Gặp người lính cơ công sư đoàn 471
Ngày đăng:
09:55 22/03/2018
Lượt xem:
2.337
GẶP NGƯỜI LÍNH CƠ CÔNG SƯ ĐOÀN 471
Căn nhà nhỏ cấp bốn, nằm nép cạnh những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ trong khu phố yên bình. Bên bộ bàn ghế tềnh toàng ở số nhà E 01, chung cư Nguyễn Thái Học, khu phố 9, phường Tân An, thị xã LaGi - Bình Thuận, Tôi lặng nghe vợ, chồng người đồng đội sư 471 cùng thời kể lại những năm tháng vô cùng gian nan, vất vả của vợ chồng - người lính cơ công Trường Sơn và cô giáo cấp một.
Câu chuyện chị Nguyễn Thị Dân kể đôi lúc bị ngắt quãng... Tôi nhìn biết, mặc dù chị đã gắng kiềm chế nhiều cảm xúc... Miệng gắng cười, nhưng đôi dòng lệ vẫn lăn dài trên má. Để giúp chị bớt đi xúc động, tôi đưa chị ly nước. Uống xong, chị và anh tiếp tục kể tôi nghe về những tháng, năm gian khó đã qua về hoàn cảnh gia đình.
Tác giả (ngồi giữa) và vợ chồng đồng đội Bùi Xuân Sơn
Vẫn mang trên mình bộ quần áo lính bạc màu và cái bản tính hiền lành, chân thật, làm nhiều, nói ít của người cựu lính Trường Sơn năm xưa anh tâm sự :
...Tháng 7 năm 1970, tôi vào Trường Sơn, chiến đấu ở Đại đội trinh sát 293. Do yêu cầu nhiệm vụ, anh được điều về Sư đoàn bộ 471 làm công tác cơ công. Năm 1972 anh được cử ra Sư đoàn hậu cứ 571 học đào tạo nghiệp vụ và sửa chữa trang thiết bị máy móc. Tháng 7 năm 1973 sau khi hoàn thành khoá học. Anh được nghỉ phép mười hai ngày tranh thủ về nhà cưới vợ. Ở bên nhau chưa quen hơi, bén tiếng, anh lại khoác ba lô vượt đèo, leo dốc trở lại sư đoàn 471 (lúc này sư đoàn bộ đã lật cánh từ Tây sang Đông Trường Sơn, từ Nam Bạc - nước bạn Lào về bến Giàng, huyện Nam Giang, Quảng Đà - Quảng Nam ngày nay). Tháng 8, vào tới đơn vị, anh đã cùng các anh Thắng, Nghiêm trong tổ cơ công bắt tay ngay vào nhiệm vụ chặt cây, gom lá làm lán trại. Ngoài nhiệm vụ chính sửa chữa máy móc phục vụ thông tin của sư đoàn, hàng ngày anh tranh thủ thời gian cùng anh em trong tổ tháo gỡ những cây nhiệt đới đã được công binh vô hiệu hoá mang về để lấy linh kiện. ( loại cây trinh sát điện tử, được máy bay Mỹ thả xuống trên tuyến đường Trường sơn để thu tiếng xe, máy, tiếng bộ đội hành quân báo về trung tâm tác chiến của địch. Chỉ sau ít phút chúng điều máy bay ném bom và pháo bắn ngay vào những vị trí đó. Nhằm chặn đường chi viện của bộ đội ta cho các chiến trường ). Có trong tay những linh kiện điện tử, với khả năng thiên phú, cùng đôi bàn tay khéo léo. Anh đã biến những vật vô cùng tác hại đó thành phụ kiện để sửa chữa những chiếc Radio Orionton và lắp ráp thành những chiếc radio mới vô cùng hữu dụng, trang cấp cho các đơn vị để hàng ngày cứ đến giờ thời sự anh em lại háo hức, quây quần cùng nghe - đây là Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà... Những tin tức thi đua sản xuất nơi các công trường, nhà máy, xí nghiệp, nông thôn...Những chiến thắng dòn giã của bộ đội ta trên khắp các chiến trường...Những bản nhạc, bài ca hừng hực khí thế của Quân và dân đất Việt Anh hùng đã kịp thời động viên, kích lệ những người lính Trường Sơn Sư 471 thúc giục các đoàn tuấn mã cơ giới của mình đêm ngày vượt ngầm, leo dốc, tăng ca, tăng chuyến chuyển hàng đi các chiến trường. Mặc cho pháo bầy, bom rơi của địch gầm rít, đánh phá vô cùng ác liệt trên các tuyến đường.
Giải phóng 1975. Anh theo Sư đoàn về tiếp quản khu kho chiến lược Long Bình. Cũng tại đây vào ngày đầu thu cùng năm, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Lao động Việt Nam. Ngày đó...Anh nhớ lại - vui và xúc động lắm ! Chính anh Phạm Thành Long ( Khi đó làm công tác tuyên truyền, Phụ trách Bản tin của Sư đoàn và là Ủy viên Chi ủy Ban Tuyên huấn Sư đoàn, hiện nay là Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua Hội TSVN) là người đã trực tiếp trang trí cho buổi lễ kết nạp Đảng của anh hôm đó.
Năm 1977, anh được trên cho về xuất ngũ. Về địa phương, anh tiếp tục theo nghề cũ làm giáo viên cấp 2. Với bộ quần áo lính bạc mầu hàng ngày lại đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho các em học sinh thân yêu của mình.
Vợ chồng CCB Bùi Xuân Sơn trước ngôi nhà của mình.
Chị Nguyễn Thị Dân - vợ anh là giáo viên cấp một trường làng kể tiếp:
- Khi ông nhà tôi xuất ngũ về được một năm. Năm 1978, chúng tôi sinh đứa trai đầu lòng. Nhìn con thông minh, kháu kỉnh chúng tôi mừng lắm ! Thế rồi đến năm 1980, tôi sinh tiếp đứa thứ hai. Cũng năm đó, trên điều ông ấy về công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Năm 1985 chúng tôi lại có cháu thứ ba. Anh ấy đi công tác xa nhà suốt, lương khi đó thì ba cọc, ba đồng. Kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chế độ tem phiếu thực phẩm cán bộ, viên chức vợ chồng lúc đó cả tháng mới được hơn ký thịt. Mua về làm ruốc, nấu bột, kho mặn cho lũ nhỏ ăn dè. Hoạ hoằn lắm vợ chồng mới được đụng vào vài miếng gọi là. Lương giáo viên cấp một của tôi khi đó chỉ 360 đồng. Một nách lo chăm sóc cho ba đứa con còn nhỏ dại, hàng ngày lại phải lên lớp giảng bài. Sức khoẻ tôi suy kiệt, không còn xoay sở nổi. Vợ chồng tôi bàn nhau: Để ông ấy yên tâm công tác, tôi xin về chế độ mất sức. Nhận được trợ cấp một lần hơn triệu đồng. Hàng ngày tôi xoay ra chạy chợ. Thôi thì từ rau củ, quả đến giày dép, mũ nón, áo quần tất tần tật. Cứ sáng sớm tôi chở rau củ, quả từ nhà ở Quảng Tân, Quảng Xương lên Thị xã Thanh Hoá bán, rồi lại lấy hàng từ Thị xã về chạy quanh bán lại ở trong xã, trong làng. ( Lúc đó Trung tâm tỉnh lỵ Thanh Hoá sau chiến tranh vẫn là Thị xã nhỏ, nghèo lắm. Chứ chưa phải Thành phố rộng đẹp, khang trang, sầm uất như bây giờ). Cứ như thế, cuộc sống đắp đổi qua ngày tạm đủ. Tiết kiệm, gom góp vài năm được chút vốn. Nghe bạn bè rủ hùn hạp làm ăn, tưởng phen này có cơ hội đổi đời. Ai dè mấy năm đầu tắt, mặt tối tích cóp được bao nhiêu đưa hết cả ra, thế là chưa tròn năm. bao mồ hôi, công sức của vợ chồng tôi bị chúng lừa cuỗm đi hết cả.
Năm 1991 đường cùng, tôi và gia đình bàn bạc quyết định: Anh ấy tiếp tục ở lại tỉnh nhà công tác. Tôi và ông nội mấy đứa nhỏ dắt theo bốn đứa con, gạt nước mắt xa quê vào LaGi, Bình Thuận lập nghiệp. Ban đầu gia đình tôi nương nhờ ở nhà đứa em gái đã vào đây từ trước. Được vài tháng, tôi chạy về xóm nghèo đầu thị xã mua được căn nhà lá, vách gỗ ba chỉ vàng, thế là có chỗ để gia đình tá túc nắng, mưa. Nhưng khổ nỗi hàng ngày lại phải đạp xe trên chặng đường dài vượt dốc đưa đón các con đến lớp. Nhiều buổi chở hàng đi bán, tới nơi chợ sáng đã gần tan. Thế là thu nhập lại lâm vào bữa đực, bữa cái. Lúc này thấy các con đang tuổi ăn, tuổi học. Vợ lại quá vất vả. Ông nhà tôi quyết định làm đơn xin nghỉ công tác nhận trợ cấp một lần. Ôm chút tiền trợ cấp, cùng với tiền nhượng lại căn nhà ngoài quê được hơn bốn triệu. Ông ấy vào LaGi này phụ tôi hôm sớm làm ăn. Tôi ở chợ thì anh Sơn chạy về nhà lo cơm nước, giặt giũ áo quần...Chăm sóc cho con cái học hành. Sau mấy tháng chạy chợ, tôi làm quen được một số người. Biết hoàn cảnh và cảm mến cách sống thẳng thắn, chân thành của vợ chồng tôi, ông Giám đốc kho lương thực LaGi ( khi đó đang chuẩn bị giải thể ) đã ưu ái cho gia đình tôi đến ở một căn và trông coi dùm toàn bộ dãy phòng nhân viên và sân, kho bỏ không. Thế là vừa giúp đỡ được tôi có nơi ở tạm, vừa đỡ tốn tiền hàng tháng thuê bảo vệ và người quyét dọn. Có cơ hội. Hàng ngày ngoài thu nhập từ buôn bán, chạy chợ. Tôi cho người thuê lại những căn phòng trống để ở, kho và sân kho tôi cho những người chuyên thu mua sắn, bắp thuê lại. Vừa không phải tốn công quyét dọn, hàng tháng lại kiếm thêm được vài triệu thu vào. Ngoài lo cho các cháu ăn học. Tôi kiếm được chút đỉnh dành dụm. Cũng là lúc công ty lương thực chính thức giải thể, bàn giao lại mặt bằng cho Thị xã LaGi.
- Căn nhà chúng tôi và anh hôm nay đang ngồi đây là anh ấy sinh hoạt trong Hội cựu chiến binh. Nên vừa qua được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm cho năm chục triệu để làm nhà tình nghĩa đấy !
Tôi cười hỏi chị:
-Nãy giờ nghe chị kể về chuyện hai ông bà bươn chải chạy chợ, làm ăn thu nhập cũng kha khá. Vậy chứ tiền, vàng mang cất đâu hết rồi mà cho đến gần đây vẫn phải nhờ địa phương giúp đỡ cho căn nhà để ở ?
Người cựu lính sư 471 - Bùi Xuân Sơn cười :
- Làm được bao nhiêu, tụi tôi đầu tư hết vào năm " công ty bất động sản lâu dài " đó.
Thấy tôi tỏ thái độ ngạc nhiên, chưa hiểu, anh thong thả giải thích :
- Ngoài chế độ trợ cấp một lần. Cho đến bây giờ vợ chồng tôi vẫn chưa được hưởng thêm bất cứ chế độ nào khác, ngoài số tiền vừa qua trợ cấp để xây căn nhà tình nghĩa. Số tiền mà vợ chồng tôi lam lũ làm ăn kiếm được, tất cả đều dồn vào đầu tư cho năm đứa con ăn học. Chúng tôi rất mừng là đến nay tất cả các cháu đều đã tốt nghiệp đại học và hầu hết đều công tác ở các đơn vị, cơ quan nhà nước. Cháu đầu theo nghiệp bố đang phục vụ trong quân đội với cấp hàm thiếu tá. Cháu thứ hai đang là Phó phòng Nội vụ huyện Hàm Tân, cháu thứ ba đang làm việc ở công ty sữa trong TP, cháu gái thứ tư đang làm tư pháp xã Tân Phúc, thu nhập trang trải cuộc sống cũng tạm ổn. Riêng có cháu thứ năm - con gái út sau khi tốt nghiệp đại học về mở sốp kinh doanh quần áo là kinh tế vững vàng, khá giả nhất.
Chúng tôi đang say sưa nói chuyện, bỗng từ trong phòng ngủ, đứa cháu trai chừng ba tuổi chạy ra xà vào lòng Sơn giơ tay chỉ vào tấm hình ông lão trên bàn thờ ngây ngô hỏi: Ông nội ơi ! Thế hình ông già có râu trên kia cháu phải gọi là gì vậy ?
Một gia đình người con và con cháu CCB Bùi Xuân Sơn
Sơn nhẹ nhàng giải thích cho đứa cháu nội :
- Người trong bức hình đó con phải gọi bằng cụ nội. Ba con phải gọi bằng ông nội, như con hiện giờ đang gọi ông bằng nội đấy !
- Thằng bé khẽ à lên một tiếng: Cụ là ba đẻ ra ông nội. Nói rồi thằng bé ngả hẳn người vào ngực Sơn, bàn tay nhỏ vân vê lên túi ngực áo ông nội.
Tôi nhìn bức di ảnh người quá cố - một ông già quắc thước, khoẻ mạnh với gương mặt hiền lành. Bùi Xuân Sơn không dấu được niềm tự hào về người cha thân yêu của mình, anh giải thích :
- Bố tôi đấy ! Ông mất năm 2004, thọ 84 tuổi. Đám tang ông các cơ quan, ban nghành trong tỉnh đi đưa tiễn đông lắm ! Bởi vì năm 1954 ông là đội trưởng xe đạp thồ dân công hoả tuyến. Với chiếc xe đạp thô sơ thời ấy, cụ đã cải tiến, gia cố thêm khung, gacbaga cho chắc chắn. Cùng với một cây tre đực vừa tay nắm để điều khiển lái. Với sức khoẻ dẻo dai, cùng với chiếc xe đạp thồ. Mỗi chuyến Cụ đã chuyên chở được cả tấn lương thực và vũ khí đạn dược, để kịp thời tiếp lương cho bộ đội ta ăn no, đánh thắng trong chiến dịch Điện Biên. Trong thập niên 1990 cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên, VTV3 lại về Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hoá quê tôi, gặp cụ phỏng vấn và đưa hình ảnh cụ cùng chiếc xe đạp thồ lên chương trình phát sóng.
Tác giả (bên trái) và đồng đội Bùi Xuân Sơn
Buổi trưa, mặc dù chiếc quạt bàn nhà Sơn đã chạy hết công xuất, nhưng vẫn không xua được hơi nóng hầm hập từ mái tôn phả xuống. Nắm chặt tay vợ chồng người đồng đội, tôi xin phép ra về.
Tối nay tôi ngồi uống trà trong khu vườn mươn man gió mát. Hình ảnh vợ chồng người đồng đội - Người lính cơ công sư đoàn 471 đã vượt qua bao khó khăn, thăng trầm của cuộc sống, lại hiển hiện trong tôi. Tôi quyết định viết về anh, viết về người đồng đội cơ công Trường Sơn, tràn đầy nghị lực, có bàn tay vàng, sáng tạo trên Trường Sơn ngày nào...
Tôi tin vào giáo lý nhà Phật: Ở hiền, gặp lành ! " Vườn cây trái " hai vợ chồng người cựu lính cơ công sư đoàn 471- Bùi Xuân Sơn chăm sóc, vun trồng đã bắt đầu cho hoa thơm, trái ngọt.
Bài và ảnh: Phạm Tiến Đặng
Sư 471, Hội TTTS Bình Thuận.
tin tức liên quan