TRI ÂN TẠI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA TRƯỜNG SƠN

Ngày đăng: 07:15 05/03/2019 Lượt xem: 3.193
        TRI ÂN TẠI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA TRƯỜNG SƠN

       6 giờ 30 sáng thứ ba, 5/3/2019 – hành trình tri ân ngày thứ hai của Hội TSVN. Đoàn rời nhà khách 30/4 của Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Bình. Hướng theo đường Hồ Chí Mính nhánh Tây thẳng hướng Đền thờ các liệt sĩ Trường Sơn Bến phà Long Đại.  6 vị tướng Trường Sơn dẫn đầu đội hình viếng các anh hùng liệt sĩ các lực lượng của Trường Sơn năm xưa làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt tại Bến phà Long Đại - một trọng điểm ác liệt trên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
      Chủ tịch Võ Sở trước tấm bia Di tích Bến phà Long Đại giới thiệu với các cán bộ hội viên Trường Sơn về một trong 37 Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn đợt một này. Nhiều đồng chí từng làm nhiệm vụ vượt qua trọng điểm ác liệt tại đây năm xưa không khỏi bồi hồi nhớ lại những năm tháng ác liệt của sự ngăn chặn bằng không quân Mỹ tại đây. Nhiều đồng đội của các anh, các chị đã mãi mãi nằm xuống tại Bến phà này, nằm xuống dòng sông này…
     Chị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đêm qua đã bay vào Quảng Bình để sáng nay kịp tới viếng các AH-LS tại Bền phà Long Đại.
      Từ sân của ngôi Đền thờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy toàn bộ vị trí Bến phà Anh hùng năm xưa và hai chiếc cầu Long Đại – một dành cho đường sắt, một dành cho đường bộ hôm nay. Trước cảnh đẹp của ngôi Đền, các thành viên thi nhau chụp ảnh, ghi hình tại một vị trí đẹp và đầy ý nghĩa này.
     Trong khi đó, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và Thiếu tướng Hoàng Kiền được đoàn làm phim “Trường Sơn - Một thời con gái” kéo ra đầu cầu Long Đại xưa để tiến hành phỏng vấn hai vị tướng về ký ức về một thời tại đây. Trên cầu Long Đại đường bộ, Thiếu tướng Võ Sở và một số cán bộ Hội thì bước bộ trên cầu để nhìn lại dòng sông và bến phà xưa. Hình ảnh ấy được ống kính của Điện ảnh Quân đội kịp ghi vào khuôn hình những hình ảnh đẹp phục vụ bộ phim “60 năm Bộ đội Trường Sơn Anh hùng”.
     Gần 10 giờ, Đoàn chúng tôi đến Nghĩa trang LS Quốc gia Trường Sơn. Đoàn tới dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ đặt trước Nghĩa trang. Tại đây các chiến sĩ TS dưng dưng xúc động trước tượng thờ Bác. Sinh thời, Người luôn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến Bộ đội Trường Sơn. Nhiều người còn nhớ rõ trong hồi ký của Tướng Võ Bẩm – vị chỉ huy đầu tiên của Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt – Đoàn 559 đã được Bác căn dặn ân cần chú ý chăm lo đến sức khỏe và nhiệm vụ của Bộ đội 559…
      Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung giới thiệu với một số đồng đội Trường Sơn về cây bồ đề đặc biệt mọc trước Đền tưởng niệm Bác. Mọi người nhìn theo tay chỉ của Thiếu tướng. Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi thấy rễ của cây bồ đề mọc ôm lấy bức tường hồ nước phong thủy xây dựng trước Đền thờ. Những chùm rễ ôm chùm lấy bức tường. Rõ ràng cây bồ đề này mọc sau khi chiếc hồ nước được xây dựng phía trước Đền thờ. Như vậy là ở Nghĩa trang LS Quốc gia Trường Sơn có hai cây bồ đề đặc biệt: Một ở phía sau Đài Tổ quốc ghi công và một ở trước hồ nước Đền thờ Bác Hồ. Sự kiện hai cây bồ đề mọc tại những vị trí đặc biệt của Nghĩa trang là sự kiện tâm linh không phải ngẫu nhiên. Nhìn hàng trăm cây bồ đề mọc tự nhiên sau khi nghĩa trang hình thành mới thấy mảnh đất này vô cùng thiêng liêng. Nhìn Nghĩa trang LS Quốc gia Trường Sơn hôm nay, chúng ta càng cảm phục tầm nhìn xuyên thời gian của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cách đây gần 50 năm khi ông chống gậy đi chọn đất và chỉ đạo xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn – xứng tầm một địa chỉ du lịch tâm linh của quốc gia…
      Trước Đài Tổ quốc ghi công, các tướng lĩnh, hội viên Hội TSVN kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các AHLS đồng đội Trường Sơn đã ngã xuống cho Trường Sơn trở thành Anh hùng và huyền thoại. Mọi người thành kính dâng những nén hương tưởng nhớ đồng đồng đội. Rồi đoàn người tỏa đi các khu vực mộ Liệt sĩ các địa phương để dâng những nén hương thơm cho đồng đội đồng hương. Tôi đã theo chân Lê Thanh Hà, Phó Ban Chính sách của Hội TSVN tới nhiều khu vực nghĩa trang của các địa phương. Cháu Phạm Văn Tuấn, phóng viên báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần khi được chúng tôi tiết lộ về Lê Thanh Hà, người nhập ngũ khi vừa tròn 15 tuổi 3 tháng đã đi cùng hai chúng tôi. Cháu tiết lộ sẽ tìm hiểu thêm tư liệu để viết bài về cuộc sống, chiến đấu của thương binh, cựu chiến binh Trường Sơn Lê Thanh Hà.
      Đứng trước ngôi mộ liệt sĩ Liêm, quê Mễ Trì, Hà Nội, hy sinh ngày 2/12/1968. Chúng tôi đến khu vực nghĩa trang LS Trường Sơn tỉnh Thái Bình. Lê Thanh Hà rơm rớm nước mắt giới thiệu: “Đây là anh Nguyễn Duy Ninh, sinh năm 1940, Thiếu úy, Chính trị viên phó đại đội 4 bộ binh của em ở Binh trạm 34. Anh Nguyễn Duy Ninh quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình. Ngày tôi nhập ngũ, anh Ninh là thiếu úy, trung đội trưởng, người trực tiếp huấn luyện em trước khi vào chiến trường. Sáng 15/8/199, bọn em 12 người ngồi trong hầm của Đại đội bộ khi máy bay địch đến oanh kích. Anh Ninh nói với em (lúc ấy em là liên lạc của đại đội): Hà đổi chỗ cho anh để anh hút điếu thuốc. Em vừa lần ra ngoài cửa hầm thì anh Ninh tườn vào ngồi đúng chỗ của em. Những tiếng nổ chat chúa. Bỗng anh Ninh kêu lên “Ối! Tôi bị thương rồi!” Anh em soi đèn pin thì thấy đầu gối bên phải của anh Ninh teo toét máu. Một mảnh bom Mỹ đã lìa phăng cái đầu gối của anh. Mấy anh ngồi bên cạnh vội bóp chặt lấy đùi anh Ninh để cầm máu. Anh Nguyễn Xuân Sơn (người Yên Thành,  Nghệ An) là y tá đại đội vội băng ra khỏi hầm. Anh bò đi trong khi máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá để về hầm của mình lấy túi thuốc băng bó cho anh Ninh. Bom Mỹ vừa ngớt, đại đội trưởng ra lệnh cho 6 anh em đơn vị cáng anh Ninh băng rừng về Bệnh xá Binh trạm. Tại đây, chân anh Ninh sưng vù to tướng. Máu chảy ra rất nhiều. Anh Ninh nói với chúng em: Anh không thể sống được đâu. Anh chào các em. Nói rồi anh ngất đi. Chỉ ít phút sau, anh đã ra đi… Bàn tay phải của Thành Hà cứ xoa xơ lên tấm bia mộ - người đã thay thế cái chết lẽ ra dành cho anh... Bàn tay ấy của Hà gần như mất hết chỉ còn lại ngón cái, ngón chỏ nhưng mỗi ngón chỉ còn lại một đốt. Anh bị thương trong một trận chiến năm 1970. Hà kể trong nước mắt: Năm 2009, sau nhiều năm tìm kiếm, em mới tìm được gia đình anh Ninh.  Một điều đau lòng và cảm động là chị Nguyễn Thị Đắp, sinh năm 1942, khi anh Ninh chồng chị hy sinh, chị mới 29 tuổi. Anh chị chưa có con. Chị đã ở vậy thờ chồng. Ở Trường Sơn chúng ta có bao nhiêu bà vợ như thế hả anh. Thương lắm…
       Biết quê nội tôi ở làng Nón Chuông, Thanh Oai, Hà Nội. Hà dẫn tôi sang khu mộ của Hà Tây năm xưa, nay là Hà Nội. Anh chỉ cho tôi ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Văn Khanh, sinh năm 1939, cùng đại đội và cùng vào Trường Sơn một ngày với Lê Thanh Hà. Ngày 2/12/1968, 5 cán bộ, chiến sĩ đại đội 4 của Hà đi làm nhiệm vụ nghi binh ở trọng điểm. Trên đường đi, anh Liêm ở Mễ Trì, Hà Nội đạp phải quả mìn vướng nổ. Anh Liêm và anh Khanh hy sinh tại chỗ. Anh Thỏa, quê ở Thái Bình bị thương. Anh Hán, quê ở Gia Lâm lập tức cõng anh Thỏa ra khỏi khu vực địch thả mìn và đưa ra đường tuyến. Còn lại anh Kiểm (quê ở Giáp Bát, Hà Nội) với 5 khẩu súng và hai liệt sĩ. Anh Kiểm cố tìm mọi cách để vận chuyển từng đồng đội đã hy sinh ra đường tuyến. Cứ một trăm mét, anh ấy lại quay lại chuyển tiếp đồng đội và vũ khí… Anh Phạm Văn Khanh đầu năm 1968 cưới vợ. Khi vào chiến trường, anh nhận được tin vợ sinh con gái… Thế là con gái anh ấy không được thấy mặt cha. Em đã tìm về quê anh ấy nhưng danh sách liệt sĩ của xã lại không có tên anh ấy. Nghe nói sau này vợ và con gái anh Khanh đã chuyển vào Nam sinh sống nên tiêu chuẩn liệt sĩ cũng chuyển theo. Có lẽ vì thế mà bây giờ ở xã không có tên liệt sĩ Phạm Văn Khanh. Tôi đã chụp nhiều bức ảnh, nhất là tấm bia mộ để gửi về cho các đồng chí lãnh đạo xã được biết về một liệt sĩ Trường Sơn quê xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội chưa có tên trong danh sách liệt sĩ của quê hương… Đấy là nỗi băn khoăn nhiều năm nay của Hà...
        Lê Thanh Hà nhắc tới chuyện xưa không khỏi ngậm ngùi. Phóng viên Phạm Văn Tuấn đã tranh thủ phỏng vấn Lê Thanh Hà ngay trước mộ liệt sĩ Phạm Văn Khanh… Hôm nay không chỉ có Lê Thanh Hà tới dâng hương các ngôi mộ của đồng đội. Nhiều người trong đoàn cũng đã tới thắp hương trên nhiều ngôi mộ bạn bè, anh em, đồng hương, đồng đội của mình... Các Nữ CS Trường Sơn: Ngô Thị Tuyết, Nguyễn Thị Yến, Tạ Thị Rơi, Lê Vọng Hương, Thanh Trang... rưng rưng cắm những nén nhang lên mộ đồng đội...       
       Vâng, với chúng ta, có biết bao câu chuyện về sự hy sinh của đồng đội. Những câu chuyện ấy, những khuôn mặt và hình ảnh về đồng đội mãi mãi chúng ta không quên. Mỗi năm có biết bao đồng đội Trường Sơn chúng ta hành hương vào Trường Sơn. Biết bao nước mắt đã rơi khi chúng ta đứng trước các đồng đội, đồng hương của mình… Cuộc chiến ngày hôm qua mất mát to lớn quá! Vì thế, hôm nay và mai sau, chúng ta và con cháu mai mãi mãi không được quên những người đã nằm xuống Trường Sơn.
       Trên đường ra ô tô. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội đang ngồi bệt bên khu mộ liệt sĩ Hà Nội để trả lời phỏng vấn đoàn làm phim “Trường Sơn - Một thời con gái”.
       Sau khi dâng hương tại Đài Liệt sĩ Trường Sơn, nhiều anh chị em Trường Sơn đã tụ tập dưới bóng cây bồ đề tỏa bóng mát rợp cả một vùng rộng lớn phía sau Đài Liệt sĩ. Các anh, các chị đã hát vang những bài hát về Trường Sơn. Chúng tôi có cảm giác các Anh hùng – Liệt sĩ Trường Sơn đã tụ tập về đây dưới bóng mát của bồ đề để nghe đồng đội hát. Chẳng thế mà sao nhiều người trong chúng tôi cứ gai gai vì xúc động… Chớp được hình ảnh xúc động này, cả hai đoàn làm phim đều chạy đến ghi lại những hình ảnh xúc động này…
      Thời tiết sáng nay thật đẹp. Trời râm mát, có gió nhẹ. Rõ ràng là chúng tôi đã được các liệt sĩ đồng đội phù trợ.   
     Tôi đã không dưới 4 lần đi vào Nghĩa trang Trường Sơn với Thiếu tướng Võ Sở. Lần nào cũng vậy, dù là mùa hè nắng gắt, nhưng cứ đến dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn thì thể nào cũng râm mát. Mọi việc tâm linh với đồng đội đã xong thì trời mới bắt đầu nắng…  
       Chúng tôi tiến về Đền thờ các liệt sĩ Trường Sơn Bến Tắt. Nắng bắt đầu gắt hơn. Đền Bến Tắt được chương trình Tri ân Trường Sơn do báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Trường Sơn Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức xây dựng. Nơi đây thờ vọng các liệt sĩ Trường Sơn còn nằm rải rác trên đại ngàn Trường Sơn mà chưa được quy tập. Đoàn đã vào dâng hương, dâng hoa tại đây. Những hồi chuông được điểm. Chúng tôi lần lượt vào dâng hương. Đoàn đông quá, phải mất 15 phút chúng tôi mới dâng hương xong.
       11 giờ 40, chúng tôi mới về khách sạn Mê Công TP. Đông Hà, kết thúc tốt đẹp buổi sáng hoạt động tri ân đầy xúc động.
      Buổi chiều, đoàn sẽ gặp gỡ, trao quà tại "Địa chỉ đỏ Trường Sơn" - xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị - nơi Tiểu đoàn ca nô 166 Trường Sơn đóng căn cứ, mùa hè năm 1972 trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ.

        Ghi chép của Thành Long và Hồng Huân
 


Đồng đội khoe với Chủ tịch Võ Sở về những hình ảnh chụp trong ngày tri ân đầu tiên.



Chủ tịch Võ Sở và lãnh đạo Hội bên tấm bia Di tích Phà Long Đại.



Đoàn tri ân tiến lên dâng hương, viếng các LS Trường Sơn tại Đền thờ Bến phà Long Đại.



Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam và lãnh đạo Hội TSVN thỉnh chuông.



Và dâng hương.



Phú mặc niệm các liệt sĩ đồng đội.



Chụp ảnh kỷ niệm trước sân Đền thờ Bến phà Long Đại.



Chụp ảnh cho đồng đội.



Một CCB đã bỏ lại một bàn chân trong cuộc chiến đấu tại mảnh đất Quảng Trị, hôm nay là thành viên đoàn tri ân.



Các thành viên từ Lạng Sơn.



Thiếu tướng Hoàng Kiền phỏng vấn Thiếu tướng Hoàng anh Tuấn về Bến phà Long Đại năm xưa mà anh từng nhiều lần lái xe vượt qua trọng điểm ác liệt này.



Chủ tịch Võ Sở và đồng đội ngắm nhìn cảnh vật năm xưa từ cầu Long Đại.




Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam cùng các nữ chiến sĩ TS bên cầu Long Đại.



Hai y sĩ của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn gặp nhau trong chuyến tri ân này (Trung tá Nguyễn Thị Minh Cử, bên phải và Lê Vọng Hương, bên trái).



Thiếu tá Tạ Thị Rơi, Chủ tịch Hội Nữ CSTS Ngành Chính trị và Trung tá Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội Nữ CSTS Việt Nam bên cây cầu Long Đại.



Trung tá Nguyễn thị Minh Cử và Giám đốc Vũ Thúy Lành, Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa.



Điện ảnh Quân đội hối hả ghi hình các hoạt động của đoàn tri ân.



Đoàn chuẩn bị viếng Bác tại Đền thờ Chủ tịch Hồ chí Minh tại Nghĩa trang Trường Sơn.



Đoàn dâng hương.



Phó Chủ tịch Lương Sỹ Nhung bên cây bồ đề đặc biệt mọc bao bọc lấy bức tường hồ nước trước Đền thờ Bác.



Đoàn tri ân rời Đền thờ Bác Hồ.



Chuẩn bị viếng các AH-LS Trường Sơn.



Giám đốc - CCB Trường Sơn Nguyễn Thanh Bình và Lãnh đạo Hội thỉnh chuông.



Ban tổ chức làm thủ tục viếng các liệt sĩ Trường Sơn.



Lãnh đạo Hội TSVN dâng hương viếng đồng đội.



Các thành viên dâng hương.



Cây bồ đề đặc biệt vẫn tỏa bóng mát một vùng rộng lớn phía sau Đài LS Trường Sơn.




Phó Ban Chính sách Hội TS Lê Thanh Hà và Phó Ban Đậu Ngọc Tường bên mộ đồng đội của Lê Thanh Hà.



Liệt sĩ đồng đội của Lê Thanh Hà nhưng anh vẫn chưa có tên trong danh sách liệt sĩ ở quê hương.



Phóng viên báo Quân đội Nhân dân phỏng vấn đồng chí Lê Thanh Hà bên mộ đồng đội của anh.



Chủ tịch Võ Sở trả lời phỏng vấn tại khu vực mộ LS Hà Nội.



Các nữ CSTS xúc động dâng hương trên mộ đồng đội.






Hát những bài hát về Trường Sơn cho đồng đội Liệt sĩ cùng nghe. 2 ảnh trên.



Dâng hương tại Đền thờ LS Trường Sơn Bến Tắt.



Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cùng đồng đội dâng hương.



Vợ chồng Trung tá, Phó Chủ tịch Thường trực Hội TS tỉnh Bắc Ninh - thành viên của đoàn tri ân.



Tấm pano lớn chào mừng đoàn tri ân tại phòng ăn của khách sạn Mê công.










































































































tin tức liên quan
test 123