Gặp mặt Giới thiệu tác phẩm mới

Ngày đăng: 04:08 17/12/2024 Lượt xem: 607
-------------------

GẶP MẶT GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI
 
          Ngày 16/12/2024 tại Khu di tích Đề Hùng, Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Thọ tổ chức Gặp mặt ra mắt cuốn sách: “Nữ chiến sỹ Trường Sơn Đất Tổ” của tác giả Vi Văn Định và Mai Thị Thọ. Cuốn sách dài gần 200 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, sách do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản - tháng 10 năm 2024 dưới dạng truyện ký.
          Đến dự buổi ra mắt cuốn sách có ông Nguyễn Hữu Điền, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Đại tá Vũ Tiến Đặng, Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ và đại diện các sở. ban, ngành của tỉnh Phú Thọ, Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Đặc biệt là sự có mặt của 12 nhân vật trong truyện ký….   
          Nội dung cuốn sách được chia làm 5 chương.
          Tôi thật sự xúc động khi đọc chương I: Những câu chuyện thời quân ngũ trên tuyến lửa Trường Sơn. Trong đó có các câu chuyện về các cô gái trên quê hương Đất Tổ, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, đang ở lứa tuổi 18 đôi mươi thật trong trắng, ngây thơ; nhưng tràn đầy ước mơ và lòng yêu nước.
          Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc các chị tình nguyện lên đường nhập ngũ. Có chị Viết đơn tình nguyện, mang ra tận ruộng, khi bố đang bừa để nài nỉ bố ký vào đơn cho mình lên đường nhập ngũ. Khi đi khám sức khỏe, sợ mình nhẹ cân, còn mặc nhiều áo, cho cả bánh chưng và sỏi vào hai túi cho đủ cân… Sau 2 tháng huấn luyện, các chị được biên chế ngay vào tuyến lửa Trường Sơn để phục vụ chiến đấu với biết bao khó khăn, gian khổ, ác liệt. Tiếp theo là những ngày mở đường gian khổ dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, Với tinh thần: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Có biết bao đồng đội của các chị đã hy sinh ngay trên mặt đường, khi mới bước vào tuổi 18, chưa hề biết yêu.
          Đó còn là những ngày khó khăn, vất vả chống lại thời tiết khắc nghiệt của Trường Sơn. Mùa khô phải phơi mình trên mặt đường để san lấp hố bom dưới cái nắng cháy da, cháy thịt trên các cung đường trọng điểm khét lẹt mùi bom đạn của Trường Sơn và nước bạn Lào. Khổ nhất là thiếu nước sinh hoạt và vệ sinh, tắm giặt; ngay đối với Nam giới còn thấy khó chịu, thì đối với chị em phụ nữ còn gian khổ gấp hàng chục lần… Mùa mưa thì mưa tầm tã, suốt cả tháng trời. Quần áo lúc nào cũng ướt sũng, gây ra biết bao bệnh ngứa ngáy, mụn nhọt, lở loét. Có nhiều lần các chị phải đốt lửa, cử người canh gác, cởi hết quần áo ra để hong cho khô…
          Thế rồi, nhưng trận sốt rét kéo đến, thiếu thuốc men, thiếu cả lương thực, thực phẩm, nhiều ngày phải ăn độn măng hoặc rau tầu bay. Có những trận sốt rét người run lên bần bật, đắp cả 3 cái chăn chiên lên người vẫn không hết run. Các chị phải nằm đè lên người đồng đội của mình để bệnh nhân bớt run… Có chị bị sốt rét ác tính không qua khỏi, đến bây giờ còn phải nằm lại trên rừng Trường Sơn. Như câu thơ trong sách đã viết:
          “Vào bộ đội năm em tròn mười tám
          Ở Trường Sơn ngày ấy thuở trăng tròn
          Em đâu được làm duyên con gái
          Mái tóc dài đã gửi lại Trường Sơn…”.
          Các chị đã cống hiếu tuổi thanh xuân đẹp nhất của người con gái cho Trường Sơn, cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng đất nước, một cách vô tư trong sáng, mà không nề hà, đòi hỏi một chút riêng tư cho mình!
          Đó còn là hình ảnh cảm động của các chị là y sỹ, y tá ở Trường Sơn. Có chị đã được đào tạo thành y sỹ ở Trường Trung cấp Y Phú Thọ. Song phần lớn các chị được đào tạo lớp y tá cấp tốc thuộc Bệnh viện Đoàn 559 ngay ở chiến trường. Với tinh thấn hết lòng vì đồng đội. Các chị không quản ngại hy sinh, gian khổ nhiều đêm thức trắng để phục vụ, chăm sóc những thương binh nặng, hay nhiều lần hiến máu để cứu thương binh nặng…
          Tôi thật sự xúc động không cầm được nước mắt khi đọc đến chương 2: Sáng mãi truyền thống nữ chiến sỹ Trường Sơn.
          Đó là những tấm gương của các nữ chiến sỹ Trường Sơn thật sự kiên cường, dũng cảm, đảm đang. Sau khi các chị đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trên chiến trường, được phục viên trở về quê hương với cuộc sống đời thường. Nhưng các chị thật phi thường, khi vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại trên mặt trận mới, không còn tiếng súng nhưng không kém phần gian khổ, khó khăn và có cả sự hy sinh.
          Đó là tấm gương chị Lê Thị Sâm dũng cảm vượt qua gian khổ khó khăn, yêu thương và lấy anh thương binh nặng cụt cả hai chân, và xây dựng nên gia đình hạnh phúc với 3 người con trưởng thành.
          Điển hình là tấm gương chị Mai Thị Thọ, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Liên lạc Nữ chiến sỹ Trường Sơn, Hội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ. Sau thời gian chiến đấu ở Trường Sơn chị về địa phương gặp anh bộ đội cùng quê, hò hẹn, yêu thương… Hết chiến tranh anh chị may mắn trở về xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng nhau đồng cam cộng khổ để có được gia đình hạnh phúc. Không ngờ, thời gian chị chiến đấu ở Trường Sơn, chị bị nhiễm chất độc màu da cam. Sinh ra cả 4 người con đều bị nhiễm chất độc màu ra cam!
           Sau đó là những chuỗi ngày theo đuổi chạy chữa cho con, trong bệnh viện từ địa phương cho đến Trung ương. Bao nhiêu tiền của trong nhà, hay có chút ít tài sản nào đáng giá đều đem bán hết, để chạy chữa cho con. Chồng chị dù rất yêu thương chị, nhưng cũng không chịu đựng nổi, đành dứt áo ra đi; để lại mình chị phải lo toan. Thế rồi cả 4 người con chị cũng lần lượt ra đi… Nhưng chị đã kiên cường vượt qua nghịch cảnh, để vươn lên trong cuộc sống và đảm đương trách nhiệm cao cả là Trưởng ban Ban Liên lạc Nữ chiến sỹ Trường Sơn và Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ với tâm huyết và trách nhiệm rất cao.
          Đó còn là các tấm gương rất cảm động của chị Hoàng Thị Hùng, hội viên Hội Trường Sơn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trở về sau chiến tranh, biết mình bị nhiễm chất độc mầu da cam, chị quyết định không lấy chồng, sinh con, mà tình nguyện vào làm ở làng trẻ em SOS để chăm sóc các cháu, mồ côi… Có cháu chị nhận về nuôi khi cháu còn đỏ hỏn đã bị bỏ rơi, được chị chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến lúc trưởng thành. Có lần chị đã phải bán cả căn nhà tình nghĩa để lo cho các cháu ăn học. Tính đến nay chị đã nuôi dưỡng được 14 cháu, nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học và đi làm ở nhiều tỉnh, thành khác nhau ở nhiều vùng, miền trong cả nước.
          Còn rất nhiều tấm gương vượt lên số phận của các nữ chiến sỹ Trường Sơn Đất Tổ đã làm sáng ngời nên truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Sơn anh hùng, mà tôi không có dịp kể ra ở đây… Chỉ có thể nói rằng, chúng tôi thật sự cảm phục và ngưỡng mộ những đóng góp thầm lặng; nhưng thật nghĩa tình của các chị với Trường Sơn và ngay trên quê hương Đất Tổ vua Hùng ngày hôm nay…
          Chương III, tiếp theo là chương nói về các kỷ vật của các nữ chiến sỹ Trường Sơn Đất Tổ. Những món quà lưu niệm như: Những chiếc lược, hộp kim chỉ, các bức khắc họa được các nam đồng đội tặng, được làm bằng mảnh duyra từ xác máy bay Mỹ. Những đồ tư trang, mũ tai bèo, hăng gô, bình tông... Có đôi dép nhựa các chị đã từng đi chung nhau dùng suốt trong những năm ở Trường Sơn. Những bức thư nhà chung nhau đọc, khi ở giữa rừng núi lúc xa nhà, xa mẹ… đến bây giờ trên 50 năm vẫn được bảo quản, giữ gìn như báu vật.
          Chương IV: Những hoạt động của Ban Liên lạc Nữ chiến sỹ Trường Sơn Đất Tổ, thông qua 100 bức ảnh mầu; ghi lại những lần các chị được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp đón, vinh danh. Đặc biệt là những lần các chị được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Người vào thăm Đèo Phu La nhích trên đường 20 Quyết Thắng ở Trường Sơn - năm 1973. Và những hình ảnh các chị về Hà Nội viếng Đại tướng khi Người đi xa…
          Chương V: Những tác phẩm ca ngợi nữ chiến sỹ Trường Sơn một thời hoa lửa. Trong đó có nhiều bài thơ, bài hát ca ngợi các nữ chiến sỹ Trường Sơn anh hùng. Trong đó có bài hát: “Bài ca nữ chiến sỹ Trường Sơn” của tác giả hội viên Hội Trường Sơn, tỉnh Phú Thọ Lê Đắc Tư. Bài hát ca ngợi hình ảnh tươi đẹp, anh hùng người nữ chiến sỹ trường Sơn trong thời gian khó năm xưa. Và vượt lên số phận để có cuộc sống ý nghĩa và tươi đẹp ngày hôm nay. 
          Cuốn sách khép lại, để lại trong tôi niềm xúc động, tự hào và khâm phục về ý chí và phẩm chất tốt đẹp của người nữ chiến sỹ Trường Sơn trên quê hương Đất Tổ; trên các cung đường Trường Sơn năm xưa và trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khó của các chị ngày hôm nay, khi các chị đã bước vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”.
          Kính mong, những chiến sỹ Trường Sơn năm xưa và quý độc giả tìm đọc, cuốn sách chứa chan tình đồng đội và nhiều ý nghĩa này…!

 



Đại biểu tham dự buổi gặp mặt
 


Đoàn đại biểu Hội VHNT Trường Sơn tặng hoa và ấn phẩm VHNT
chúc mừng Hội TS Phú Thọ và các tác giả cuốn sách





Đồng chí Lê Hồng Huân, Phó Ban TTTĐ Hội TSVN tặng tranh và lịch
chúc mừng Hội TS Phú Thọ và các tác giả cuốn sách




Tác giả Vi Văn Định (hàng thứ nhất bên trái) 



Đại biểu Hội Trường Sơn Thị xã Phú Thọ



Các đại biểu tham dự buổi Gặp mặt chụp ảnh lưu niệm  

              Vĩnh Điển Hồng Huân
Biên tập viên Bản tin và Trang tin ĐTTS 
       
 
 

tin tức liên quan
test 123