Hương ngọt trái lành nơi vùng quê cách mạng
Tháng 5 ngan ngát hương sen, tôi cùng các anh trong BCH Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Bảo Yên (Lào Cai) về vùng quê Việt Tiến để “mục sở thị” những mô hình làm kinh tế giỏi của CCB Trường Sơn nơi đây.
Ngược dòng thời gian, tháng 5/1950 Tỉnh ủy Lào Cai mở hội nghị tại đình Làng Gìa bàn việc mở chiến dịch Biên giới, chiến dịch Lê Hồng Phong 2. Hội nghị đã đưa ra những chỉ đạo chiến lược về kế sách đánh giặc, vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến, xây dựng khu căn cứ quân sự cách mạng Việt Tiến với sức mạnh toàn diện, vững chắc tiến tới giải phóng Lào Cai năm 1950. Từ những sự kiện trọng đại ấy, UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận khu căn cứ cách mạng Việt Tiến là Khu di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008 ( ảnh 1). Việt Tiến hiện có 12 hội viên Trường Sơn sinh hoạt ghép với 14 hội viên ở xã giáp gianh Long Khánh. Trở lại cuộc sống đời thường trong niềm tự hào với truyền thống cách mạng, các CCB Trường Sơn nơi đây coi Hội là mái ấm gia đình lớn, tiếp tục phát huy truyền thống, hoạt động nghĩa tình đặc biệt là thực hiện có hiệu quả phong trào “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống”
Hàm Rồng là một thôn văn hóa có 64 hộ dân từ Hải Hậu Nam Định lên xây dựng kinh tế mới từ những năm 80 của thế kỷ trước, hai hội viên Trường Sơn Nguyễn Đức Tự và Trần Văn Tâm trong thôn được coi là hạt nhân gương mẫu đi đầu “phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế” trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Họ luôn trăn trở với việc đưa cây gì, con gì vào thâm canh để không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang có kiểu dáng kiến trúc như một ngôi biệt thự ( ảnh 2) Nguyễn Đức Tự chia sẻ: Trong một lần đi tham quan học tập, anh Tự “bén duyên” thanh long và nung nấu ý định đưa giống cây này về trồng. Đi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc ở nhiều nơi rồi đầu tư vốn mua giống cây và đổ cọc trụ trồng 300 gốc thanh long ruột đỏ. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm nên thanh long phát triển chậm, chất lượng quả kém, thậm chí có năm mất mùa. Không nản lòng anh quyết tâm theo đuổi đến cùng. Nhờ ham học hỏi anh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ năm thứ ba trở đi thanh long sinh trưởng phát triển tốt, tỉ lệ đậu quả cao cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng (ảnh 3, người đeo kính), chưa kể các nguồn thu từ 7ha quế, 2 ha măng Bát Độ và 0,5 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Hội viên Trần Văn Tâm lại có một cách làm sáng tạo bởi tầm “nhìn xa trông rộng”. Anh hiện là ông chủ của 15 ha vườn rừng trong đó có 9 ha chuyên cây quế, còn lại là cây lấy gỗ gồm mỡ, bồ đề…Cây quế là cây công nghiệp đặc sản được coi là “kho” của để dành bởi thời gian sinh trưởng và thu hoạch từ 10 năm trở lên. Nhưng quá trình chăm sóc vẫn có nguồn thu từ chặt tỉa cây con, cành lá để chưng cất tinh dầu. Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm quan rừng quế 8 tuổi (bên phải ảnh 4 ) Tâm vui vẻ cho biết: bây giờ nếu chặt bán bình quân thu nửa triệu/cây nhưng để 2 năm nữa thu nhập sẽ hơn gấp bội. Thật không ngoa khi người dân tặng anh biệt hiệu “Tâm Trường Sơn triệu phú” và từ đây hương quế Hàm Rồng không chỉ lan tỏa ở Việt Tiến mà còn một số xã bạn trên địa bàn huyện Bảo Yên.
Theo con đường nông thôn mới trải nhựa thuận êm, chúng tôi đặt chân đến Long Khánh để chiêm ngưỡng những gương mặt giỏi làm kinh tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Các CCB Trường Sơn trong chi hội đều biết tận dụng thế mạnh địa lý vùng trũng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây hồ, đắp đập thả cá, tăng thu nhập hơn trồng lúa nhiều lần. Chi hội trưởng Hoàng Văn Át ( đứng đầu ảnh 5) vừa cho cá ăn vừa kể: Trải bao đời gắn bó với cây lúa, việc phải từ bỏ tập quán canh tác truyền thống để theo đuổi mô hình làm ăn mới hẳn sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng đó là việc không thể không làm, bởi cứ “đánh đu” theo cây lúa với tập quán canh tác xưa, cũ thì làm sao mà khá được. Vậy là anh Át đầu tư vốn đắp đập dâng 0,7ha mặt nước thả nhiều con giống phù hợp theo tầng mặt nước mỗi năm thu hàng tấn cá các loại. Tại bản 4 Chĩ Ngoài chúng tôi được hội viên Hoàng Quang Tạo dẫn thăm khu thả cá và chăn nuôi gia súc( bên trái ảnh 6) chuồng trại được bê tông hóa đúng bài bản, anh Tạo cũng thả xen canh các loại để cá ăn theo tầng nước, cộng thêm với lối “đánh tỉa thả bù” nên cho thu nhập ổn định quanh năm là một trong những gương mặt sáng giá của mô hình AC ( ao, chuồng).
Nhưng ấn tượng hơn cả là mô hình nuôi cá Tầm (loại hải sản ưa nước lạnh) vào nuôi trồng thành công ở miền quê này của hội viên Hoàng Văn Cho bản 2 Chĩ Lủ (bên trái ảnh 7) khiến chúng tôi cảm phục. Đi thăm quan học hỏi tại Sa Pa, anh Cho “liều lĩnh” thử vận may bỏ 30 triệu mua 1000 con cá giống chỉ bằng ngón tay út về thả. Bắt cá cho chúng tôi xem, Hoàng Văn Cho vui vẻ kể: Bảo rằng tôi liều lĩnh cũng đúng, nhưng hoàn toàn có cơ sở vì tôi xây bể, làm ống dẫn nước từ lòng núi nên nước ở đây khá lạnh phù hợp với tập quán sinh thái của con giống này, hơn nữa phải biết chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên bước đầu cũng khả quan… Tương lai vẫn còn ở phía trước song bản lĩnh chiến sỹ Trường Sơn của Hoàng Văn Cho cùng các hội Viên trong chi hội vẫn luôn tỏa sáng, bởi trong chiến tranh họ là người chiến thắng giặc thù, thì trong cuộc sống đời thường, trên mặt trận kinh tế vẫn luôn tiên phong, gương mẫu để trái ngọt mãi thơm lành nơi vùng quê cách mạng.
Bài, ảnh: QUANG CHÍNH
Ảnh 1
Ảnh 2
Ảnh 3
Ảnh 4
Ảnh 5
Ảnh 6
Ảnh 7