Những điều đặc biệt ở Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ngày đăng: 04:14 13/12/2024 Lượt xem: 29

TRUY TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LLVTND CHO TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN

      Sáng nay, 13/12/2024, tại Sở Chỉ huy Binh đoàn 12, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã long trong tổ chức Lễ trao danh hiệu Anh hùng cho nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Nhân dịp này chúng tôi đăng "Những điều đặc biệt ở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên" để bạn đọc và các đồng chí Hội viên Trường Sơn càng thêm tự hào về người Tư lệnh tài ba, đức độ của mình.

NHỮNG ĐIỀU ĐẶT BIỆT Ở TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN

 Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, có khá nhiều điều đặc biệt:  
-Tên thật của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Nguyễn Hữu Vũ (sinh ngày 1/3/1923). Cái tên khai sinh này chỉ được sử dụng công khai đến năm 1937. Năm 1939, khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương thì đồng chí lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng.
-Từ năm 1947, đồng chí lấy tên là Đồng Sĩ Nguyên để giữ bí mật trong hoạt động và để bảo đảm an toàn cho gia đình. Đồng Sỹ Nguyên trở thành tên chính thức của đồng chí đến cuối đời.
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi; vào Đảng khi mới hơn 16 tuổi (sinh năm 1923, vào Đảng năm tháng 12 năm 1939).
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 6/3/1946, khi mới 23 tuổi và hơn 6 tuổi Đảng. Đồng chí là 1 trong gần 5.000 đảng viên của Đảng lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
-Hơn 34 tuổi quân nhưng đồng chí Đồng Sĩ Nguyên chỉ 2 lần được phong quân hàm. Lần đầu tiên năm 1958 phong quân hàm Đại tá. Năm 1974 được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Trong Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam cho tới nay thì đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là 1 trong 2 đồng chí được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Và đây cũng là lần phong quân hàm cuối cùng của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên.
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên vừa là một cán bộ chính trị vừa là một cán bộ quân sự xuất sắc: Sau cánh mạng Tháng Tám là Chỉ huy trưởng Bộ đội tỉnh Quảng Bình. Toàn quốc kháng chiến (12/1946) đồng chí là Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Năm 1950 được Trung ương rút về Tổng cục Chính trị làm Phái viên Mặt trận Trung Hạ Lào. Sau năm 1954 được điều về Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách Cục Động viên Dân quân, sau đó là Cục Phó Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Năm 1964 được đề bạt là Tổng Tham mưu phó, sau đó làm Chính ủy Quân khu IV, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào. Đầu năm 1966 đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Tiền phương. Từ 1/1/1967 là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn).
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một cán bộ có tầm tư duy chiến lược, sâu sát thực tế, rất sắc sảo trong chỉ đạo. Khi được giao phụ trach bất kể lĩnh vực nào, từ chỉ huy tham mưu, chính trị, hậu cần, kinh tế đều có những phát hiện, đổi mới có tính chiến lược. Như khi ở Cục Dân quân đưa ra tư tưởng: “Xây dựng làng chiến đấu, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong nhà máy, công xưởng, thành phố”…Khi là chính ủy Quân khu 4, đồng chí đã đưa ra tư tưởng: “Các lực lượng phòng không cần cơ động, không cố định một chỗ, tạo bất ngờ cho máy bay địch, bảo vệ lực lượng ta”…
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên và đồng chí Đặng Tính là hai đồng chí, hai người bạn thân thiết từ sau năm 1954. Đầu năm 1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi về việc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng muốn điều động cho Trường Sơn một Chính ủy xứng tầm và hỏi đồng chí Đồng Sĩ Nguyên: “…Trong số cán bộ các Tổng cục và các Quân binh chủng, anh muốn tiến cử ai?”. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên không ngần ngại mong muốn được Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân bổ sung cho Trường Sơn. Và như chúng ta được biết, đầu tháng 10/1971, Trung ương đã cử đồng chí Đặng Tính vào Trường Sơn sát cánh cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trên cương vị là Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên từ trần 11 giờ 42 phút ngày 4/4/2019. Thì Chính ủy Đặng Tính hy sinh trưa ngày 3/4/1973 tại Pắc Sòong, Nam Lào. Ngày 4/4 và ngày 3/4 - ngày hy sinh (tính theo ngày và tháng dương lịch), thì đồng chí Đồng Sĩ Nguyên ra đi sau đồng chí Đặng Tính đúng một ngày!
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên sinh ra trong một gia đình khá đặc biệt: Khi kỷ niệm 115 năm ngày sinh mẹ đồng chí, gia đình đã tổng kết có 214 người là con, cháu chắt, chút, dâu, rể nội ngoại. Có 6 anh em ruột và 32 cháu tham gia quân đội, trong đó có 52 đảng viên; có “3 vị tướng”: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là con thứ 5 trong gia đình. Người em ruột kề sau đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (đồng chí Nguyễn Hữu Anh) là Thiếu tướng, Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần. Người cháu ruột đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Nguyễn Hữu Cường, là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu IV (con trai ông Nguyễn Hữu Lượng – người anh ruột thứ 3 của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên).
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên hoạt động trên đất Lào 3 thời kỳ: Lần thứ nhất là Phái viên, biệt phái tham gia Bộ Tư lệnh cánh phối hợp Trung Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954. Lần thứ 2 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào (năm 1965). Lần thứ 3 từ ngày 1/1/1967 làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 – Bộ đội Trường Sơn hoạt động tại chiến trường Tây Trường Sơn – Trung -Nam Lào.
-Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người xây dựng và triển khai nghệ thuật quân sự: “Tác chiến hợp đồng binh chủng” trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
-Ngay từ khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã có chỉ đạo mang tầm chiến lược, khi phát biểu: “Coi Trường Sơn không chỉ là tuyến vận tải mà là một chiến trường, chống lại hai cuộc chiến tranh”“Đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến!”là tư tưởng xuyên suốt trong thực hiện chiến lược vận chuyển.
-Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người đề suất tổ chức các sư đoàn, trung đoàn binh chủng của lực lượng của Bộ đội Trường Sơn (tổ chức lực lượng này chưa có tiền lệ của Quân đội ta) tạo bước ngoặt lớn giúp Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho các hướng chiến trường; góp phần quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
-Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hôm nay đã trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh, “địa chỉ đỏ” đặc biệt và vô cùng có ý nghĩa của đất nước. Người đề suất xây dựng, quyết định chọn vị trí và chỉ đạo xây dựng là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên.
Cái tâm và tầm nhìn của ông đã để lại cho đất nước một công trình văn hóa tâm linh vô cùng quý giá cho hôm nay và cho muôn đời sau.

Nhà văn - Nhà báo Phạm Thành Long

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TỪ BUỔI LỄ TRAO DANH HIỆU ANH HÙNG CHO CỐ TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN.



Phó Thủ tướng Lê Thành Long trân trọng trao Quyết định Anh hùng cho gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh trên. Trao lẵng hoa. Ảnh dưới.





Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 phát biểu tại buổi Lễ.


 
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.



Ông Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên phát biểu cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã dành niềm vinh dự to lớn đối với gia đình, dòng họ, quê hương...



Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tặng lẵng hoa của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tặng gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.



Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 tặng hoa Gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.



Lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam tặng hoa gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ảnh: Thành Long





tin tức liên quan
test 123