Hạnh phúc mang tên Phạm Tiến Duật - Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 09:12 04/12/2017 Lượt xem: 912
Kỷ niệm 10 năm ngày mất Nhà thơ Phạm Tiến Duật:
 
HẠNH PHÚC MANG TÊN PHẠM TIẾN DUẬT

Bài của Nguyễn Hữu Quý


          

 
Nhà thơ Phạm Tiến Duật
Sinh ngày 14 tháng 1 năm 1941.
Quê quán: Thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ.
Tác phẩm thơ chính: Vầng trăng quầng lửa; Thơ một chặng đường; Ở hai đầu núi; Vầng trăng và những quầng lửa; Nhóm lửa; Tiếng bom và tiếng chuông chùa…
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

 
Không biết ai kia giã từ cõi thế
Mà phường bát âm qua trước cửa chùa
Tôi nhập vào dòng người đi theo tiếng kèn ai oán
Tôi tiễn một người không quen
Và trong tôi làm thêm một cuộc đưa tiễn.
Tháng 7 năm 1997, nhà thơ số 1 của thời chống Mỹ đã viết như thế trong bài thơ Phường bát âm qua trước cửa chùa. Đã dư mười năm kể từ khi anh viết những dòng thơ thấm đẫm tình người và giàu tính nhân văn ấy để tiễn đưa một người làng, một đồng đội cũ đi vào cõi bình yên. Cách đây mấy năm, vào một ngày chớm đông, bên dòng sông Hồng, giữa lòng Thủ đô Hà Nội có buổi gặp mặt đồng đội, bạn bè nhà thơ Phạm Tiến Duật và giới thiệu Tuyển tập Phạm Tiến Duật.
          Buổi gặp mặt ấy không có anh, người đã thổi vào thơ chống Mỹ một luồng gió mới, một ánh sáng mới; nói chính xác hơn là anh đã tạo ra một trường thơ chống Mỹ vừa dân dã vừa trí tuệ đầy ấn tượng mà trước đó chưa hề có. Anh, nhà thơ Phạm Tiến Duật yêu quý của chúng ta lúc đó đang nằm trên giường bệnh. Một căn bệnh chưa thể cứu chữa được có tên gọi ung thư đang từng ngày, từng giờ đưa anh gần vào cõi chết. Cái chết, dẫu chẳng có gì mới mẻ với con người, và không ai thoát được nhưng khi nghe anh đang nhích gần, rất gần đến nó thì đồng đội anh, bạn bè anh không ai không xao xác, xót xa. Vẫn biết, dù anh có ra đi khi tuổi đời vừa mới 67 nhưng thơ của anh, những bài thơ Trường Sơn đánh Mỹ; những Lửa đèn; Nhớ; Tiểu đội xe không kính; Gửi em cô thanh niên xung phong; Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Nhớ bà mẹ ở Nam Hoành; Tùy bút thứ nhất viết về những trò chơi…vẫn sẽ còn sống lâu với đồng đội, bạn bè và nhân dân . Anh, một phần quá khứ khó nguôi quên của thế hệ chống Mỹ, là hồi ức của một thời bi tráng. Ai đã từng sống trong những tháng năm bom đạn mịt mù ấy làm sao mà quên được những câu thơ mang sức nóng Lửa đèn:
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác…
Ai đã từng sống giữa đại ngàn Trường Sơn vào những năm tháng Đường ra trận mùa này đẹp lắm chẳng mang trong tim mình hình ảnh một em thanh niên xung phong đầy quả cảm hồn nhiên:
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Ai đã đổ máu và mồ hôi cho đất nước sạch làu bóng giặc, non sông thống nhất mà không đau đáu nhớ tới câu thơ rắn chắc như một chiêm nghiệm Việt Nam:
Thà ăn muối suốt đời
Còn hơn là có giặc.
Phạm Tiến Duật là người vô cùng hạnh phúc khi có rất nhiều đồng đội, bạn bè và nhân dân ở bên anh trong những ngày anh sắp ra đi. Chiều. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội không còn chỗ ngồi. Các nhà văn, nhà thơ đến với anh. Bạn chiến đấu, bạn đời thường đến với anh. Tướng lĩnh, dân lành đủ mọi thành phần đến với anh. Họ xúc động nói về anh, đọc thơ anh,  những bài thơ nằm lòng của không chỉ một thế hệ. Họ đọc thơ anh trong nỗi rưng rưng, trong tiếng nấc cố nén, đọc như đang đứng bên anh, như đang ở giữa Trường Sơn của thời Rau hết rồi, em có lấy măng không?.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động nói: “Phạm Tiến Duật tiêu biểu cho một kiểu thi sĩ mới; vừa cầm súng vừa cầm bút. Anh có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng và những người làm thơ. Có thể khẳng định rằng đã có một kiểu thơ Phạm Tiến Duật, một kiểu cảm nhận cuộc sống như Phạm Tiến Duật. Đồng đội, bạn bè và công chúng mãi mãi không quên một Phạm Tiến Duật của thời chiến tranh, một Phạm Tiến Duật của thời hòa bình và một Phạm Tiến Duật tự tại chống trả lại bệnh tật hiểm nghèo.”
          Tôi nhớ lại cái lần tôi cùng với các anh Nguyễn Bảo, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Vĩnh Bình vào thăm anh Duật ở Bệnh viện Hữu Nghị. Khác với tượng tưởng của tôi, anh Phạm Tiến Duật khi gặp chúng tôi vẫn rất đàng hoàng, tóc chải mượt, gọn gàng, áo bệnh viện phẳng phiu thơm tho, nét mặt rất bình thản. Tôi còn nhớ như in lời anh nói: “Mình năm nay đã 67 tuổi. Trời cho sống đến bảy mươi thì đẹp, nếu phải ra đi thì cũng lãi rồi. Chiến tranh tàn khốc ác liệt như thế, bạn bè, đồng đội bao người đã chết thế mà mình còn được sống tới hôm nay…”
          Cảm động nhất trong buổi gặp chiều ấy là khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) thời chống Mỹ lên phát biểu. Bằng giọng nói Quảng Bình trầm nhẹ, ông tâm sự: “Thời ấy, giữa Trường Sơn ác liệt khi đọc thơ của Phạm Tiến Duật tôi đã nói với anh em đây là sự xuất hiện của một nhà thơ lớn, rất lớn. Tôi nói điều này là không chỉ nghĩ đến tài năng của Phạm Tiến Duật mà còn bao hàm cả ý chí và nghị lực của anh. Tôi đã từng gửi tặng áo giáp, mũ sắt cho Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật đến với Trường Sơn không chỉ với tư cách là một nhà văn mà còn là một nhà chính trị xuất sắc. Những bài thơ vừa xúc động vừa hoành tráng của Phạm Tiến Duật như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây có tác động rất lớn tới tinh thần khí thế bộ đội thời ấy. Tôi nhớ có một lần khi giao nhiệm vụ cho Phạm Tiến Duật vào chiến trường sâu hơn, tôi hỏi “Đồng chí có ngại gì không?”, nhà thơ trả lời “Đồng chí Tư lệnh hãy hỏi hàng vạn quân của đồng chí câu hỏi ấy chứ”. Phạm Tiến Duật là người làm mọi việc say sưa và nhiệt tình…
          Họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thì rưng rưng khẳng định rằng: “Thơ Phạm Tiến Duật sẽ sống mãi với chúng ta”. Nhà văn Đỗ Chu, một người cùng thế hệ với Phạm Tiến Duật tâm sự: “…Và tôi đã nhìn ra cái lý do chủ yếu để giải thích vì sao những bài thơ của Duật lại sớm được quần chúng trân trọng chào đón. Rất đơn giản, anh là một người lính làm thơ cho lính đọc, anh chưa bao giờ sắm vai người nói hộ, chưa bao giờ yêu hộ, khóc hộ, lo âu hộ. Anh là người một đời cõng lửa, chưa bao giờ vui quá, chưa bao giờ sướng quá, chưa bao giờ được làm một nhân vật quan trọng, nhưng anh vẫn luôn luôn là người biết hát, dám hát, dám sống và viết như chính mình nghĩ thế, cảm thế, về những năm tháng mình đã qua…”
          Phạm Tiến Duật đúng là người một đời cõng lửa. Đấy là ngọn lửa ấm của tình yêu cuộc sống, của thi ca sưởi ấm mọi người. Đấy là lửa đã từng thắp lên và mãi mãi sáng cùng:
những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
          Anh - nhà thơ Phạm Tiến Duật góp vào cho đất nước, cho quê hương một phần sức nóng của ngọn lửa thi ca đã ra đi. Sáng 11 tháng 12 năm 2007, lễ tang của nhà thơ số 1 thời chống Mỹ đã được tổ chức trang trọng ấm áp tại Hà Nội. Rất nhiều đồng đội, bạn bè và người yêu thơ đã đến với anh trong tình yêu thương và niềm tin Lửa đèn không bao giờ tắt. Và, đó chính là hạnh phúc mang tên Phạm Tiến Duật.
 
LỬA ĐÈN
 
1
ĐÈN
 
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe,
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
 
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
 
Từ trên trời bảy trăm mét
Nhìn thấy lửa que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ảnh lửa đèn hàn chớp lóe
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Loe ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trong trấu nhà ta
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy.
 
II
TẮT LỬA
 
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
 
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Bông hoa làm duyên phải lụy hương bay…
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
                          như đếm nhịp chày giã gạo
Vang ở đâu, đấy là giữa trận đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô tô
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết
Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.
 
Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao.
 
Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.
 
III
THẮP ĐÈN
 
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc những lá thư thăm…
 
Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá kê cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ô tô trong chớp lòe ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi…
 
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm (*)
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
 
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.
 
1967
-------
(*) Một câu hát cũ trong tổ khúc múa đèn dân gian Thanh Hóa.
 
GỬI EM, CÔ THANH NIÊN XUNG PHONG
 
Có lẽ nào anh lại mê em,
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
 
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim
sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
 
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru
 
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
 
Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều
 
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em,
                      cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
 
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Đường trong tim anh in những dấu chân
 
Chiếc võng bạt trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan, cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu, em tinh nghịch của anh?
 
Bụi mù trời, mùa hanh
Nước trắng khe, mùa lũ
Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
 
“Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…”
 
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình: đường mới ta xây
Đã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất
 
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm “Thạch Nhọn Thạch Kim”
Tên em đã thành tên chung anh gọi
Em là cô thanh niên xung phong.
 
                                    Đức Thọ, 1968
 
TRƯỜNG SƠN ĐÔNG, TRƯỜNG SƠN TÂY
 
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm,
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
 
Một dãy núi mà hai màu mây;
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như đông với tây một dải rừng liền.
 
Trường Sơn Tây anh đi thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo…
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi em có hải măng không?
 
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá,
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù.
 
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ,
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.
 
Đông sang tây không phải đường thư,
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gái ba sẵn sàng xanh áo
Tây Trường Sơn, bộ đội áo màu xanh.
 
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.
 
  

NHỚ
Lời một chiến sĩ lái xe
 
Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo…
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
 
                                                  1969

 
VÒNG TRẮNG
 
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh
 
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu, bốc lửa ở bên trong.
 
                                                 8.1974

 
TIỄN CÁC CHÁU ĐÁNH GIẦY VỀ QUÊ ĂN TẾT
 
Đường phố sẽ rộng ra vì vắng các cháu
Những gốc cây, hè phố sẽ buồn thiu
Có các cháu thì ồn ào vướng bận
Các cháu đi rồi chú nhớ biết bao nhiêu.
 
Ôi những mái tóc rối bù, khét mùi nắng, mùi bụi
Nửa chất phác ngây thơ, nửa du đãng bụi trần
Đô thị hóa đi kèm ô hợp hóa
Những dòng sông nâu sồng giữa phố, những đoàn quân
 
Khi các cháu trở lại nơi này, thế kỷ cũ đã hết
Mà người cần đánh giầy thì ngày một đông lên
Chăm sóc hai bàn chân thì loài người rất nhớ
Chăm sóc trái tim chính mình, có lúc có người quên
 
Chỉ mấy ngày thôi về với cha với mẹ
Các cháu sẽ gặp lại quê mình xanh như thể tre xanh
Từ nghìn năm xưa tre vẫn xanh như thế
Dẫu chẳng phồn hoa mà cuộc sống an lành
 
Chú kể các cháu nghe một tên người. Cố nhớ!
An – đéc – xen viết chuyện Nàng Tiên Cá thật là hay
Ông ấy là nhà văn của trẻ con toàn Trái đất
Cũng xuất thân từ chú bé sửa giầy.
 
                                                          Cuối năm 2000


BẾP LỬA NHÀ MÌNH
 
Ngày đầu năm em xây bếp mới
Thế là gió mùa đông bắc tạnh rồi em
Chung bếp lửa là chung niềm thao thức
Sợi khói bay ngang vẽ dáng em hiền
 
Cả tuổi thanh xuân anh đốt lửa giữa trời
Cũng là bếp nhưng bếp chung bè bạn
Hết bếp lửa sinh viên, lại lửa rừng cháy sáng
Nấu nồi sắn nồi khoai tập thể, lính ăn chung
 
Ngọn lửa ơi, lòng lửa tốt vô cùng
Làm sinh ra người, lửa làm trái tim rực cháy
Lửa làm bóng tối xa ra và mặt người gần lại
Ngọn lửa nào thân bằng lửa bếp, bạn bè ơi!
 
Lòng vẫn khát khao đốt lửa giữa trời
Đến với mọi cộng đồng, đến với mọi màu da trên Trái đất
Nhưng chỉ bếp nhà mình là ấm nhất
Bởi em yêu, nhân loại thấy yêu thêm.
 
tin tức liên quan
test 123