“Ghi chép ở Trại viết Trường Sơn 2” – TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 04:22 21/09/2023 Lượt xem: 148
GHI CHÉP Ở TRẠI VIẾT TRƯỜNG SƠN 2
Hoàng Văn Kính


 
          Theo dự định của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Trường Sơn, sau khi tổ chức thành công Trại viết lần thứ nhất đầu tháng 10 năm 2019 tại bãi biển Đồ Sơn Hải Phòng, Trại viết tiếp theo sẽ được tổ chức  khoảng đầu quý 4 năm 2021 nhưng do vướng đại dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Năm nay Trại viết Trường Sơn 2 (TS2) khai mạc tại khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, một khu du lịch trải nghiệm nổi tiếng thuộc Bản làng Thái Hải, Xóm Cường, xã Thịnh Đức, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 12km, địa danh đã được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO)  trao Giải thưởng “ Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022 ”.
          Trại viết TS2 quy tụ 50 anh chị em gồm 41 nam và 9 nữ ( trên tổng số 374 hội viên Hội VHNT Trường Sơn ) đến từ 14 tỉnh thành: Quảng Bình, Thái Nguyên, Đồng Nai, Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, thành phố HCM, Hải Phòng, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Bình, những người trong suốt nhiều năm qua đã đóng góp công sức và trí tuệ cho 2 ấn phẩm: Báo điện tử Trường Sơn mỗi ngày 1 số ( đến nay đã có trên 80 triệu đọc giả ) và Bản tin Trường Sơn 3 tháng ra một kì do Hội VHNT Trường Sơn phát hành. Nhiều trại viên trước đó cũng đã tích cực tham gia các cuộc thi “ Hào khí Trường Sơn”, “ Gương sáng Nữ chiến sĩ Trường Sơn”… do Hội phát động và có tác phẩm thơ, văn in trong các sách: “Trường Sơn thuở ấy… Bây giờ”, “Khát vọng Trường Sơn”, “Mây trắng Trường Sơn” …Trưởng thành từ cái nôi của Hội VHNT Trường Sơn, về trại viết lần này có 18  anh chị đồng thời còn là hội viên Hội VHNT Việt Nam, Hội viên Hội  VHNTcủa một số tỉnh thành, Hội viên Hội Điện ảnh VN – Hội Nhiếp ảnh VN – Hội Nhà báo VN. Đã có được 325 đầu sách được xuất bản, đã có bài đăng trên các ấn phẩm, báo chí từ TW đến địa phương, có tác phẩm được các Nhà xuất bản tên tuổi phát hành, lưu giũ tại Thư viện Quân đội, được bầy bán trên kệ trong một số nhà sách. Một số anh chị em có mang những tác phẩm văn thơ mới xuất bản về trại viết làm quà tặng.
         Chủ nhiệm Trại viết nhà văn Phạm Thành Long Trưởng ban Tuyên truyền - Thi đua, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn phụ trách chung; các phó Chủ nhiệm: Đại tá Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phụ trách chuyên môn, Nhà báo Phạm Sinh phụ trách công tác tổ chức và hậu cần, Nghệ sỹ Lê Hồng Huân phụ trách hình ảnh, ngoài ra Ban Chủ nhiệm còn huy động một số Ủy viên BCH và Ban Kiểm tra Hội VHNT Trường Sơn tham dự đảm nhận một số công việc của Trại viết. Anh Phạm Thành Long cho biết: danh sách đăng kí đã vượt xa con số 50 nhưng vì không xắp xếp thêm được chỗ ở nên một số phải hoãn chờ đến đợt sau. Anh chị em ở xa có mặt từ hôm trước, còn lại sáng 13/9 theo đăng kí nhà xe Hải Đăng đón tận nhà vượt gần 70 cây số từ Hà Nội đến Trại viết.
       Trại viết được tổ chức từ ngày 14/9 và kết thúc vào trưa ngày 20/9/2023. Buổi lễ khai mạc diễn ra trang trọng, ngắn gọn, đầy cảm xúc, mang đậm phong cách của lính. Ngoài Ban chủ nhiệm, đông đủ anh chị em Trại viên còn có Lãnh đạo Hội truyền thống bộ đọi Trường Sơn đến dự và phát biểu động viên, Đại biểu Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu chúc mừng, đại diện bản làng Thái Hải phát biểu chia sẻ về thực trạng khu du lịch bản làng Thái Hải; đại biểu Hội TS tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, phóng viên truyền hình và báo Thái Nguyên cũng có mặt. Trước khi chính thức khai mạc, các đại biểu được thưởng thức các tiết mục ca múa hấp dẫn mang đậm bản sắc dân tộc do chính những chàng trai, cô gái cùng các cháu nhỏ biểu diễn chào mừng.
       Tham gia trại viết TS2 hầu hết các bác, các anh chị là cựu chiến binh, cả một thời tuổi trẻ đã chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Nhiều người gần trọn cuộc đời sống trong quân ngũ, trong đó có 8 trại viên mang hàm cấp tá ( 4 đại tá, 3 Trung tá, 1 Thiếu tá ), 9 sỹ quan cấp úy, 30 Hạ sỹ quan. 4 trại viên là thương binh, 8 trại viên là bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam Điô-xin. Nhiều người đã từng lập công xuất sắc được tặng thưởng nhiều huân huy chương và danh hiệu các loại. Bước ra khỏi chiến tranh, buông tay súng về với đời thường trong người ủ cả một “ đống” bệnh nọ tật kia, đến sát ngày khai mạc có 4 trại viên phải xin hoãn vì bệnh hiểm nghèo. 32 “ cụ” có tuổi đời trên 70, cao niên nhất cụ Vương Văn Kiểm 86 tuổi, trẻ nhất chị Nguyễn Thị Vân Ngà 47 tuổi. Tất cả đến với Trại viết vì lòng say mê con chữ cùng một chút duyên nợ văn chương, một mặt cũng có tâm huyết muốn lưu lại cho mai sau kí ức hào hùng của những năm tháng đánh Mỹ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đương đại nên đã tự nguyện “ Biến mình thành người thư kí của thời đại” ( Balzac ) phải cố viết, còn sức còn viết như nhiều anh chị đã tâm sự. Được đến một khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế ai cũng ngỡ ngàng “ đi học ” mà được tận hưởng nhiều cảm giác thích thú, mới lạ. Các trại viên tự lo tiền ăn, kinh phí đi lại còn  các chi phí khác do Trại viết bảo đảm. Tất cả được bố trí ở trong các ngôi nhà cộng đồng gần gũi, ấm cúng.  Cần hoặc có thắc mắc gì đã có bộ phận lễ tân và phụ trách phòng giải quyết.
       Mặc dù đã là hội viên Hội VHNT Trường Sơn trong nhiều năm nhưng hầu hết đều là những cây bút không chuyên, thiếu nền tảng kiến thức cơ bản, sáng tác chủ yêu dựa vào cảm hứng và lòng nhiệt huyết, về đây các trại viên thật sự vui mừng và xúc động được gặp gỡ, giao lưu, được lên lớp nghe giảng bài, được học hỏi nhiều điều bổ ích trong nghệ thuật viết lách từ các cây đa cây đề nhà văn, nhà thơ Phạm Thành long, Nguyễn Hữu Quý, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Tú. Bằng sự nhiệt tình, cởi mở, gần gũi, phương pháp linh hoạt gắn lí thuyết với thực tiễn cuộc sống, với thực trạng nền văn học nước nhà và kinh nghiệm từng trải của bản thân qua nhiều năm cầm bút các thầy đã truyền đạt những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm và kĩ năng sáng tác, mang hết tâm huyết giảng giải, phân tích cái hay, cái đẹp, cái được và chưa được của nghề sáng tác, của thơ văn nước nhà trong những năm qua, những tác phẩm văn học được lấy làm ví dụ và cả những chuyện bếp núc khi viết bài, chụp ảnh… làm cho buổi lên lớp hấp dẫn, sinh động với nhiều điều mới lạ, hữu ích giúp mỗi trai viên có thêm vốn liếng để tự tin hơn khi sáng tác.
       Tách biệt với phố phường đông đúc, bản làng Thái Hải ẩn hiện trong rừng cây, gần nửa thời gian ở Trại viết bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ, mưa tầm tã xuốt ngày đêm như tái hiện lại cảnh mùa mưa Trường Sơn năm nào, kí ức về đồng đội, về một thời máu lửa với bao kỉ niệm vui buồn của thời đánh Mỹ lại ùa về. Mặc dù đã được gặp nhau nhiều lần qua Báo điện tử và Bản tin Trường Sơn nhưng phải nhờ đến dịp này anh chị em chúng tôi mới được gặp gỡ, được hoan hỉ tay bắt mặt mừng, có dịp giao lưu, có nhiều chuyện để nói, để kể, cùng chia sẻ, xúc động ôn lại những kỉ niệm xưa và kinh nghiệm viết lách, thấm thêm mạch nguồn đang rung động, tràn chảy trong cuộc sống hàng ngày từ nhiều vùng miền với hiện thực vô cùng phong phú, sôi động. Khoảng 1/3 thời gian giành để lên lớp, thời gian còn lại các trại viên được tự do sáng tác theo chủ đề và thể loại mình lựa chọn trong đó có việc tập trung hoàn thiện các tác phẩm tham gia cuộc thi lớn và có ý nghĩa: “ Chiến sỹ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và cuộc sống hôm nay ” do TW Hôi Trường Sơn phát động nhân kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959–19/5/2024). Được gặp gỡ, thoải mái giao lưu với đại diện Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên; du ngoạn hồ Núi Cốc; tham quan bản làng, trải nghiệm cuộc sống với đồng bào thiểu số… Tất cả những điều ấy cộng với một không gian yên bình, thơ mộng là chất xúc tác giúp thoả sức sáng tạo. Đến hẹn mỗi trại viên phải hoàn thành từ 1 đến 3 tác phẩm tham gia dự thi theo quy định, ngoài ra còn có 12 giải thưởng trao cho trại viên có tác phẩm xuất sắc viết trong thời gian ở Trại viết. Theo thông báo, Ban chủ nhiệm Trại viết sẽ chọn lọc những tác phẩm văn thơ có chất lượng được sáng tác ở Trại viết để in thành sách trong thời gian gần nhất.
          Trong buổi giao lưu với các trại viên, Trưởng bản Thái Hải bà Nguyễn Thị Thanh Hải người phụ nữ Tầy thật thà, bình dị, người đã có công đầu khai mở ra khu du lịch này từ cách đây 20 năm cho biết: Thái Hải là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái  duy nhất ở Đông Nam Á, góp mặt tại Giải thưởng danh giá này còn có 32 địa điểm khác của 18 quốc gia trên toàn thế giới trong số 136 bản làng thuộc 57 nước thành viên UNWTO được đề cử. Giải thưởng “ Làng du lịch tốt nhất thế giới ” là điểm đến coi du lịch là động lực phát triển và cơ hội mới tạo ra việc làm và thu nhập, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị và sản phẩm cộng đồng. Bên cạnh 10 homestay trong bản còn có 30 ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời gần 100 năm là nơi sinh sống của  3-4 thế hệ bà con các dân tộc. Các ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ, kín đáo nhưng thoáng mát và gói ghém ở đó triết lý âm dương ngũ hành rất được khách tham quan du lịch ưa thích.
       Thái Hải còn là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc Tày Nùng truyền thống, ở đây vẫn còn lưu giữ các đồ dùng vật dụng “ cổ ” như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre nứa, trang phục truyền thống được bà con mang mặc mỗi ngày. Hát Then, đàn Tính, múa chày, ném còn… những nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng như: Lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên vẫn  được duy trì theo phong tục.  Điều làm tất cả chúng tôi ngỡ ngàng và thán phục khi biết chỉ với 25 ha đất rừng, 150 nhân khẩu thuộc các dân tộc: Tầy, Nùng, Kinh, Sán Chay, Dao…. Tất cả già trẻ, gái trai đều mang bộ trang phục màu đen, riêng  trang phục của phụ nữ còn được thêu dệt hoa văn và đeo trên cổ, trên người những đồ trang sức bằng bạc tạo nét duyên dáng rất nữ tính. Đồng bào ở đây đã coi bản làng như một gia đình, cùng làm chung, ăn chung và tiêu chung một túi tiền. Bằng tâm huyết, ý chí và nghị lực người dân đã đoàn kết, chung sức chung lòng vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển du lịch cộng đồng làm nên kì tích biến một khu vực hoang sơ thành làng du lịch sinh thái đa chức năng tầm cỡ thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng đặc trưng của đồng bào các dân tộc ít ngươi.
        Tranh thủ chút ít thời gian rảnh rỗi chúng tôi đi dạo, chìm đắm trong thiên nhiên tươi xanh, hòa mình vào cuộc sống của một vùng quê yên bình. Làng nhà sàn Thái Hải có núi rừng bao bọc, có hồ nước trong xanh, có khu bảo tồn, nhà Cộng đồng to đủ chứa cả ngàn người; khu chế biến thực phẩm, ẩm thực; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện; khu nhà dịch vụ hình cánh cung phục vụ sinh hoạt tập thể ăn uống, giải khát, cà phê, "đăng xinh" cho du khách... Mọi con đường đều được lát gạch, hai bên trồng hoa cây cảnh, từ trung tâm của bản hệ thống nước nóng, nước sạch được dẫn về từng nhà. Những chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc qua hồ nước, phảng phất trong hơi thở trong lành của núi rừng là mùi hương tinh dầu của các loại thảo dược phục vụ xông hơi, tắm lá. Khách du lịch có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản: bánh chưng, bánh gai Tầy, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá trưng cất theo phương pháp truyền thống; nhiều đồ trang sức mĩ nghệ cầu kì tự tay đồng bào làm ra được bầy bán, du khách thích thú với các sản phẩm bằng các loại vải, lụa, thổ cẩm đẹp, hoa văn săc sỡ được thêu dệt bởi đôi bản tay khéo léo của các cô gái Tầy Nùng… nhiều người trong chúng tôi còn mua được các loại thuốc nam quý, được hướng dẫn tỷ mỷ cách dùng chữa các loại bệnh xương khớp, dạ dầy…do người dân tự làm từ các loại cỏ cây trong khu vực. Với 3 sản phẩm chủ lực là: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống cùng sự mộc mạc, phong cảnh nên thơ bản làng Thái Hải đã tạo nên sức hấp dẫn diệu kỳ, thu hút du khách từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, hiện bản làng có năng lực tiếp đón, phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ cùng lúc hơn 1.200 khách. Bà con các dân tộc ở đây là những nông dân thực thụ, tay cầy tay cuốc với ruộng vườn nhưng khi có khách thì chính họ những con người chân chất ấy lại thành hướng dẫn viên tận tình, những nghệ sỹ đàn giỏi, hát hay, múa dẻo chào đón, phục vụ du khách. Những ngày ở đây chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn du lịch đến tham quan trải nghiệm, có cả khách ta khách tây, người lớn có trẻ nhỏ cũng có. Mọi người đều mang mặc đẹp, tiếp xúc với người dân địa phương bằng nhiều ngôn ngữ, nói cười vui vẻ, thoải mái và thi nhau check-in lưu giữ lại những khoảnh khắc ấn tượng ở một khu du lịch đẹp.
        Cả ngày phải “ cô đơn” miệt mài “ Nhặt những chữ ở đời để viết nên trang” ( Chế Lan Viên ) chỉ đến bữa ăn anh chị em mới được tề tịu đông đủ chuyện trò, thăm hỏi, tán gẫu. Ngoài bữa phụ sáng, còn 2 bữa ăn chính được chế biến hợp khẩu vị, bầy biện bắt mắt, hầu hết là thực phẩm sạch, tự cung tự cấp. Rượu vào lời ra uống một rồi lại muốn uống hai, toàn đặc sản miền quê được các trại viên cung tiến. Tiếng cụng lí, tiếng mời chào rôm rả, không khí bữa nào cũng vui như tết nhưng phải tuân thủ quy định chỉ được zô vào các bữa chiều!
        Quay đi ngoảnh lại đã hết một tuần, khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng Trại viết TS2 đã để lại trong mỗi chúng tôi nhiều kỉ niệm đẹp về tình thầy trò, tình bằng hữu, ấn tượng về sự tận tình chu đáo của ban Chủ nhiệm Trại viết và sự thân thiện của người dân, cảnh quan thiên nhiên đẹp ở Bản làng Thái Hải… tất cả sẽ là một phần kí ức mãi mãi lắng đọng trong tâm trí mỗi người. Trại viên chúng tôi đều có chung một nhận xét: Trại viết đã thành công mĩ mãn. Cầm trên tay chứng chỉ “ Tốt nghiệp ” chúng tôi vui vì đã thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích, hoàn thành tốt “ khóa đào tạo”, đồng thời cũng thấy rõ hơn trách nhiệm bản thân với “ nghề ” viết, với Hội VHNT Trường Sơn, với những đồng đội đã anh dũng hy sinh cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Chia tay trong sự lưu luyến, mọi người cùng hứa với nhau phải sống khỏe, sống tốt, luôn giữ vững phẩm chất “ Bộ đội Cụ Hồ ” và phải viết, còn sức còn viết.

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan
test 123