Ông là con trai thứ hai của vợ chồng cụ Lưu Văn Ngữ (1892-1946) và Trịnh Thị Tạc (1897-1944). Cha ông từng tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng và tham gia phong trào mặt trận Bình dân, là sáng lập viên đồng thời là Ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu công nhân tư gia thành phố Hải Phòng. Cụ từng bị thực dân Pháp bắt giam. Gia đình cụ cũng là cơ sở của nhà Cách mạng Nguyễn Lương Bằng.
Sớm ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ cha nên ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal, Hoàng Thế Thiện đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào Hướng đạo sinh thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1940, ông tham gia Tiểu tổ bí mật do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, tự động xây dựng lại cơ sở cách mạng bí mật tại thành phố Hải Phòng đã bị địch khủng bố tan rã trước đó. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ từ năm 1940 và được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng.
Tháng 1/1942, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc và được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh ở thành phố Hải Phòng, đồng thời phụ trách một cơ sở bí mật trong thanh niên, học sinh thành phố. Sau một đợt đấu tranh treo cờ, phân phát truyền đơn toàn thành phố Hải Phòng có kết quả vào cuối năm 1942, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo. Tháng 3/1943, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Ông bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Ông được kết nạp vào nhóm Trung Kiên ở Hỏa Lò và Hội Lao tù Cứu quốc ở Sơn La, được nhà cách mạng Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện về công tác bí mật và vận động quần chúng.
Tháng 3/1945,ông vượt ngục tập thể trong nhóm của nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang Tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Vũ Nhai. Tháng 8/1945, ông tham gia giành chính quyền tại thị xã Thái Nguyên. Tháng 10/1945, ông làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Tháng 10/1946, ông làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên. Tháng 4/1947, ông được điều vào Quân đội làm Phái viên Chính trị Khu 10, rồi Trưởng phòng Chính trị Liên Khu 10 - Quân khu ủy viên. Tháng 7/1948, ông được cử làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô (E209). Tháng 9/1949, ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ trong phong trào Nam tiến.
Tháng 7/1950, ông làm Phái viên Kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 11/1950, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9), Chỉ huy phó các chiến dịch Long Châu Hà II và chiến dịch Sóc Trăng II. Cuối năm 1951, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Tháng 10/1952, ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ - Quân khu Ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ. Tháng 12/1955, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3 - Quân khu ủy viên. Tháng 7/ 1956, ông làm Chính ủy Ban Nghiên cứu Sân bay. Tháng 12/1958, ông được phong quân hàm Thượng tá. Tháng 1/1959, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân Việt Nam.
Tháng 10/1964, ông trở lại chiến trường Nam Bộ trên con tàu "không số" (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân. Tháng 12/1964, ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8 (Trung Nam Bộ). Tháng 7/1965, ông về miền Đông tham gia thành lập Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9. Tháng 2/1966, ông được phong quân hàm Đại tá. Tháng 8/1966, ông về Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, Đảng ủy viên Mặt trận B3; ông đã cùng Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Hữu An (Sau này là Giám đốc Học viện Quốc phòng) chỉ huy, chỉ đạo Sư đoàn 1 đánh nhiều trận hay, đặc biệt là đánh thiệt hại nặng Lữ dù 173 của Mỹ trong chiến dịch Đắc Tô 1 trên đồi 875 ở phía tây bắc Kon Tum vào mùa đông năm 1967. Tháng 1/1969, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304.
Tháng 7/1970, ông được điều vào tuyến lửa Trường Sơn, làm Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Mặt trận 968 Nam Lào (sau này là Sư đoàn 968) rồi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 1/1971). Tháng 6/1971, ông làm Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559) kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470 (tương đương Sư đoàn). Ngày 1/ 5/1973, ông làm Chính ủy - Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ngày 16/4/1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng theo Lệnh số 21-LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Tôn Đức Thắng. Tháng 2/1975, ông được điều vào chiến trường B2 (Nam Bộ) làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Mặt trận phía Đông thuộc Bộ Tư lệnh B2. Ông trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Dầu Tiếng - Chơn Thành. Tháng 4/1975, ông tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông - một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Tháng 12/1976, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV. Tháng 4/1977, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bí thư Đảng ủy Tổng cục. Từ tháng 10/1978 đến tháng 6/1982, ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban B.68 của Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Phó Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Campuchia (Đoàn 478).
Tháng 7/1982, ông được điều về nước làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội). Tháng 5 năm 1983, ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II. Tháng 2/1987, ông làm Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tháng 7/1987, ông được nghỉ hưu.
Với những thành tích trong quá trình công tác, ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân huy chương khác. Ông còn được Hội đồng Viện hàn lâm Hermann Gmeiner thuộc tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế trao tặng giải thưởng "Kim vàng Danh dự" do đã có những đóng góp đặc biệt cho tổ chức này (Ông làm Chủ tịch Danh dự đầu tiên Làng Trẻ em SOS Việt Nam từ năm 1987 – 1990).
Ông mất hồi 14 giờ 40 phút ngày 5 tháng 9 năm 1995 tại Quân y viện 175, thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, thọ 73 tuổi.
Cách đây 47 năm, đồng chí Hoàng Thế thiện được Quân ủy Trung ương điều vào chiến trường Trường Sơn làm Phó Chính ủy Mặt trận 968 – Nam Lào. Ngày 29/7/1970, Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 176/QĐ-QP đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Quân ủy Trung ương. Quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội hoạt động trên chiến trường Nam Lào; Đoàn 968 quân tình nguyện đổi tên thành Sư đoàn 968 và đoàn chuyên gia quân sự 565 (tương đương cấp sư đoàn) về trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trường Sơn trở thành một chiến trường. Lúc này, Quân ủy Trung ương cũng bổ nhiệm đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh. Sau đó để tăng cường cho Bộ Tư lệnh khu vực 470, đồng chí Hoàn Thế Thiện được điều vào kiêm nhiệm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh 470, trực tiếp cùng đồng chí Nguyễn An, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn kiêm Tư lệnh Sư đoàn 470 phụ trách Tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Sau khi Chính ủy Đặng Tính hy sinh (ngày 4/3/1973 tại Pắc Soòng, Nam Lào), ngày 1/5/1973, Quân ủy Trung ương đã bổ nhiệm đại tá Đinh Đức Thiện làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tại Sư đoàn 470, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã trực tiếp tới các trọng điểm, xuống các đơn vị động viên cán bộ chiến sĩ và nghiên cứu thực tiễn. Đồng chí đã chỉ đạo khai thác nguồn hàng từ Campuchia phục vụ cho các chiến trường...
Có thể nói, trong thời gian từ tháng 5/1973 cho đến tháng 2/1975 trên cương vị Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và tập thể Đảng ủy – Bộ Tư lệnh ghi nhiều dấu ấn về đổi mới tổ chức lực lượng và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chi viện. Trước hết là ngay tháng 6/1973 Đảng ủy – Bộ Tư lệnh đã xây dựng kế hoạch 3 năm của Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1974-1976): Cải tạo tuyến Tây Trường Sơn và xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn cùng hệ thống đường ống xăng dầu, tạo cơ sở vững chắc cho vận chuyển chi viện khối lượng lớn và cơ động bộ đội, binh khí kỹ thuật ra chiến trường. Dự kiến khối lượng vận chuyển 3 năm là 400.000 – 500.000 tấn, quyết tâm mùa khô 1973 đạt 207.000 tấn. Cơ giới hóa toàn bộ tuyến hành quân, bảo đảm hành quân đơn vị lớn... Bảo đảm tăng cường lực lượng cho chiến trường và vật chất trang bị, đáp ứng vận tải chiến dịch. Cải tiến tổ chức, bổ sung lực lượng và vật chất trang bị đáp ứng nhiệm vụ với quy mô lớn và yêu cầu cao...
Ngay sau đó, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Quân ủy Trung ương đã đồng ý cho thành lập 2 Sư đoàn binh chủng đầu tiên của Trường Sơn trên cơ sở tổ chức lại Bộ Tư lệnh khu vực 571 và 473 thành Sư đoàn ô tô vận tải 571 và Sư đoàn công binh 473. Bổ sung lực lượng cho các Sư đoàn khu vực: 470, 471, 472...Tăng cường lực lượng cho 3 trung đoàn đường ống và 2 trung đoàn thông tin...
Đến tháng 4 năm 1974, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chi viện, trước chuyển biến của cục diện chiến trường, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là “Tổng Công trình sư” của việc đổi mới căn bản về tổ chức lực lượng của Bộ đội Trường Sơn. Đó là tháng 5/1974, tổ chức lại Sư đoàn khu vực 471 thành Sư đoàn ô tô vận tải và các Sư đoàn khu vực 470, 472 thành Sư đoàn công binh 470, 472 và thành lập Sư đoàn 565 công binh. Bộ đội Trường Sơn nhờ được tổ chức lực lượng mới là các sư đoàn binh chủng, tạo nên một bước đột phá và chuyển biến cơ bản, hiệu quả trong công tác chi viện chiến lược. Cũng nhờ sự thay đổi về tổ chức lực lượng mà Bộ đội Trường Sơn đã đáp ứng được yêu cầu to lớn của công tác chi viện và đáp ứng yêu cầu phục vụ trực tiếp các chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Có thể nói, nếu Bộ đội Trường Sơn không có 2 sư đoàn ô tô vận tải với gần 6.000 chiến xa; nếu không có 4 sư đoàn công binh bảo đảm cầu đường thì quân đội ta khó có thể giành thắng lợi trong chiến dịch Giải phóng Buôn Ma Thuột, Giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, Giải phóng Đà Nẵng; thần tốc giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy không phải là lớp cán bộ lãnh đạo của thời kỳ đầu tiên của Đoàn 559 và Bộ Tư lệnh 559, nhưng thời kỳ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trên cương vị Phó Chính ủy rồi Chính ủy, đồng chí Hoàng Thế Thiện có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển lớn mạnh và những chiến công oanh liệt của Bộ đội Trường Sơn; góp phần đầy ý nghĩa vào việc xây dựng nên Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Thiếu tướng Hoàn Thế Thiện là một cán bộ quân đội giàu kinh nghiệm. Đồng chí được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tin tưởng giao phó nhiều trọng trách ở những chiến trường, ở những đơn vị quan trọng trên cương vị là người đứng đầu. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí được phân công vào chiến trường Nam Bộ giữ nhiều trọng trách quan trọng. Đồng chí là người am hiểu và giàu kinh nghiệm hoạt động trên chiến trường Nam Bộ, vì thế khi thành lập Quân đoàn 4, Quân ủy Trung ương lại điều đồng chí trở lại làm Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn hoạt động trên chiến trường Nam Bộ và đã cùng Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một hướng tấn công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: "Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu".
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của đồng chí Hoàng Thế Thiện, cán bộ hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao và sự cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với sự nghiệp vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn. Những di sản của đồng chí với Trường Sơn mãi mãi sẽ được các chiến sĩ Trường Sơn hôm nay giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam xin gửi tới gia đình Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lời chúc mừng tốt đẹp, lời cám ơn trân trọng.
Hội TS Việt Nam
· |