Thần chết bỏ quên tớ! Ghi chép của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 11:13 19/03/2018 Lượt xem: 685
      THẦN CHẾT BỎ QUÊN TỚ!

                                  Phạm Thành Long
 
          Tôi biết anh Công Nghĩa Hoàn từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước. Ngày ấy, anh là Phó Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới. Anh là một nhà báo mê bóng bàn. Một lần, đoàn vận động viên bóng bàn báo Hà Nội Mới sang giao lưu với Tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong và Hoa Học trò của chúng tôi tại số 5 Hòa Mã, Hà Nội. Một chân anh cà nhắc nhưng khi cầm vợt thì anh nhanh nhẹn như chẳng hề bị tật ở chân. Sau buổi giao lưu, chúng tôi ngồi uống bia với nhau. Tôi mạnh dạn hỏi thăm dò:
     - Này anh Hoàn. Cái chân anh bị thương ở đâu vậy?
    - Ở Trường Sơn ông ạ? Nghe thế, tôi rất mừng vì không ngờ lại gặp được một đồng nghiệp là đồng đội Trường Sơn.
     - Thế anh ở đơn vị nào ở Trường Sơn? Trước mình là lính lái xe, sau đó chuyển sang làm tuyên huấn Binh trạm 32.
      -  Em làm tuyên huấn Binh trạm 35, rồi chuyển lên tuyên huấn Sư đoàn 471 đấy.
      - Thế hả! Tớ không ngờ ông cũng là lính Trường Sơn đấy. Nói rồi anh bắt tay tôi rất chặt.
      Sau buổi gặp gỡ và phát hiện bất ngờ về anh lính Trường Sơn Công Nghĩa Hoàn, tôi và anh còn nhiều gặp gỡ và gần gũi nhau. Sau này, tôi được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể: Anh Công Nghĩa Hoàn vào Trường Sơn làm lái phụ cho mình. Ngày ấy chúng tớ lái chiếc Gát 63, biển kiểm soát: BA 3519 – chiếc xe của anh hùng Trần Minh Khâm để lại. Khi mình lên phụ trách đại đội, thì anh Công Nghĩa Hoàn lái chính chiếc xe này…
         Đầu những năm 2000, anh có chuyện buồn ở Hà Nội Mới. Gặp tôi, anh thông báo:
       - Tớ xắp đi khỏi Hà Nội Mới rồi ông ạ. Tôi vô cùng bất ngờ.
       - Có chuyện gì vậy? Và anh đi đâu?
      - Chuyện thì dài lắm. Để khi nào tớ kể. Tớ dời Hà Nội Mới để sang thành lập một tờ báo mới trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố - tờ Kinh tế và Đô thị. Tôi lắc đầu.
      - Thế là anh phải “khai thiên lập địa” tờ báo mới toanh? Muôn vàn khó khăn đấy!
     - Đành vậy thôi. Không có con đường nào khác để mình lựa chọn ông ạ! Tôi chỉ còn biết động viên anh:
     -  Với kinh nghiệm quản lý bao nhiêu năm, em tin là anh thành công. Lính Trường Sơn không phép được thất bại.
      - Thất bại thế nào được! Nhưng mình dự báo được tương lai phát triển của nó ông ạ. Anh nói một cách tin tưởng.
      Sau này, tôi mới biết, anh không chấp nhận những việc làm "không chuẩn" của ông Tổng Biên tập, anh đã “nổ”. Anh được nhiều anh em ủng hộ. Nhưng khốn nỗi, ông Tổng kia lại có hàm cấp Thành ủy, thế là ông bị mang tiếng là “mâu thuẫn”. “mất đoàn kết” nội bộ. Và tất nhiên người phải ra đi là anh! “Tay không” lập nên một tờ báo hoàn toàn mới. Không những không thất bại mà trên cương vị Tổng Biên tập sáng lập, anh là người tạo nên diện mạo và thương hiệu cho một tờ báo mới: Kinh tế và Đô thị. Anh đã chứng minh bản lĩnh của người lính Trường Sơn!
      Sau này, có lần hai vợ chồng tôi còn mang cả Câu lạc bộ bóng bàn Thái Hà lên Phú Thượng giao lưu với CLB bóng bàn Phú Thượng của anh. Anh và chị Đào, vợ anh – một lính văn nghệ Binh trạm 32 đều mê bóng bàn. Anh dành hẳn cả tầng 3 của ngôi nhà kê bàn bóng bàn để bạn bè và con cháu trong làng đến chơi. Cháu Vinh, con trai anh sau này là lính của bà xã tôi ở Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bao bì đóng đại bản doanh ở quê anh – Làng Phú Thượng. Vì thế vợ chồng tôi và vợ chồng anh càng thân thiết hơn.
        Năm ngoái, nghe tin anh bị ung thư. Tôi gọi điện hỏi thăm. Anh tếu táo trong điện thoại:
      - Tờ vừa được phát hiện là ung thư dạ dày giai đoạn cuối ông ạ. Nhưng có lẽ thần chết bỏ quên tới hay sao ấy. Tớ vẫn khỏe, chưa thấy có vấn đề gì. Rồi anh đọc cho tôi nghe bốn câu thơ: Nội soi, bác sĩ bảo ung thư/Án tử trên đầu thực thế ư?/Thuốc thang, diện chẩn ông không sợ/Cùng lắm lên đường cũng vô tư! Đọc rồi anh cười lớn trong điện thoại. Đối mặt với án tử, nhưng người lính Trường Sơn Công Nghĩa Hoàn vẫn rất lạc quan và vô tư như tính cách lâu nay của anh. Tôi mừng và thầm nghĩ: Vô tư và quên bệnh tật là một liều thuốc thần đối với người mang bệnh. Hy vọng…Rồi tôi nói với anh:
     - Anh đừng nghĩ mình ung thư. Vô tư mà sống thì em tin anh sẽ vượt qua bạo bệnh anh ạ. Em cũng quên bệnh tật và sống chung với nhiễm độc bao năm nay rồi, em biết.
       - Tớ đủ bản lĩnh để đối mặt với nó ông ạ.
      …Thế rồi, chiều chủ nhật 18-3-2018, vợ chồng tôi vào bệnh viện Sanh Pôn thăm anh. Anh vừa trải qua mấy ngày cấp cứu ở Bệnh viện 108. Anh mới chuyển về đây được ít hôm.
       Anh bắt tay hai vợ chồng tôi rồi kéo chúng tôi ngồi gần lại. Anh nói:
       - Để tớ giải thích cho ông bà tại sao tôi lại có cái ống dịch chui vào mũi thế này. Cái ống dịch này là bệnh viện họ thọc vào tận dạ dày tớ để cho dịch nó chảy ra, khỏi phải nôn ẹo qua đường miệng, nhọc lắm ông ạ. Khi hết dịch ở dạ dày rồi thì họ mới xác định xem cái gì ở trong đó ông ạ. Khi vào đây khám. Tay bác sĩ bảo thật tôi: - Anh có 100 triệu không? Nếu không đủ 100 triệu thì đừng nghĩ vào đây chữa bệnh – Khoa khám chữa bệnh công nghệ cao kia mà! Cả đời các anh làm lụng, tích lũy rồi, nay bị bệnh thì bỏ ra mà chữa bệnh. Nếu có đi Văn Điển thì cũng có mang được tiền đi theo đâu… Tớ gật đầu. Thế là tớ nhanh chóng được vào cái khoa công nghệ cao này… Nghĩ càng đau ông ạ! Tay bác sĩ ấy nói thẳng, nói thật. Có phải thằng lính Trường Sơn nào cũng lắm tiền đâu ông. Không có đủ trăm triệu đồng thì coi như đứt rồi. Ngẫm mà cay cho sự đời ông ạ…. Dù khá đau nhưng anh vẫn cười. Cái phong thái, cốt cách rất  “Công Nghĩa Hoàn” vẫn toát lên ở anh. Rồi anh lại vẫn tay ra hiệu cho tôi cúi sát gàn anh hơn. Anh tiếp tục đọc lại bài thơ anh làm một cách đầy đủ hơn hôm đọc qua điện thoại cho tôi nghe:
         Nội soi, bác sĩ bảo ung thư
         Án tử trên đầu thực thế ư?
        Thuốc thang, diện chẩn ông không sợ/
        Cùng lắm lên đường cũng vô tư!
        Sinh lão bệnh tử ai chả vậy
        Bách niên giai lão có cũng hay
        Chỉ tiếc bụi trần chưa rũ sạch
        Đã phải lên đường thế mới cay!
      Nghe xong bài thơ của anh, tôi càng cảm phục nghị lực và sự lạc quan ở anh. Giọng điệu bài thơ của anh chính là khí phách, là cái chất lính Trường Sơn trong anh toát ra ngời ngời!
     Nói chuyện với chị Đào, chúng tôi được biết: Chị có học được phương pháp chữa bệnh bằng diện chẩn. Chị cũng bị u ở phổi và một bên phổi bị xẹp. Chị đã tự chữa bệnh cho mình bằng diện chẩn. Chủ yếu là đốt huyệt đạo ở chân bằng ngải cứu. Khi vào bệnh viện kiểm tra, u ở phổi của chị đã biến mất. Bới thế mà chị đã trực tiếp chữa bệnh cho anh Hoàn bằng phương pháp diện chẩn. Chị bảo: Anh Hoàn kiên quyết không đi viện. Anh mặc cho số phận. Bác sĩ bảo tôi: Mấy ông cùng khám và cùng phát hiện bị ung thư dạ dày như ông Hoàn. Đến giờ, họ đều ra đi cả rồi. Ông Hoàn may mắn đấy...  Rồi bệnh tình của anh phát triển theo chiều hướng đi xuống. Những cơn đau nhiều hơn... Đau thế nhưng anh vẫn không muốn đi viện. Hôm trước anh vào bệnh viện 108 là cháu Vinh phải lừa mãi mới đưa được bố vào cấp cứu…
      Anh đúng là “gàn bát sách”! Điếc không sợ súng! Tôi nghĩ thế! Giá anh chữa sớm hơn, cắt pheng chỗ bị ung thư ở dạ dày đi thì nhẹ nhàng hơn nhiều. Nhiều người bị ung thư dạ dày cắt bỏ đi vẫn sống khỏe thêm được nhiều năm nữa. Vợ chồng tôi đã nói với anh như thế…
      Chia tay anh, tôi tặng anh mấy cuốn truyện của tôi.
     - Khi nào đỡ đau, anh đọc cho khuây khỏa. Em viết toàn truyện của lính  Trường Sơn chúng mình đấy.
     - Ông không tặng Bản tin Trường Sơn cho tớ nhưng tớ được đọc mấy số rồi đấy. Các ông làm giỏi lắm! Thế mới đúng là Bản tin. Nhiều “thằng” làm tin là có ra bản tin đâu. Thơ, văn, nhạc họa nhét vào lung tung phèng cả… Cơn ho cắt ngang lời nói của anh.
     - Thôi, bọn em về đây. Chúc anh can trường vượt qua bệnh tật nhé! Hãy đối diện với bệnh tật bằng bản lĩnh của lính Trường Sơn!
Chia tay anh, tôi đã nói như thế.
Tôi hy vọng, với chất lính Trường Sơn vẫn chảy ngồn ngộn trong anh, biết đâu Thần chết bỏ quên anh thật!   
 
tin tức liên quan
test 123