Về thăm chiến trường xưa - Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 11:00 03/04/2018 Lượt xem: 2.910
    VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
                                

     Trong hành trình về thăm  “chiến trường xưa” và những địa chỉ đỏ do Hội TT Trường Sơn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam và hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn,  xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết và hình ảnh về chuyến đi.
     Từ Thanh Hóa vào Quảng Trị trong tiết trời mùa xuân, cảnh vật như được tô đẹp thêm bởi cây cối đang vào mùa đâm chồi, nẩy lộc. Xechúng tôi qua thị xã Kỳ Anh, Vũng Áng hiện ra trước mắt với khu công nghiệp hàng đầu của Hà Tĩnh. Những khu nhà cao tầng, cùng với những ống khói cao vút in hình giữa bầu trời, những khu nhà tái định cư nằm san sát giữa vùng đồi nhấp nhô. Đèo Ngang, con đèo thơ mộng ở miền Trung bây giờ xe qua không còn vượt đèo để được ngắm cảnh đẹp kỳ thú biển trời giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tôi bất chợt nhớ lại câu thơ của Phạm Tiến Duật “Đã có nhiều người làm thơ về đèo Ngang/ Nhưng chưa ai nói về con đường chạy dọc”. Trong chuyến hành trình này, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Vũng Chùa - Đảo Yến, địa danh đã trở thành nơi linh thiêng từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về “yên nghỉ ngàn thu” tại đây. Mặc dù đã gần trưa nhưng dòng người đến viếng vẫn nối dài, trong đó có nhiều quân nhân, cựu chiến binh trên ngực áo lấp lánh huân, huy chương. Ngôi mộ vẫn bình dị được phủ lên bởi lớp cỏ xanh và những bó hoa tươi thắm bên chiếc cầu gỗ dẫn du khách lên xuống. Vũng Chùa  bãi biển nên thơ, yên bình với bãi cát trắng trải dài, những rặng phi lao xanh chạy dài tít tắp, gió từ biển thổi vào cùng tiếng sóng vỗ như ru cho Người yên giấc ngủ.
     Xe vượt cầu sông Gianh, con sông đã một thời bom đạn ác liệt, bất chợt tôi nhớ lại năm 1973, sau Hiệp định Pa Ri ký kết, đơn vị công binh của 559 đã bắc cầu phao để xe vận chuyển hàng ra chiến trường; nhưng do sông quá rộng lại gần cửa biển, sóng đánh mạnh cho nên cầu không giữ được lâu dài. Những vùng quê thân thuộc đã in sâu vào ký ức suốt một thời trai trẻ: Hòn Lão, Cự Nẫm, Khương Hà, Cổ Giang, ngầm Bùng, Xuân Sơn, Phong Nha….đã hoàn toàn thay đổi. Xe vào Đường 20. Từ cây số không đến Hang Tám Cô km 14, không nhận ra tuyến đường mà chúng tôi đã bám trụ những tháng năm chống Mỹ. Hang Tám Cô đã trở thành địa chỉ không thể quên của du khách khi đến thăm khu di sản thiên nhiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng. Vào thắp hương viếng các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường 20 Quyết Thắng và Hang Tám Cô, phút mặc niệm nhiều người mắt ngấn lệ. Trước cửa hang, tôi đọc lại bài thơ “Những linh hồn trong trắng” sáng tác từ ngày các chiến sỹ hy sinh tháng 11/1972: “ Hôm nay các em không về nữa/Sau trận bom Mỹ trút xuống buổi chiều/Những phiến đá nghiệt oan lấp kín cửa/Văng vẳng rừng sâu tiếng các em kêu”… Phà Xuân Sơn, “ tọa độ lửa”, biết bao người đã ngả xuống nơi đây để nối đôi bờ xe hàng ra tiền tuyến. Tôi nhớ lại hình ảnh những chiến sỹ lái ca nô phá bom từ trường hiện ra trước mắt; động Phong Nha, nơi thượng nguồn  sông Son, trong chiến tranh là nơi trú quân, cất dấu phương tiện cầu phà; ngày nay trở thành điểm tham quan nổi tiếng.
          Theo đường Hồ Chí Minh xe bon bon về Quảng Trị, mảnh đất thiêng đã viết nên khúc tráng ca trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương 21 năm chia cắt, nơi chứng kiến cuộc đối đầu lịch sử giữa hai chế độ. Lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió. Đi trên cây cầu cũ, lòng mỗi người xốn xang cùng cất lên tiếng hát “Bên ven bờ Hiền Lương” với tình cảm thiết tha, sâu đậm. Chúng tôi vào nghĩa trang Trường Sơn đã về chiều. Nơi đây yên nghỉ của trên 10.300 liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Gió chiều làm rừng cây xào xạc như muốn nói điều thầm kín với mọi người. Chúng tôi đặt hoa, thắp hương viếng tại tượng đài trung tâm và mộ đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, thắp hương trên mộ các liệt sỹ là con em tỉnh Thanh Hóa. Nhiều người  dừng lại khá lâu trước mộ đồng đội đã một thời xẻ chia gian khổ, ác liệt. Tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt, thắp hương viếng cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại nhưng hiện chưa được quy tập về nghĩa trang. Mỗi chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn tầm vóc vĩ đại và sự đóng góp to lớn của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Trên đường về Đông Hà, trong tôi còn in đậm hình ảnh nghĩa trang Trường Sơn, công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao của Bộ đội Trường Sơn nói riêng và của tỉnh Quảng Trị và quân dân cả nước nói chung.
          Xe qua sông Thạch Hãn, vào thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra trận chiến ác liệt trong 81 ngày đêm mùa Hè năm 1972 lịch sử, nơi hứng chịu 120.00 tấn bom (bình quân mỗi chiến sỹ phải chịu 4-5 tấn) và trên 1 triệu quả đạn pháo các loại. Được xem lại những hình ảnh trong bảo tàng, chúng tôi càng hiểu hơn giá trị của trận chiến giữ thành và tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của chiến sỹ thành Cổ: “Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/Một dấu chân in màu đất hai miền”. Trên đường ra sông Thạch Hãn, dòng sông mang vết thương đau của một thời bom đạn; Thượng tá Nguyễn Công Tường, Anh hùng LLVT, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Yên Định kể lại những ngày đơn vị pháo cao xạ chia lửa cùng các chiến sỹ Thành Cổ, rồi câu chuyện đơn vị anh được các chiến sỹ quân giải phóng giải vây khi bị lính Việt Nam Cộng hòa áp sát trận địa pháo…Thả những bông hoa trên sông, tôi bất chợt nghĩ đến những vần thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”. Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, những vết tích bom đạn không còn, nhưng chúng tôi biết dưới lớp đất và màu cỏ xanh non tơ nơi Thành Cổ là xương máu của hàng ngàn chiến sỹ đã ngả xuống nơi đây. “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ.
          Ngã ba Đồng Lộc, di tích lịch sử nằm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi gắn liền tên tuổi 10 nữ TNXP hy sinh trong trận bom Mỹ ngày 24/7/1968 và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất thiêng vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Năm nay tròn 50 năm các cô gái đi xa, nên khu di tích đông nghịt người; hình ảnh những tượng đài, tháp chuông… là thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây, những quả bom còn sót lai được gắn kết thành hình một chiếc máy bay lao từ trên bầu trời xuống, những vỏ bom bi v.v… đã gợi lại trong mỗi chúng tôi về sự ác liệt trên mảnh đất “ tọa độ lửa” này. “Cúi đầu thắp nén hương thơm/Đặt vòng hoa trắng, lặng buồn đầy vơi/ Đồng Lộc ơi nhớ một thời/Bom đào, đạn xới xé trời quê em”.
          Về thăm quê Bác, tên Người đã gắn liền với đường Trường Sơn. Vẫn còn đó ngôi nhà tranh núp dưới rặng tre và những kỷ vật thiêng liêng thời thơ ấu của Bác. Từ mảnh vườn, hàng dâm bụt, ao sen… Tất cả đều trở nên thân thuộc, gần gũi với mọi người. Khu di tích đang trưng bày những hình ảnh về “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh” càng nhắc nhở mỗi người hãy làm những gì xứng đáng là con cháu của Bác.
                                                         
                                                                                                                              

                  Lê Trung Khiên
         Hội viên VHNT Trường Sơn

 Hội Trường Sơn huyện Yên Định, Thanh Hóa.



Hành quân về thăm chiến trường xưa




Viếng khu mộ các liệt sĩ quê Thanh Hóa tại Nghĩa trang Trường Sơn



Anh hùng LLVT Nguyễn Công Tường, CT Hội TTTS huyện dẫn đầu viếng mộ Đại tướng






Thăm viếng tại hang 8 cô và bên tượng đài trên đường 20



Dưới chân cột cờ Hiền Lương



Bên đài tưởng niệm tại Nghĩa trang LS Trường Sơn



 Tác giả thắp hướng mộ Chính ủy Đặng Tính tại Nghĩa trang LS Trường Sơn




Dưới chân tượng đài tưởng niệm tại thành cổ Quảng Trị



Trước Nghĩa trang LS TNXP






Thăm quê hương Bác Hồ. 2 ảnh trên.


 
tin tức liên quan
test 123