Đại đội 168 (sau là Đại đội 3) TNXPTS Anh hùng.

Ngày đăng: 09:22 23/05/2018 Lượt xem: 684
 
 
ĐƠN VỊ ANH HÙNG
-------------------------

ĐẠI ĐỘI 168 VÀ SAU NÀY LÀ ĐẠI ĐỘI 3 TNXP TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN- DẤU ẤN KHÔNG PHAI MỜ
(Đại đội 168 vừa được Chủ tịch nước phong danh hiệu Anh hùng LLVND ngày 26/4/2018)
 
         Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đường Trường Sơn, nhất là đường 20 Quyết Thắng là một trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt bằng máy bay của địch, vì đây là yết hầu trên tuyến đường chi viện của hậu phương cho tiền tuyến mền Nam. Do đó cuộc chiến đấu của lực lượng TNXP ở những trọng điểm này thật khó khăn, gian khổ đòi hỏi phải có ý chí, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt và dám hy sinh để đảm bảo giao thông phục vụ chi viện tiền tuyến lớn.
       Đai đội 168 TNXP (một tiền thân của đại đội 3 thuộc Đội 23 sau này) là một trong những đại đội phục vụ, lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu trên nhiều trọng điểm truyến đường này đã đặt được những chiến công đặc biệt xuất sắc. Đại đội toàn nam giới. Đơn vị 168 tuy có những thay đổi về tên gọi, cán bộ đại đội qua các thời kỳ nhưng lực lượng chính xuyên suốt là cán bộ đội viên 168 và sau này là Đại đội 3 TNXP Nghệ An- Quảng Bình. Bất chấp mọi sự uy hiếp của bom đạn Mỹ và những khó khăn nguy hiểm, Đại đội 168 đã kiên cường bám trụ, làm tròn những nhiệm vụ vận chuyển hàng, mở đường, phá bom, san lấp hố bom để thông đường, làm đường tránh tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị bộ đội lái xe ra tiền tuyền. Một số cán bộ và đội viên đã bị thương hoặc hy sinh anh dũng, nhưng đơn vị vẫn không lùi bước và nhờ sự chỉ huy của đại đội, kỷ luật chặt chẽ của đơn vị và nhất là tinh thần dũng cảm, bền bỉ, sáng kiến của cán bộ đội viên, đơn vị 168 vừa đảm bảo an toàn, vừa hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc với năng suất và chất lượng cao. Vì vậy, Đại đội 168 và sau này là Đại đội 3 đã có nhiều chiến sĩ thi đua, kiện tướng dũng sĩ, là những cá nhân và đơn vị 168, đại đội 3 (thuộc đội 3, rồi đội 23, đội 25)- một lá cờ đầu, được Nhà nước vinh danh, tuyên dương, khen thưởng nhiều bằng khen, 11 huân chương các loại. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về cán bộ đội viên của đơn vị tiếp tục phát huy truyền thống TNXP, đem hết khả năng sức lực còn lại đóng góp xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
 
I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM LỊCH SỬ
 

1- Thành lập, nhận nhiệm vụ chuyển lương, chuyển hàng (8/1965- 12/1965)

       Từ năm 1965, đế quốc Mỹ và tay sai đã cho đánh phá ra miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam. Do yêu cầu bảo đảm giao thông trên tuyến đường Trường Sơn, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, cuối tháng 7/1965, Ban chỉ huy Tổng đội  TNXP Nghệ An đã lựa chọn và tập trung 601 cán bộ đội viên (toàn nam giới, , tuổi 18-20) có sức khỏe và năng lực công tác thành lập đội TNXP tập trung làm nhiệm vụ đặc biệt, gồm 3 đại đội: Đại đội 164, 166, 168, chi viện cho tiền phương Đoàn 559. Đại đội 168 hơn 200 cán bộ đội viên là nam giới tuổi 18-20 là đoàn viên thanh niên ưu tú ở nhiều  huyện Hưng Nguyên, Nghị Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, TP Vinh đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt ở miền Tây Quảng Bình- giáp Quảng Trị và biên giới Việt- Lào, thuộc Đoàn 559.
      Tháng 7 năm 1965 đến tháng 12/1965. Sau khi các đơn vị trên tập kết huấn luyện và học tập tại làng Xuân Nha - xã Hưng Nhân - huyện Hưng Nguyên, tối 24/8/1965 đơn vị hành quân vượt sông Lam, Hà Tĩnh, Quảng Bình và 15/9/1965 vào làng Ho - tây Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ. Khi hành quân qua Kỳ Anh vượt đèo Ngang và sông Gianh bị máy bay địch rượt đuổi, nhưng đơn vị đã vượt qua an toàn.  Đơn vị vào đường Hồ Chí Minh và đã đóng quân ở trạm 1,2,3,5 thuộc Binh trạm 8 TNXP Nghệ An (do Đại úy Trần Anh Don làm Binh trạm trưởng…) trực thuộc Tuyến 2 đoàn 559. Ban chỉ huy Đại đội 168 thời kỳ đầu do đồng chí Nguyễn Văn Đường, Nghi Lộc làm Đại đội trưởng, đồng chí Dư Xuân Thiện quê Hưng Nguyên làm chính trị viên [1].
     Từ 8/1965 đến giữa tháng 12/1965: Đơn vị  nhận nhiệm vụ chuyển hàng sâu vào tuyến trong. Sau hơn 3 tháng vượt đèo 1101, vận chuyển (vác bằng vai hoặc bằng xe thồ) lương thực, quân dụng vào các trạm sâu của Đoàn 559, có bộ phận vào tận sông Bến Hải vận chuyển bằng thuyền qua sông phía Tây giáp nước bạn Lào. Nhìn chung cán bộ chiến sỹ liên tục hành quân hoạt động men theo đường mòn, vượt qua nhiều đèo dốc hiểm trở, 1 ngày chỉ có 2 nắm cơm vắt làm nhiệm vụ từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về lại lán trại để chuẩn bị cho ngày mai. Trong nhiệm vụ này nhiều đồng chí là kiện tướng tải lương, tải hàng như: Nguyễn Văn Khoái, Nguyễn Duy Khương, Trần Văn Thân, Hồ Bá Thâm, v.v…
      Giữa tháng 12 năm 1965, do yêu cầu của Đoàn 559, 3 đại đội thuộc Đội TNXP Nghệ An bổ sung cho quân đội 126 đồng chí. Từ đó bỏ phiên hiệu Đại đội 164, còn lại Đại đội 166 - 168. Và ngày 16/12/1965 đơn vị 166, 168 hành quân về miển tây Quảng Bình chủ yếu nhận nhiệm vụ mở đường 20 Quyết Thắng (QT). Trên đường đền công trường 20 đã có 2 đội viên Đông và Tình hy sinh (ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Binh).
      Hai đại đội TNXP Nghệ An 168 và 166 củng đại đội 7 TNXP Quảng Bình lập thành Đội 3 (lúc đầu gọi là tiểu đoàn) do ông Nguyễn Quốc Đức làm Đội trưởng và Chu Văn Hồng là Chính trị viên làm nhiệm vụ mở Đường 20 từ Cửa Rừng vào… (Chính trị viên trưởng, sau ông Chu Văn Hồng là ông Nguyễn Sỹ Sáu (thượng úy), sau ông Sáu là ông On; đội trưởng sau ông Nguyễn Quốc Đức là ông Hạnh kỹ sư).
      Đến cuối năm 1966 một số chuyển sang bộ đội hoặc chuyển về địa phương, đơn vị 168 còn khoảng 50 người, đơn vị 166 cũng còn khoảng từng ấy, nên đã lập thành trung đội 8 và trung đội 9. Đại đội 7 TNXP Quảng Bình cũng còn khoàng 1 trung đội (B7), nên cùng với hai đơn vị B8, B9 lập thành Đại đội 3. Đại đội 3 cùng với 2 đại đội TNXP Hà Tĩnh lập thành Đội 23 (do Binh trạm 14 quản lý, đến tháng 4/1967 do Ban xây dựng 67 quản lý- song trùng lãnh đạo).

2- Tiếp tục chuyển hàng hóa quân sự và chuyển sang làm đường, đảm bảo giao thông trong hoàn cảnh bom đạn đánh phá ác liệt của địch(12/1965- 8/1967)

    Từ tháng 12 năm 1965 đến 2/1966. Đơn vị 168 chuyển sang tải lương, chuyển hàng, bốc vác hàng lên xuống xe ở Cửa Rừng, phục vụ bộ đội và chuẩn bị mở đường. Sau đó, từ tháng 2/1966 đến tháng 5/1966 mở đường, lát cây, đá làm nền đường ở Ba Khe, Chà Ang, Dốc Đồng Tiền, km 41… góp phần vào việc ngày 14- 4- 1966, con đường 20 Quyết Thắng thông đến khu vực biên giới Việt- Lào. Và đường 20 Quyết Thắng chính thức ra đời vào ngày 5/5/1966.
    Từ tháng 4 năm 1966 – đầu đến 1967, đơn vị vào nâng cấp đường và đảm bảo thông đường Cửa rừng, km 12-17, km 32- 37- 41 và hoặc ở Nam ngầm Cà Roòng. Trong lúc này đế quốc Mỹ tăng cường bắn phá rất ác liệt hòng cắt đứt tuyến đường 20 QT- Đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở Cà Roòng, có ngày chúng đánh phá 30 đến 40 trận, có tuần lễ ném 50.000 quả bom xuống những nơi trọng điểm. Riêng ngày 23/6/1966 Mỹ ném bom 54 quả cỡ lớn và 36 quả rốc két, kể cả bom bi, bom bươm bướm sát thương xuống trọng điểm Nam Cà Roòng (từ 0 giờ đến 20 giờ với 19 trận, tính ra 1 giờ, 19 phút một trận). Đơn vị phải dùng máy ủi phá bom bi, bom nổ chậm, mở đường để cho các đoàn xe ô tô đi qua an toàn. Kẻ địch điên cuồng đánh phá ác liệt kể cả rải chất độc đioxin. Đơn vị đã có 5 đồng chí bị thương, có 3 đồng chí anh dũng hy sinh. Nhưng nhờ lòng quả cảm và tiếp sức của đồng đội, địch đánh thì ta sửa ta đi,  cung đường, “cửa tử” vẫn thông, để những chuyến xe đầu tiên xe vẫn lên đường ra tuyền tuyến.
       Mùa hè 1966, đơn vị cũng có một số lần giúp đỡ các đồng đội đơn vị bạn như các đồng đội gái TNXP thuộc đơn vị bạn quê Hà Tĩnh,  hoặc cứu một số chiến sỹ quân đội lái xe bị thương, hoặc xe cháy… Hoặc mùa mưa năm 1966, khi có yêu cầu, đại đội đã lập một “Trung đội xung kích cứu nguy”, do đồng chí Hồ Bá Thâm làm trung đội trưởng, chi viện thành công cho E4 công binh trong mùa mưa năm 1966 ở AKy (dài 3-4 km), khi các chiến sĩ của  E4 bị hy sinh, tổn thất nặng nề, do bệnh sốt rét ác tính và bị máy bay địch oanh tạc vào đội hình. Sau hơn 3 tháng cùng với trung đội TNXP quê  Hà Nam Ninh… đã nhặt, lượm, chôn cất nhiều thi hài liệt sỹ tan nát thịt xương; lấp hàng chục hố bom, san lấp hàng nghìn m3 khối đất đá, san lấp mặt đường, thông xe chuẩn bị cho mùa Đông- Xuân 1966-1967. Thành tích xuất sắc này được cấp trên khen thưởng, tặng quà cho trung đội và cá nhân trung đội trưởng.
       Năm 1967 đơn vị C3 đóng quân và làm nhiệm vụ từ Cửa Rừng đến km 12-13 nơi địch phá rất ác liệt, đơn vị trực 24/24, có lúc Binh trạm trưởng Binh trạm 14 Hoàng Trá xuống hiện trường trực tiếp chỉ huy. Về sau đơn vị làm nhiệm vụ ở km 38-39-40 khu vực U Bò. Đêm ngày 27/8/1967 địch đánh phá vô cùng khốc liệt, có 27 chiến sĩ quân đội lái xe và dân công hỏa tuyến bị  hi sinh và  bị thương. Đơn vị C3 đã làm tốt nhiệm vụ cứu thương và thông đường.
      Nhiệm vụ chính thời kỳ 1966-1967 là tiếp tục bốc vác hàng (khi cần) và hoàn thiện đường, vừa san lấp hố bom, vừa đảm bảo giao thông nhất là ở các trọng điểm đường 20-QT mà đơn vị đã trải qua, như Ba Thang, dốc Đồng Tiền, Cua dốc km 32, U Bò, Km 41- Cô Pông La và từ nam ngầm Cà Roòng đến km 59 đường 20 Quyết Thắng… Ban chỉ huy đại đội lúc đầu là đồng chí Nguyễn Đình Đường ở Nghi Thạch, Nghi Lộc làm đại đội trưởng; đồng chí Dư Xuân Thiện ở Hưng Lam, Hưng Nguyên làm chính trị viên (C168). Sau là đồng chí Lê Văn Châu, Thiếu úy làm Đại đội trưởng, Nguyễn Văn Nề, Thiếu úy, làm Chính trị viên (C3). Đến tháng 4/1967, Trương Ngọc Duyệt,  Chuẩn úy làm Đại đội trưởng, Chuển úy Nguyễn Sỹ Viên  làm Chính trị viên, Trần Văn Thân đại đội phó.
 
3- Tiếp tục đảm bảo thông đường 20 Quyết Thằng và tham gia mở đường tránh, đường vòng từ năm 1967-1969.

     Từ giữa năm 1967, sau khi một số cán bộ chiến sỷ được chuyển tăng cường cho đơn vị khác, hoặc được phân công nhiệm vụ cao hơn, hoặc có người đi học, chuyển đi điều trị, bị hy sinh, thì cán bộ chiến sỹ đơn vị 168 có nhiều thay đổi, trực thuộc Ban 67- Bộ GTVT,  Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc Phòng. Đại đội 168 và sau này là  Đại đội 3…(nòng cốt vẫn có nhiều cán bộ chiến sỹ đơn vị 168). Có lúc đơn vị Đại đội 3 biên chế thành 2 trung đội, cùng với 1 trung đội TNXP quê Quảng Bình) trực thuộc Đội 3, sau này là Đội 23 TNXP. Lúc này nhiệm vụ chính là đảm bảo giao thông từ km 14- 32, do Đại đội trưởng đồng chí Trương Ngọc Duyệt, Thiếu úy chỉ huy…
     Thời kỳ đầu năm 1968, đơn vị Đại đại 3 phụ trách giáo thông ở km 0 đến km 37- 41. Mùa Thu năm 1968 địch đánh phá ác liệt ở Chà Ang (km12-16) và đơn vị đã vượt quan bom doạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông đường. Sau đó nhập đại đội vào Đội 25 (giữa năm 1969) và chuyển dần vào phụ trách km 68-70 và các khu vực trọng điểm ác liệt ATP. Thời kỳ cuối năm 1968-1969, phải đối đầu với cả B52 của Mỹ vô cùng khốc liệt. “Từ ngày 5/11/1968, tại ATP mỗi ngày đêm 25 – 30 lần tốp, 65 - 70 lần chiếc B52 rải thảm”.“Ngày 25/11/1968, chúng đánh 52 trận, 51 lần chiếc B52, 9 lần chiếc C130, 28 lần chiếc F4, chúng đã ném 13 nghìn tấn bom đạn các loại xuống cua Chữ A, ngầm Ta Lê…”. Tham gia mở thêm các đường vòng, đường tránh 20B, 20C, 20D, 20E, 20K. Thời kỳ này cán bộ cốt cán cấp đại đội và một số cán bộ, đội viên khác đã anh dũng hy sinh…
      Cuối năm 1968, thực hiện lệnh điều động chi viện của cấp trên, đồng chí Nguyễn Văn Khoái, Đại đội trưởng đưa một số trung đội (lúc này đã bổ sung TNXP nhiệm kỳ 2) lên km 68 Đường 20 ứng cứu cho đại đội 5 thuộc đội TNXP 25 chốt giữa cua Chữ A. Trong đợt ứng cứu này, ngày 15/2/1969 máy bay B52 đánh vào đơn vị, đồng chí Khoái, đồng chí Võ Văn Tiến quê xã Nghi Công, đồng chí Hồ Trung Tú, quê xã Nghi Hưng, Nghi Lộc và 5 đồng chí khác nữa đã anh dũng hy sinh (đồng chí Hồ Trung Tú có giấy gọi về Hà Nội đi học vẫn xung phong đi ứng cứu rồi mới về đi học). Lúc này Đội 23 đã sát nhập vào đội TNXP 25).
      Thời kỳ này Trần Văn Thân (quê Hưng Nguyên)- lúc này đã lên làm bí thư đoàn của Đại đội 23. Cán bộ đại đội là Nguyễn Văn Khoái - đại đội trưởng, Võ Văn Tiến –trung đội trưởng. Sau khi đồng chí Khoái hy sinh thì đồng chí Lê Văn Long làm Đại đội trưởng, Lê Công Thú TNXP Quảng Bình làm chính trị viên (mà đội viên phần nhiều là thuộc nhiệm kỳ 3) cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Đơn vị 168, 166 và đại đội 3 sau này, tuy có những thay đổi về tên gọi, cán bộ đại đội qua các thời kỳ nhưng lực lượng chính xuyên suốt nóng cốt là cán bộ đội viên 168, 166 TNXP Nghệ An.
 
II. NHỮNG THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC:

1- Thành tích, kết quả của nhiệm vụ vận chuyển mang vác, gùi thồ chuyển hàng lên phía trước

       Về nhiệm vụ tải lương nhất là từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Xê Băng Hiên, Chỉ tính 4 tháng (8/1965-2/1966) vận chuyển vượt mức chỉ tiếu, đơn vị đã chuyển được khoảng hơn 2.000 tấn hàng giao cho Đoàn 559, được Bộ tư lệnh Đoàn 559 điện khen ngợi. Anh em cán bộ chiến sỹ đã phát huy nhiều sáng kiến vượt chỉ tiêu gùi bằng vai (ruột tượng buộc quanh lưng) hàng hóa, bình quân từ 45 - 50 kg/ so với chỉ tiêu là 25 -30 kg. Có nhiều cán bộ, đội viên thi đua nâng bình quân thồ xe đạp hàng từ 65 - 75 kg. Đặc biệt có đồng chí Nguyễn Duy Khương quê Nghi Công - Nghi Lộc nâng lên 75 đến 85 kg, có cung đường lên 105 kg. Đ/c Nguyễn Duy Khương được tặng thưởng huân chương chiến công hạng Ba, có tiểu đội hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc được cấp bằng khen.
      Đầu năm 1966 và năm 1967 tham gia bốc hàng lên xuống xe hàng chục tấn ở khu vực Cửa Rừng và kho NH khu vực UBò

2-Thành tích nhiệm vụ mở, nâng cấp, phá bom, san lấp đường, giữ đường đường 20 – QT thông suốt năm 1966-1967

      Năm 1966-1967, Đại đội 168 (sau là đại đội 3) thuộc đội 3 (tiểu đoàn 3) TNXP, đơn vị phụ trách trọng điểm Chà Ang, Km 41, Cà Roòng và Km 59 gần A Ky… là trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt. Có trận, đơn vị đã có 3 người hy sinh (trong đó có đồng chí Trần Văn Thanh quê Nghi Lộc, lái máy ủi),  8 người bị thương nặng. Cán bộ đội viên đã dũng cảm xả thân để trả thù cho đồng đội đã ngã xuống, hăng hái vượt qua thử thách đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất, dù phải hy sinh thân mình. Đơn vị còn tham gia trực chiến với pháo 12 ly 7, tham gia bắn máy bay, khi máy bay bị cháy, đơn vị đã bắt được giặc Mỹ tại km 13 đường 20 QT, được Bộ Tư lệnh 559 tặng 1 đài Orionton (tháng 6/1966).
      Trong khi làm nhiệm vụ, sự chịu đựng ác liệt của chiến tranh, nhiều tấm gương sáng kiến, dũng cảm, kiên cường ở đại đội 168. Việc đảm bảo giao thông càng khẩn trương quyết liệt, đồng chí Nguyễn Văn Khoái - Trung đội trưởng, Đại đội 168 có sáng kiến bố trí: Một tiểu đội chọn vị trí đào 4 hầm trú ẩn, đơn vị thay nhau trực chiến 24/24 giờ. Khi máy bay ngừng hoạt động đơn vị đã có mặt vừa dùng máy ủi san lấp hố bom, đảm bảo thông xe vượt qua trọng điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Khoái đã được báo cáo điển hình tại Bộ tư lệnh đoàn 559 và được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba.
        Đó là Tiểu đội trưởng Đinh Bạt Tuyên quê Nghi Công - Nghi Lộc ngồi cạnh đồng chí lái máy ủi dẫn đường cho máy làm việc. Đồng chí lái máy bị thương, đồng chí Tuyên nhảy sang lái thay, ủi thành một vệt đường để đoàn xe theo đó mà vượt qua trọng điểm. Đồng chí Đinh Bạt Tuyên cũng bị thương ở vai bị đau ngất xỉu, trong đợt giải phóng đoàn xe này. Đồng chí Đinh Bạt Tuyên được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đồng chí Nguyễn Văn Chương lái máy chính được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

3- Những năm đầu 1968 – đầu năm 1969, đơn vị đại đội 3 làm việc và hoán thành nhiện vụ xuất sắc  ở những trọng điểm cưc kỳ ác liệt.

       Lúc này kẻ địch đánh phá ngày càng ác liệt hơn, đơn vị cũng đã có nhiều thay đổi bổ sung cán bộ, tiếp tục động viên anh em, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cho xe vận chuyển chi viện cho tiền tuyến lớn. Đơn vị đã bố trí hàng chục đội viên làm cọc tiêu bằng áo trắng… để dẫn đường cho xe đi qua an toàn.
     Vào những tháng cuối mùa khô trời mưa rất to, các đoạn suối ngầm ngập. Nước chảy xiết, xe ô tô không còn phương hướng sang ngầm, đơn vị đã cử người giỏi sông nước hướng dẫn lái xe vượt ngầm. Lúc đó có một đoàn 30 xe kéo pháo, cần phải hành quân trong đêm, nếu chờ trời sáng máy bay địch sẽ đánh phá. Ban chỉ huy đơn vị đã bố trí 1 tiểu đội lấy vải dù trắng cầm đèn pin, làm cọc tiêu soi đường cho xe vượt ngầm, chiếc xe cuối cùng lên khỏi ngầm, cũng là lúc trời gần sáng máy bay đến oanh tạc, nhưng đoàn xe đã đi qua an toàn vào khu trú ẩn.
       Từ năm 1966- 1969, đơn vị đã làm việc và trải qua các trọng điểm ác liệt như: Cửa Rừng, Dốc Ba Thang, Chà Ang, U Bò, km 41-42, Cà Roòng, A Ky, cua Chữ A, đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê, ngã ba Lùm Bùm … Đó là những nơi được mệnh danh là tọa độ lửa, “cửa tử”, đèo núi quá hiểm trở, qua suối qua dốc, trên là núi, dưới là vực thẳm, đường lại gấp khúc quanh co, và địch tập trung bắn phá dữ dội. Mỹ đã sử dụng đủ các loại máy bay kể cả B52 ném bom rải thảm. Các loại vũ khí tối tân hiện đại, chúng sử dụng, như bom tấn, bom tạ, bom napan, bom nổ chậm từ trường v.v…(1 km phải hứng chịu 8.800 quả bom). Tại những địa bàn này, do địch đánh phá rất ác liệt nên có đơn vị có 27 cán bộ đội viên hy sinh và bị thương. Nhưng cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã tiếp tục cuộc phấn đấu, mới vượt qua gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ bốc hàng (kho Cửa Rừng, kho NH- Ubò), mở đường, nâng cấp, lát đá, lan lấp hố bom, nối liền mạch máu giao thông với hàng chục km đường, nhất là ở các trọng điểm ác liệt nổi tiếng, đảm bảo thông đường trong mọi tình huống.

4- Về khối lượng công việc mở đường, phá bom, thông đường từ 2/1966-8/1969:
     Ứớc tính đạt được: số lượng đất đá khái thác, vận chuyển của đơn vị là: gần 200.000 m3; số cây lót đường: 10. 000 cây; số km đường đã mở, san lâp, nâng cấp trên chặng dài: 30km; số bom đạn các loại đã phá, gạt bỏ được là 3.000 quả; lấp khoảng 2500 hố bom; bốc vác hang chục vạn tấn hàng lên và xuống xe ô tô vận chuyển…; tham gia bắn máy bay khi nó bị cháy đã tổ chức bắt giặc lái của địch.
 
III. NGUYÊN NHÂN KẾT QUẢ VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1- Về mặt tự giác nổ lực phấn đấu, xả thân của cá nhân và tập thể đơn vị:

    Tập thể và cá nhân được học tập chính trị, cập nhật tình hình thời sự, nâng cao lập trường tư tưởng vững vàng, ý thức cao phát huy với truyền thống cách mạng của quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ chỉ huy có năng lực, tinh thần, ý chí, lập trường kiên định, bám sát mọi hoạt động của đơn vị, gương mẫu, xử lý linh hoạt thời trong mọi tình huống khó khăn về vật chất nơi ăn nghỉ, hành quân v.v…
     Qua tâm xây dựng con người, xây dựng nòng cốt cũng được coi trọng. Có gần trăm phần trăm thanh niên được kết nạp vào đoàn TNLĐVN và khoảng 20 phần trăm cán bộ, đội viên được kết nạp vào Đảng LĐVN (nay là ĐCSVN). Lúc đầu đảng viên chỉ mới có khoảng 6%. Nhiều cán bộ trưởng thành qua khói lửa, nhất là từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng lên cấp bậc cao hơn, đại đội, đội có năng lực, bản lĩnh chỉ huy đơn vị trong tình huống khó khăn nguy hiểm, hoàn thành xuất sác nhiệm vụ.
     Nhiều cán bộ, đội viên đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh của chiến tranh, sốt rét rừng, mưa lũ, bữa ăn, chủ yếu là muối vừng, rau rừng, quân trang thiếu thốn không đủ mặc, dày đi có khi cũng thiếu, núi non hiểm trơ… Nhưng gian khổ nhất, là lao động dưới làn bom đạn máy bay giặc bắn phá đêm ngày, đầu rơi máu chảy ở các trọng điểm, nhưng các cán bộ chiến sĩ dần dần dày dạn và không nao núng, anh dũng, kiên cường.

2- Về sự lãnh đạo, chỉ huy của Ban chỉ huy đơn vị và cấp trên

     Ban chỉ huy đại đội đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, phát động lòng yêu nước, căm thù địch và tình thương yêu đồng đội, nêu cao quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ. với tinh thần và ý chí: "Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc/ Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm".
    Lãnh đạo Đoàn 559, sau là Bộ tư lệnh 559, từ cấp binh trạm và cán bộ Ban xây dựng 67- Bộ GTVT đã đến hiện trường động viên kịp thời đơn vị đang ở trọng điểm ác liệt bậc nhất lúc ấy. Ở km 41, km 12, Nam Cà Roòng, Aky… có những ngày cứ 25 phút có 1 trận bom, có khi cả B52 ném bom rải thảm, nhiều loạt máy bay C130, phản lực f.101, 105… ném bom và bắn đạn rốc két liên tục, có khi hàng chục ngày đêm liền. Địch đánh phá bằng máy bay từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, hoặc từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi km ở trọng điểm này địch ném xuống từ 3.600 quả bom đến 4.200 quả các loại. Trong những lúc vô cùng ác liệt sự tàn khốc của chiến tranh, đơn vị đã có lần được đồng chí  Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh của Bộ tư lệnh 559 đã đến thăm và động viên cổ vũ toàn đơn vị tại trọng điểm ngầm Cà Roòng (phía nam).
    Lãnh đạo chỉ huy sâu sát và có hiệu quả cao và biết phát huy sáng kiến, động viên kịp thời người tốt việc tốt, dũng cảm, kiến cường. Cán bộ chiến sĩ có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động vận chuyển hàng hóa, hoặc làm đường, san lấp hố bom, thông xe thông tuyến giữa bom rơi đạn nổ sống chết tấc gang, v.v…
Trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, Ban chỉ huy đại đội, trung/ tiểu đội đã thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách về mặt Đảng và chế độ thủ trưởng về mặt chính quyền. Từ đó đã thật sự nêu cao tinh thần trách nhiệm xả thân, đoàn kết nhất trí, yêu thương giúp đỡ nhau, giành khó khăn về mình, dành thuận lợi cho bạn, nhất là lúc khó khăn nhất, đau thương nhất mà đơn vị gặp phải. Cho nên đã thật sự phát huy được nhiều sáng kiến có hiệu quả ở các cán bộ đội viên:
Hàng ngàn ngày đêm đơn vị Đại đội 168 đã dũng cảm, sẵn sàng hy sinh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng TNXP trên toàn tuyến đảm bảo giao thông, an toàn hàng hóa chi viện cho chiến trường đánh to - thắng lớn.
 
IV. ĐƯỢC TÔN VINH DANH HIỆU THI ĐUA VÀ KHEN THƯỞNG

1- Những cá nhân cán bộ đội viên có chiến công nổi bật đã bị thương hoặc hy sinh tiêu biểu khi làm nhiệm vụ:

Số cán bộ đội viên bị thương hoặc hy sinh tiêu biểu nhất, có:
1) Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Hùng quê Xuân Sơn, Đô Lương. 3 giờ chiều đồng chí đi trinh sát đường ở km 32 để tối đưa máy ủi tiếp tục san đường, đồng chí đã đứng trên bom từ trường bị phát nổ hất đồng chí bay xa 200m.
2). Liệt sỹ Nguyễn Tiến Phúc, tiểu đội trưởng quê Thanh Lĩnh, Thanh Chương, được truy tặng Huân chương hạng Ba[2].
3). Liệt sỹ Nguyễn Bá Đông, quê Đô Lương, được truy tặng Huân chương hạng Ba.
4) Liệt sỹ Nguyễn Văn Khoái, đại đội trưởng, Huân chương chiến công hạng Ba, chiến sĩ thi đua 5 năm liền.
5) Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến, trung đội trưởng, quê Nghi Công, Nghi Lộc, Huân chương chiến công hạng Ba.
6) Liệt sỹ Hồ Trung Tú, quê Nghi Hưng, Nghi Lộc, Huân chương chiến công hạng Ba.
7)  Liệt sỹ Trần Văn Thanh quê Nghi Lộc, lái xe ủi…
8)Thương binh Đinh Bạt Tuyên, tiểu đội trưởng thay người lái máy ủi khi bị thương. Khi hết sốt rét lại tiếp tục lên cầm vô lăng lái máy mở đường thông tuyến…(sau này mất ở quê nhà). Đinh Bạt Tuyên 5 năm liên tục là chiến sỹ thi đua, được tặng Huân chương chiến công hạng Ba.
9- Thương binh Nguyễn Văn Rạng, quê Đô Lương, trung đội trưởng bị thương khi chỉ huy trung đội đảm bảo thông đường.
10- Đội viên Nguyễn Duy Khương, quê Nghi Công, Nghị Lộc được Nhà nước thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.
11- Đội viên Nguyễn Văn Chương lái máy chính được thưởng Huân chương chiến công hạng Ba
     Có 15 cán bộ đội viên  đạt danh hiệu Chiến sỉ thi đua cấp nhà nước, liệt sỹ tiêu biểu, dũng sĩ, kiện tướng vận chuyển, mở giữ đường…
      Một số cá nhân xuất sắc, tiếu biểu được tặng bằng khen, huân chương. Trong đó có 9 huân chương chiến công hạng 2 và hạng 3 cho các cán bộ, đội viên.
Tập thể được vinh danh:
     Đại đội 168 (sau này là đại đội 3) trong đó có trung, tiểu đội được Đoàn 559, Bộ GTVT, Tổng cục Hậu cần tặng nhiều bằng khen, quà tặng.
      Và đặc biệt, “Với thành tích xuất sắc, Đại đội được Nhà nước tặng hai huân chương (một Huân chương chiến công hạng Ba và một Huân chương chiến công hạng Hai) về thành tích chốt giữ trọng điểm và đảm bảo phần đường được phân công luôn luôn thông tuyến đón đưa xe ra vào chiến trường an toàn.
      Gần 100 phần trăm cán bộ chiến sĩ khi ra quân đều được tặng Huân - Huy chương kháng chiến…
 
       TÓM LẠI:
Đơn vị đại đội 3 (mà tiền thân là 168, 166) đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc:

1) Vượt chỉ tiểu rất cao (đạt 200%) vận chuyển hàng hóa vượt đèo 1001 (năm 1965) và bốc vác hàng quân sự và khai thác- vận chuyển đất đá- làm đường 20 QT: Hơn 2.000 tấn hàng giao cho Đoàn 559;
2) Hoàn thành vượt bậc nhiệm vụ lan lấp hố bom, thông đường ở những trọng điểm cực kỳ ác liệt như Km 41, Kà Roòng, A Ky (1966), Cua chữ A đèo Phu La Nhích;
3) Số lượng đất đá khái thác, vận chuyển của đơn vị là: gần 200.000 m3; số cây lót đường: 10.000 cây; số km đường đã mở, san lâp, nâng cấp trên chặng dài: 30km; số bom đạn các loại đã phá được là 3.000 quả; lấp khoảng 2500 hố bom; bốc vác hang chục vạn tấn hàng lên và xuống xe ô tô vận chuyển…; tham gia bắn máy bay khi nó bị cháy đã tổ chức bắt giặc lái của địch.
4) Có khoảng 15 gương điển hình rất xuất sắc, nổi bật về sáng kiến và gương dũng cảm được đánh giá rất cao, được tôn vinh, CSTĐ, dũng sỹ, kiện tương và được khen thưởng 9 Huân chương chiến công cho cá nhân và 2 Huân chương chiến công cho tập thề; nhiều bằng khen cho cá nhân và tập thể trong đơn vị.
Công lao, thành tích đại đội 168/ đại đại 3 - TNXP chống Mỹ cứu nước Nghệ An trên đường Trường Sơn đã góp phần làm sáng tỏ thêm truyền thống anh hùng của thế hệ trẻ VN nói trên, thiết nghĩ rất đáng được ghi nhận và tôn vinh danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”! Ngay đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 cũng xét thấy như vậy khi được hỏi ý kiến!
 
                                                       Mùa hè năm 2016
                                                         HỒ BÁ THÂM

 
1-Nguyễn Sỹ Hùng, quê Đô Lương làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Dương, quê Nghi Hương - Nghi Lộc làm chính trị viên đại đội 166?
2- Sự việc cụ thể như sau: Ngày 15 tháng 2 năm 1969 km 78 đường 20 Quyết Thắng đơn vị chi viện cho trọng điểm Cua chữ A đèo Phu La Nhích, trong khi đảm bảo giao thông địch lại ném bom. Lúc 9 giờ một quả bom tấn nổ gần hầm ở Km 68 + 500. Trong hầm có 8 đồng chí đã anh dũng hi sinh do bị ngạt. Trong đó có: Liệt sỹ Nguyễn Tiến Phúc xã Thanh Lĩnh - Thanh Chương và Nguyễn Bá Đông xã Đông Sơn - Đô Lương… Riêng Vũ Tiến Đề (lái máy húc C100), sáng kiến: trời sáng máy ủi vẫn nằm giữa ngầm do máy hỏng, sửa chữa chưa xong. Đồng chí Vũ Tiến Đề đã lấy dù pháo sáng phủ kín. Hai chiếc máy bay trinh sát bay thấp kiểm tra trọng điểm ngầm A Ky lại không ném bom, máy bay đi, đồng chí lại tiếp tục sửa chữa. Những ngày sau đó B52 đánh vào trọng điểm, Vũ Tiến Đề không bao giờ rời máy. Anh đã anh dũng hi sinh. Về sau Vũ Tiến Đề được truy tặng danh hiệu AHLLVTND.
3- Ngoài ra có đồng chí Tình quê Nghi Công, Nghi Lộc hy sinh trên đường hành quân; đồng chí Phương, Nghi Công- Nghi Lộc hy sinh ở đường 20
 

tin tức liên quan
test 123