Gặp những thương binh Trường Sơn ở Gia Bình, Bắc Ninh
Ngày đăng:
02:38 16/07/2017
Lượt xem:
888
Chào mừng 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ VN 2017
GẶP NHỮNG THƯƠNG BINH TRƯỜNG SƠN
Ở GIA BÌNH BẮC NINH
Ghi chép của Thành Long và Hồng Huân
Qua những bài viết của Cộng tác viên Lê Ba – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn huyện Gia Bình, Bắc Ninh – Hội viên Hội VHNT Trường Sơn, tôi biết ở Gia Bình có nhiều đồng chí thương binh làm kinh tế giỏi. Thế là sáng 15/7/2017, tôi và nghệ sĩ quay phim, nhiếp ảnh Lê Hồng Huân quyết định về thăm Gia Bình.
Gặp người nuôi chim bồ câu đi thi

Chủ tịch Hội TS huyện Gia Bình Hoàng Đắc Mưu bên cây cảnh trước sân nhà.
Anh Hoàng Đắc Mưu, Chủ tịch Hội TS Gia Bình và đồng chí Lê Ba đón chúng tôi ở trước cửa nhà bên cạnh ngôi chùa Đông Bình. Ngôi nhà của gia đình anh Hoàng Đắc Mưu tọa lạc ngay mặt đường lớn phố Đông Bình. Anh Mưu nhiều năm là Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn 470. Khoảng sân trước nhà anh có rất nhiều cây thế do anh tự trồng và chăm sóc khá độc đáo. Tôi đặc biệt ấn tượng với hai chậu cây đa thế đặt trước cửa nhà. Chúng được chủ nhân uốn tạo có dáng rất đẹp và lạ mắt. Thời cây thế đang có giá thì hai chậu cây này phải tới mấy chục triệu đồng.
Nuôi và huấn luyện chim bồ câu mới là đam mê của anh. Anh có cả mấy dãy chuồng nuôi chim nuôi bồ câu ở trước nhà. Đây cũng là nguồn thu của anh. Anh bảo kinh tế không quan trọng. Chơi chim mới là thú đam mê của tôi. Về nghỉ năm 1985, một năm sau anh bắt đầu nuôi chim. Anh đã từng nhiều lần mang chim bồ câu về Hà Nội dự thi ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ, anh mang chim vào TP. Vinh Nghệ An để tham gia thi thả chim bồ câu. Thú vị lắm! Tôi không ngờ một người lính Trường Sơn như anh lại có thú vui nuôi và huấn luyện chim bồ câu như thế. 23 năm đơn chiếc khi người vợ yêu quý của anh ra đi mãi mãi vì bệnh ung thư. Có lẽ thú vui nuôi chim bồ câu đi thi đã làm anh vơi đi nỗi nhớ thương người vợ thân yêu. Tôi biết, để có chim bồ câu đi thi phải công phu lắm. Phải huấn luyện sao cho đàn chim biết bay vút lên cao, bay chụm, bay cao nhất mới mong đoạt giải. Tôi đã nhiều lần xem thi thả chim bồ câu ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm, tôi biết có đàn chim bay vút lên cao khiến người ta chỉ nhìn thấy những chấm đen rất nhỏ trên bầu trời. Rồi đàn chim lại bay về đậu trên lồng chim của người chủ… Hiện anh là Phó Chủ nhiệm CLB chim bồ câu tỉnh Bắc Ninh.
Tôi biết, hồi ở Trường Sơn, anh Hoàng Đắc Mưu bị thương tật lần đầu xác định là 18%. Nhưng vì nhiều lý do, anh không một lần tái khám để hoàn tất thủ tục làm chế độ chính sách. Trường hợp người lính Trường Sơn như anh Hoàng Đắc Mưu không ít trong số hơn ba mươi một vạn hội viên Trường Sơn hôm nay!…
Thăm cơ ngơi bạc tỷ của thương binh Đỗ Như Bân

Vợ chồng người con út của thương binh TS Đỗ Như Bân kiểm tra 1 trong 12 lò ấp trứng của gia đình.

Chăm sóc 800 con ngan sinh sản của gia đình.
Uống vội chén trà ở nhà anh Mưu, chúng tôi vội lên xe để về thôn Trung Thành, xã Đại Lai, Gia Bình. Trại ấp trứng và nuôi ngan của gia đình thương binh Đỗ Như Bân hiện ra bên đường. Vừa xuống xe, anh Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Trường Sơn xã Đại Lai đã đón chúng tôi ở cửa trang trại. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh tấp nập khách vào ra nhận gà, vịt giống ở đây. Hàng ngàn chú vịt và gà giống nháo nhác đựng trong những chậu nhựa lớn chuẩn bị xuất đi cho khách nhìn mà thích mắt.
Tiếp chúng tôi không phải là thương binh Trường Sơn Đỗ Như Bân mà là cậu con trai út Đỗ Như Dũng. Cậu sinh năm Đinh Tỵ - 1977 nhưng đã là một ông chủ đầy mình kinh nghiệm về ấp trứng. Anh được bố truyền nghề từ bé. Không may cách đây hai ngày anh Đỗ Như Bân bị ngã gãy chân phải bó bột. Năm nay anh đã 82 tuổi. Rời Trường Sơn, anh Bân về theo đuổi nghề ấp trứng từ năm 1985. Năm 2007, gia đình anh quyết định ra thuê bảy ngàn mét vuông ở khu Cửu Trường của thôn để mở cơ sở ấp trứng và nuôi ngan đẻ hôm nay. Khu đất này được anh dành gần 1/3 diện tích để xây dựng khu ấp trứng và khu nuôi ngan. Còn phần lớn diện tích đất anh cho đào hai chiếc ao lớn, tận dụng thức ăn thừa nuôi ngan để nuôi cá. Khi cậu út đã vững tay nghề, anh Đỗ Như Bân giao cơ ngơi này cho vợ chồng Dũng quản lý, điều hành. Anh lui về với vai trò kiểm tra kỹ thuật và nhắc nhở, góp ý cho con trong quá trình điều hành. Với 12 lò ấp trứng, mỗi lò ấp được 1.200 quả trứng một mẻ. Mỗi mẻ sau 4 ngày sẽ cho ra một lứa con giống khỏe mạnh. Ngày nào cơ sở của anh cũng đều đặn cho ra đời 1.200 chú gà giống hoặc vịt giống. Do kinh nghiệm và kỹ thuật ấp trứng lâu năm, cơ sở của anh rất có uy tín. Cung cấp gà, vịt giống, anh còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi kèm theo thức ăn cho con giống. Mỗi tháng gia đình anh cung cấp 250 tấn thức ăn loại này. Doanh thu từ thức ăn cho gà vịt, mỗi tháng gia đình anh đạt hơn 2 tỷ đồng.
Cơ sở của thương binh Đỗ Như Bân thường xuyên có 5 công nhân làm việc. Lương tháng của công nhân từ 6-7 triệu đồng.
Tôi và anh Lê Hồng Huân băng qua khu ấp trứng để tới khu nuôi ngan đẻ trứng. Đàn ngan 800 con của anh nằm gần kín hai dãy nhà dài trước hai chiếc ao rất rộng. Vợ chồng cậu út khoe: Tỷ lệ đẻ trứng của đàn ngan của gia đình đạt 70%. Tôi nhẩm tính nhanh, mỗi ngày đàn ngan này cho ra đời gần 600 quả trứng. Trứng lại được đem ấp để cung cấp ngan giống cho thị trường…Chúng tôi nhìn đàn ngan trắng muốt, to lớn sau khi bơi lội thỏa thích dưới ao, chúng lại lên bờ ăn nằm nghỉ và ăn thức ăn để sẵn trong các lồng thức ăn treo đầy hai dãy chuồng dài mấy chục mét. Nhẩm tính theo giá thị trường, riêng số trứng ngan ấp thành ngan con thì mỗi tháng gia đình anh thu đã về hơn một trăm triệu đồng rồi.
Thương binh Đỗ Như Bân thường xuyên hỗ trợ đồng đội và người nghèo bằng cách cung cấp già vịt giống nhưng chưa thu tiền. Khi nào gà vịt xuất chuồng, anh mới lấy tiền con giống… Thương binh Trường Sơn như anh Đỗ Như Bân thật đáng quý!
Thương binh – Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Mạc

Thương binh TS Nguyễn Văn Mạc với đàn gà 800 con của trang trại gia đình.

Đàn gà giống Tam Hoàng chuẩn bị suất chuồng của thương binh Nguyễn Văn Mạc.
Chủ tịch Hội TS xã Vạn Ninh Hoàng Văn Chiến dẫn chúng tôi về khu chuyển đổi thuộc thôn Cao Thọ. Chúng tôi gặp thương binh 4/4 Nguyễn Văn Mạc. Anh sinh năm 1947, vào Trường Sơn năm 1968. Thời kỳ đầu, anh ở công binh Binh trạm 12. Giữa năm 1973, đơn vị anh chuyển vào trực thuộc Trung đoàn Công binh 35. Sau này E35 thuộc sư đoàn 472. Cuối năm 1975, anh phục viên về quê hương. Năm 2002, gia đình anh quyết định ra làm trang trại tại khu chuyển đổi này. Với hơn 2 mẫu ruộng thuê của hợp tác xã, anh cho đào ao rồi xây dựng chuồng trại nuôi lợn và nuôi gà. Mấy năm trước việc nuôi lợn đã giúp kinh tế gia đình anh có nguồn thu kha khá. Nhưng năm nay, lợn mất giá đã gây không ít khó khăn cho anh. Với đàn lợn 70 con, anh đã phải bán non đi một ít. Còn lại anh cố cầm cự giữ lại 60 con lợn thịt để chờ đợi giá lên. Mấy hôm nay, giá lợn đang nhích dần lên. Hy vọng rằng giá thu mua nhích lên nữa để đỡ khó khăn cho người thương binh Trường Sơn già như anh.
Chúng tôi tới thăm 2 khu chuồng nuôi hơn 800 gà thịt của anh. Lũ gà màu đỏ Tam Hoàng đang chạy nhảy trong khu chuồng rộng rãi. Khu chuồng nuôi gà không hề có mùi hôi. Anh lót nền bằng trấu và rải men vi sinh nên không có mùi và không có ruồi. Nhìn đàn gà màu nâu đỏ chạy nhảy trên nền nhà rộng rãi, tôi mừng thầm cho đồng đội sắp sửa xuất chuồng một đàn gà thịt đang có giá trên thị trường.
Ao cá rộng một mẫu trước nhà, anh nuôi hỗn hợp: mè, trôi, trắm và chim trắng. Mỗi năm anh chỉ thu được từ ao cá khoảng 40 triệu đồng.
Cuộc đời thương binh Nguyễn Văn Mạc thật nghiệt ngã. Vợ anh không may mất sớm, anh phải đi bước nữa. Nhưng đứa con đầu tiên với người vợ thứ hai không may mắc di chứng của chiến tranh. Cháu không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Đấy là nỗi đau khôn nguôi của vợ chồng anh.
Bằng nghị lực của người lính Trường Sơn, Nguyễn Văn Mạc đã cùng vợ vượt lên gian khó để hướng tới phía trước. Điều đáng cảm phục hơn ở anh là hoàn cảnh như vậy, anh vẫn đảm nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ thôn Cao Thọ, và luôn hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí đồng đội gia phó.
Chia tay anh, chúng tôi góp ý với anh về việc tận dụng triệt để hơn nữa đất trống trong khu trang trại và đất bờ ao để trồng thêm các loại cây ngắn ngày. Anh bảo: Tôi trồng rất nhiều khoai sọ trên các diện tích còn lại của trang trại. Nhưng thời tiết năm nay thật khác thường, không hiểu so khoai sọ chết hết. Không thu được gì. Sức khỏe có hạn muốn làm nhiều việc lắm cũng chưa làm được gì nhiều, các anh ạ…
Chia tay thương binh Trường Sơn Nguyễn Văn Mạc, anh Hoàng Đắc Mưu, anh Lê Ba và chúng tôi còn nhiều băn khoăn. Chúng tôi chỉ cầu trời cho anh khỏe mạnh để cùng chị vượt qua khó khăn trước mắt, phát triển kinh tế vững vàng hơn…
Ngạc nhiên về thương binh “Phong cụt”

Ngôi nhà bằng tre trúc của gia đình thương binh nặng Trường Sơn Nguyễn Văn Phong.

Thương binh "Phong cụt" hạnh phúc bên người vợ - điểm tựa để anh vượt lên làm kinh tế giỏi, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Thương binh Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Hội Trường Sơn thị trấn Gia Bình đón chúng tôi bằng nụ cười vô cùng sảng khoái. Nhìn anh đi đứng không ai nghĩ anh đã mất cả hai chân đến ngang bẹn và mất con mắt trái. Anh bị thương tật tới 98%. Ấy vậy mà tiếng cười của anh đã đẩy tất cả nỗi đau, nỗi khó khăn của cuộc đời ở phía sau.
Thương binh Nguyễn Văn Phong là lính trung đoàn 19 Sư đoàn 968 Trường Sơn – Trung đoàn đánh nghi binh trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên 1975.
Từ trại thương binh, anh về quê – thị trấn Gia Bình, Bắc Ninh. Cô giáo Trịnh Thị Nhỡ đã dũng cảm vượt qua sự mặc cảm về sự mất mát quá lớn của cơ thể anh để mang tình yêu đến với anh. Ở Nguyễn Văn Phong, ý chí vượt qua nỗi đau cơ thể để xây dựng cuộc đời ít ai làm được như anh. Anh lập công ty sản xuất các sản phẩm từ tre trúc rất thành công. Mấy năm gần đây anh chuyên đi vào xây dựng những ngôi nhà hoàn toàn bằng tre trúc. Ngôi nhà do anh thiết kế vừa kế thừa kiến trúc dân tộc, vừa có thẩm mỹ hiện đại. Ngôi nhà mát rượi. Anh vừa hoàn thành 18 ngôi nhà tre trúc mỹ thuật như thế ở Quảng Ninh. Anh khoe với chúng tôi: Cũng ngôi nhà làm bằng vật liệu thế này, người ta lấy tới 1,5 tỷ đồng. Còn em, em chỉ lấy chưa tới nửa tỷ đồng mà còn đẹp hơn rất nhiều. Cột nhà của em làm toàn bằng thân cây cọ. Anh chỉ cho chúng tôi cây cột nhà làm bằng thân cây cọ, rồi tự hào khẳng định: “Em đố anh nào đóng được cây đinh lên cây cột bằng thân cọ này của em. Nó rắn như đinh!...
Cái tên “Phong cụt” đã trở thành thương hiệu của anh. Sản phẩm tre trúc đã gắn với tên tuổi của Nguyễn Văn Phong. Và chúng cũng đã giúp anh tạo nên cơ ngơi hôm nay của gia đình anh. Ngôi nhà hàng ăn uống bề thế tọa lạc giữa con phố sầm uất của thị trấn Gia Bình hôm nay mà anh chị xây dựng cho vợ chồng người con trai chính là từ nguồn thu từ các sản phẩm tre trúc của anh chị.
Điều đáng khâm phục ở Nguyễn Văn Phong là ở chỗ, anh chưa một lần “ăn mày dĩ vãng”. Anh luôn vượt lên để xây dựng cuộc sống cho gia đình mình bằng chính cái đầu, đôi bàn tay và một con mắt còn lại. Ý chí, nghị lực tuyệt vời đã giúp Nguyễn Văn Phong thành công như ngày hôm nay…
Chúng tôi chia tay anh. Nắm đôi bàn tay chai sạn của Phong, tôi thấy nghị lực của người thương binh Trường Sơn vẫn đang cuồn cuộn chảy trong anh. Đứng trước anh, chúng tôi thấy mình quá nhỏ bé trước nghị lực phi thường của người đồng đội chịu quá nhiều thiệt thòi này. Tôi thầm mong Trường Sơn có thêm nhiều những thương binh giàu nghị lực, giàu ý chí và thành công như Nguyễn Văn Phong, như Đỗ Văn Bân, như Nguyễn Văn Mạc…
tin tức liên quan