CHÚNG TÔI ĐI THĂM ĐỒNG ĐỘI
Chúng tôi – những Cán bộ quân y Binh trạm 36, Sư đoàn 471 năm xưa, hôm nay họp mặt tại Hà Nội. Vợ chồng Y sĩ Ngô Thu Bông (ĐT: 0164.717.2214) từ Bắc Giang cũng kịp về họp mặt. Chị Ngô Thu Bông vào Trường Sơn năm 1968 và cùng công tác ở Bệnh xá 36 cùng chúng tôi. Y sỹ Hà Ngọc Kiều, là người vào Trường Sơn sớm nhất trong nhóm quân y chúng tôi. Anh phục vụ Thương Bệnh binh ở Bệnh xá 345 từ khi còn là tuyến 3 của Bộ Tư lệnh 559. Năm 1967, tuyến 3 được tách ra thành Binh trạm 35 và Binh trạm 36. Ngày ấy gian khổ lắm…
Y sỹ Nguyễn Văn Hùng. Ngày ở Trường Sơn là Đội trưởng Đội phẫu thuật Sê Ca Mán – một trọng điểm ác liệt của Binh trạm và của Trường Sơn. Anh và đồng đội từng cấp cứu thành công nhiều ca bị thương hiểm nghèo của các Chiến sĩ trận địa Pháo Phòng không 37 bảo vệ trọng điểm. Sau này, anh và nhóm quân y được Sư đoàn phân công xử lý thi hài Chính ủy Đặng Tính và các đồng chí cùng đi hy sinh tại Pắc Soòng được đưa về căn cứ của Sư đoàn 471 ở Phù Trường tối 4/3/1973.
Y sỹ Đội trưởng Đội phẫu thuật dốc Bô Phiên Đoàn Văn Chuyện (hiện ở tập thể Viện quân y 108 – Hà Nội). Gặp chúng tôi, anh kể nhiều kỷ niệm về việc phục vụ đội hình các đơn vị hành quân trên tuyến vào chiến trường. Rồi chuyện cấp cứu một người mẹ dân tộc Lào sinh con xong vì yếu đã chết lâm sàng 10 ngày. Thế mà các anh đã cùng nhau cứu sống được chị. Bà con cảm phục và biết ơn Bộ đội Việt Nam nhiều lắm...
Binh trạm 36 của chúng tôi nhiều trọng điểm lắm. Vì thế có rất nhiều Đội phẫu thuật. Kể sao hết được chuyện về anh Trụ, anh Thược ở Cua Đá đến trọng điểm “12 cua” vùng ngầm Bạc kiên cường…
Chúng tôi cùng nhau đến thăm Bác sỹ Chủ nhiệm quân y Binh trạm 36 năm xưa - Đại tá Đoàn Quang Hải. Ông đón chúng tôi với niềm vui đồng xúc động. Ông bắt tay thắm thiết từng người – những người lính thân thiết ngày xưa của ông trên Trường Sơn. Trong buổi gặp mặt, ông và chúng tôi kể cho nhau nghe bao nhiêu là kỷ niệm về những tháng năm gian khổ cứu chữa đồng đội, cứu chữa đồng bào Lào ở tỉnh Tà Ven Oọc, Nam Lào. Chúng tôi nhìn ông sức khỏe yếu đi nhiều. Mấy năm gần đây, ông không đến được họp mặt Sư đoàn vì yếu mệt. Ông buồn lắm. Nhìn ông hôm nay, chúng tôi vẫn dành cho ông sự yêu mến và cảm phục vẹn nguyên như ngày nào. Ông là một Cán bộ quân y Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Sau hòa bình, ông được quân đội đào tạo thành Bác sĩ rồi có mặt tại Trường Sơn từ rất sớm. Ông là một Chủ nhiệm quân y khá nghiêm khắc. Ông rèn luyện chúng tôi tính kỷ luật trong chuyên môn. Ông luôn quan tâm rèn y đức đối với chúng tôi trong việc tận tâm tận lực cứu chữa Thương Bệnh binh. Vì thế, chúng tôi không ai ngại khó khăn gian khổ và ác liệt của bom đạn. Ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi trọng điểm ác liệt của Binh trạm… Sau này ông là Phó Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 471. Ông là người có công trong việc chăm sóc sức khỏe cho Cán bộ, Chiến sĩ Sư đoàn đủ sức và bền bỉ tham gia liên tiếp các chiến dịch trong Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975…
Chúng tôi kéo đến thăm quân y sỹ Hà Ngọc Kiều quê Thường Tín Hà Nội. Năm xưa, anh làm nhiệm vụ ở trọng điểm khu vực sân bay Chà Vằn. Anh Hà Ngọc Kiều cùng đồng đội vượt mọi khó khăn thiếu thốn, nơi bom rơi đạn nổ suốt ngày đêm để cấp cứu Thương Bệnh binh. Anh còn tranh thủ cùng Dược sỹ Ngô Phùng ( điện thoại 01694294648) lăn lộn ở khu vực trọng điểm để tìm nhặt các loại xương thú bị chết bởi bom đạn Mỹ mang về nấu cao phục vụ Thương Bệnh binh mau khỏe… Hôm nay tuổi đã cao nhưng những câu chuyện năm xưa anh kể còn rôm rả lắm. Chúng tôi nhớ nhất chuyện anh dạy chúng tôi học tiếng Lào mà hôm nay nhắc đến, chúng tôi vẫn không nhịn được cười. Hôm nay tới thăm anh trong ngôi nhà mới xây khang trang. Anh vui lắm, vì cuối đời mình cũng xây được tổ ấm bền chắc…
Đoàn quân y chúng tôi trao quà mừng thọ của Sư đoàn 471 cho anh. Anh rưng rưng lệ. Mấy năm nay vì yếu, anh không tham dự những ngày gặp mặt Sư đoàn. Mừng nhà mới, anh em chúng tôi tặng anh chữ: “Đức’’ mà ngành y luôn coi trọng...
Chúng tôi tới thăm gia đình Dược sĩ Phạm Văn Định (ĐT: 0165.2384.501). Phạm Văn Định phục vụ chiến đấu rất lâu cùng với Y sĩ Ngô Thu Bông ở Bệnh xá 36. Vợ anh cùng con cháu xum vầy đón tiếp chúng tôi như người thân trong gia đình. Chúng tôi kể cho chị và các cháu nghe về những kỷ niệm gắn bó cùng anh trên Trường Sơn, chuyện chia sẻ khó khăn đói no có nhau của chúng tôi… Các con, cháu anh nghe chuyện của các ông các bà đồng đội của cha, ông ngày xưa càng cảm phục, tự hào…
Chia tay nhau, những quân y sỹ năm xưa chúng tôi chúc nhau mạnh khỏe, hẹn gặp lại nhau trong dịp kỉ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 2019.
Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy
Quân y sĩ Binh trạm 36, Sư đoàn 471
( ĐT: 0128.9199.968 )
Tặng mừng thọ đồng đội Hà Ngọc Kiều.
Tới thăm Đại tá - Chủ nhiệm quân y Binh trạm 36 Đoàn Quang Hải (thư 4 bên phải).
Đồng đội Kim Quy tặng sách đồng đội Hà Ngọc Kiều.
Đồng đội quân y Binh trạm 36 chúng tôi quây quần bên nhau.
Chú thích ảnh cuối:(Từ phải sang 1+2 là vợ chồng Dược sỹ Định; Ngô Thu Bông cùng chồng 3+6;
Quân y sỹ Chuyện và Quân y sỹ Hùng 4+5; Dược sỹ Ngô Phùng 7 và Nguyễn Thị Kim Quy 8)