NHỮNG ĐIỀU ĐẶT BIỆT Ở TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN

Ngày đăng: 02:02 10/04/2019 Lượt xem: 542
NHỮNG ĐIỀU ĐẶT BIỆT Ở TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN

                                                            Phạm Thành Long

       Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn có khá nhiều điều đặc biệt. Xin điểm qua “vài chi tiết” để các đồng chí và bạn đọc cùng tham khảo.
      -Tên thật của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Nguyễn Hữu Vũ (sinh ngày 1/3/1923). Cái tên khai sinh này chỉ được sử dụng công khai đến năm 1937. Năm 1939, khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương thì đồng chí lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng.
      -Từ năm 1947, đồng chí lấy tên là Đồng Sĩ Nguyên để giữ bí mật trong hoạt động và để bảo đảm an toàn cho gia đình. Đồng sĩ Nguyên trở thành tên chính thức của đồng chí đến cuối đời.
      -Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi (năm 1938); vào Đảng khi mới 16 tuổi (sinh năm 1923, vào Đảng năm 1939).
      -Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 6/3/1946, khi mới 23 tuổi và hơn 6 tuổi Đảng. Đồng chí là 1 trong gần 5000 đảng viên của Đảng lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
      -Hơn 34 tuổi quân nhưng đồng chí Đồng Sĩ Nguyên chỉ 2 lần được phong quân hàm. Lần đầu tiên năm 1958 phong quân hàm Đại tá. Năm 1974 được phong quân hàm vượt cấp lên Trung tướng. Trong Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam cho tới nay thì đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là 1 trong 2 đồng chí được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Và đây cũng là lần phong quân hàm cuối cùng của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên.
      -Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên vừa là một cán bộ chính trị vừa là một cán bộ quân sự xuất sắc: Sau cánh mạng Tháng Tám là Chỉ huy trưởng Bộ đội tỉnh Quảng Bình. Toàn quốc kháng chiến (12/1946) đồng chí là Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Năm 1950 được Trung ương rút về Tổng cục Chính trị làm Phái viên Mặt trận Trung Hạ Lào. Sau năm 1954 được điều về Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách cục Động viên Dân quân, sau đó là Cục phó cục tổ chức, Tổng cục Chính trị. Năm 1964 được đề bạt là Tổng Tham mưu phó, sau đó làm Chính ủy Quân khu IV, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào. Đầu năm 1966 đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Tiền phương. Từ 1/1/1967 là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn).
      -Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên và đồng chí Đặng Tính là hai đồng chí, hai người bạn thân thiết từ sau năm 1954. Đầu năm 1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi về việc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng muốn điều động cho Trường Sơn một Chính ủy xứng tầm và hỏi đồng chí Đồng Sĩ Nguyên: “…Trong số cán bộ các Tổng cục và các Quân binh chủng, anh muốn tiến cử ai?”. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên không ngần ngại mong muốn được Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân bổ sung cho Trường Sơn. Và như chúng ta được biết, đầu tháng 10/1971, Trung ương đã cử đồng chí Đặng Tính vào Trường Sơn sát cánh cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trên cương vị là Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn.
     -Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên từ trần 11 giờ 42 phút ngày 4/4/2019. Thì Chính ủy Đặng Tính hy sinh trưa ngày 3/4/1973 tại Pắc Sòong, Nam Lào. Ngày 4/4 và ngày 3/4 - ngày hy sinh (tính theo ngày và tháng dương lịch), thì đồng chí Đồng Sĩ Nguyên ra đi sau đồng chí Đặng Tính đúng một ngày!
     -Gia đình đồng chí Đồng Sĩ Nguyên có “3 vị tướng”: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là con thứ 5 trong gia đình. Người em ruột kề sau đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (đồng chí Nguyễn Hữu Anh) là Thiếu tướng, Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần. Người cháu ruột đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Nguyễn Hữu Cường, là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu IV (con trai ông Nguyễn Hữu Lượng – người anh ruột thứ 3 của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên).
     -Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên hoạt động trên đất Lào 3 thời kỳ: Lần thứ nhất là Phái viên, biệt phái tham gia Bộ Tư lệnh cánh phối hợp Trung Hạ Lào trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954. Lần thứ 2 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào (năm 1965). Lần thứ 3 từ ngày 1/1/1967 làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 – Bộ đội Trường Sơn hoạt động tại chiến trường Tây Trường Sơn – Nam Lào.

tin tức liên quan
test 123