Những mô hình kinh tế của Hội viên Hội Trường Sơn tỏa sáng

Ngày đăng: 02:43 22/11/2017 Lượt xem: 529


   Những mô hình kinh tế của Hội viên Hội Trường Sơn tỏa sáng
 

        Thực hiện nghị quyết ĐH khóa I, nhiệm kỳ 2013-2018 về phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng, nghĩa tình đồng đội, phong trào thi đua yêu nước của hội viên Trường Sơn huyện Gia Bình – Bắc Ninh thật sự có nhiều khởi sắc với sức lan tỏa lớn. Chỉ tính riêng phong trào “còn sức còn làm, còn sức còn hoạt động xã hội” đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình kinh tế năng động, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương ở tuổi xưa nay hiếm, thực sự mang tính xã hội hóa cao mà mọi người nông dân đều học và làm theo được tùy theo khả năng tiền vốn và lao động của từng người.

       Loại hình kinh tế trang trại phải kể đến mô hình của thương binh Đỗ Như Bân ở Đại Lai. Đây là trang trại cung cấp giống gia cầm cho nông dân có quy mô lớn nhất huyện Gia Bình, vừa cung cấp con giống có chất lượng, trang trại còn cung cấp thức ăn chăn nuôi, được nông dân trong vùng mến mộ. Năm nay ông Bân đã ngoài 80, ông giao cho người con út Đô Như Dũng quản lý, hàng ngày ông vẫn ra trang trại điều hành. Nhờ hay lam hay làm mà cơ ngơi trang trại của ông được mọi người đánh giá với tên gọi “ cơ ngơi bạc tỷ của thương binh Đỗ Như Bân”. Làm giàu nhờ mô hình kinh tế trang trại phải kể đến mô hình trang trại tổng hợp của phó chủ tịch Hội trường sơn xã Vạn Ninh - ông Nguyễn Văn Huệ, trang trại của thương binh Nguyễn Văn Mạc là những tấm gương vượt lên chính mình đầu tư vào VAC để tạo việc làm quanh năm tăng thu nhập, lại tích cực tham gia công tác xã hội được Đảng tin, dân mến. Mô hình nuôi chim câu sinh sản trong nhà lưới của bệnh binh Nguyễn Tiến Bảy ở thôn Xuân Lai thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm tăng thu nhập, phù hợp với sức khỏe của mọi người trong gia đình. Với cơ cấu 100 đôi chim sinh sản trong nhà lưới kết hợp làm ruộng – nuôi ba ba đã giúp gia đình ông việc làm nuôi con ăn học thành người có ích, nhiều nông dân trong vùng được ông cung cấp con giống, kỹ thuật, trở thành những nông dân sản xuất giỏi.


          Điển hình như chị Nguyễn Thị Huyền cũng ở Xuân Lai đã mạnh dạn đầu tư nuôi trên 200 đôi chim bồ câu sinh sản trong nhà cho ăn công nghiệp trở thành nơi cung cấp chim thịt, chim giống cho nhiều người. Còn sức còn làm, làm để thêm yêu cuộc đời, làm để làm gương cho con cháu, phải kể đến thương binh Vũ Văn Giang ở Xuân Lai vừa là thương binh lại nhiễm da cam ở tuổi 75, ông vẫn tích cực hăng say lao động bằng mô hình VAC với đủ chủng loại gà – vịt trời – chim câu sinh sản – cá. Ông cho hay vợ ốm quanh năm, lại một người em tật nguyền vì thế ông làm để khỏe, chưa hề phải phiền các con. Hay lam hay làm vượt lên chính mình và rất yêu văn nghệ, ông đã hoàn thành bản thảo tập thơ thứ 2 để xin phép xuất bản. Thương binh Nguyễn Văn Chí hội viên Trường Sơn xã Thái Bảo cả hai vợ chồng đều có lương hưu nhưng ông vẫn hăng say lao động bằng mô hình nuôi ong mật – trồng nghệ - trồng sắn dây. Ông nêu gương sáng cho con cháu trong nhà và cộng đồng về tinh thần còn sức còn làm. Chủ tịch hội Nguyễn Văn Đục ở xã Quỳnh Phú cả 2 vợ chồng đều có lương hưu nhưng vẫn hăng say lao động với mô hình lúa – lợn đặc sản – gà thả vườn – nấu rượu, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, nêu gương sáng ở cộng đồng như ông chia sẻ còn sức còn làm, làm để cầm canh cho cô con út bị nhiễm da cam.

       Có thể nói phong trào còn sức còn làm của bộ đội Trường Sơn Gia Bình thật sự đa dạng phong phú, tấm gương của họ thật đáng trân trọng mọi người đều học tập và làm theo được./.
  
                                                                                                                        Lê Ba   
                                                                                                        (Hội luật gia huyện Gia Bình )
 
 

tin tức liên quan
test 123