VỀ VỚI ĐIỆN BIÊN THẮM ĐƯỢM NGHĨA TÌNH
Cùng với cả nước trong những ngày sôi động hướng về Điện Biên Phủ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng ( 7/5/1954-7/5/2024 ), 49 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12/1944-22/12/2024) thương binh liệt sỹ 27/7, chúng tôi đoàn CCB của Sư đoàn 470 Anh hùng, Trung đoàn 568… Hội Cựu Chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh, đã có chuyến về thăm Điện Biên – Nơi chiến trường xưa của các thế hệ cha anh. đã làm nên một Điện Biên “ lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu ”.
Những Cựu chiến binh, những chiến sỹ Trường Sơn chúng tôi về thăm chiến trường xưa lần này, họ từ các miền quê: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Giang … đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu từ các chiến trường B,C,K trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm nay, đều ở trên tuổi “thất, bát tuần” đã từ lâu ai cũng có nguyện vọng được cùng nhau một lần nữa trở lại Điện Biên Phủ - nơi các thế hệ cha, anh của mình 70 năm trước đây có “56 ngày đêm khóet núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, trí không mòn…” đã viết lên trang sử Điện Biên hào hùng của dân tộc.
Trên đường lên Điện Biên Đoàn đã dừng chân tại huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La đến thắp hương viếng các liệt sỹ là bộ đội,TNXP đã hy sinh tại Ngã Ba Cò Nòi. Để chuẩn bị cho chiến dịch vào cuối 1953 đầu 1954 Ngã Ba Cò Nòi được coi là điểm nút giao thông quan trọng để đưa bộ đội, binh khí khí tài và quân lương vào chiến trường Điện Biên Phủ. Thấy rõ được hiểm yếu Ngã Ba Cò Nòi, mỗi ngày quân Pháp ném xuống đây gần 100 tấn bom nhằm hủy diệt và cản phá đường tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận. Tại Ngã Ba Cò Nòi, đã có hơn 300 TNXP và bộ đội của ta anh dũng hy sinh; nằm lại nơi đây để bảo vệ tuyến đường thông suốt góp phần vào chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Lên Điện Biên, Đoàn đã cùng đại biểu CCB là chiến sỹ Điện Biên của Hội CCB Thành Phố Điện Biên đến viếng thăm và thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ tại các Nghĩa trang Điện Biên Phủ. Nghĩa trang Độc Lập là một trong 3 nghĩa trang lớn nhất ở Điện Biên Phủ, nơi yên nghỉ của 2432 liệt sỹ từ các miền quê trong cả nước đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ Quốc. Không khỏi bùi ngùi, xúc động khi đến các Nghĩa trang đồi A1, Nghĩa trang Him Lam đến từng phần mộ thắp hương cho các anh. Hầu hết các mộ liệt sỹ là không có tên, nhưng ai cũng hiểu; các chị, các anh đã mang tên chung là chiến sỹ Điện Biên – tên của các anh đã gắn liền với tên đất nước. Kính cẩn nghiêng mình thắp hương cho các anh. Trong đoàn CCB sư đoàn 470 hôm nay, có các thế hệ CCB chống Pháp, CCB chống Mỹ và có cả lớp con cháu của họ; mang tình cảm của quê hương và sự cảm phục ngưỡng mộ. Biết ơn công lao các liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước và làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu.
Thăm khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, Đoàn đến thăm Mường Phăng, đồng bào nơi đây đặt cho cái tên trừu mến là “Rừng Đại Tướng”. 70 năm trước đây, Mường Phăng được chọn làm nơi sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi trực tiếp làm việc của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái và các tướng lĩnh Bộ chỉ huy mặt trận. Đi thăm từ chòi canh gác số 1 đến Hầm thông tin liên lạc, Đài quan sát, Lán ở làm việc của Đại Tướng. Thăm đường hầm xuyên núi dài 96 mét, nối liền nơi làm việc của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp với Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Các địa danh trong khu di tích Mường Phăng, trong lòng mỗi CCB lại trào lên niềm thương mến; kính phục biệt tài thao lược cầm quân của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh của Ông; đã chọn đúng Điện biên Phủ làm điểm hẹn lịch sử đánh bại thực dân Pháp trong trận chiến cuối cùng ở Việt nam.
Thăm Đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Tại cứ điểm này, ta và địch hàng tháng trời, giành giật với nhau từng gang tấc đất; giữ bằng được trận địa. Để diệt cứ điểm đồi A1, ta đã phải đào gần 100 m đường hầm để đặt quả bộc phá nghìn cân mà các chiến sỹ ta thường gọi “Đào hầm để trị hầm”, trị cả lô cốt cố thủ của giặc. Ai cũng xúc động, khi được biết để có 33 mét đường Hầm này; đã phải có hơn 300 chiến sỹ của ta nằm lại nơi đây cho tiếng nổ ầm vang, rung chuyển núi rừng Tây bắc. Đó cũng là hiệu lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch cho toàn mặt trận xung phong tiêu diệt các cứ điểm của địch, giải phóng Điện Biên Phủ.
Qua cầu Mường thanh, các CCB 470 đã đến thăm hầm chỉ huy sở tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tại cánh đồng Mường Thanh. Theo hướng dẫn viên xuống đường hầm, ngắm nhìn cấu trúc và cách bố trí sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên như cũ. Hầm Đờ Cát có chiều dài 20 mét, rộng 8 mét bao gồm 4 gian dùng cho cả nơi làm việc và nơi ở của Đờ Cát. Chính tại đây, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy Đại đội 360, Trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã khép chặt vòng vây; dẫn đầu một tổ xung kích xông thẳng vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng đã tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cát, 16.000 quân Pháp đã bị ta tiêu diệt và bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Cũng những ngày lên thăm Điện Biên, các CCB sư đoàn 470 anh hùng đã đến thăm tặng quà cho các CCB là chiến sỹ Điện Biên lão thành và gia đình liệt sỹ tiêu biểu của Thành phố Điện Biên. Buổi tối có cuộc gặp mặt giao lưu với CCB và đồng bào các dân tộc ở bản 2 phường Him Lam. Những lời ca tiếng hát của làn điệu dân ca quan họ, dân ca đồng bằng bắc bộ của các miền quê mượt mà, đằm thắm trữ tình; hòa quện với điệu hát then, hát lượn. Những điệu múa sạp, múa xòe của núi rừng Tây bắc cứ vút lên; âm vang khắp bản làng. Càng thắm tô, xe chặt mối tình đoàn kết quân dân, miền xuôi miền ngược; của một thời Điện Biên hào hùng đánh giặc giữ nước năm xưa, để hôm nay các thế hệ nối tiếp noi theo.
Tròn 70 năm đã đi qua, trở lại thăm chiến trường Điện Biên năm xưa; mỗi CCB, Chiến sỹ Trường Sơn chúng tôi hôm nay; vẫn như thấy tươi rói những chiến công bất tử của các bậc cha anh năm xưa. Với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, trí không mòn…” đã làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu. Để hôm nay và các thế hệ mai sau, vẫn có quyền tự hào, học tập, noi theo.
Đoàn Thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn Thăm Hầm Đờ Cát tại Điện Biên Phủ
Đoàn Thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tin bài: Phạm Huy Chương