BỆNH VIỆN QUÂN Y 110 – ĐỊA CHỈ THÂN THIỆN, TIN CẬY CỦA HỘI TS BẮC NINH VÀ BẮC GIANG
BỆNH VIỆN QUÂN Y 110 – ĐỊA CHỈ THÂN THIỆN, TIN CẬY CỦA HỘI TS BẮC NINH VÀ BẮC GIANG
Người xưa có câu “Tuổi trẻ tìm thày giáo, tuổi già tìm thày thuốc”
Các Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tuổi đời đều đã cao. Do năm xưa hoạt động nhiều năm trên địa bàn rừng núi Trường Sơn nên phát sinh nhiều bệnh tật, thâm niên mãn tính. Nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh vết thương tái phát, nhiễm chất độc da cam là đối tượng chính sách.
Theo thống kê chưa đầy đủ đã có gần 1.000 đồng chí đăng ký khám chữa bệnh ở Bệnh viện quân y 110 trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Bệnh viện 110 là bệnh viện tuyến cuối của Quân khu I có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị thương, bệnh binh, các đối tượng chính sách, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Viện quân y 110 là đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính trong ngành Quân y, là điểm nổi bật đang được nhân rộng trong toàn quân.
Tiền thân của Bệnh viện quân y 110 là đội điều trị của sư đoàn bộ binh 330 ở miền Đông Nam Bộ, đóng ở Tây Ninh. Đơn vị ra Bắc tập kết. Đầu tiên đơn vị đóng ở Thanh Hóa sau chuyển về tỉnh Bắc Ninh trực thuộc Cục Quân y lấy tên là Đội điều trị 10. Từ 15/10/1955 đến tháng 10/1965 đổi tên Bệnh viện Quân y 110.
Những ngày đầu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc ngoài việc cấp cứu điều trị cho bộ đội và nhân dân địa phương, Viện còn được cấp trên giao nhiệm vụ huấn luyện đạo tạo các lớp, y tá, y sỹ cung cấp cho chiến trường miền nam và các nước bạn Lào, Cam Phu Chia. Từ 1961-1965 đã đào tạo 600 quân y sỹ và đội điều trị 16 đưa vào Trường Sơn. Vì thế mà đài phát thanh của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn gọi Đội điều trị 10 là ”Trường biệt kích quân y ở Pháo Đài núi Búp Lê, Đáp Cầu, Bắc Ninh đã tung số lớn lực lượng vào miền Nam”.
Sau ngày 30/4/1975, nhiều đồng chí từ Trường Sơn ra Bắc được trở lại công tác lại Viện 110. Năm 1990, Thượng tướng Vũ Xuân Chiêm khi về làm việc với Ban chỉ huy Bệnh viên, gặp Viện trưởng Tạ Lưu, AHLLVT trước là bác sỹ đội điều trị 14 Bộ Tư lệnh 559, đồng chí Đỗ Ngọc Kiểm Viện phó trước công tác ở Viện 59, đồng chí Nguyễn Trung Phụng, Bí thư Đảng ủy, Viện phó Chính trị trước ở Binh trạm 27 Trường Sơn. Thượng tướng vui mừng gặp lại đồng đội Trường Sơn thời chống Mỹ. Ông nói: “Các đồng chí đã qua thử thách ở chiến trường Trường Sơn, nay về đây công tác, cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, khó khăn khắc phục để xứng đáng Bộ Đội Trường Sơn huyền thoại. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thời bao cấp nên việc cung cấp đầu tư cho Bệnh viện còn hạn chế”. Thấm nhuần ý kiến của cấp trên, chỉ huy bệnh viện đã mở đợt vận động giúp đỡ của lãnh đạo nhân dân các huyện thuộc tỉnh Hà Bắc cũ tặng giường, tủ, bàn ghế, phích, tích chén cho các buồng bệnh nhân. Ở thời điểm đó rất giá trị.
Ngày nay đang thời kỳ đổi mới, Bệnh viện được đầu tư xây dựng khang trang, máy móc trang thiết bị xứng tầm thời đại. Có những người con của bộ đội Trường Sơn hiện đang công tác ở bệnh viên như Đại tá Nguyễn Thanh Sơn là con của đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, nguyên Tiểu đoàn trường Tiểu đoàn xe 57 Bộ đội Trường Sơn từ năm 1963, nay đã ở tuổi 80 nhưng trí tuệ còn rất minh mẫn. Khi gặp chúng tôi, ông rất mừng kể lại kỷ niệm những ngày lái xe ở Trường Sơn gian khổ ác liệt là thế người còn sống đến bây giờ đến thăm nhau, trân trọng nghĩa tình đồng đội. Ông Nhượng nói về gia đình, về các con đã trưởng thành. Ông rất tự hào về người con trai đang tiếp bước cha anh đi trước, hiện đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Viện 110, Quân khu 1. Cùng Viện trưởng, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Diêm Đăng Thanh, xây dựng Bệnh viện trưởng thành, luôn trân trọng lớp người đi trước.
Bệnh viện luôn chăm lo phát triển đội ngũ, y bác sĩ chất lượng cao bằng các biện pháp đồng bộ, như đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ, phát triển y tế chuyên sâu, cử nhiều y, bác sĩ có năng lực đi học tập, bồi dưỡng tại các trung tâm y khoa lớn, các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đến nay, đội ngũ cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, Chuyên khoa cấp 1 và cấp 2 chiếm trên 50% tổng số bác sĩ (trong đó có 2 Thầy thuốc Nhân dân, 27 Thầy thuốc Ưu tú).
Ngoài ra, Bệnh viện còn đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, lấy y đức làm nền cho y thuật. Coi đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thực hiện tốt mục tiêu này, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thi, hội thao, các phong trào thi đua như: “Điều dưỡng viên giỏi”; “Nét đẹp ngành Y”,… nhằm nâng cao y đức, chất lượng công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh, tạo niềm tin yêu đối với người bệnh. Hưởng ứng phong trào: Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, Bệnh viện đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, bà con ở các vùng sâu, vùng xa và nhiều chương trình khác đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân ở các vùng miền Viện đến.
Đến thăm Bệnh viện nhìn tòa nhà chính đồ sộ 9 tầng, khu trung tâm, khu thể thao, bể bơi, khu nhà khách, khu sử lý nước thải Bệnh viện vv… Chúng tôi những người cán bộ nhân viên cũ thời bao cấp mơ cũng không có được. Về trình độ chuyên môn học hàm, học vị đã được Ban Giám đốc Bệnh viên rất chú trọng đào tạo để xây dựng Bệnh viện thông minh “Sáng về y đức, giỏi về y thuật”.
Ngày 23/2/2019, Bệnh viện ra mắt tổ khám bệnh và xét nghiệm tại nhà. Bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh và điều trị tại nhà (theo chỉ định của bác sỹ). Bệnh viện bố trí “Tổ khám bệnh và chăm sóc tại nhà với chi phí khám chữa bệnh trọn gói”. Đây là cách làm sáng tạo mà Bệnh viên mới áp dụng, đáp ứng nhu cầu cho người bệnh trong địa bàn nơi đóng quân, lấy sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu phấn đấu rèn luyện.
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2019, xin chúc mừng các thầy thuốc Quân y Viện 110 luôn phấn đấu làm theo lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”; phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Xứng đáng với niềm tin của người bệnh. Đặc biệt là Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang.
TRUNG PHỤNG