Những cảm xúc đọng mãi sau chuyến đi - Ghi chép của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 05:09 08/09/2018 Lượt xem: 890
NHỮNG CẢM XÚC ĐỌNG MÃI SAU CHUYẾN ĐI
 
      Bằng sự nổ lực, đóng góp vào phong trào cách mạng của địa phương, những cựu chiến binh Nữ chiến sĩ Trường Sơn đã được UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện nguyện vọng về thăm lại những chiến trường xưa sau hơn 43 năm đất nước giải phóng.
     Trong thời gian 06 ngày đêm, từ 27/8 đến 01/9/2018, đoàn đã có hành trình trải qua 18 tỉnh thành phố qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng chiều dài trên 2000 km, có hơn 200 km đường biển. Đoàn đã về thăm Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, chiến trường B2, B3, B4, B5… Ghé thăm và dâng hương các nghĩa trang liệt sĩ trên đường đoàn đi qua. Đặc biệt đã đến tham quan địa đạo Củ Chi và khu nhà tù Côn Đảo mệnh danh “địa ngục trần gian”, dâng hương Nghĩa trang Hàng Dương khu du lịch tâm linh là hai di tích đặc biệt cấp quốc gia.
     Trước lúc hành quân đoàn đến dâng hương cụm Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tiểu đoàn 12 Trung đoàn Ngô Quyền hi sinh trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đoàn thống nhất suốt quá trình tham quan tất cả đều mang mặc quân phục, đeo huân huy chương, tác phong quân đội, chỉnh tề nghiêm túc.

1.     CẢM XÚC SÂU LẮNG VỀ CHIẾN TRƯỜNG XƯA TÂY NGUYÊN
     Đúng 6 giờ ngày 27 tháng 8, đoàn xuất ở thành phố Tuy Hòa, theo đường ĐT 645 (đường 7) hướng các tỉnh Tây Nguyên. Đã hơn 43 năm sau giải phóng, lâu ngày không gặp nhau, các bà, các cô bồi hồi nhớ lại, kể cho nhau nghe kỉ niệm về cuộc sống muôn vàn gian khổ, những cuộc hành quân trong đêm, những trận chiến đấu cam go ác liệt trên các chiến trường. Đến thị trấn Krông Năng trời đổ mưa rất to. Cơn mưa gợi cho các bà, các cô nhớ lại mùa mưa chiến trường B3 năm xưa: - Trường Sơn khi nắng, khi mưa rừng… Bà Lê Thị Tư, 72 tuổi, thành viên trong đoàn lên tiếng. Ngay lập tức cả xe rộn vang bài hát "Rủ nhau đi hái măng rừng". Lời bài hát đưa cả đoàn xe về với quá khứ hào hùng, oanh liệt trào dâng nghĩa tình đồng đội của những người con gái, con trai mang tuổi thanh xuân phơi phới của mình hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
     Đi qua thị xã Buôn Hồ, chị Phạm Thị Liên, nữ trung úy quân y nói:
     -Nơi đây ngày xưa là rừng thiêng, nước độc giờ đã thành thị xã sầm uất. Nhiều chị lần đầu tiên được quay lại chiến trường nghẹn ngào rơi nước mắt khi nhắc đến những địa danh mình và đồng đội đã từng sống, chiến đấu bên nhau. 12 giờ trưa, đoàn đến Nghĩa trang Buôn Hồ, một trong những nghĩa trang có nhiều mộ chí chưa tìm được tên. Đoàn kính cẩn dâng hoa, mặc niệm và thắp hương kính viếng các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.
Tiếp tục hành trình sau bữa cơm trưa vội vã, ai cũng háo hức muốn được đến nhiều nơi, thăm được càng nhiều địa danh càng tốt. Đoàn xuyên qua những cánh rừng, những vườn cây trái của đồng bào, suốt chặng đường dài trên xe không khi nào ngưng tiếng hát về những bài ca Trường Sơn đi cùng năm tháng.
     14 giờ, đoàn đến Buôn Đôn, Đắk Nông, thăm bản Đôn và làng Thái Say Lào - làng của người Lào trên đất Việt Nam. Ông Phạm Văn Minh được tỉnh Hội giao làm trưởng đoàn, ông đã nghiên cứu nắm nhiều thông tin từ trước, trở thành người “hướng dẫn viên” giới thiệu những nét cơ bản, quan trọng về nơi đoàn đi qua, ghé thăm. Rất tiếc, khi đoàn đến Bôn Đôn trời mưa quá to nên các bà, các chị không thể cưỡi voi, tham quan cụ thể những di tích chiến trường nơi đây. Ghé thăm Nhà văn hóa bản Đôn nghe thuyết minh viên giới thiệu, các thành viên trong đoàn vô cùng cảm phục những tấm lòng cao quý, đức hi sinh của đồng bào đối với ‘Bộ đội Cụ Hồ” và sự nghiệp giải phóng dân tộc.
     16 giờ, đoàn đến Buôn Mê Thuột, xe chạy qua đường Mai Hắc Đế, đưa chúng tôi về ngã Sáu nơi có tượng đài chiến thắng và chiếc xe tăng quân giải phóng đầu tiên tiến vào Buôn Mê Thuột ngày 10/3/1975. Chiến thắng Buôn Mê Thuột mở màn cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975. Trong đoàn có ba chị tham gia phục vụ trận tiến công Buôn Mê Thuột. Khi làm lễ dâng hương các chị đã khóc nức nở dưới tượng đài, họ ôm nhau kể về những ngày ác liệt nhưng vô cùng tự hào ấy. Cả đoàn lặng thinh khi nghe nhắc đến những chi tiết tiếng súng mở màn, hình ảnh bộ đội dũng cảm hi sinh, những chiếc xe tăng chồm lên, đẩy toang cánh cổng sư đoàn 23 Ngụy…
     Tối 27/8, đoàn nghỉ lại Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắk, được sự ủy quyền của Bộ CHQS tỉnh, Ban Giám hiệu Trường Quân sự tỉnh tiếp chúng tôi trong không khí nồng nhiệt, nồng ấm. Ba thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” bà – cha – con bên nhau cùng ôn lại truyền thống bách chiến, bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cất cao lời ca tiếng hát ca ngợi những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.
     Ngày 28/8, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, theo đường 14 qua Bù Đăng, Sóc Bom Bo, Bù Đốp, thị xã Đồng Xoài… Phú Riềng quê hương Đất Đỏ, nơi đồng chí Lê Đức Anh lãnh đạo đội du kích Phú Riềng đứng lên cùng toàn dân khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945. 12 giờ 40 đoàn ghé dâng hương Nghĩa trang tỉnh Bình Phước, cửa ngõ xuống miền Đông Nam bộ; 14 giờ dâng hương tượng đài chiến thắng Bến Cát trên đường 13.
     Đã qua hai ngày hành quân, sáng 5 giờ lên xe, tối hơn 22 giờ xe mới nghỉ, trên xe nhiều bà, chị với tiền sử bệnh tim, huyết áp, say xe… nhưng với lòng háo hức, khí thế của người lính Trường Sơn được tái hiện tất cả đã vượt qua chính mình để không ảnh hưởng đến hành trình của đoàn. Đúng là sức mạnh tinh thần một khi được khơi dậy nó có thể giúp con người đạt được những khả năng phi thường, khó tưởng.

2.     TỰ HÀO ĐẤT THÉP CỦ CHI ANH HÙNG
     15 giờ 10 phút, đoàn về đến đất thép Củ Chi, là đoàn nữ cựu chiến binh đã có đăng ký từ trước nên được đón tiếp chu đáo. Từ trực quan và lời giới thiệu của hướng dẫn viên cho thấy, địa đạo Củ Chi cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc. Đây là trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, là một công trình kiến trúc độc đáo nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km. Quả thật là đã vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, khi chui xuống một đoạn đường hầm. Ông Phạm Văn Minh nói:
     - Tôi hiểu vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù lớn mạnh giàu có bậc nhất thế giới.
     Tiếng người thuyết minh: - Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã lập nênnhững chiến công thần kỳ. Bọn giặc đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”, “Việt cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”…. Địa đạo Củ Chi đã trở thành huyền thoại cho bất cứ ai đã đến này. Cả một thế giới sống tồn tại dưới lòng đất với đầy đủ điều kiện phục vụ chiến đấu và sinh hoạt…Địa đạo được xây dựng trên vùng đất sét pha đá ong có độ bền cao, ít bị sụt lở. Đường hầm sâu dưới đất chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Tầng ba cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Miệng hầm, lỗ thông hơi ngụy trang kín đáo, nhìn như những ụ mối, có nhiều lỗ cửa thông ra sông Sài Gòn. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, kho vũ khí, lương thực, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm chỉ huy, hầm giải phẫu, có những hầm lớn, thoáng mát để xem phim, văn nghệ. Hơn 200km đường hầm được đào trong suốt mười mấy năm, bằng xẻng, cuốc, vật dụng tự chế, cho đất vào sọt và vận chuyền đổ xuống lòng sông. Đi sâu vào lòng địa đạo mới thấy cuộc sống ở đó thiếu thốn, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, không khí, nhưng tất cả không thế khuất phục được tinh thần cách mạng của chiến sĩ và nhân dân ta suốt hơn 20 năm. Hệ thống đường hầm Củ Chi đã trở thành một trong năm đường hầm trứ danh thế giới. Chúng tôi cảm thấy vừa tự hào vừa cảm phục những con người bé nhỏ mà vĩ đại ở Củ Chi. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết đã giúpnhững con người bình thườnglàm được những việc phi thường. Trong chiến đấu công tác tư tưởng hết sức được chú trọng, đài phát thanh giải phóng luôn cập nhật thông tin trên cả nước cho cả khu kháng chiến; mở trường học để dạy chữ nâng cao dân trí, nhận thức,tinh thần yêu nước và căm thù giặc cho người dân. Động viên toàn dân tuy điều kiện sống, chiến đấu,nổ lực khắc phục thiếu thốn, giữ vững niềm tin, nảy nở hoa trái ngay trên mảnh đất ác liệt, khô cằn.
     Tham quan địa đạo, chúng tôi càng thấy rõ hơn hoàn cảnh càng khó khăn thì tình yêu đất nước càng cháy lên trong từng trái tim của mỗi con người. Những người bình thường, mong muốn cuộc sống hết sức bình thường nhưng khi đất nước cần người dân sẽ làm nên điều vĩ đại. Từ trong lửa đạn họ luôn mong “cuộc sống thanh bình!”. Hình ảnh ghi lại cảnh hai vợ chồng đang chơi với đứa con thơ mới sinh, kíp mổ cho người bị thương, cấp cứu người bị ngạt qua cơn hoạn nạn…giúp con người giữ vững niềm tin vào cuộc sống, khát khao mãnh liệt vượt lên mọi hoàn cảnh. Cuối cùng đã cho chúng tôi “Đoàn nữ chiến sĩ Trường Sơn Phú Yên” hiểu vì sao Việt Nam chúng ta đã chiến thắng kẻ thù có sức mạnh hơn chúng gấp nhiều lần, củng cố thêm niềm tin vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới hôm nay.

3.     LINH THIÊNG ĐẤT CÔN ĐẢO
      7 giờ ngày 29/8, đoàn Cựu chiến binh nữ Chiến sĩ Trường Sơn Phú Yên trên chặng đường về chiến trường xưa đã đến cảng Biên phòng Trần Đề, Sóc Trăng. Nhanh chóng làm thủ tục lên tàu cao tốc SuperDong Kiên Giang. Đúng 8 giờ, tàu hú còi rời bến mang theo 406 hành khách. Từ cửa sông Hậu, sau 2 giờ 30 phút trên tàu, qua ô cửa sổ chúng tôi ngắm nhìn phong cảnh trời nước. Chị Nguyễn Thị Châu thành viên trong đoàn ngâm đoạn thơ trong bài “Người đi tìm hình của Nước” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới thân tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre…” được nhiều người vỗ tay tán thưởng. Những con sóng trong biển cả bao la, những chiếc tàu bạn xa xa tạo cảm giác bình yên, an toàn. Vượt quảng đường biển 105 km, lúc 10 giờ 30 phút tàu cập cảng Bến Đầm. Đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hai bên đường là rừng, là núi và một bên là biển. Một màu xanh trời nước đan xen những băng khẩu hiệu ấn tượng: “Bảo vệ môi trường xung quanh xanh, sạch, đẹp, chính là bảo vệ sự sống của chúng ta”, “Trước khi chặt một cây hãy trồng một cánh rừng”…     Chúng tôi như tìm lại được thuở hoang sơ của trời đất, cảm thấy tâm hồn trong sáng hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn. An ninh ở đây cũng được ca ngợi là an toàn tới mức “cửa không phải cài then”. Đoàn chúng tôi dừng lại dâng hương trước miếu thờ Cảng Tàu 914. Chỉ một đoạn cảng 100 mét thôi nhưng để thi công thành công đã có 914 công nhân – những tù nhân Côn Đảo năm đã phải ngã xuống. Xa xa là bãi biển trong xanh, cát trắng mịn màng và dãy núi Tình yêu thơ mộng tượng trưng cho sự thủy chung của con người đến với Côn Đảo.
Buổi chiều, đoàn ghé thăm khu di tích nhà tù Côn Đảo, một hệ thống trại giam được mệnh danh “Địa ngục trần gian”, từ năm 1862 đến 1975. Chính nơi đây, nhiều câu chuyện đã trở thành huyền thoại đầy khí phách anh hùng như Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… Bất cứ ai đã vào đây đều có sự rung cảm mạnh mẽ xen lẫn với chút tâm linh khi được chứng kiến đối cảnh giữa thiên đường xinh đẹp và địa ngục khổ đau của tù nhân.
     Theo chân hướng dẫn viên chúng tôi đến trại Phú Hải, hướng dẫn viên Nguyễn Thanh Hải đọc: - Côn Lôn đi dễ khó về/ Sống ngồi Phú Hải, chết về Hàng Keo… Đây là một trại giam lớn và cổ nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo do bọn Pháp xây dựng những năm cuối của thế kỷ XIX. Bọn cai ngục dùng các đòn tâm lý để thuyết phục các chiến sĩ của ta quay lưng lại với phong trào cách mạng. Khi không mua chuộc được chúng quay sang giam cầm, tra tấn. Tiếp đến là trại Phú Sơn, có diện tích 2.413 m2, với 14 xà lim và 1 khu biệt lập, 13 phòng giam tập thể. Tiếp đến là chuồng cọp kiểu Pháp, 120 phòng giam, có chắn song sắt bên trên, 60 “phòng tắm nắng”, thực chất đây là nơi dùng để hành hạ tra tấn. Khi tù nhân phản kháng thì bị cai ngục ở trên dùng cây sào chọc, tạt nước, đổ vôi bột tra tấn. Những người nữ cách mạng bị nhốt vào chuồng Cọp sẽ không được tắm rửa, bị đổ vôi bột và chất thải vào người từ phía trên chuồng cọp. Tiếp nữa là chuồng Cọp kiểu Mỹ còn gọi là trại Phú Bình, có 4 khu, mỗi khu có 96 phòng biệt lập. Những phòng biệt giam ở trong “Chuồng cọp” được làm bằng bê tông, không có bệ để nằm, tù nhân phải nằm trên nền xi măng ẩm ướt. Phía trên có song sắt tương tự như Chuồng cọp Pháp nhưng không có hành lang, bên trên lợp bằng tôn thấp lè tè, khi trời nắng phòng giam chẳng khác lò thiêu. Mỗi phòng giam 5 m2, chúng giam 8-10 tù nhân, ăn uống hay vệ sinh đều thực hiện tại chỗ. Khi tù nhân kháng cự sẽ bắt phạt không cho đổ thùng vệ sinh phòng giam đến cả tuần, bốc mùi hôi thối, phân nước tiểu dính bê bết trên thân thể tù nhân, ghẻ lở đầy mình. Đây chính là một trại giam điển hình kiểu Mỹ, trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh. Theo chân hướng dẫn viên chúng tôi đến khu biệt lập chuồng bò do Pháp xây dựng gồm 9 phòng biệt giam, có 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nuôi bò và một hầm chứa phân. Đến cuối năm 1969 thì Mỹ - Ngụy mang tù nhân chính trị teo cơ bại liệt về giam giữ ở đây. Chế độ dành cho tù chính trị là sự tra tấn hàng ngày và không được ăn rau trong nhiều tháng. Sang trại Phú Hưng được Mỹ- ngụy xây dựng năm 1971 nhằm mục đích giam cầm tù nhân yêu nước, tù nhân chống chào cờ. Bọn giặc liên tục tăng cường khủng bố đàn áp về mặt tư tưởng hòng đánh đỏ ý chí, tiêu diệt lập trường tư tưởng chính trị cộng sản của người tù. Ngày nào chúng cũng tra tấn, hành hạ tù nhân từ thể xác tới tinh thần với thời gian vô hạn định. Đến tại Phú Phong, trại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc che chắn và bảo vệ chuồng cọp, xây dựng vào năm 1962, có 12 phòng giam tập thể với nhiệm vụ giam giữ, câu lưu dân sự, quân sự và các nữ tù nhân chính trị. Tiếp nữa là trại Phú Thọ được dùng để giam giữ tù nhân được cho là có âm mưu chống phá và có ý định vượt ngục, thành lập ngày 1/2/1862, diện tích 12.7002 m2, nằm khá xa so với các nhà tù khác trong cùng hệ thống nhà tù Côn Đảo.
      Trong quá trình tham quan các trại tù nhiều người trong đó có thành viên của đoàn chúng tôi đã không nén nổi xúc động, họ bật khóc thành tiếng rất to, cảm phục vô điều kiện trước sự hi sinh quá lớn của các tù nhân. Bà Đinh Thị Thả, 76 tuổi thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn vừa khóc vừa nói: “Quá căm thù, quá cảm phục! Mình là người trải qua chiến trường nhiều năm, cũng trải qua khốc liệt… nhưng so ra mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi của cuộc trường chinh cách mạng, so với người tù Côn Đảo mình chưa là cái gì hết…”. Khi ra về ai nấy đều mang trong mình những suy nghĩ ưu tư, dành cho họ (những tù nhân) một sự kính trọng, nể phục. Phải khẳng định rằng, lịch sử đã qua nhưng lớp lớp người Việt Nam khi đến Côn đảo, nhắc đến Côn Đảo bất cứ ai cũng phải thổn thức và cảm nhận được những mất mát đau thương bi tránglớn lao của những chiến sĩ cách mạng nơi đây…
      Mặt trời chuyển chiều vàng ươm. Chúng tôi tới dâng hương nghĩa trang Hàng Dương. Hướng dẫn viên giới thiệu nghe rất nhiều câu chuyện huyền bí, sống động khắc sâu vào lòng người nhiều cảm giác, những mẩu chuyện về Võ Thị Sáu (Cô Sáu) và thế hệ cha ông anh hùng. Thắp hương trên mộ Cô Sáu, trên những ngôi mộ tập thể, cá nhân và tìm hiểu điều bí ẩn về Cô Sáu, về tấm bia mộ nhiều lần bị phá rồi lại “mọc lên”, về cây Dương gốc già cỗi nhưng cành lá cành xanh tươi, mộ Cô Sáu lúc nào cũng có những bông hoa dại đẹp và lạ… tất cả là thật nhưng trở thành huyền thoại. Mỗi bước chân trên nghĩa trang Hàng Dương phải thật nhẹ vì ở đâu cũng có thể có thịt da, máu xương của các tù nhân đã vì sự nghiệp đấu tranh mà ngã xuống. Nghĩa trang ước tính có trên 20 ngàn người đã hi sinh nhưng chỉ có hơn mười ngàn có mộ, hơn bảy trăm ngàn có tên còn tất cả đã hóa vào đất cát, cỏ cây.
      Buổi tối, hòn đảo thật yên bình, chúng tôi lang thang trên biển tận hưởng những cơn gió trong lành từ biển đưa vào. Thật là một miền đất thơ mộng, trong lành và đáng sống. Hôm sau, tôi tranh thủ ra hòn Bảy Cạnh vốn được xem như là hoa tiêu dẫn đường cho các con tàu qua lại, nhờ vào ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1.884 trên đỉnh núi. Nơi đây còn rất hoang dã, đến mùa đàn vích đẻ trứng trên bãi cát giữa đêm khuya....Vịnh Đầm Trầu được xem là một trong 20 bãi tắm 5 sao tại Côn Đảo với mặt nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài, những vạt rừng nguyên sinh, những rạng san hô tuyệt đẹp… Xuống bãi tắm không chỉ được vẫy vùng trong sóng biển dịu êm, tắm nắng mà còn được ngắm bình minh rồi hoàng hôn… khám phá thế giới kỳ ảo dưới lòng đại dương. Côn Đảo trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ và tìm hiểu lịch sử của đất nước Việt Nam.
      Lên tàu chờ đợi về đất liền, còn 30 phút, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc Côn Đảo với 16 hòn đảo, những dãy biệt thự mặt hướng ra biển. Không quá rộng, không quá cao nhưng Côn Đảo như một bức tranh tuyệt đẹp của tạo hóa, những biệt thụ cổ, mới đan xen như đường viền duyên dáng, những bãi đá trầm mặc, những bức tường vôi nép mình bên hàng tán bàng cổ lao xao gió mãn nhãn, mãn tâm đến vô cùng.
Là thành viên được mời để viết bài, đưa tin, tôi gửi đến đoàn bài thơ viết bằng cảm hứng khi thăm nghĩa trang Hàng Dương “VIẾNG NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG”:
     “Hàng Dương, hai tiếng thật thân thương bình dị/ Biết bao người đã nằm xuống nơi đây/ Biển đảo Côn Lôn, xanh trời nước cỏ cây/ Người nối người nghẹn ngào rơi nước mắt/ Huyền thoại ư? đây chính là sự thật!/ Những con người, tù nhân giữa trần gian địa ngục/ Những xà lim, gông cùm, đầy ải nghiệt oan/ Cách đàn áp của thực dân, đế quốc…/ Khi đến đây lòng ai không thổn thức?/ Hơn hai mươi nghìn người đã vùi xác dưới Hàng Dương/ Mỗi nắm đất là một nắm thịt xương/ Mỗi bước chân sợ làm đau người đã khuất/ Những thân bàng xù xì, những hàng cây có mắt / Dấu vào trong bí ẩn những anh linh/ Trong khói hương nghi ngút nặng nghĩa tình/ Cảnh vật, cỏ cây đều mang màu bất tử/ Dưới trời xanh hòa bình hồi sinh muôn ngàn thứ/ Xin biết ơn người nằm lại dưới Hàng Dương/ Nén tâm nhang nói sao hết đau thương/ Mãi mãi tri ân những người con anh hùng đã khuất!”

     Rời đảo, đoàn chúng tôi về đất liền với nhiều tâm trạng và cảm xúc khác nhau nhưng đều có chung một cảm nhận chuyến đi thật quí giá không thể nào bằng, không thể nào hơn. Một điều thú vị nữa là đoàn chúng tôi có sự thống nhất mang mặc quân phục, tuổi đã cao nhưng đi đến đâu cũng đều được khen đẹp quá, thống nhất quá. Từ cậu thuyết minh viên ở nhà văn hóa bản Đôn, đến cô bán ở vựa trái cây, cậu lái xe điện, anh lái tàu… đều nói rằng làm nghề này khá lâu nhưng chưa có đoàn nào mang mặc quân phục thống nhất, đẹp như đoàn này, họ xin được chụp ảnh, quay clip chung để làm kỉ niệm. Thêm một niềm tự hào về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, một giá trị văn hóa của lịch sử dân tộc Việt Nam./.

Ghi chép của CCB Nguyễn Bá Thuyết
Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên
Thường trú: 67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên
Bộ đội nghỉ hưu
ĐT: 0944 258 548

VÀI HÌNH ẢNH VỀ CHUYẾN ĐI.




Đoàn CCB nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Yên chuẩn bị lên đường hành hương thăm chiến chiến xưa.



Đoàn chụp ảnh kỷ niệm bên Đài chiến thắng tại Buôn Ma Thuột.







Dâng hương tại Nghĩa trang TX Buôn Hồ.




Chụp ảnh bên tượng đài Nghĩa trang Hàng Dương.







Thăm địa đạo Củ Chi. 2 ảnh trên.

 

Chuẩn bị viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
tin tức liên quan
test 123