Trường Sơn còn vọng đến mai sau - BS Lê Lợi

Ngày đăng: 11:02 11/03/2018 Lượt xem: 889
   TRƯỜNG SƠN CÒN VỌNG ĐẾN MAI SAU

                                                               Bs Lê Lợi, CCB F968
                                                Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

                  

 
     Những ngày đầu năm mới 2018, những người lính từng ở Trường Sơn năm xưa hiện sống tại Nam Định cùng nhau biên soạn và cho ra đời cuốn sách: Vang vọng Trường Sơn. Cuốn sách là sự tập hợp các bài văn, thơ, nhạc, họa của những người con Nam Định đã để lại một phần tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình ở những cánh rừng Trường Sơn những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Qua các bài thơ, bài ký, truyện, ghi chép, bản nhạc,...mặc dù câu chữ vẫn còn mộc mạc, chúng ta thấy Trường Sơn vẫn còn tươi rói trong suy nghĩ và tâm hồn của người thành Nam, những người đã từng nghe lời kêu gọi thiêng liêng của đất nước: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm nào.
    Người đọc như vẫn thấy âm hưởng hào hùng của chiến tranh năm xưa trong các dòng chữ, các chiến sỹ bộ binh, công binh, pháo binh, thông tin, lái xe vận tải những cô gái thanh niên xung phong ngày đêm bám đường cho thông tuyến xe qua, chở vũ khí và lương thực cho các mặt trận... Người Nam Định hiện lên với sự dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù nhưng cũng rất nhân văn với đồng đội, với nhân dân nơi đóng quân. Lối viết chân thực (tuy có phần dễ dãi) của phần lớn những người cầm bút không chuyên qua các lời kể chuyện của những người thật, việc thật đã giúp nhiều đồng đội tìm lại chính mình, đặc biệt hơn đó là giúp các thế hệ sau hiểu được thêm khốc liệt của cuộc chiến mà ông bà, cha, mẹ, anh chị mình đã trải qua.
     Một số bài viết trong cuốn sách này đã từng đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học do Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tổ chức. Tại cuộc thi Ký ức Trường Sơn năm 2013-2014, bài thơ Cây bồ kết bên đường của Phạm Trọng Thanh đạt giải Nhất; Nguyễn Văn Bổng giải Nhì với truyện ngắn Tập kỷ yếu dang dở. Các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo còn có: Kỷ vật Trường Sơn của Nguyễn Văn Bổng; Cô gái mở đườngTrường Sơn Tây của Trần Đức Tài; Thời gian xanh, của Trần Thị Bích Liên; Chị tôi của Trần Trọng Nghiêm; Chị tôi của Nguyễn Thị Lúng; Cô gái chống lầy của Nguyễn Thanh Hải. Tại cuộc thi Lục bát Trường Sơn tổ chức năm 2015-2016, bài thơ Đời mẹ của Vương Văn Kiểm được giải 3; Ký ức Trường Sơn của Nguyễn Ngọc Hoài, Vào hội Trường Sơn của Hoàng Kiền được trao giải Khuyến khích. Nhiều tác phẩm của các tác giả cũng được chọn vào chung khảo và được in vào sách của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: Cánh võng Trường Sơn, của Vương Văn Kiểm; Chợ Viềng của Lê Lợi; Chuyện cô tôi của Ngô Xuân Thanh; Một nét bình yên của Nguyễn Ngọc Hoài; Anh ở đâu của Trần Thị Nhật Tân; Đợi của Trần Văn Giai; Hành trang ra trận của Vũ Quách Thinh, Anh nghe em hát chầu văn của Nguyễn Đình Thảo…
          Chúng ta bắt gặp ở đây những nhân vật có thật hiện còn đang cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước và nhiều hơn đó là những người đã mãi mãi nằm lại ở các cung đường Trường Sơn. Âm hưởng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước còn hằn sâu không những trong tâm tưởng của những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong mà còn ở lớp người trẻ tuổi, họ chỉ biết chiến tranh qua những thước phim, trang sách… nhưng đã thể hiện bằng những con chữ của lòng biết ơn với các thế hệ đi trước. Từ những cây bút già dặn đến những tên tuổi rất mới, chúng ta thấy hiện lên những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Nguyễn Huy Hiệu, Hoàng Kiền, Nguyễn Quang Hạnh rất đỗi đời thường, đến những liệt sĩ có tên và không tên, các hình ảnh thật sống động. Những người lính, thanh niên xung phong của một thủa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chiến đấu và phục vụ chiến đấu, những người chị, người em đã không tiếc máu xương của tuổi thanh xuân trên tuyến đường Trường Sơn của Đoàn 559 xưa kia, ngày nay lại đang tích cực trong mặt trận kinh tế, những người đang đóng góp công sức vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tích cực hoạt động vì nghĩa tình đồng đội.
          Chúng ta gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Viện sĩ - Anh hùng LLVTND Việt Nam về với quê hương Hải Long, Hải Hậu vẫn luôn nhớ về đồng đội, những người mãi mãi để lại tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ Quốc qua bài thơ Bên cây bồ đề đất Phật của Phạm Trọng Thanh
         Tôi theo bước bạn bè một ngày Hải Long
            Gặp cây bồ đề non từ cây nghìn năm tuổi
            Trái tim lá xanh bóng tròn vai vị tướng
            Người trồng cây bên những hàng bia.
Hay sự bình dị của Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT ND Việt Nam hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam:
                      Người lặng lẽ sau những tấm huân chương
Kết nối điệp trùng bao nhiêu khoảng cách
                      Trên tấm bản đồ bốn nghìn năm Đất Nước
                      Vị tướng qua cổng trường
Tiếng trẻ lại ùa reo…
          (Vị tướng và những khoảng cách - Phạm Trọng Thanh)
          Nhiều hơn cả là những câu thơ đến cháy lòng về các cô gái ngã xuống ở Đồng Lộc với những ước mơ giản dị:
Cây bồ kết đứng tần ngần da diết
Rủ hương thơm gội chải mái tóc xanh
Nén tâm nhang Đồng Lộc luôn cháy đỏ
Trong lời ru ngân mãi khúc quân hành
(Đồng Lộc lời ru ngân mãi - Bùi Thanh Bình)
Và có một kỷ niệm riêng về một người con gái cụ thể:
Qủa pháo đĩ lạc đàn,
Trong loạt bom B52 vừa dứt
Giữa điểm cao 71,
Ngã xuống rồi Sim ơi!
(Kỷ vật Trường Sơn - Nguyễn Văn Bổng)
Xin nói thêm một chút về có những hy sinh thật ngẫu nhiên trong chiến tranh. Đó là những cái chết “tên bay, đạn lạc” do mấy thằng lính pháo cuả địch rỗi hơi sau khi ngủ với gái “Phượng hoàng” rồi cho chúng nó chỉnh hướng, chỉnh tầm linh tinh và giật cò súng. Cô gái tên là Sim đã trúng viên đạn pháo vu vơ được bắn đi bởi gái đĩ ngã xuống trên chiến trường như thế.
      Những người con gái gia nhập vào lực lượng thanh niên xung phong khi tuổi mới vào tuổi trăng tròn, đây là hình ảnh của chính các tác giả thủa thanh xuân:
Mười lăm tuổi vào Trường Sơn
Ba lô, cuốc xẻng đã sờn đôi vai
Rừng sâu, chân bước dẻo dai
Trèo đèo lội suối, chân ai đá mòn
(Nhớ ngày tình nguyện -  Nguyễn Thị Lúng)
       Và giờ đây sau mấy chục năm nhớ về các đồng đội, các Liệt sĩ Trịnh Hiếu Vân; Nguyễn Thị Khuyên; Nguyễn Thị Thanh Ba, chị Nguyễn Thị Thắng đã khóc trong bài Vào Trường Sơn viếng bạn, tại nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn:
Bồi hồi nhớ bạn thân xưa,
Năm mười sáu tuổi, như vừa mới thôi.
Trường Sơn, bom đạn bời bời,
Các bạn tôi, mãi cuộc đời thanh xuân.
Đồng cảm, thương xót phận má hồng của những chàng trai cùng chiến tuyến:
Gió Lào nắng cháy lưng người
Rừng già trút lá, cháy đôi má hồng
(Cô gái mở đường Trường Sơn Tây - Trần Đức Tài)
      Viết về người ở hậu phương, về những người mẹ tần tảo, các tác giả cũng có những cái nhìn rất khác:
Người ta mâm cao cỗ đầy
Mẹ nghèo, bếp lạnh, túi gầy đồng lương
Cảnh đời sống động quê hương
Mà con yên nghỉ dặm đường Trường Sơn
(Đời mẹ - Vương Văn Kiểm)
Và không có gì có thể bù lại việc mất mát những đứa con trong chiến tranh:
Tuổi già ngày một héo hon
Thương con ở chốn núi non xa rừng
Mẹ ơi dân tộc anh hùng
Người con của mẹ hòa cùng giang sơn
Ngàn năm ghi tạc công ơn
Người con của mẹ, người con anh hùng
(Kính tặng mẹ liệt sĩ - Trần Đức Tài)
     Sau chiến tranh, nhiều người con gái xinh tươi ở Trường Sơn trở về nhưng duyên phận lỡ dở. Họ chờ đợi người yêu, người chồng nhưng một nửa của họ mãi mãi không về vì đã nằm lại bởi nẻo đường chiến tranh.
Chú mèo bên luống rau xanh
Đàn gà quấn quýt trở thành bạn thân
Chị ơi, thương chị ngàn lần
Chị cười nhìn những mùa xuân và đời
(Chị tôi - Trần Trọng Nghiêm)
Và:
Anh ơi hồn anh nơi nào?
Phải hồn anh đã nhập vào bướm bay
Ngôi nhà đồng đội nơi này
Đất thiêng Tổ quốc từng ngày nhớ thương
(Anh ở đâu - Trần Thị Nhật Tân)
     Nhưng với đồng đội, các cô gái quê hương Nam Định vẫn luôn ngời sáng:
Ôi người con gái thành Nam
Giọng ca điệu hát vẫn vang đậm đà
Bây giờ em đã thành bà
Nụ cười duyên dáng vẫn là thanh xuân
Trường Sơn hai tiếng quen thân
Nghĩa tình đồng đội mãi gần bên nhau
(Anh nghe em hát chầu văn - Nguyễn Đình Thảo)
      Viết về mất mát trong chiến tranh, nhiều tác giả có những câu thơ đến nao lòng nhưng không bi lụy:
Mình về thăm lại cậu đây
Còn hay hóa đất cho cây xanh rừng
Ba lô lính níu trên lưng
Lá khô xào xạc ngập ngừng bước chân
Dẫu là đất đã nguội dần
Trên thân lính vẫn đau ngần ấy đau
Mình còn kịp chuyện trầu cau
Cậu đi để héo duyên nhau suốt đời
(Chuyện hai người lính - Đinh Văn Hởi)
      Những người thanh niên dù là bộ đội hay thanh niên xung phong khi vào chiến trường thì Hành trang ra trận qua thơ Vũ Quách Thinh thật giản dị:
                             Hành trang mãi mãi tôi mang,
                   Dòng sông quê với ngôi làng bên sông.
                             Cánh buồm nâu chở gió đông,
                   Nhấp nhô sóng nước, mênh mông mây trời.
    Và đây là cái nhìn của hậu thế về chiến tranh và lớp người đi trước:
Tôi về Đồng Lộc chiều nay
Lặng im… mà ngỡ gặp ngày bom rơi
Mười vầng mây trắng Trọ Voi
Còn nghe thấp thoáng giọng cười trinh nguyên
(Mười vâng mây trắng Trọ Voi - Trần Văn Lợi)
      Trong đội hình gần chục sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, công binh, phòng không, vận tải … duy nhất có sư đoàn bộ binh 968 vừa chiến đấu ở vùng Nam Lào mênh mông giúp cách mạng Lào, vừa bảo vệ hành lang của đường Trường Sơn phía Tây. Trung sĩ Lê Lợi, người lính của sư đoàn 968 luôn đau đáu niềm nhớ về đơn vị mà mình đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu cả tuổi thanh xuân:
Tuổi trẻ chúng tôi gửi lại đó năm năm,
Sông Mê Công có bao giờ ngừng chảy.
Nghĩa tình bạn bè nghìn năm bừng cháy,
Những đêm vui hội Lăm vông,
Đã mấy mùa té nước cùng em,
Nhớ đôi mắt nào nhìn nhau vời vợi.
 
Ai đếm được bao cánh rừng, con suối,
chúng tôi qua.
Bạn đồng hành là khẩu AK,
          cùng sư đoàn 968 quân tình nguyện,
Đêm súng nổ...
Nắm hương thắp trên mồ liệt sĩ,
Bạn tôi nằm lại đất Lào.
 
      Mảng Văn xuôi có 11 tác phẩm, là bút ký, truyện ngắn, hồi ức của các tác giả cựu chiến binh. Viết về anh hùng lái xe Nguyễn Quang Hạnh, bút ký Người anh hùng lái xe đường Trường Sơn năm ấy, Phạm Trọng Thanh đã lý giải lòng kính Chúa, yêu nước của chàng thanh niên xứ đạo gốc Nguyễn Quang Hạnh. Suốt 6 năm liền lái xe xung trận trên cung đường Tây Trường Sơn, dưới mưa bom, bão đạn, ông được nhận 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 4 Huân chương Chiến công hạng 3, 3 lần là Chiến sỹ Quyết thắng, 5 lần là Chiến sỹ Thi đua, 18 Bằng khen. Năm 1973, ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Một loạt bút ký được viết về những con người có thật, việc thật được các tác giả tập trung tái hiện. Tại bút ký Người trở về từ nghìn dặm Trường Sơn của Phạm Trọng Thanh, những chiến sĩ lái xe như Vương Hạnh sau này là đại tá, kể lại rằng: Ngày ấy, để phá "thế độc đạo" qua Khe Ve, các lực lượng mở đường Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Phan Trọng Tuệ, đã "đồng loạt nổ loạt bộc phá đầu tiên lúc 17 giờ ngày mồng Một Tết Bính Ngọ (22-1-1966), mở màn chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn, mở đường Thắng lợi". Khởi đầu từ Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình qua trập trùng mây núi Trường Sơn, xuyên rừng già thâm u, vượt dốc cao, vực thẳm với những địa danh thách thức: Đồng Tiền, Trạ Ang, Ba Thang, Khe Diêm, Cà Roòng, Phu La Nhích, nối sang đường 128 tuyến tây Trường Sơn". Đường 20 dài 123 km, vắt qua Trường Sơn …
Tuy nhiên, thời điểm mở đường 20, tại trọng điểm Khe Ve, máy bay địch càng điên cuồng oanh kích các mục tiêu. Có đợt tắc đường hàng tháng. Mặt trận không đủ xăng cho xe xuất kích. Các bể ngầm chứa xăng dầu sâu 15 mét dưới mặt đất đã cạn, máy bơm gác vòi. Chiến sĩ ta phải nối thang, quàng dây ngang lưng, đeo khẩu trang, ôm mền bông, áo rét lần xuống thấm lớp xăng cặn dưới đáy bể chứa, đưa lên vắt lấy xăng cho xe chạy cầm chừng.
          Nguyễn Văn Bổng có các truyện ngắn: Tập kỷ yếu dang dở, Con của con người, Bạn lính viết về mất mát của chiến tranh của cả nơi chiến trường và hậu phương, những tấm gương vươn lên của người dân hậu chiến. Vương Văn Kiểm có các bút ký Người lính đặc công quả cảm nghĩa tình với bạn bè quốc tế viết về cựu chiến binh Đỗ Quốc Trịnh, dũng cảm trong chiến tranh, trở về đời thường thành lập xưởng đóng tầu thép tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người; Người trở về thành cổ Quảng Trị máu lửa về người lính Đoàn Hồng Đăng vượt qua bom đạn chiến tranh phấn đấu trở thành bác sĩ  hiện nghỉ hưu vẫn cùng vợ là chị Trần Thị Thanh tham gia các họat động tình nghĩa.
      Bút ký Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn còn đây tình nghĩa của Phạm Trọng Thanh viết về Trung đoàn 83 (Lữ đoàn 83) công binh Hải quân anh hùng. Từ khi thành lập đến nay trải qua các chiến trường và làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Những người con của Nam Định về hưu nhưng chưa nghỉ, hiện nay đang tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Những tháng năm quân ngũ tại nước bạn Lào đã để lại cho tác giả Lê Lợi những hồi ức không quên trong Boun Nhang - Bây giờ chị ở đâu. Lối viết nhẹ nhàng, tình cảm, xen giữa hiện tại và quá khứ, con người và cảnh vật cùng phong tục làm chúng ta hiểu hơn về đất bạn Lào và nhớ về một thời chưa xa:
Thế mà thấm thoát nhiều năm trôi qua.
Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 968, thiếu tá Phạm Văn Long ngày về Đông Hà, Quảng Trị nhận lính mới chúng tôi sang đất bạn Lào, giờ đã nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu ông là đại biểu Quốc hội, Trung tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Xavanakhet- người mà những người lính sư đoàn 968 quân Tình nguyện Việt Nam chúng tôi có lần vinh dự tháp tùng bảo vệ khi ông về quê dọc đường bị phỉ phục kích ở Huội Mừn, ông Boun Nhang Volachit, sau này là Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước và mới đây vào tháng 1/2016 được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạnh Lào kiêm Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Còn tôi, sau nhiều năm công tác ở ngành Y tế càng nhớ đến lời hẹn của chị Boun Nhang năm nào. Tôi nhớ da diết tới những người dân Lào hiền lành và chất phác đã đồng cam cộng khổ, coi chúng tôi như người ruột thịt. Biết bao đêm đang ngủ chợt tỉnh giấc lại càng nhớ đến cháy lòng những cánh rừng khoọc, rừng le, nơi mà mồ hôi, máu xương của biết bao đồng đội và cả của tôi nữa đã nhỏ xuống, cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời mình để vun đắp cho tình hữu nghị thuỷ chung đặc biệt Việt- Lào. 
Biết đến khi nào mới có dịp trở lại chiến trường xưa.
Boun Nhang - bây giờ chị ở đâu ?
     Câu hỏi kết bài không chỉ dành riêng tác giả mà còn gửi đến tất cả chúng ta.
 
    Thật đáng tiếc nếu không nói đến 2 tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Huy Tập và Đức Miên cùng các bức tranh bằng các chất liệu sơn dầu, sơn khắc của người lính quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, họa sĩ Lê Minh Châu - người từng đoạt các giải thưởng của Quốc gia và khu vực. Anh đã tái hiện lại chiến trường ác liệt những năm tháng chiến tranh trước kia và cả công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương hiện nay.
          Hy vọng cuốn sách Vang vọng Trường Sơn của các tác giả người Nam Định đã từng đi qua cuộc chiến, thực hiện bởi những người không chuyên được đông đảo bạn đọc đón chào nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018 và chào mừng Đại hội lần thứ II của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định.
 
 

tin tức liên quan
test 123