BLL Cựu chiến binh tiểu đoàn 335 CBTS - Gặp mặt kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày đăng: 03:08 24/04/2025 Lượt xem: 6
CỰU CHIẾN BINH TIỂU ĐOÀN 335 CÔNG BINH TRƯỞNG SƠN
GẶP MẶT KỈ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC.
       Sáng ngày 23-4-2025, tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Bảo tàng Trường Sơn) – Phường Yên Nghĩa quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ban liên lạc Cựu chiến binh tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn tổ chức “Gặp mặt kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)”.
        Tới dự hội nghị có: Đồng chí thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt - Ủy viên BTV Hội TSVN, nguyên chiến sĩ D334 từ ngày đầu thành lập; Đại tá Vũ Trình Tường- Ủy viên BTV, Trưởng ban LSTT Hội TSVN; Đại tá Phạm Tuấn Hải-Đại diện lãnh đạo Lữ đoàn 99/ BĐ12; Thượng tá Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; Đại tá Thái Sầm - Ủy viên BTV, Trưởng ban kiểm tra Hội TSVN, Trưởng BLL Cựu chiến binh tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn; Cùng các đồng chí phó trưởng ban, ủy viên thường trực BLL d335 CBTS và 130 hội viên BLL d335 CBTS từ các tỉnh thành trong cả nước đã về dự gặp mặt đông vui phấn khởi. Đồng chí Nguyễn Quốc Huy – Phó tổng biên tập Trang thông tin điện tử và Bản tin Trưởng Sơn về dự và đưa tin hội nghị. Về dự và biểu diễn văn nghệ chào mừng có 25 nam nữ diễn viên Câu lạc bộ Văn hóa – Nghệ thuật Trường Sơn TP Hà Nội.
        Trước giờ khai mạc, BLL CCB d334 CBTS đã làm lễ dâng hương, dâng hoa tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các AHLS Trường Sơn tại Đài tưởng niệm các AHLS trong khuôn viên Bảo tàng Trường Sơn.
      Mở đầu hội nghị, Câu lạc bộ Văn hóa-Nghệ thuật Trường Sơn TP.Hà Nội, đã biểu diễn chương trình văn nghệ đặc biệt chào mừng hội nghị. Các đại biểu khách quí và các đoàn đại biểu, các doanh nghiệp tặng hoa, quà chúc mừng BLL.     
      Đại tá Thái Sầm - Ủy viên BTV, Trưởng ban kiểm tra Hội TSVN, Trưởng BLL Cựu chiến binh tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn, thay mặt ban tổ chức hội nghị đọc diễn văn kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam và ôn lại truyền thống lịch sử của tiểu đoàn 335 CBTS trong cuộc kháng chiên chống Mỹ cứu nước. Diễn văn nêu rõ “Hôm nay, tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn tổ chức gặp mặt truyền thống lần thứ 2. Đây là việc làm thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn: 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2025); 66 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn – ngày mở đường Hồ Chí Minh; 58 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 335 (tháng 9 năm 1967- tháng 9 năm 2025)…
         Thay mặt Ban liên lạc, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí (đ/c) đại biểu khách quý của Hội Trường Sơn Việt Nam – đặc biệt là đ/c Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Phó Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam – năm nay đã 96 tuổi. Do bận công việc không đến dự buổi gặp mặt với Cựu chiến binh Tiểu đoàn 335 – đây là vinh dự lớn lao cho chúng ta. Cả cuộc đời đồng chí luôn gắn bó với Trường Sơn. Chúng ta  kính chúc đ/c sức khỏe, sống lâu, đại đại thọ để cùng Cựu chiến binh chúng ta viết tiếp những trang sử vẻ vang của Trường Sơn huyền thoại.
       Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả anh chị em Cựu chiến binh (CCB) tiểu đoàn. Tuy tuổi đời trên dưới 70 nhưng rất nhiệt tình về dự gặp mặt tình nghĩa đông đủ - Chúc anh chị em sức khỏe và hạnh phúc!
Cũng trong buổi gặp mặt này có đồng chí Lương Mạnh Trác – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn thời kỳ 1971-1973; năm nay 92 tuổi nhưng rất nhiệt tình gắn bó với Tiểu đoàn. 5 giờ sáng hôm nay, từ quê nhà Thanh Hóa ra dự buổi gặp mặt tình nghĩa này. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khỏe đ/c Lương Mạnh Trác.
Cũng trong buổi gặp mặt này, tôi xin giới thiệu thêm với các đồng chí về đ/c Nguyễn Mạnh Đạt. Anh là người đầu tiên tham gia thành lập Tiểu đoàn năm 1966, chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn ở những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất; trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1976 đ/c được tổ chức cử đi đào tạo tại Học viện kỹ thuật quân sự, ra trường, tiếp tục công tác trong quân đội; khi nghỉ hưu đ/c là Thiếu tướng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty than Đông Bắc – Bộ Quốc phòng – Là người có quân hàm cao nhất của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn ta - Đây là niềm tự hào của CCB Tiểu đoàn 335, và đồng chí cũng là người luôn dành cho CCB Tiểu đoàn 335 những tình cảm đặc biệt, chân thành nhất. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt chúc mừng đ/c Nguyễn Mạnh Đạt.
       Vì thời gian có hạn, còn rất, rất nhiều đồng chí có công lao to lớn, đóng góp vào truyền thống Tiểu đoàn, thành đạt trong cuộc sống, công tác, tô thắm cho truyền thống mà hôm nay chưa nói hết, mong các đồng chí thông cảm, miễn là trong tâm khảm chúng ta, luôn ghi nhớ sự cống hiến, hy sinh của các đồng chí.
Thưa các đồng chí!
Trong buổi gặp mặt truyền thống hôm nay, chúng ta dành ít thời gian để ôn lại những chiến công của tập thể và cá nhân tiêu biểu đóng góp vào truyền thống của Tiểu đoàn qua các thời kỳ, trong 9 năm phát triển của Tiểu đoàn – đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tôi xin trân trọng giới thiệu tóm tắt 5 thời kỳ đáng nhớ sau đây:
Thời kỳ thứ nhất- Bối cảnh ra đời, chiến đấu trên chảo lửa đặc khu Vĩnh Linh và phía Nam tỉnh Quảng Bình:
- Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu giao Bộ Tư lệnh Quân khu III thành lập 2 tiểu đoàn công binh bổ sung cho Binh trạm 16 thuộc Bộ Tư lệnh 500 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đưa hàng hóa theo đường 15, đường 16 vào cụm kho bắc sông Bến Hải thuộc đặc khu Vĩnh Linh, tạo chân hàng phục vụ chiến trường Thừa Thiên Huế.
Hai tiểu đoàn sau khi được thành lập (tháng 10 năm 1966) ở miền Bắc, sau 2 tháng huấn luyện, nhận lệnh cấp tốc hành quân vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, bổ sung quân cho Binh trạm 16 thuộc Tổng cục Hậu Cần tiền phương đảm bảo giao thông, phá bom mìn đường bộ và đường sông. Trọng điểm là Sông Kiên Giang ở Lệ Thủy Quảng Bình, vận chuyển hàng hóa tập kết vào kho Binh trạm 16. Tháng 5 năm 1967 do địa bàn hoạt động của 2 tiểu đoàn rộng, địch đánh phá quyết liệt với mọi thủ đoạn: thả pháo sáng, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào, từ Cồn Tiên – Dốc Miếu bắn ra; máy bay phản lực bổ nhào ném bom các loại… Một số địa danh đã thành trọng điểm đánh phá của địch, trên các trục đường 15, 16 bị tắc, xe không vận chuyển được… Để tập trung lực lượng chốt ở các trọng điểm, rà phá bom mìn, khai thông các trọng điểm đánh phá của địch, đảm bảo giao thông thông suốt đưa được nhiều vũ khí, súng đạn, hàng hóa vào chiến trường. Tháng 9 năm 1967 lãnh đạo Binh trạm 16 quyết định sáp nhập 2 tiểu đoàn thành một, lấy phiên hiệu Tiều đoàn 335 Công binh.
- Từ ngày thành lập (tháng 9 năm 1967 đến tháng 7 năm 1968), Tiểu đoàn chiến đấu trên địa bàn đặc khu Vĩnh Linh, Nam tỉnh Quảng Bình – tất cả các địa danh địch đánh phá ác liệt nhất như trục đường 15, đường 16 khu vực đi vào làng Ho; sông Kiên Giang, bến Tiến đến ngã ba Cổ Kiềng; ngã 3 Dân chủ đến đập Cẩm Ly, ngầm Cẩm Ly… cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn đều chiến đấu dũng cảm, bám trọng điểm kiên cường “một tấc không đi, một ly không rời”, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt. Đặc biệt, lực lượng Đại đội 3 nạo vét nhánh sông Kiên Giang thuộc xã Liên Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình cả ngày, cả đêm, thậm chí lợi dụng pháo sáng địch để thi công đảm bảo yêu cầu thuyền vận chuyển hàng vào kho tập kết của Binh trạm.
Tổng kết mùa kho 1967 – 1968 Tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại đội 3 được trên công nhận Đơn vị quyết thắng, tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Tập thể bình chọn 10 đồng chí là Chiến sỹ quyết thắng, 15 đồng chí là Chiến sỹ thi đua. Các đồng chí: Lý Văn Tắc – người dân tộc Dao, Hà Bắc – Chiến sỹ quyết thắng; Nguyễn Văn Nguyệt quê Lương Tài – tỉnh Bắc Ninh là Chiến sỹ quyết thắng; Bùi Văn Hớn  quê Tân Lạc – Hòa Bình là Chiến sỹ thi đua… còn nhiều đồng chí nữa… là những tấm gương tiêu biểu cho lòng dũng cảm, chí kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Rất đáng tiếc, số anh em có mặt ngay từ ngày thành lập hôm nay không có mặt do tuổi cao, sức khỏe yếu và một số anh em đã qua đời.
Thời kỳ thứ hai
Chiến đấu trên trọng điểm Trà Ang – Km12 đường 20 Quyết thắng; Mở đường 20C, 20D và bảo đảm giao thông tuyến đường 128 trên đất bạn Lào anh em
- Ngày 27 tháng 7 năm 1968, Tiểu đoàn 335 nhận lệnh của đồng chí Tư lệnh Đoàn 559 điều động, tăng cường cho Binh trạm 14 chiến đấu khai thông trọng điểm Trà Ang Km12 đường 20 Quyết thắng, bị địch đánh tắc đường hơn 1 tháng, xe không lưu thông, hàng bị ứ đọng, chiến trường đang kêu gọi…
Trọng điểm Trà Ang là một trọng điểm liên hoàn từ Km12 đến Km16. Địa hình đoạn đường này rất hiểm trở, đường độc đạo, phía ta luy dương là núi đá dựng đứng, đường chỉ đủ 1 làn xe đi; phía ta luy âm là suối sâu. Riêng trọng điểm Trà Ang đoạn đầu Km12 phía ta luy âm là một con suối chảy ngầm trong núi đi ra tạo nên bùn lầy. Xác định địa hình hiểm trở, kẻ địch đã dùng mọi phương tiện hiện đại, thủ đoạn xảo quyệt đánh phá điên cuồng. Ngoài các loại bom chúng thường dùng, trọng điểm này chúng dùng máy bay phóng tên lửa Pôn-Pốp vào núi đá vôi, đá sập khối lượng lớn, đường tắc khó mà khai thông. Ngăn cản bộ đội ta khai thông, chúng thả bom bi vướng nổ, bom nổ chậm, bom quả dứa liên tục dội xuống trên diện tích chưa đầy 1km2 này.  Máy bay OV10 – AD6 hoạt động trung bình 10-15 phút/ 1 lần trinh sát, dòm ngó mọi hoạt động của Tiểu đoàn trên trọng điểm…  Không đầu hàng trước mọi thủ đoạn đánh phá của máy bay Mỹ, cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn đã anh dũng bám đường, cứ 50m đến 100m đào một hầm chữ A kiên cố để trú quân, bám sát mặt đường và lợi dụng vách núi đá để đóng quân. Địch đánh, đường tắc, cán bộ chiến sỹ nhanh chóng tiếp cận san lấp hố bom, phá đá vá đường với quyết tâm: Tim còn đập, đường phải thông; đường tắc ngày nhất quyết không tắc đêm… tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cũng thời điểm này, Tiểu đoàn được bổ sung 2 trung đội nữ Thanh niên xung phong phần lớn quê Hà Nam, Thái Bình; Binh trạm bổ sung cho 100 chiến sỹ rất khỏe mạnh, là lính đi chiến đấu chiến trường B, quê chủ yếu tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, trên đường đi chiến đấu, được lệnh dừng lại bổ sung cho Binh trạm 14 làm nhiệm vụ vận chuyển xăng bằng sức người qua suối Trà Ang. Trọng điểm Km12 – Binh trạm 14 bổ sung biên chế về Tiểu đoàn để bảo đảm giao thông sau khi trọng điểm Km12 đã thông xe… Sức mạnh chiến đấu được tăng cường, đường lại thông, đội hình xe vận chuyển hàng hóa qua trọng điểm được thuận lợi hơn.
Suốt 93 ngày đêm chiến đấu ở trọng điểm Trà Ang (Km12) toàn Tiểu đoàn có 15 đồng chí hy sinh, 70 đồng chí bị thương (kể cả thanh niên xung phong Binh trạm tăng cường cho Tiểu đoàn). Rất, rất nhiều cán bộ chiến sỹ lập công xuất sắc, hy sinh anh dũng, bổ sung vào trang sử vẻ vang của Tiểu đoàn như đ/c Trần Quốc Đàm (được mệnh danh – con sóc Km12 của Đại đội 3, quê Gia Lộc – Hải Dương; Trung đội phó Hoàng Ngân, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Nguyệt quê Ninh Bình, Nguyễn Quang Biên quê Hải Phòng, Nguyễn Văn Thư quê Hà Bắc, Nguyễn Thị Nga – Thanh niên xung phong… đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Tiểu đội trưởng Phạm Văn Hậu, bị thương lần thứ 4 mới chịu ra Bắc điều dưỡng. Các đồng chí: Trần Ngọc Trân – chính trị viên Tiểu đoàn quê Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh; Đại đội trưởng Nguyễn Văn Diệm quê Thái Bình được Binh trạm 14 tặng thưởng đồng hồ Đức do thành tích xuất sắc khai thông và bảo đảm giao thông trọng điểm Km12… Tên tuổi các anh mãi mãi xứng danh cùng truyền thống Tiểu đoàn khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên trọng điểm Trà Ang Km12 đường 20 Quyết thắng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện biểu dương tháng 10 năm 1968.
- Sau thất bại ở chiến trường, Tổng thống Mỹ Giôn Sơn tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (ngày 01/11/1968 ) và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị 4 bên ở Pari.
Trung tuần tháng 11-1968, Tiểu đoàn được lệnh hành quân tiến sâu qua biên giới Việt – Lào mở tiếp đường 20C – đường vòng tránh trọng điểm ATP đường 20A (viết tắt theo thứ tự: Cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Phu la nhích), với chiều dài tuyến đường 28km. Tận dụng thời gian Mỹ vừa tuyên bố ngừng bắn, cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn vừa làm lán trại trú quân, vừa tổ chức lực lượng chặt cây, phát tuyến mở đường. Lúc này Tiểu đoàn được điều bổ sung về Binh trạm 32. Cùng với Tiểu đoàn 77 công binh Binh trạm 32, Tiểu đoàn đã sử dụng mọi phương tiện sẵn có như máy húc T54, T100, cùng sức người, lao động lấn sáng, lấn chiều. Được 15 ngày khá yên tĩnh, trinh sát địch phát hiện được ta đang mở đường nên đánh phá. Để địch phân tán hỏa lực, Tiểu đoàn đã bố trí 1 trung đội tăng cường do Đại đội phó Hà Văn Lô – quê Phú Bình, Thái Nguyên mở con đường tránh với ký hiệu 20B dài 12km về phía thượng lưu ngầm Ta Lê đường 20A.
Ta vừa chiến đấu để bảo vệ lực lượng, vừa tích cực dồn lực lượng mở đường; kẻ địch lại tăng cường đánh phá. Tiểu đoàn được lệnh mở tiếp 8km đường tránh ngầm Ta Lê của đường 20C; Địch phát hiện nên cùng một lúc đánh phá trên diện rộng ở các trọng điểm ATP của đường 20A, đánh đường 20B, 20C và 20D. Hỏa lực địch phân tán, là thời cơ Tiểu đoàn thi công mở đường đạt được tiến độ đề ra.
Sau khi mở thông đường 20C, 20D Tiểu đoàn được lệnh bảo đảm giao thông với mục tiêu xe vận chuyển liên tục cả 2 tuyến đường, góp phần đưa hàng vào kho, tạo điều kiện để Binh trạm 32 thực hiện được kế hoạch vận chuyển, được Bộ Tư lệnh 559 suy tôn – Binh trạm Vạn tấn. Đại đội 1 của Tiểu đoàn được Binh trạm 32 tặng danh  hiệu Đơn vị quyết thắng. Tiểu đoàn có 10 đồng chí Chiến sỹ quyết thắng, 15 đồng chí Chiến sỹ thi đua. Nhưng 5 đồng chí của Tiểu đoàn đã hy sinh. Trong đó có đ/c Trung úy Lưu Đệ Nhị, chính trị viên Đại đội 3 quê Thái Bình hy sinh trên định núi Tam Đảo đường 20D và 3 đồng chí bị thương.
- Mùa khô năm 1971-1972 Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều bổ sung về Binh trạm 15 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến 128 (điểm cuối địa bàn Binh trạm 14, đồng thời là điểm đầu của Binh trạm 32). Tiểu đoàn được bổ sung 100 chiến sỹ nam quê Hà Tây, nữ quê Thanh Hóa (và hôm nay có mặt ở đây tương đối đầy đủ). Các địa danh Ngã 3 Lùm Bùm, Ngã 4 đường 128, QA3, QA5, Nậm Khừng, Km57, Km62, Km68 đường 128 là những trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Đặc biệt đầu năm 1971, địch dùng máy bay AC130 liên tục nhả đạn 20 ly, 40 ly săn lùng đội hình xe vận chuyển đe dọa tính mạng chiến sỹ công binh Tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông…
Để đạt được kế hoạch vận chuyển hàng hóa cho chiến trường, Tiểu đoàn trinh sát và mở tiếp 7km đường kí từ Ngã ba Nậm Khừng đến Km68 đường 128. Riêng trung đội nữ của đ/c Lương Thị Mùi làm Trung đội trưởng, đ/c Nguyễn Thị Định Trung đội phó đảm bảo giao thông đường nhánh QA5.
Với kinh nghiệm dày dạn, lòng dũng cảm ngoan cường, quyết bám đường, bám trọng điểm, Tiểu đoàn được trang bị thêm phương tiện cơ giới như xe ben Giải phóng, xe phóng từ để phá bom nổ chậm. Hiệu quả chiến đấu được tăng lên, đường liên tục thông xe, được lãnh đạo Binh trạm 15 khen thưởng.
Đầu tháng 12 năm 1972 do yêu cầu nhiệm vụ, Binh trạm 15 giải thể, Tiểu đoàn được điều về chiến đấu trong đội hình Binh trạm 14, được phân công đảm bảo giao thông trọng điểm Lùm Bùm; tham gia mở 20km đường Kín (ký hiệu đường 20K) từ Lùm Bùm ra ngầm Aky (Km54 đường 20A). Riêng Đại đội 1 do đồng chí Nguyễn Văn Thành là chính trị viên, đồng chí Nguyễn Thế Hạ đại đội trưởng, đ/c Ngô Văn Quyền làm chính trị viên phó cùng 3 trung đội (trong đó có trung đội nữ của đ/c Lương Thị Mùi) được cấp trên điều động bổ sung cho Trung đoàn 542 thuộc Sư đoàn 472, lật cánh sang đông bảo đảm giao thông đường 14 từ sân bay A Lưới đến dốc Bù Lạch, quá trình thi công đường 20K bị địch phát hiện, chúng đánh bom vào doanh trại, đồng chí Trần Văn Quang, Đại đội trưởng đại đội 2, quê Nghệ An hy sinh. Thật đau xót, tổn thất to lớn, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn phát động đợt thi đua “biến đau thương thành hành động” ra quân lao động tăng giờ, mở đường vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đây là cán bộ của Tiểu đoàn hy sinh trước khi ký kết Hiệp định Pari về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Thời kỳ thứ ba:
Tiểu đoàn đảm nhận mở đường và tham gia xây dựng Hội trường phục vụ Đại hội mừng công của Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở xã Hiền Ninh, tỉnh Quảng Ninh.
12 giờ 30 phút ngày 22 tháng 01 năm 1973 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Pari Cộng hòa Pháp – Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Và ngày 27-01-1973 Hiệp định được ký kết chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao 4 bên tham gia Hội nghị.
Ngày 27-01-1973 Tiểu đoàn 335 được lệnh của Cục trưởng Cục Công binh Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều động tăng cường cho Trung đoàn 99 Cầu đường … Tiểu đoàn 335 là 1 trong 3 Tiểu đoàn có mặt xây dựng Trung đoàn 99 ngay từ ngày đầu thành lập (cùng Tiểu đoàn 35, Tiểu đoàn 73 Cầu phà). Là Tiểu đoàn có thời gian chiến đấu trong đội hình Trung đoàn lâu nhất hơn 2 năm (1/1973 – 30/4/1975).
Ngày 28-01-1973 Tiểu đoàn hành quân cấp tốc ra xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhận nhiệm vụ do đồng chí Trung đoàn trưởng và Chính ủy trung đoàn giao:
1. Làm đường từ Quốc lộ 15 vào trung tâm xã Hiền Ninh (khoảng 6km) theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn là rất khẩn trương.
2. Làm đường từ Trung tâm xã Hiền Ninh vào Hội trường Bộ Tư lệnh Trường Sơn phục vụ Hội nghị mừng công Bộ đội Trường Sơn đầu tháng 3 năm 1973.
3. Làm cầu qua sông Kiên Giang và làm một số nhiệm vụ khác do cơ quan tham mưu trung đoàn phân công.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Chỉ huy trung đoàn; sự kiểm tra, tham gia thường xuyên của Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Trường Sơn; được chính quyền và nhân dân xã Hiền Ninh giúp đỡ chỗ ở, giải phóng mặt bằng… Chỉ hơn 1 tháng, Tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo cấp trên khen thưởng.
Cũng trong thời gian thi công đường và phục vụ Hội nghị mừng công, tổng kết 16 năm chiến đấu, chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn vinh dự được đón:
- Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng;
- Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Được đón các đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sỹ Quyết thắng; chiến sĩ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ của Bộ đội Trường Sơn;
- Được đón các đ/c Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam;
- Đón các đoàn khách quốc tế v.v..
Những sự kiện trên đã cổ vũ, động viên tinh thần và ý chí quyết tâm để cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, viết tiếp trang sử vẻ vang truyền thống Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn.
         Thời kỳ thứ tư:
Tham gia xây dựng cầu trên trục đường số 9 trong biên chế của Trung đoàn 99 phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước sau Hiệp định Pari về Việt Nam; Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
- Sau Hội nghị mừng công của Bộ đội Trường Sơn, tháng 4 năm 1973 Tiểu đoàn được nhận nhiệm vụ hành quân vào xây các cầu trên trục đường số 9 do địch đánh sập bỏ chạy khi rút quân.
- Nhiệm vụ mới rất khó khăn, như về kỹ thuật bắc cầu bê tông, kỹ thuật xây cầu. Nhiệm vụ chính của Tiểu đoàn trước đây là mở đường quân sự, bảo đảm giao thông trong chiến tranh…
Tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo trung đoàn là:  chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học. Tiểu đoàn cử cán bộ cấp Tiểu đội đến cấp Đại đội lần lượt đi học các lớp do Trung đoàn, Cục Công binh Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức về kỹ thuật cầu đường như: tháo, lắp và sử dụng cầu Bê Lây thu được chiến lợi phẩm, kỹ thuật xây đổ bê tông để xây cầu… Thời gian mỗi lớp 1 đến 2 tháng, ra trường về hướng dẫn bộ đội, lao động. Thực hiện mục tiêu: Lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng xuất và chất lượng. Chống tư tưởng tự ty…
Qua gần 1 năm lao động xây cầu trên trục đường số 9, Tiểu đoàn đã có kinh nghiệm, dám thi công những cầu có chiều dài vượt qua sông, suối rộng như Cầu Đuồi (bắc sông Hiếu huyện Cam Lộ - Quảng Trị), Cầu Đầu Mầu, Cầu Rào quán, Cầu Xa mưu… Tháng 6 năm 1974 tham gia xây cầu Giây văng Đắc Krông có khẩu độ gần 200m (cầu bắc qua sông Đắc Krông) đầu đường quốc lộ 14.
Từ tháng 4 năm 1973 đến tháng 11 năm 1974 Tiểu đoàn cùng các lực lượng khác trong Trung đoàn 99 đã bắc, sửa được 47 cầu lớn nhỏ với chiều dài 2.146m, đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao, được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khen ngợi vì: xe của Chính phủ ở huyện Cam Lộ Quảng Trị đi sân bay Khe Xanh đón khách quốc tế không phải vượt qua ngầm, qua suối, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Do tình hình diễn biến ở chiến trường, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn quyết định bỏ cấp trung gian Tiểu đoàn xây dựng cấp Đại đội nhằm cơ động nhanh, đáp ứng  yêu cầu nhiệm vụ mới… Tháng 12 năm 1974 Lãnh đạo Trung đoàn 99 quyết định giải tán phiên hiệu Tiểu đoàn, các đại đội của Tiểu đoàn về trực thuộc Trung đoàn. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 335 kết thúc.
Ngày 19 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 99 nhận lệnh cơ động lực lượng khôi phục và sửa chữa các cầu trên trục đường quốc lộ 1A, phục vụ đoàn xe cơ giới cơ động vũ khí và quân tiến đánh và giải phóng các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến thành phố Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ các đại đội của Tiểu đoàn hòa cùng đội quân của Trung đoàn 99 khẩn trương hành quân, lao động ngày đêm, sửa chữa và làm cầu mới phục vụ yêu cầu hành quân của mặt trận. Gần 55 ngày đêm lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm cán bộ, chiến sỹ cũ của Tiểu đoàn đã đóng góp cùng các lực lượng của Trung đoàn xây dựng 36 cầu với chiều dài 1.320m trên tuyến quốc lộ 1, 12, 51 và tuyến đường đi thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Ngày 12/9/1975 Trung đoàn 99 cầu được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sau 3 năm thành lập (1972 đến tháng 9 năm 1975) vì lập thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận cầu đường phục vụ chiến đấu, chiến đấu cùng quân dân cả nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 335 tự hào có sự đóng góp thành tích quan trọng vào chiến công chung của Trung đoàn.
        Thời kỳ thứ 5 - Cựu chiến binh Tiểu đoàn 335 về đời thường.
Năm tháng đã đi qua, sau 51 năm (kể từ ngày không gọi phiên hiệu Tiểu đoàn và 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước) đại đa số anh chị em đều có nguyện vọng thường xuyên được gặp nhau xem ai còn ai mất, cuộc sống đời thường ra sao, đồng thời ôn lại truyền thống hào hùng, một thời ở quân ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chúng ta luôn tự hào về qúa khứ!
Chúng ta luôn tôn trọng và tri ân các đồng chí đồng đội đã anh dũng hy sinh, các đồng chí là thương binh của Tiểu đoàn 335 đã cống hiến cả thời thanh xuân, sức lực và xương máu vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chúng ta thương tiếc các đồng đội Tiểu đoàn 335 đã từ trần. Sau khi trở về với cuộc sống đời thường… Mới đây thôi, lần gặp nhau ngày 16/10/1916 ở Hưng Yên, lần này không có mặt vì đã đi xa như đ/c Dương Cao Siêu nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn, Doãn Thế Hanh – Tiểu đoàn phó, Vũ Ngọc Hồ – người chính trị viên Đại đội 2, Đại tá Trần Ngọc Thạch, người làm Trưởng ban tổ chức cuộc gặp lần thứ nhất của Tiểu đoàn ở Hưng Yên hay đ/c  Trần Công Bằng… còn các đồng chí khác mà Ban liên lạc chưa tổng hợp được hết. Chúng ta cầu mong các anh an nghỉ, yên giấc ngàn thu, phù hộ độ trì cho đồng đội cùng chiến đấu trong đội hình 335 sức khỏe, gia đình hạnh phúc, luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Kể từ lần gặp mặt tháng 5 năm 2019 đến nay, Ban liên lạc khu vực được thành lập và hoạt động tích cực, hiệu quả, có uy tín với địa phương như Ban liên lạc ở Thanh Hóa cụm Cẩm Thủy (Anh Phúc), Ban liên lạc Hưng Yên (Anh Viễn), Ban liên lạc Hà Tây (Anh Sơn). Tuy nhiên so với yêu cầu, cần cố gắng hơn, nhất là: chủ động liên hệ với Hội Trường Sơn Việt Nam trên địa bàn để phối hợp hoạt động; đồng thời liên hệ, phát hiện thêm anh em cùng chiến đấu ở Tiểu đoàn 335 (ta vẫn còn thiên về hoạt động Hội Đồng ngũ). Ta cố gắng khắc phục được những nhược điểm trên. Hy vọng, Ban liên lạc Tiểu đoàn 335 các khu vực hoạt động đồng đều và hiệu quả. Ban liên lạc tiểu đoàn xin nhận khuyết điểm: hoạt động chưa sôi nổi, sẽ cố gắng hơn.
Nhân dịp gặp mặt hôm nay, thay mặt Ban liên lạc tôi kính chúc sức khỏe đ/c Thiếu tướng Võ Sở, các đ/c nguyên lãnh đạo Tiểu đoàn cùng toàn thể anh chị em Cựu chiến binh Tiểu đoàn 335 sức khỏe, luôn là niềm tự hào là chỗ dựa tinh thần của con cháu. Chúc các đồng chí luôn có nhiều niềm vui và thành công trong cuộc sống”.
        Đồng chí Lương Mạnh Trác- Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 335 CBTS (năm nay 93 tuổi) đã phát biểu cảm tưởng ôn lại những kỉ niệm với cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 335 anh hùng. Đại tá Phạm Tuấn Hải – Thay mặt lãnh đạo lữ đoàn 99/Binh đoàn12, trao tặng hoa quà chúc mừng Ban liên lạc.
       Sau 3 giờ làm việc khoa học, trí tuệ, trách nhiệm và tình nghĩa, hội nghị đã thành công rực rỡ, để lại ấn tượng sâu sắc, lòng tự hào trong cán bộ, hội viên Cựu chiến binh tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn anh hùng.
Kính mời các đồng đội đón xem Phim về chương trình trên ws hoitruongson.vn và kênh Youtube Trường Sơn Huy.     
     Tin, ảnh: Quốc Huy – Hội Trường Sơn Việt Nam.

 


BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn làm lễ dâng hoa, dâng hương các AHLS Trường Sơn.



BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn dâng hương các AHLS Trường Sơn.



Câu lạc bộ VH-NT Trường Sơn TP Hà Nội biểu diễn văn nghệ chúc mừng BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn.



Câu lạc bộ VH-NT Trường Sơn TP Hà Nội biểu diễn văn nghệ chúc mừng BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn.



Đại biểu BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn dự hội nghị.



Đại biểu BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn dự hội nghị.



Đại tá Thái Sầm - Trưởng BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn đọc diễn văn kỉ niệm.



Đồng chí Lương Mạnh Trác(93 tuổi) - Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn phát biểu.



Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt tặng hoa đồng chí Lương Mạnh Trác - Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn .



Đồng chí nguyên trung đội trưởng trung đội nữ tiểu đoàn tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn phát biểu.



Đồng chí đại tá Phạm Tuấn Hải - thay mặt lãnh đạo lữ đoàn 99 trao tặng hoa, quà chúc mừng BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn .


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, hội viên BLL tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn .



 

tin tức liên quan
test 123