Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô

Ngày đăng: 08:15 25/07/2018 Lượt xem: 1.102

Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô

Bài & ảnh: Nguyễn Quốc Lập

Ngày 24-7, Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh, long trọng tổ chức Lễ Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô và gặp mặt, biểu dương Người có công tiêu biểu tỉnh năm 2018.

          Dự buổi lễ có đồng chí: Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh các thời kỳ.
Dự buổi lễ còn có lãnh đạo bộ ban ngành TƯ: Bộ Quốc Phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Quân khu 1, Sư đoàn 302 (Quân khu 7), Ban liên lạc cựu tù binh Việt Nam, Hội Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đầy các tỉnh, thành phố cùng 476 đại biểu là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng LLVTND, người có công tiêu biểu, thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.
Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô sinh ngày 4-7-1946, quê quán tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí nhập ngũ ngày 13-9-1965, vào miền Nam chiến đấu ngày 31-12-1965 biên chế thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88A (nay là Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân Khu 7).
Tháng 8-1966, trong trận chiến đấu ác liệt giành giật từng thước đất với kẻ thù ở Đức Vinh - Gia Lai, Xô bị thương và bị địch bắt. Anh bị tra tấn dã man. Tra tấn không được, kẻ thù lại dùng lời lẽ ngọt nhạt để mua chuộc. Nhưng dù phải chịu bao đòn roi, người chiến sĩ cộng sản vẫn không tiết lộ bí mật.
Ngày 15-10-1967, địch đưa mấy trăm cán bộ, chiến sĩ của ta mà chúng giam giữ ở các nhà tù Đà Nẵng, Pleiku, Biên Hoà và Cần Thơ ra nhà tù Phú Quốc. Nhà tù Phú Quốc thời chống Mỹ là địa ngục trần gian, sau nhà tù Côn Đảo. Với hơn 4 vạn tù binh, sau 6 năm tồn tại, một phần mười chiến sĩ yêu nước của ta đã bị kẻ thù sát hại bằng đủ mọi hình thức dã man tàn bạo. Khi mới bị đày ra Phú Quốc ở trại A1, Nguyễn Đình Xô cùng tập thể tổ chức diệt ác, tham gia nhiều cuộc đấu tranh tập thể đòi dân sinh, dân chủ, chống lao dịch, chống đàn áp, đánh đập tù nhân. Tại đây, anh cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh, tổ chức học văn hoá, học lý luận chính trị, triết học Mác - Lê-nin, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, củng cố lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam cho quần chúng.
Anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được tổ chức giới thiệu bồi dưỡng kết nạp Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng uỷ nhà lao, nhiều lần Nguyễn Đình Xô trực tiếp tố cáo tội ác dã man của chế độ nhà tù Mỹ - ngụy với phái đoàn Hồng thập tự quốc tế, khi họ ra thăm đảo. Với ý chí: còn sống còn tiếp tục chiến đấu, với lời lẽ đanh thép của mình, anh đã làm cho kẻ thù nhiều lần thất bại, phải xuống thang. Mọi cực hình dã man nhất cũng không thể khuất phục được người chiến sĩ kiên cường và trái tim nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước. Nguyễn Đình Xô đã bị bọn cai ngục ghi tên vào sổ đen theo dõi, tìm cách trả thù. Nhưng chưa bao giờ Xô lại phản bội xưng khai, bán rẻ Tổ quốc mình.
Không khai thác được gì ở Xô, chúng đành đưa anh vào trại giam vùng III chiến thuật (trại giam Biên Hoà). Trong lao tù, anh lại tiếp tục hoạt động. Chẳng bao lâu sau khi bị bắt, anh đã tìm hiểu, móc nối sinh hoạt, rồi được anh em tín nhiệm, tổ chức tin tưởng giao làm Bí thư Đoàn.
Tháng 3-1969, sau cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại chế độ độc ác của nhà tù, đòi yêu sách chính đáng của tù binh như Quy chế Giơ-ne-vơ năm 1949 thắng lợi, ngày 16-3-1969, chúng vin cớ vô lý bắt Xô cùng hai đồng chí nữa đưa ra phòng điều hành của khu III tra tấn man rợ, nhằm tìm ra tổ chức bí mật của ta. Tuy nhiên, chúng không thu được gì từ các anh.`
Cứ như vậy hết trận đòn này lại đến trận đòn khác giáng xuống người Nguyễn Đình Xô. Vết thương cũ chưa lành thì vết thương mới lại ập đến. Khoảng 9 giờ sáng ngày 12-4-1969, anh cùng 11 đồng chí khác bị một tốp 5, 6 tên quân cảnh áo giáp, dùi cui, lưỡi lê trên một chiếc Zép kiểu nhà binh mui trần, giữa lòng xe đặt khẩu đại liên sẵn sàng nhả đạn đến bắt đi.  Trong khi nhiều người sửng sốt, nhốn nháo trước tin dữ thì anh lại rất bình tĩnh cười bảo: “Tôi biết rồi! Tôi biết rồi!”. Như đoán trước được những gì sẽ xảy ra, anh dặn dò đồng đội: “Tôi đi lần này là đi hẳn, không hy vọng về trại nào khác đâu”. Anh biết điều gì đang chờ đón mình và khích lệ tinh thần đồng đội: “Sống để tiếp tục chiến đấu với quân thù mới khó, trong xiềng xích đòn roi quyết không nhụt chí, nếu còn có thể thì dành sức cho những trận quyết chiến sau còn oanh liệt hơn”.
Anh bị bắt đưa lên “Ban điều hành” tra tấn để khai thác tổ chức bí mật trong tù của ta. Quân Mỹ và bè lũ tay sai vô cùng thâm độc, tàn bạo. Chúng dùng những cực hình tra tấn anh và đồng đội. Chúng lấy anh Xô ra để nạt nộ, làm nhụt chí những người khác. Chúng lột quần áo, trói anh lại, hầm hè đấm đá một hồi rồi lại vỗ về mua chuộc. Nếu anh ngoan ngoãn khai ra tổ chức và người cầm đầu xúi giục hoặc nhận với báo chí là trót tố cáo sai với phái đoàn Hồng thập tự về chế độ nhà tù của chúng, xin lỗi thì sẽ được đối xử tử tế. Anh đã bình tĩnh khẳng khái nói rằng: “Những gì tôi tố cáo với Hồng thập tự là hoàn toàn sự thật”. Tiếp đến là những trận đòn, lời nói thô tục của kẻ khát máu. Anh lại bình tĩnh trước những lời hăm doạ của kẻ thù: “Tôi chỉ ngày hai bữa cơm tù, tự nói, tự làm những gì mình thấy cần nói, cần làm, không ai xui ai, không ai lãnh đạo. Tôi làm theo bổn phận của người công dân Việt Nam đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Không may tôi bị bắt, một là sống, hai là chết, không bao giờ tôi phản bội lại dân tộc mình, làm tay sai cho đế quốc”. Biết không làm gì được, thất bại trước khí phách anh hùng của người chiến sĩ cộng sản, chúng đã dùng thủ đoạn cuối cùng và tàn bạo đối với anh. Chúng đã cho anh Xô vào chiếc bao tải loại đựng 100kg gạo trùm lên đầu, kéo gọn xuống chân và buộc lại. Đồng chí Xô bị trói nằm co quắp trong bao tải. Chúng múc nước sôi dội từng gáo, từng gáo từ chân lên đầu. Sau mỗi lần dội, chúng lại hỏi, lại tra khảo. Bị anh Xô chửi mắng, chúng dùng giày đá đi, đá lại và tiếp tục dội nước. Trong bao tải anh Xô vùng vẫy thét lên chửi bọn tay sai bán nước. Sau gần 2 giờ tra tấn mà không khai thác được gì, địch đã dùng đến thủ đoạn dội nước sôi...
Nguyễn Đình Xô đã anh dùng hy sinh trong nỗi đau tận cùng của thể xác nhưng tinh thần, ý chí của anh là bất diệt. Anh đã cho kẻ thù thấy tinh thần bất khuất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, sẵn sàng hy sinh để góp phần dành lấy nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Với những thành tích, đóng góp của Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, tại buổi lễ đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước đã trao Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đại diện gia đình Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.

Dưới đây là một số bức ảnh trong buổi lễ:



Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đại diện gia đình Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.






Những tiết mục văn nghệ trào mừng!



Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến trao tặng 50 triệu đồng cho đại diện gia đình Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.




Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng quà cho người có công tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh  năm 2018.



Đồng chí: Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với người có công tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh năm 2018.


 
Nguyễn Quốc Lập
-Đạo tú – Song Hồ - Thuận Thành – Bắc ninh
-ĐT 0936221634
tin tức liên quan
test 123