Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Tầm nhìn vượt thời gian

Ngày đăng: 07:04 10/04/2019 Lượt xem: 802

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Tầm nhìn vượt thời gian

Nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long 
 

(Dân Việt) Việc tổ chức tìm và đưa hài cốt liệt sĩ Trường Sơn hy sinh trên đất bạn Lào về Việt Nam và quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn ngay giữa thời kỳ cả nước đang dốc toàn lực cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - có thể coi là một quyết định mang dấu ấn, với cái tâm và tầm nhìn vượt thời gian của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Mệnh lệnh của trái tim

Ngay sau Hiệp định Paris (27.1.1973), Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở hội nghị ngày 1.3.1973 để nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ Quân ủy T.Ư giao. Tại hội nghị này, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất chủ trương: Chỉ đạo tất cả các đơn vị trên toàn tuyến bằng mọi giá phải tìm và đưa ngay hài cốt các liệt sĩ Trường Sơn hy sinh trên đất bạn Lào về đất mẹ. Ý kiến đầy nhân văn của ông đã được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đồng tình.

 trung tuong dong sy nguyen: tam nhin vuot thoi gian hinh anh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính tại căn cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn khi Đại tướng có cuộc thị sát chiến trường Trường Sơn. Ảnh: T.L

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nằm cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; tọa lạc trên nhiều quả đồi nhỏ thuộc đồi Bến Tắt - năm 1974 khu vực này là căn cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Nghĩa trang Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các anh hùng liệt sĩ của khắp mọi miền quê của Tổ quốc; có tổng diện tích 140.000m2.

Phần lớn liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn đều nằm trên đất bạn Lào - phía Tây Trường Sơn. Chỉ còn hơn 90 ngày nữa là mùa mưa ập đến, nếu không khẩn trương chạy đua với thời gian thì việc quy tập hài cốt liệt sĩ là vô cùng khó khăn. Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã hối thúc cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ đạo ráo riết các đơn vị trên toàn tuyến phải lập ngay các đội quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về tập trung tại khu vực Bến Tắt. Mặc dù tất cả các đơn vị đều đang phải căng mình, tập trung mọi lực lượng và cơ sở vật chất hiện có cho nhiệm vụ chi viện cho chiến trường vừa được Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh bổ sung kế hoạch chi viện với khối lượng gần gấp đôi so với kế hoạch cũ, vẫn phải "bứt ra" một lực lượng và vật chất, phương tiện cho việc quy tập liệt sĩ. Đó không phải là chuyện đơn giản. Nhưng vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được. “Đó là mệnh lệnh của trái tim” – như chỉ thị của Tướng Đồng Sỹ Nguyên với tất cả các đơn vị trên toàn chiến trường Trường Sơn.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng trăm rồi hàng ngàn hài cốt liệt sĩ hy sinh rải rác trên khắp đất bạn Lào đã được tìm thấy, đưa về tập kết tại khu vực Bến Tắt. Bộ Tư lệnh đã cho xây dựng gấp một số ngôi nhà để bảo quản hài cốt. Quyết định của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã rất đúng. Qua mùa mưa năm 1973, đường sá bị phá huỷ nặng nề. Lực lượng công binh chỉ vừa đủ để bảo đảm giao thông trên một số trục chính. Những con đường đi vào các vị trí đóng quân của các bệnh viện, bệnh xá, đội điều trị, các trọng điểm, hậu cứ của các binh trạm, các đơn vị công binh, các đơn vị phòng không - nơi có những nghĩa trang chôn cất liệt sĩ – vô cùng khó khăn.

Một địa chỉ văn hóa, tâm linh

Tại Hội nghị Đảng ủy tháng 8.1974, Tướng Đồng Sỹ Nguyên lại trình bày kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hội nghị đánh giá cao kế hoạch này. Để triển khai quyết định đã được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh thông qua, ngày 30.8.1974, Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã trực tiếp chủ trì hội nghị gồm các cán bộ chính sách và cơ quan Bộ Tư lệnh để bàn chi tiết về việc xây dựng nghĩa trang. Tại hội nghị này, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định giao Cục Chính trị điều động một số kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng tiến hành khảo sát tìm địa điểm xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại tỉnh Quảng Bình hoặc Quảng Trị.

 trung tuong dong sy nguyen: tam nhin vuot thoi gian hinh anh 2

Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: T.P.O

Sau đó, cơ quan tham mưu đã đưa ra mấy phương án khác nhau về địa điểm xây dựng nghĩa trang, trong đó có Bến Tắt. Trước khi quyết định, đích thân Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã lội bộ xem xét chi tiết địa hình, địa thế của khu vực đồi Bến Tắt. Bằng con mắt nhạy cảm của một người giàu kinh nghiệm, ông đã "chấm" khu vực đồi Bến Tắt để xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Kế hoạch xây dựng nghĩa trang được Bộ Tư lệnh Trường Sơn trình Chính phủ và Bộ Quốc phòng phê duyệt. Khi chỉ đạo thiết kế xây dựng nghĩa trang, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nêu yêu cầu cho các cán bộ thuộc quyền: “Phải xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không chỉ trở thành một địa chỉ tâm linh mà còn là một địa chỉ văn hóa xứng tầm quốc gia. Vì thế phải thiết kế đẹp và hài hòa với cảnh quan môi trường, hài hòa phong thủy...”.

     Ngay trước chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột với bộn bề công việc, thì sáng 24.2.1975, lễ khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được tiến hành trọng thể. Tướng Đồng Sỹ Nguyên là người bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ. Đến 10.4.1977, Nghĩa trang Liệt sĩ  Trường Sơn đã hoàn thành.

    Năm 1999, Nhà nước có quyết định cải tạo và nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Đài tưởng niệm cũ được phá đi để xây lại mới. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trong một lần vào kiểm tra trước khi khởi công cải tạo Nghĩa trang. Ông đã nói với Ban Quản lý Nghĩa trang "...Phải giữ cho bằng được cây bồ sau đài tưởng niệm. Không được làm suy suyển dù chỉ một cành cây nhỏ. Tôi còn thì cây bồ đề này phải còn..." Và chúng ta đều biết, nếu xây dựng lại Đài tưởng niệm xát với cây bồ đề như thực trạng ngày xưa thì quá khó cho quá trình thi công. Vì thế mà Đài tưởng niệm phải tiến lên phía trước một khoảng cách. Cây bồ đề ngày xưa bây giờ tuy không còn ôm lấy Đài tưởng niệm như năm xưa nhưng cây vẫn đứng sát Đài tưởng niệm và xoà bóng mát che rợp cả một vùng đất rộng lớn phía sau Đài “Tổ quốc ghi công”. Thật không nơi nào có được cảnh tượng đặc biệt như Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn - nơi hội tụ anh linh của 10.333 anh hùng liệt sĩ Trường Sơn từ mọi miềm quê của Tổ quốc.

         Khi nhắc đến Trường Sơn, người ta không thể không nhắc đến Tướng Đồng Sĩ Nguyên bởi tên tuổi và chiến công của ông đã gắn liền với Trường Sơn huyền thoại. Và quyết định rất sớm của ông về việc quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào và quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn trong những năm tháng còn bộn bề với biết bao công việc gấp gáp của cuộc chiến đấu gian khổ, căng thẳng, ác liệt đã khẳng định ông là vị tướng có tầm nhìn và có tâm của quân đội ta.

          Thời gian đã lùi xa hơn 46 năm kể từ ngày Tướng Đồng Sĩ Nguyên quyết định tìm, đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn về đất Mẹ và quyết định xây dựng nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Hôm nay, cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn mỗi khi nhắc về ông đều với sự kính trọng và yêu mến chân thành. Ai cũng thích gọi ông bằng cái tên thân mật năm xưa: “Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên”! Mặc dù sau này ông được Đảng và Nhà nước trao cho những trọng trách rất cao, nhưng đồng đội và những người lính của ông vẫn dành cho ông tình cảm gần gũi, yêu thương, kính trọng vẹn nguyên của một thời rất đẹp và hào hùng trên Trường Sơn vĩ đại. Điều đó không phải ai cũng có được. Đó là phần thưởng vô giá đối với một CON NGƯỜI như ông. Thật quý biết bao !

          Người ta đã ví: Có rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp là “cây cao, bóng cả” của Trường Sơn. Thì, Tướng Đồng Sĩ Nguyên là “cây cao bóng cả” cao nhất, lớn nhất “tỏa bóng mát” của Trường Sơn huyền thoại!

      Hôm nay, ông đã đi gặp Bác, gặp Người Anh Cả đồng hương Võ Nguyên Giáp, nhưng tên tuổi của ông, tình cảm của ông với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Trường Sơn mãi mãi vẹn nguyên như ngày nào trên Trường Sơn rực lửa.
PTL
 
 
 
 

tin tức liên quan
test 123