NHỮNG KỈ NIỆM VÀ CẢM NHẬN SÂU SẮC NHẤn VỀ TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đại tá Đồng Sỹ Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn ( người đứng cầm gậy chỉ bản đồ) báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng vào thăm Bộ tư lệnh Trường Sơn.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã qua đời vào ngày 4/4/2019. Vô cùng đau buồn thương tiếc vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn năm xưa, Chủ tịch danh dự Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hiện nay.
Tôi nhớ lại những kỉ niệm, những cảm nhận sâu sắc nhất của mình với người thủ trưởng kính trọng từ những năm tháng ở Trường Sơn cho đến hôm nay.
VỊ TƯ LỆNH TRƯỜNG SƠN
Năm 1967, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, đến tháng 7 năm 1973 chuyển thành Tư lệnh - Bộ tư lệnh Trường Sơn. Trong 8 năm công tác trên chiến trường Trường Sơn, tài thao lược và nhân cách sáng ngời của Ông đã toả sáng để cùng với cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, Quân đội giao phó, vận chuyển chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào và Campuchia.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến vận tải quân sự chiến lược chạy qua lãnh thổ 11 tỉnh của Việt Nam từ Nghệ An đến Bình Phước, 7 tỉnh của nam Lào và 4 tỉnh đông bắc Campuchia, với 5 trục dọc, 21 trục ngang tổng chiều dài hơn 17 nghìn ki lô mét.
Đế quốc Mỹ đã tập trung sức mạnh của không quân đánh phá xuống tuyến đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại nhất đã được sử dụng ở đây. Hơn 4 triệu tấn bom đạn đánh xuống Trường Sơn chiếm hơn một nửa số bom đạn Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Đông Dương.Hàng loạt trọng điểm đã được chúng tạo ra trên khắp chiến trường Trường Sơn trong đó điển hình nhất là trên Đường 20 quyết thắng.
Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 120 cây số, từ Đông Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên tuyến đường này, lực lượng giao thông Trung ương, địa phương, công binh, bộ binh, thanh niên xung phong… ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng. Công sức của các lực lượng mở con đường này là vô tận, là dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Không quân Mỹ đã tạo thành tập đoàn trọng điểm ATP (A là cua chữ A, T là ngầm Ta Lê, P là đèo Phu Là Nhích). Nơi đây đa diễn ra sự đánh phá bằng bom đạn của không quân Mỹ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại . Suốt ngày đêm không ngớt tiếng máy bay phản lực, pháo đài bay B52, đạn nổ bom rơi. Đêm đêm không một giây nào tắt ánh pháo sáng.
Đèo Phu La Nhích trắng dù
Bom rung mặt đất đèn đu sáng trời
Cua chữ A đỏ một thời
Ngầm Ta Lê hứng bom rơi không ngừng
Vũ khí đủ loại vãi vung
Từ trường, nổ chậm ném hòng chặn ta
Rừng tìm ngọn cỏ không ra
Bom cầy, đạn xới đất hoà đá tan
.....
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng đối phó với sự đánh phá của địch bảo đảm chi viện cho chiến trường.
Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng thán phục, Đại tướng gọi Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan....
Trên đường Trường Sơn còn mấy chục trọng điểm cũng với cùng ác liệt , nhưng Mỹ cũng không cản được đường ra chiến trường.
CHUẨN BỊ CHO CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG DƯỜNG 9 - NAM LÀO
Tôi nhập ngũ, hành quân vượt Trường Sơn vào đến đường 9 - Nam Lào vào cuối năm 1970 thì dừng chân, được biên chế vào Ban tham mưu Công binh - Binh trạm 32. Cuối năm 1970 đầu năm 1971 Tư lệnh BTL 559 - Đồng Sỹ Nguyên vào thăm và làm việc với Binh trạm. Tôi vinh dự được đi đón và nghe Thủ trưởng nói chuyện với cán bộ chiến sĩ cơ quan Binh trạm bộ. Ông có dáng người to cao, tóc húi cua, cứ thấy ông khịt khịt mũi, chắc do bị viêm xoang. Ông chỉ đạo phát huy danh hiệu “ Binh trạm vạn tấn “ tức là mỗi tháng vận chuyển vượt qua đường 9 vào trong được 1 vạn tấn hàng là thắng lợi, cần đẩy mạnh vận chuyển vào chiến trường. Ông chỉ đạo chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của quân ngụy Sài Gòn vào tuyến đường Trường Sơn dọc theo đường 9, chỉ đạo Binh trạm nghiên cứu chuẩn bị tuyến đường tránh phía tây. Sau này chúng tôi mới biết cụ thể về cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch và chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào của ta. Sau đó tiểu đội khảo sát chúng tôi thuộc Ban Công binh của Binh trạm được giao nhiệm vụ đi khảo sát đường đường tránh . Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào giành chiến thắng vang dội, có vai trò rất lớn của Bộ đội Trường Sơn, của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
ĐỐI PHÓ VỚI MÁY BAY AC130
Năm 1971 Mỹ dùng máy bay AC130 được trang bị thiết bị hồng ngoại, phương tiện phát hiện tia lửa điện của động cơ xe và nhiệt do động cơ xe toả ra, phương tiện khuyếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối. Dùng các loại súng 40 ly, 20 ly 4 nòng bắn liên thanh, tên lửa tầm ngắn có khả năng bắn phá sát thương trên diện rộng, thời gian dài. Kết hợp với mạng lưới trinh sát điện tử ở mặt đất (cây nhiệt đới), loại máy bay này nhanh chóng phát hiện mục tiêu cho dù mục tiêu đó di động trong đêm tối trong rừng cây rậm rạp, xe chạy bằng đèn rùa chúng vẫn phát hiện ra. Đêm đêm chúng sử dụng AC130 "túc trực" trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực nam, bắc đường 9. Mỗi đêm 2 chiếc thay ca trong một khu vực, mỗi chiếc có thể bay liên tục 5-6 giờ, Lúc đầu chúng bay muộn về sớm, sau khi phát hiện ta chạy lấn sáng lấn chiều, khoảng 5 giờ chiều nó đến, nửa đêm cái khác ra thay cho đến sáng mới về. Không một đoàn xe nào không bị chúng phát hiện và tấn công. Các đơn vị xe đều bị tổn thất, mỗi binh trạm có đêm cháy tới hơn chục xe. Số xe bị bắn cháy tăng vọt, số lái xe bị thương ngày càng nhiều. Bộ tư lệnh khu vực 472 đã chỉ đạo cho lực lượng công binh các binh trạm dùng thùng phuy rải dọc đường 9 cho củi vào đột lửa để nhử máy bay địch, chỉ được ngày đầu sau nó cũng phát hiện ra và không bắn vào đó nữa. Lực lượng Công binh làm các đường tránh gọi là mang cá, khi có báo động AC130 lái xe cho xe lao vào mang cá mà nó vẫn bắn trúng. Tăng cường dùng cành cây nguỵ trang xe cũng vẫn bị bắn cháy.
Tình hình đó gây lo ngại cho cán bộ, chiến sỹ. Một số thoái thác không muốn nhận chở vũ khí, chất nổ, xăng dầu. Các đơn vị đã ra sức động viên bộ đội nâng cao ý chí chiến đấu, đánh địch mà đi, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng cường che chắn bảo vệ cho xe và lái xe như: các xe ô tô đều làm dàn mướp che ca bin, lái xe đội mũ sắt, mặc áo giáp chống đạn, tổ chức đội hình vừa và nhỏ, theo dõi quy luật hoạt động của AC130 để tổ cức chạy tránh thời gian cao điểm hoạt động của địch; tăng cường nguỵ trang nghi binh; tổ chức trinh sát báo động chặt chẽ hơn tạo điều kiện cho bộ đội xe chủ động tránh đòn tấn công của địch; tăng cường thợ sửa chữa đi cùng để phục hồi xe khi bị địch đánh hỏng. Nhưng tất cả các biện pháp trên vẫn nằm trong thế bị động, chỉ có tác dụng hạn chế một phần rất nhỏ, chưa phải là biện pháp đối phó có hiệu quả. Đây là một trong những tháng ngày lao đao, gian khổ nhất của Bộ đội Trường Sơn.
Trước sự tổn thất nặng nề do máy bay AC130 gây ra, trong nội bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp có sự nhìn nhận đánh giá khác nhau về địch và ta. Một số cho rằng máy bay AC130 nhìn được ban đêm nên đánh rất trúng mục tiêu, một số lại cho rằng AC130 chỉ đánh mò, do lái xe sợ đạn 40 ly bỏ xe chạy nên mới bị bắn cháy.
Để có kết luận chính xác, đối phó với máy bay AC130, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cử các đồng chí trong BTL và cơ quan tổ chức một đợt đi thực tế trên đường để nghiên cứu địch. Các đồng chí Binh trạm trưởng và Chính uỷ trên toàn tuyến cũng được lệnh đi cùng đội hình xe. Trên cơ sở khảo sát trên tuyến đã xác định được là : máy bay AC130 có khả năng nhìn rõ ô tô đang di động trong đêm. Chúng bay cao trên 3 km, chủ yếu bắn đạn 40 ly kéo dài, gây sát thương trên phạm vi rộng. Các đội hình xe khi gặp máy bay AC130, dù tắt đèn chúng vẫn phát hiện và đánh trúng. Trong tổng số xe bị đánh hỏng có khoảng 60-70% do AC 130 gây ra. Số lái xe bị thương vong từ 10-20%. Trừ trường hợp đội hình xe đã dừng lâu, máy nguội thì chúng bay trên cũng không phát hiện ra. Chúng cố tránh hoả lực của pháo cao xạ, vì vậy các cụm pháo cao xạ 37 ly chốt ở các trọng điểm không có tác dụng đối với chúng.
Từ ý kiến của những cán bộ thực tế chiến đấu trên đường, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thống nhất kết luận: máy bay AC130 là đối tượng cực kỳ nguy hiểm đối với đội hình xe chạy ban đêm, vì vậy toàn tuyến phải có biện pháp đối phó sáng tạo, táo bạo, linh hoạt, đa dạng, vững chắc, chủ động, bí mật, bất ngờ và cơ bản. Trước hết phải nắm bắt được quy luật hoạt động của chúng trên địa bàn từng khu vực, từng binh trạm, chủ động thay đổi cách hoạt động của ta: chạy lấn sáng, lấn chiều sớm hơn; thiết kế đội hình xuất phát của đội hình xe tiến lên phía trước sâu hơn; chia đội hình nhỏ xuất phát nhiều hướng. Tổ chức cung ngắn, làm nhiều hầm mang cá cho xe ẩn nấp khi bị tấn công, tăng cường vật che chắn cho xe và lái xe; tăng cường các tổ cảnh giới dưới đất và trên xe. Sử dụng súng 12,7 ly hoặc pháo 37 ly bắn báo động, tích cực cơ động pháo để bảo vệ đội hình xe, tích cực nổ máy các xe vận tải hoặc các động cơ cũ. Bộ tư lệnh 559 quyết định thí điểm chạy ngày ở những đoạn đường kín để rút kinh nghiệm.
Để đối phó với máy bay AC130 Bộ tư lệnh 559 đã có chủ trương thực hiện đồng thời hai biện pháp:
Điều tên lửa vào áp sát đường 9 để tiêu diệt AC130, mở đường kín chạy ngày để tránh AC130 bắn xe.
TIÊU DIỆT AC130
Để tiêu diệt AC 130, trung đoàn tên lửa đã cơ động vào phục kích ở phía bắc đường 9. Nơi đây diễn ra cuộc đọ sức giữa lực lượng của ta với máy bay AC130 của địch. Lúc này AC130 vẫn đang làm mưa làm gió một vùng dọc theo đường 9. Binh trạm trưởng BT32 đã đến làm việc với đồng chí trung đoàn trưởng Trung đoàn cao xạ 591, thống nhất để Trung đoàn 591 chỉ huy 3 tiểu đoàn cao xạ của binh trạm 32 tập trung đánh AC130. Cuộc họp hiệp đồng bàn kế hoạch tác chiến diệt AC130 đã diễn ra ngay sau đó.
Trung đoàn cao xạ 591 đón máy bay địch từ cánh phải Ba tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 đón máy bay địch ở cánh bên trái ,Trung đoàn tên lửa 275 sẵn sàng bắt mục tiêu, phóng tên lửa.
Hôm ấy cuối tháng 11 năm 1971, trời quang mây tạnh, chiếc máy bay AC130 theo đường cũ lù lù tiến ra. Hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con "quạ sắt" đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì tên lửa phóng đúng mục tiêu, máy bay AC130 rơi tại chỗ ở "ngã ba máy húc" gần thị trấn Sê Pôn, 9 tên giặc lái Mỹ cháy thui. Theo lệnh của trên, Binh trạm 32 cho 6 xe ô tô chở xác máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu. Lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay.
"AC" bay lượn nghênh ngang
Lùng xe đuổi bắn hoang mang cả miền
Mỗi đêm hai chiếc thay phiên
Nhìn lên căm phẫn, lo phiền lao đao
Tên lửa bí mật chuyển vào
Phóng lên, một chiếc đâm nhào rừng xanh
"Lũ quạ đen" khiếp chuồn nhanh
Bầu trời đêm vắng xe nhanh tiến vào...
Binh trạm trưởng BT32 Bùi Thế Tâm dẫn đầu đoàn xe 200 chiếc trên tuyến đường hở chạy vào giao hàng cho binh trạm 33, đoàn xe 200 chiếc trả hàng an toàn quay về căn cứ, thực hiện một chuyến trên cung, hai đêm/ chuyến.Tận dụng thời cơ này, các Binh trạm tập trung xe chạy ban đêm để vận chuyển hàng vào phía trong. Hầu hết các Binh trạm đều đạt được danh hiệu "Binh Trạm vạn tấn", Mùa khô năm 1971-1972 đến tháng 3 năm 1972 Bộ tư lệnh 472 đã hoàn thành kế hoạch cả năm, Binh trạm 32 đạt 2,5 vạn tấn / tháng. Riêng tiểu đoàn 102 đạt vạn tấn/ tháng, không cháy một xe nào, không hy sinh người nào.
MỞ ĐƯỜNG KÍN
Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức hội nghị do Tư lệnh đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các hoạt động của địch, đặc biệt là thủ đoạn đánh phá bằng máy bay AC130, đồng chí Tư lệnh kết luận: để tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác vận chuyển, tạo thế trận bất ngờ đối với địch, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của ta, nhằm tăng cường tối đa khả năng chi viện cho chiến trường, mùa khô năm 1971 - 1972 ta phải sử dụng đường kín (sau thường gọi tắt là đường K) để thực hiện vận chuyển vào ban ngày. Muốn vậy lực lượng công binh cần phải chuẩn bị sớm, ngay từ đầu mùa mưa. Hội nghị quyết định các trục đường kín đi thẳng đến các chiến trường do Bộ tư lệnh trực tiếp chỉ đạo.
Lực lượng mở đường kín được điều động, bổ sung. Ngoài lực lượng đã có, Bộ tư lệnh 559 tổ chức thêm 2 trung đoàn công binh cơ động là trung đoàn 6 và trung đoàn 8, trong đó trung đoàn 8 chủ yếu là nữ công nhân giao thông chuyển sang. Đồng thời Bộ tăng cường cho đoàn 559 trung đoàn công binh 217 từ chiến trường thượng Lào vào. Một số lượng lớn dân công hoả tuyến của 7 tỉnh Miền Bắc: Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Hưng cũng được tăng cường có thời hạn cho đoàn 559. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho chiến trường ngày càng lớn nhưng tuyến vận tải chiến lược lại chủ yếu là tuyến đường đất, chỉ bảo đảm vận chuyển khoảng 200 ngày trong một năm. Cần phải cải tạo rải đá, củng cố bến vượt cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhưng nhu cầu trước mắt cấp bách là cần mở đường kín. Trung đoàn 217 và một số đơn vị khác chuyển sang mở đường 24.
Với khí thế chiến thắng của mùa khô năm 1970-1971, ngày 15 tháng 7 năm 1971, bốn trung đoàn công binh cơ động (4, 6 , 10, 217) rầm rập tiến quân vào mở đường 24, tuyến đường kín đi thẳng từ km 6 đường18 đến kho K4 của Binh trạm 37 .
Ngày 30 tháng 11 năm1971 toàn bộ tuyến đường 24 từ km 6 đường 18 đến km 22 đường 25 dài 299 km cơ bản được mở thông, trong đó 47 km đầu được rải đá, bảo đảm cho xe có thể hoạt động bình thường trong những ngày đầu mùa mưa và cuối mùa khô.
Đến ngày 10 tháng 1 năm1972 tuyến đường kín 24 đã hoàn thành với tổng chiều dài 533 km.
Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả, cơ bản loại AC130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của bộ đội Trường Sơn.
ĐƯỜNG ỐNG XĂNG DẦU
Vận chuyển xăng dầu vào chiến trường bị địch đánh phá ngăn chặn vô cùng khó khăn nguy hiểm . Không quân Mỹ đánh phá có thời điểm không đưa xăng dầu vào được, phải chuyển từng phuy xăng qua trọng điểm , đổi máu lấy xăng
Những ngày trên suối Trạ Ang
Chiến sĩ ngược nước đẩy xăng kiên cường
Bom thù trút xuống tang thương
Mỗi phuy xăng đổi máu xương một người
...
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã báo cáo đề xuất, hệ thống đường ống xăng dầu được xây dựng. Bắt đầu từ biên giới Quảng Ninh và Lạng sơn rồi nhập lại và chia thành hai nhánh đông và tây Trường Sơn gặp nhau ở Bù Gia Mập - Bình Phước với tổng chiều dài 1400 km trên tổng chiều dài gần 5000 km, vượt qua đỉnh núi cao hơn nghìn mét, do 9 trung đoàn đường ống trong đó có 4 trung đoàn Bộ đội Trường Sơn .
Đây là một kỳ công - kỳ tích - kỳ diệu.....để đưa “dòng sông mang lửa “ chảy ra chiến trường.
Nhìn dòng nước đỏ sục sôi
Nấu nung ý chí mở khơi tạo đà
Đường ống hai hướng vươn xa
Xăng dầu cuồn cuộn chảy ra chiến trường
....
Chiến tranh kết thúc , người Mỹ , người Pháp , người Liên Xô , người Trung Quốc sang Việt Nam mới biết đến đường ống này , tất cả đều ngả mũ cúi đầu sát đất thán phục .
Đường ống xăng dầu dài nhất thế giới lúc bấy giờ, vượt qua các đỉnh núi cao hơn nghìn mét, hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân, cán bộ chiến sĩ người Việt Nam thiết kế , chế tạo , thi công hoàn toàn , chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của nhân loại .
LÀM ĐƯỜNG CƠ BẢN.
Ngày 27/1/1973 Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam và ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Đảng ủy, BTL 559 quyết tâm tổ chức triển khai xây dựng đường cơ bản. Hai đoàn cán bộ được tổ chức đi thị sát tuyến . Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu đoàn đi phía tuyến đông Trường Sơn, Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu đoàn đi tuyến phía tây Trường Sơn . Trên đường lên Pắc Xoong xe bị trúng mìn, đại tá Đặng Tính cùng 4 người hy sinh, thật là đau xót.
Nhiệm vụ triển khai làm đường cơ bản lúc này đặt cả trọng trách lên Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Đồng chí đã đề xuất xây dựng nghị quyết của Đảng ủy BTL 559 với những nội dung cơ bản gồm:
1.Kết hợp thuật quân sự với các quy luật của sản xuất, quy luật kinh tế.
2. Kết hợp sử dụng có hiệu quả bốn sức mạnh: mã lực (xe, máy), năng lượng (thuốc nổ, nhiên liệu), nhân lực và công cụ (phương tiện thi công bán cơ giới và thủ công). Trong đó cố gắng nâng mức sử dụng xe máy lên 1,5-2 ca/ ngày trong cả năm.
3. Về sử dụng nhân lực, cần kết hợp cả trí lực với công cụ, tức là động viên cao độ sáng tạo của quần chúng.
4. Thi công theo phương pháp tập trung, dây chuyền công nghiệp.
5. Công tác bảo đảm cần chú ý đặc biệt đến trang bị kỹ thuật, trong đó kể cả đến vấn đề cung ứng vật tư, phụ tùng thay thế, hệ thống sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật.
6. Bồi dưỡng năng lực và kiện toàn đội ngũ cán bộ công binh các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sau khi trực tiếp khảo sát nắm tình hình mọi mặt, Đảng uỷ - Bộ tư lệnh họp thông qua kế hoạch 3 năm (1974 - 1976) với yêu cầu: nắm vững thời cơ, nỗ lực vượt bậc tạo thế, tạo lực cho chiến trường tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Nội dung kế hoạch như sau:
1. Cải tạo tuyến tây Trường Sơn và xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn cùng với hệ thống đường ống xăng dầu, tạo nên cơ sở vững chắc cho vận chuyển khối lượng vật chất và cơ động bộ đội, binh khí kỹ thuật ra chiến trường.
2. Dự kiến khối lượng vận chuyển 3 năm là 400.000 tấn, quyết tâm mùa khô 1973 - 1974 phải đạt 207.000 tấn.
3. Cơ giới hoá toàn bộ tuyến hành quân, bảo đảm hành quân đơn vị lớn và đưa binh khí kỹ thuật vào chiến trường.
4. Chuẩn bị tăng cường lực lượng cho chiến trường và bảo đảm vận tải chiến dịch.
5. Cải tiến tổ chức, bổ sung lực lượng vật chất trang bị đáp ứng nhiệm vụ với qui mô lớn và yêu cầu cao.
Sau khi có NQ và KH , BTL559 tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt các đơn vị . TL Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp giới thiệu một bài quan trọng. Sau tôi được đọc tài liệu này thật khâm phục tài năng của Ông. Ông nói : phải kết hợp giữa thuốc nổ với xe máy, công cụ và nhân lực. Sử dụng thuốc nổ như hỏa lực của Pháo binh. Sử dụng xe máy như sức mạnh của Xe tăng .... nhiều điều rất sâu sắc .
Với chủ trương và tầm nhìn chiến lược, Đường Trường Sơn đã được cải tạo , xây dựng thật khẩn trương, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, chi viện, bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 12 tháng 7 năm 1973 thực hiện nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu quyết định đổi tên Bộ tư lệnh 559 thành Bộ tư lệnh Trường Sơn tương đương cấp quân khu, tổ chức các Bộ tư lệnh khu vực thành các sư đoàn .
MỘT SÁNG TẠO ĐẶC BIỆT VỀ TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG
Tôi vào Trường Sơn năm 1970 được biên chế vào Binh trạm 32. Đến cuối năm 1971 chuyển binh trạm thành các trung đoàn binh chủng tôi về Trung đoàn Công binh 30. Đầu năm 1972 tôi về Phòng Tham mưu Công binh sư đoàn khu vực 472. Đến năm 1974 sư đoàn khu vực chuyển thành Sư đoàn Công binh 472. Cuối năm 1974 tôi về công tác tại Sư đoàn Công binh 565. Giai đoạn này bên Tây Trường Sơn chỉ còn Trung đoàn CB34. BTL Trường thêm thành lập thêm Trung đoàn CB 576 , điều Trung đoàn BB 39 thuộc Sư đoàn BB 968 chuyển sang Công binh thành lập đoàn 565 sau thành Sư đoàn CB 565.
Việc xây dựng các mô hình tổ chức lực lượng qua các giai đoạn như Binh trạm, Trung đoàn binh chủng, Sư đoàn khu vực, Sư đoàn binh chủng phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ là một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn mà đứng đầu là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
TRƯỜNG SƠN là một chiến trường, nơi đây đã diễn ra cuộc chiến ngăn chặn của không quân Mỹ với mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình đã chỉ huy các lực lượng của BTL Trường Sơn chống ngăn chặn, đánh bại cuộc chiến ngăn chặn của không quân Mỹ trên đường đường Trường Sơn, lập nên những chiến công huyền thoại.
Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đánh giá đúng tài năng , bản lĩnh, nhân cách, những cống hiến của ông, năm 1974 ông xứng đáng được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
XÂY DỰNG NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN ÔNG SẼ VỀ VỚI ĐỒNG ĐỘI TRƯỜNG SƠN:
Ngay sau khi hiệp định Pa Ri được kí kết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo việc qui tập mộ liệt sĩ Trường Sơn về một nghĩa trang. Các đội qui tập mộ liệt sĩ được thành lập ở các sư đoàn triển khai ngay. Hơn 20 nghìn người đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn, đến nay đã qui tập được 10263 người.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh Trường Sơn với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.263.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.
Năm 2015 tôi đi qua Quảng Trị, ghé thăm công ty xây dựng 384 đóng tại Đông Hà, được Ban giám đốc Công ty thông báo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mới vào thăm đơn vị và Nghĩa trang Trường Sơn. Ban giám đốc Công ty đưa Ông đi thăm nghĩa trang, Ông nói sau này khi về cõi vĩnh hằng sẽ về đây yên nghỉ cùng với đồng đội một thời nơi Trường Sơn rực lửa. Ông đã chọn vị trí nơi yên nghỉ cuối cùng cho mình, cũng là một ý nguyện ban đầu.
TƯ LỆNH BỘ TƯ LỆNH CÔNG TRÌNH
Năm 2014 tôi được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Công binh. Tôi đến thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đang nằm điều trị tại BV108. Tôi báo cáo với Ông là BTL công binh từ khi anh Đặng Văn Phúc làm tư lệnh đã tiến hành viết Lịch sử Công binh Trường Sơn, đến nay chúng tôi cho in và kính tặng Trung tướng - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông rất vui và ngồi nói chuyện về công binh.
Ông nói:
Sau năm 1975, nhiệm vụ của Bô đội Trường Sơn kết thúc , lúc đó Bộ quyết định sáp nhập hai lực lượng của BCCB và TS thành Bô tư lệnh Công trình và bổ nhiệm tôi làm Tư lệnh . Sau đó lại thôi không thực hiện nữa .
Công binh Trường Sơn có tới 4 sư đoàn và một số trung đoàn trực thuộc . Vẫn lấy BTLCB là nơi để anh em đi về gặp mặt, hội họp. Các đồng chí cần quan tâm giúp đỡ anh em.
Tôi báo cáo với thủ trưởng, BTL CB đã biết việc sáp nhập và thủ trưởng về làm TL / BTLCT không rõ vì sao lại thôi. Sau đó mới thành lập Binh đoàn 12. Về các đơn vị Công binh Trường Sơn khi có nhu cầu về Binh chủng, BTLCB sẽ hết sức tạo điều kiện. Trung tướng rất hài lòng và phấn khởi. Ông luôn quan tâm đến mọi đơn vị cấp dưới của mình.
THÀNH LẬP HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM.
Năm 2012 khi đang làm giám đốc BQLDA Đường tuần tra biên giới của BQP tôi được mời dự Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam). Ban tổ chức bố trí ngồi cạnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, được nghe Ông nói rất nhiều về việc thành lập Hội Trường Sơn. Trải qua 16 năm hoạt động, bộ đội Trường Sơn đã lập nên những chiến công huyền thoại. Tuy vậy sự mất mát hi sinh là rất lớn, hơn hai mươi nghìn người ngã xuống , còn gần mười ba nghìn người chưa tìm được hài cốt, hàng chục nghìn người bị thương, nhiễm chất độc da cam, nhiều người về đời thường hoàn cảnh rất khó khăn nhất là các chiến sĩ nữ Trường Sơn. Tôi đã trao đổi với anh Võ sở, anh Hoàng Anh Tuấn và một số anh em là nên thành lập Hội Trường Sơn Việt Nam để tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng của Trường Sơn và làm việc tình nghĩa giúp nhau. Tôi đã có ý kiến với Thủ tướng và các bộ có liên quan ủng hộ. Sau này khi đồng chí nghỉ hưu cố gắng tham gia với anh em. Sau đó nghe Trung tướng phát biểu thật cảm động, Đại hội suy tôn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là chủ tịch danh dự của Hội . Ông nói: đây là Hội xã hội, không ai cho tiền đâu, anh em động viên nhau đóng góp mà hoạt động thôi. Trước mắt cần có kinh phí để hoạt động đã, sau mới đến vận động làm việc tình nghĩa. Mỗi năm Ông trích 1 tháng lương ủng hộ Hội để hoạt động . Nghe lời phát biểu của thủ trưởng thật thắm đậm tình nghĩa Trường Sơn, ai cũng cảm động. Tôi viết ngay tại chỗ một bài thơ ra giấy kính tặng thủ trưởng .
CÁNH ĐẠI BÀNG TRƯỜNG SƠN
Trường Sơn rực lửa một thời
Dẫu qua muôn thuở vẫn ngời chiến công
Con đường thống nhất non sông
Viết nên huyền thoại mãi không phải nhoà
Đường Trường Sơn bản hùng ca
Đưa cả dân tộc ta ra chiến trường
Hi sinh gian khổ máu xương
Kết tinh tài trí phi thường, nấu nung
Mang theo khí phách Anh hùng
Mở ra đánh Mỹ sáng bừng núi sông
Đông Dương đoàn kết một lòng
Lịch sử nhân loại chỉ con đường này
Mười năm nhiệt huyết hăng say
Đại bàng vươn cánh tung bay mọi miền
Gương Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Tài năng, nhân cách sáng ngời Trường Sơn.
Đọc xong thủ trưởng rất vui bắt tay tôi nồng ấm. Ông nói hôm sau tôi sẽ tặng đồng chí một cuốn sách ảnh. Ngày 19/5/2015 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ký tặng thiếu tướng Hoàng Kiền quyển sách :
ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI.
Ông đưa cho con rể là anh Trần Văn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc Hội nhân dịp về thăm Bảo Tàng Đồng Quê tặng tôi. Thật trân trọng tình cảm của Thủ trưởng, tôi đặt trong Bảo Tàng Đồng Quê nơi trưng bầy hiện vật Xẻ Dọc Trường Sơn Đi Cứu Nước mà tôi có gần 6 năm gắn bó với con đường mang tên Bác, do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy.
NÓI VỀ ĐƯỜNG TUẦN TRA BIÊN GIỚI:
Năm 2013 tôi được anh Trần Văn mời cưới con gái, cháu ngoại của ông Đồng Sỹ Nguyên. Gia đình xếp tôi ngồi cạnh bên trái , anh Nguyễn Xuân Phúc - Phó thủ tướng ngồi bên phải Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Anh Phúc có hỏi chuyện làm đường Tuần tra biên giới và nói anh em rất khen Thiếu tướng Hoàng Kiền về quản lý thi công con đường này, anh động viên tôi cứ thế phát huy làm cho tốt và quản lý chặt chẽ. Tôi cám ơn Anh.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói thêm, bây giờ xây dựng là phức tạp lắm, đồng chí đã làm đường Trường Sơn, đã là Tư lệnh Công binh là rất nhiều kinh nghiệm, cần quản lý cho chặt chẽ. Tôi đã xem tivi những thông tin về Đường tuần tra biên giới được nói đến nhiều, và nhiều người khen, tôi cũng tin đồng chí Kiền sẽ làm tốt.
Tôi cám ơn và xin hứa với thủ trưởng sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
NHỮNG LẦN ĐẾN THĂM:
Từ khi tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam, với cương vị Phó chủ tịch, năm nào chúng tôi cũng đến thăm chúc tết Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên . Tuổi cao nhưng ông vẫn minh mẫn, luôn quan tâm đến các hoạt động của Hội Trường Sơn và chỉ đạo những vấn đề rất cụ thể và sâu sắc, nhất là việc xây dựng các công trình di tích trên đường Trường Sơn. Thật kính trọng tấm lòng của vị Tư lệnh về tài năng và nhân cách sáng ngời của Trường Sơn anh hùng.
Bài, ảnh sưu tầm: Thiếu tướng Hoàng Kiền- Anh hùng LLVTND - Phó chủ tịch Hội TSVN