VHNT Trường Sơn chọn Bản làng Thái Hải, một khu du lịch văn hóa – sinh thái nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên và Việt Nam để mở Trại viết lần 2. Phải chăng đây là một mối lương duyên ?
        Buổi Giao lưu hôm nay là sự kết nối ân tình giữa các nhà văn, nhà thơ của hội viên Hội VHNT Trường Sơn với Hội VHNT Thái Nguyên, Hội TTTS Thái Nguyên và Bản làng Thái Hải.
        Có thể nói, đêm nay sẽ mang đến cho mọi người một đêm thật sôi động, đầy ý nghĩa.
       Trên hội trường, các đại biểu , các đơn vị đến tham dự buổi giao lưu và 50 cây bút của trại vừa là khán giả, vừa là diễn viên sẽ thể hiện những ca khúc, những vần thơ mang hào khí một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
       Khi lời dẫn chương trình  MC của Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vừa dứt, tổ Văn nghệ xung kích của trại viết đã xuất hiện với những khuôn mặt rạng ngời. Bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” được cất lên với những tiếng hò khoan bình dị như vang vọng những âm thanh của một thời chiến tranh lửa đạn trên mảnh đất như đòn gánh hai đầu đất nước. Người nghe như đang thấy mình đang đứng nơi hai đầu giới tuyến, chia sẻ những gian khó, ngọt bùi. Khi lời hát “Ta sẽ về trong một nhà” kết thúc bài hát, diễn viên, khán giả như lặng đi vài giây với niềm tự hào về Quảng Bình mảnh đất chịu đựng bao gian khổ trong chiến tranh, góp phần làm nên chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 anh hùng.
        Tiếp nối chương trình là những ca khúc đến từ Hội VHNT Thái Nguyên và Hội TTTS Thái Nguyên. Ca khúc “Đường chúng ta đi” lại ngân vang trên sân khấu. Lời ca hào hùng được các diễn viên cất lên bay bỗng làm cho khán giả như thấy mình đang khoác ba lô lên đường ra trận.
       Ca khúc “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sĩ Văn An do Phó Tổng Biên tập báo điện tử Trường Sơn - Phạm Sinh thể hiện như đưa ta về một tình yêu của anh bộ đội với cô thanh niên trên cung đường Trường Sơn. Nỗi niềm mơ ước sau ngàn ngày chiến đấu được ngồi trên cầu thổi sáo đón người yêu ngày chiến thắng trở về như đang rạo rực trong lòng của mỗi chúng ta. Thấy đâu đây rất xa mà cũng rất gần.
       Các tiết mục Văn nghệ được đan xen với tiết mục đọc, ngâm thơ sao mà da diết. Nó như một bản hòa tấu hài hòa làm cuốn hút lòng người nghe. Mọi sự háo hức của mỗi trại viên chờ đợi đến lượt mình sẽ được thể hiện. Với bài thơ “Hoa cỏ may” của nhà thơ Đỗ Thu Yên diễn ngâm đã bật lên: “Một lần giặt áo giùm tôi/ Cỏ may vương lại thành lời vấn vương” . Một tình cảm giản dị của hai người lính thôi, nhưng bỗng hóa vấn vương sau lần giặt giùm chiếc áo. Tình cảm ấy được mang theo suốt chặng đường hành quân, mang vào trận đánh và làm nên chiến thắng. Cứ ngỡ rằng nó sẽ là sự kết nối mối tơ duyên của hai người đồng đội sau ngày đất nước thống nhất. Nào ngờ đâu: “Hòa bình tìm lại em tôi”… “Mộ em bóng cỏ may xinh mọc đầy”. Thật nghẹn ngào xúc động biết bao bởi lời thơ, bởi người diễn ngâm đã thể hiện được cảm xúc của mình… Ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương”, người thể hiện Thuý Bắc; ca khúc “Hát về anh người chiến sĩ Biên cương” và những ca khúc trong chương trình cũng chứa chan ân tình từ lời hát cho đến tâm trạng người thể hiện.
       Những bài thơ “Nghĩa trang đường 9” của Lê Lợi, Chất Lính của Vương Văn Kiểm, Hình bóng mẹ tôi của Minh Phú, thơ của Lan Oanh, Phương Nga … và một số bài thơ của nhiều tác giả khác đã gây nên bao cảm xúc mãnh liệt.  Dặc biệt bài thơ “Những tấm bản đồ trong Bảo tàng Trường Sơn” của Vân Ngà đã cho ta biết từ những điều chưa biết. Bài thơ đã vẽ nên một “trận đồ bát quái” trong trục đường Trường Sơn. Nó như những mạch máu dọc ngang của tuyến đường Trường Sơn năm xưa đã đi vào huyền thoại.
       Điều ấn tượng trong buổi giao lưu này là sự thể hiện ca khúc “Gặp nhau giữa rừng mơ” do bà Trưởng bản Thái Hải và người con nuôi của bà thể hiện. Sự cảm phục không chỉ từ giọng hát mà đó là tấm lòng của người Trưởng Bản Thái Hải với người lính Trường Sơn hôm qua và hôm nay. Đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cùng làm nên một Trại viết  Trường Sơn đầy ý nghĩa.
       Điều trân trọng buổi giao lưu là các nhà thơ cao niên như nhà thơ Đinh Văn Hởi, Vương Kiểm, Lăng Hồng Quang, nhà thơ Đại tá Nguyễn Văn Hà tuy tuổi đời trên 80 nhưng lời thơ còn dạt dào, giọng đọc còn sang sảng.
Khép lại chương trình giao lưu, một sự kiện hết sức ý nghĩa là Chủ nhiệm trại viết Trường Sơn, nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn đã trao Huy hiệu Hội TS Việt Nam cho các đại biểu đến dự. Đây là một việc làm thể hiện sự gắn bó của Hội TTTS với cộng đồng; đồng thời tôn vinh sự cống hiến của Hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới.
       Qua thời gian hơn hai tiếng đồng hồ, buổi “Giao lưu Trại viết Trường Sơn” đã để lại dấu ấn đầy khí thế tự hào. Tuy buổi giao lưu chưa thật sự thỏa mãn vì thời gian hạn chế, một số trại viên chưa được thể hiện tác phẩm của mình như sự mong đợi. Một số tiết mục chưa thỏa mãn người xem nhưng dù sao buổi giao lưu đã góp phần làm nên sự thắng lợi của Trại viết Trường Sơn; đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đại biểu đến dự và các trại viên cũng như người dân Bản làng Thái Hải đã tham gia buổi giao lưu. Nó thể hiện sự gắn bó tình nghĩa quân dân trong chiến tranh cũng như thời bình; là sự gửi gắm yêu thương – giao hòa và hy vọng - Hy vọng cuộc đời đẹp hơn, bình dị trong mỗi ngày ta sống
 

Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý dẫn chương trình




Đại biểu tham dự chương trình giao lưu (3 ảnh trên)
 




Một số tiết mục tham gia giao lưu của Bản làng Thái Hải (4 ảnh trên)


Hợp ca Quảng Bình quê ta ơi - Một trong những tiết mục Văn nghệ do cán bộ và trại viên
Trại sáng tác Trường Sơn Thái Nguyên trình diễn 





Một số tiết mục tham gia giao lưu của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (3 ảnh trên)


Một trong những tiết mục Văn nghệ do Đội Văn nghệ Hội Trường Sơn
và Ban LL nữ CSTS tỉnh Thái Nguyên trình diễn





Một số Trại viên Trại viết Trường Sơn trình bày tác phẩm sáng tác tại Trại viết (3 ảnh trên)


Nhà báo, Nhà văn Phạm Thành Long, Uỷ viên Ban TV Hội TSVN, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn
trao huy hiệu Trường Sơn cho đoàn đại biểu Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên
 


Tấm ảnh lưu niệm sau đêm giao lưu...
 

Bản làngThái Hải, ngày 18 tháng 9 năm 2023
Nguyễn Đại Duẫn và Lê Hồng Huân thực hiện


 
tin tức liên quan
test 123