Hành trình tri ân - Theo bước chân những cô gái mở đường năm xưa – Ghi chép của Nguyễn Viết Lợi

Ngày đăng: 06:56 29/07/2024 Lượt xem: 436
 
------------
 
HÀNH TRÌNH TRI ÂN – THEO BƯỚC CHÂN
NHỮNG CÔ GÁI MỞ ĐƯỜNG NĂM XƯA
 (Ghi chép của Nguyễn Viết Lợi)
 
        Ngày 21 và 22 tháng 7 năm 2024, Hội Nữ Chiến Sỹ Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Đã tổ chức thành công: “Một hành trình 5 địa danh”.
       Thường trực đã lên kế hoạch chu đáo cho chuyến đi tri ân. Sáng ngày 21/7/2024; 06 giờ 30 phút các Ủy viên ban chấp hành từ các huyện thị đã tập kết đông đủ tại Quảng trường Hồ Chí Minh để lên đường đúng 7 giờ.
 
       QUA BẾN THỦY
       Tạm biệt Thành phố Đỏ thân yêu! Đoàn qua cầu Bến Thủy, địa danh hiểm yếu có bến phà huyền thoại thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Mỗi đêm phà đưa gần 250 xe qua sông. Suốt cuộc chiến tranh chỉ có 4 chiếc xe ô tô bị bắn cháy. Như vậy giặc Mỹ phải dùng đến 2.844 quả bom mới phá hủy của ta một chiếc ô tô tải.
       Đến nay người ta vẫn còn nhắc lại hình ảnh nữ điều vận Ngô Thị Mai luôn có mặt ở bến phà để đảm bảo vận hành an toàn, ít thiệt hại nhất. Nhiều lần chị bị bom vùi vẫn đứng dậy làm tròn nhiệm vụ. Chính chị, là người đã dùng ánh sáng lân tinh của nhiều con đom đóm, làm hoa tiêu cho phà cập bến…
       Mùa tri ân về, Hội Nữ Chiến Sỹ Trường Sơn đã thắp lửa cuộc hành trình.
 
       TRI ÂN MỘ ĐẠI TƯỚNG.
      Địa danh thứ hai của cuộc hành trình là Vũng Chùa - Đảo Yến. Nắng nhẹ, bình minh đang lên như giát vàng, ánh nắng trên biển Vũng Chùa.
     Mới hơn 8 giờ 40 phút khu vực bãi để xe đã không còn chỗ trống, Đoàn CCB - Nữ Chiến sĩ Trường Sơn được Ban quản lý ưu tiên lên dâng hương, hoa viếng Đại tướng trong khói hương ngào ngạt yêu thương.
     Vũng Chùa mùa tri ân - Một miền đất khô cằn đầy nắng gió. Giờ đây là điểm đến trong hành trình du lịch đa sắc màu: Tâm linh, hang động, khám phá, vui chơi, giải trí của Quảng Bình.
 
        GHÉ THĂM TƯỢNG ĐÀI MẸ SUỐT
       Nghỉ tại thành phố Đồng Hới, chiều đoàn “đảo gió” sang thăm bán đảo Bảo Ninh quê hương người lái đò Anh Hùng. Bảo Ninh nay là khu đô thị hiện đại của thành phố Đồng Hới, có 3 chiếc cầu như 3 con rồng uốn mình vươn sang bán đảo. Đôi bờ sông Nhật Lệ hàng quán sầm uất, náo nhiệt cả đêm.
       Tượng đài mẹ Suốt đổ mình khua mái chèo chở bộ đội qua sông ta như còn nghe đâu đây: “Lắng nghe mẹ kể ngày xưa…” (Tố Hữu) Câu chuyện của mẹ Việt Nam Anh Hùng.
       Quảng Bình ! Tỉnh có nhiều hi sinh mất mát trong chiến tranh chống Mỹ: “… Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi…” (Quảng Bình quê ta ơi!) đang đổi mới từng ngày trên cát trắng chang chang nắng.
      Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho những công trình, hang động kỳ vĩ, nhiều khu di tích lịch sử cấp Quốc gia được xếp hạng, hứa hẹn cho bước phát triển đột phá.
 
       TRỞ LẠI HANG TÁM CÔ
       Nhiều hội viên trong đoàn đã từng sống, chiến đấu và đã từng đến đây thăm viếng đồng đội, đồng hương. Hang Tám Cô nằm ở Km16+200 rộng lớn, thuận lợi cho bộ đội, TNXP tránh bom đạn và tập kết hàng hóa.
       Ngày 14 tháng 11 năm 1972 máy bay Mỹ ập tới 8 nam nữ TNXP và 5 bộ đội pháo cao xạ. Chạy vào hang trú ẩn. Khối đá ước nặng trên 100 tấn, bị bom dội bất ngờ sập xuống lấp toàn bộ chân núi có cửa hang mà TNXP và bộ đội trú ẩn.
       Các đơn vị chiến đấu gần đó chạy lại, bàng hoàng khi họ nhận ra cửa hang đã bị núi đá sụt, bịt kín hoàn toàn cửa hang. Họ nghe tiếng kêu từ trong hang vọng ra! “Bầm ơi! Cứu con với…”, “Các anh, các chị ơi. Cứu…. cứu chúng em…” Tiếng kêu cứu xót xa, uất nghẹn, bi tráng thắt lòng người sống !...
      Đoàn dâng lễ mắt người nào cũng đỏ hoe, ngấn lệ. Chị Ngô Thị Lan thay mặt đoàn đọc sớ cầu hồn anh hùng Liệt sỹ rưng rưng khóc, nhiều lần nghẹn lòng đọc không trôi. Còn văng vẳng đâu đây tiếng gọi, cùng tiếng ve sầu đường 20 Quyết thắng:  “Bầm ơi…! Các anh chị ơi…. cứu cứu”. Cứ nghĩ đến cái chết bi thương thôi, chẳng cầm được lòng mình.
 
       LÊN VỚI ATP
      Ngược đường 20 Quyết Thắng, rừng xanh dốc thẳm, vách núi cheo leo, đường bẻ cua tay áo liên tục. Mặt đường đang được công nhân duy tu, bảo dưỡng nên rất khó đi. Là con đường chiến lược. Để tránh túi nước Xiêng Phan do đường thường bị ngập, phải mở đường tránh. Khó khăn nhất là qua dốc Ba Thang. Dốc cao 400m, dựng đứng. Nếu mở đường qua dốc phải san bạt 10.000m3 đá. Đường 20 đã được chọc thủng và lập nên ba danh hiệu: “Kỳ quan, kỳ tích, kỳ công”, rút ngắn cung độ, tránh được tử huyệt Xiêng Phan.
       Sau hơn ba tiếng đồng hồ vượt gần 60km tính từ Hang 8 cô. Đường rừng căng thẳng, mệt mỏi, đói. Vì không biết dọc đường lại vắng hoe, suốt hành trình chỉ gặp mỗi bản Vân Kiều bên đường mà chẳng thấy bán gì để mua ăn. Hỏi đường thì dân bản cho hay: Khoảng 20km nữa là đến biên giới.
       Đón chừng rồi, nhìn bên tê đỉnh núi mở sương, bỗng thấy ngôi Đền Chùa ngói đỏ 3 gian 2 chái thuần Việt. Sừng sững giữa đại ngàn biên cương. Cả đoàn ồ lên vui sướng:
       - Đây rồi ATP !
       ATP là tên viết tắt của cụm trọng điểm:
       - Cua chữ A  - Km78 đường 20A.
       - Ngầm Tà Lê - Km82.
       - Đèo Pu La Nhích - Km86.
       Cụm ATP thuộc địa phận huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào. Được mệnh danh là “tọa độ lửa”.
     Ở đó ! Là nơi thể hiện số ý chí kiên cường của người mở đường và rực sáng chủ nghĩa Anh Hùng cách mạng.
      Xuất trình thẻ CCCD cho Đồn biên phòng Cà Roòng làm thủ tục, đoàn được Ban quản lý hướng dẫn biện lễ, dâng hương hoa quả phẩm lên chính điện, tả, hữu và lên bàn thờ Bác Hồ.
       Buổi lễ diễn ra nghiêm trang thành kính, ứng vào giờ Ngọ linh thiêng. Lễ thành và vạn sự như ý.
       Một hành trình dọc “con đường Tuổi hai mươi” đã để lại nhiều kỷ niệm.
Thiết nghĩ ! Khi con đường được nâng cấp, hoàn thiện. Nhiều tổ chức đoàn thể sẽ lên thăm ATP. Con đường chiến lược với quyết tâm sắt đá, ý chí quyết thắng: “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi” của Bộ đội và TNXP Trường Sơn Anh Hùng !.

 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI LẠI TỪ CUỘC HÀNH TRÌNH



Quảng Bình - Vinh
Tháng 7 năm 2024
Nguyễn Viết Lợi
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Nghệ An
ĐT: 0913 145468
tin tức liên quan
test 123