Giao lưu Trường Sơn thời con gái
Tại Hội trường Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, chiều ngày 29-5-2019, Hội LHPNVN, Hội Trường Sơn Việt Nam, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam đã tổ chức giao lưu Trường Sơn thời con gái.
Trước chương trình giao lưu là chương trình văn nghệ do đội văn nghệ TNXP Hà Nội trình diễn. Những ca khúc: Tình em gửi trọn con đường, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Cô gái Pa Cô trên đường đi tải đạn... đã làm sống dậy trong các nữ chiến binh Trường Sơn phơi phới một thời con gái năm nào.
Về dự giao lưu có đồng chí Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn, các Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn: Thiếu tướng , AHLLVTND Hoàng Kiền, Thiếu tướng , AHLLVTND Nguyễn Bá Tòng, Tiến sĩ Lê Thị Phương Thảo. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 12, Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12. Đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPNVN, đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN. Hội chiến sĩ Nữ Trường Sơn Việt Nam có Tiến sĩ Lê Thị Phương Thảo và các Phó Chủ tịch. Đặc biệt có mặt gần 70 chị em từng chiến đấu trên mặt trận Trường Sơn năm nào. Cùng đại diện các Ban, Ngành chuyên môn của Hội LHPN Việt Nam, Hội Trường Sơn Việt Nam, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPNVN khai mạc giao lưu. Hội LHPNVN rất vinh dự được đón các anh hùng , các bác, các cô, các chị là đại biểu tiêu biểu đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ. 60 năm trước đây chính con đường này đã trở thành điểm hẹn lịch sử của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong đoàn quân trùng trùng, điệp điệp xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, làm nên huyền thoại Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh có gần 2 vạn nữ thanh niên tuổi đời 18- đôi mươi. Tuổi xuân của các chị đã gửi trọn trên Trường Sơn, rất nhiều chị đã anh dũng hi sinh đẻ bảo vệ non sông gấm vóc, góp phần mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, tô điểm thêm truyền thống yêu nước anh hùng của phụ nữ Việt Nam. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam vô cùng tự hào và đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ,thương binh, người có công với nước và các chị có mặt hôm nay ở đây cùng tất cả các chị đã trực tiếp chiến đấu , tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn không có mặt tại cuộc gặp mặt này về những đóng góp hi sinh to lớn của các chị. Trong buổi gặp mặt ý nghĩa này, Hội LHPNVN cùng phụ nữ cả nước nguyện sẽ phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội mong muốn và tin tưởng các cô, các chị- những tấm gương giáo dục truyền thống của thế hệ hôm nay- sẽ tích cực truyền lại tinh thần của những nữ chiến sĩ Trường Sơn cho các thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước , niềm tự hào dân tộc, góp sức hơn nũa vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Chương trình giao lưu hôm nay như một lời tri ân các bà, các cô, các chị- những nữ chiến sĩ đã đóng góp biết bao xương máu, sức lực và cả tuổi thanh xuân trên tuyến đường Trường Sơn, để sáng mãi một tinh thần bất khuất của những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Như Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên nói: Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn ' huyền thoại của huyền thoại "- có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu. Cả hội trường buổi giao lưu như lặng đi, trên nhiều khuôn mặt rơm rớm những giọt nước mắt, khi một đoạn phim chiếu về thời con gái trên Trường Sơn của các chị.
Phần giao lưu là cuộc trò chuyện của 4 nữ chiến sĩ Trường Sơn. AHLLVTND Nguyễn Thị Huấn. Phó Chủ tịch Hội Nữ Trường Sơn Việt Nam Ngô Thị Tuyết. Ủy viên TƯ Hội TNXPVN Nguyễn Thị Diệp. Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Nữ Kim Hiếu. Những ký ức về một thời tuổi trẻ, một thời Trường Sơn hào hùng , mặc dù đã qua hơn 40 năm, nhưng với các chị, những người trực tiếp sống, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, những ký ức của một thời thanh xuân gian lao mà anh dũng vẫn như còn sống mãi qua những câu chuyện kể của các chị.Chị Huấn kể về mình nặng chỉ 50 kg nhưng có chuyến cõng tới 125 kg hàng. Chị Kim Hiếu kể về mình đang mang thai vẫn quyết tâm vào Trường Sơn. Chị Diệp kể về những câu chuyện rất thật về đời sống và sinh hoạt của chị em phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Còn chị Tuyết thì lại kể những câu chuyện bữa ăn của các chiến sĩ Trường Sơn .Không ai biết rõ tên người con gái đầu tiên đặt chân tới Trường Sơn nhưng ngay từ năm 1965 trên mặt trận khốc liệt này đã có nhiều bóng hồng trong đội hình thanh niên xung phong(TNXP), dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, quân y và hậu cần.
Thiếu tướng Võ Sở , người có hơn 10 năm chiến đấu trên khắp các tuyến lửa của Trường Sơn, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đã chia sẻ nếu các nam chiến sĩ khó khăn 1 thì nữ chiến sĩ còn phải vượt qua nỗi vất vả, thiếu thốn gấp 5, gấp 10 lần và đạt được những chiến công huyền thoại mà nam giới cũng phải khâm phục.
Những lời kể của các chị cùng chân dung của gần 70 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đại diện cho gần 2 vạn nữ giới tham gia làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, một lần nữa cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường.Cái thời mà mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực vẻ đẹp của người con gái, vậy mà “vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra”
Rồi ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu. Vào chiến trường, cái chết các chị không sợ nhưng lại “sợ vắt hơn cả bom đạn. Vắt thì cứ tự chui dưới lá khô lên bám vào cắn no rồi tự lăn đi” ...Họ đã trải qua những xúc cảm cùng cực nhiều hơn cả một đời người có thể có: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường… Thực sự, không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ của những con người sống và chiến đấu dọc con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khi chiến tranh đã lùi xa, những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Cho đến hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm “Kiêu hãnh Trường Sơn”.
Được xem những thước phim tư liệu và trực tiếp nghe các bác , các cô kể bạn Nguyễn Minh Thúy, một cán bộ trẻ của Học Viện Phụ nữ Việt Nam thực sự khâm phục và tự đặt ra nhiều câu hỏi cho chính mình về trách nhiệm và cống hiến cho đất nước.
Chị Lương Thị Tuệ , Phó Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ về cuộc sống của chị em nữ chiến sĩ Trường Sơn nói chung và cá nhân chị sau khi rời khỏi chiến trường để xây dựng cuộc sống mới .Đã 15 năm nghỉ hưu, vào tuổi “thất thập” nhưng chị vẫn tham gia BCH Chi bộ phường Hà Huy Tập, làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh. Hình ảnh người phụ nữ ngược xuôi trên những chuyến xe giữa ngày đông giá rét đi khắp các miền quê trong tỉnh để vận động, thăm hỏi, trao quà tết, xây nhà tình nghĩa… cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp tư liệu lịch sử cho các nhà báo… trở nên quen thuộc. Chị thuộc hoàn cảnh từng đồng đội cũ, tên tuổi các cán bộ hội và luôn đau đáu làm gì để đời sống cựu TNXP bớt khó khăn. Có người hỏi “đi nhiều như thế có mệt không?”, chị cười: Trái lại, tôi càng đi, càng thấy vui và khỏe lên nhiều.Chị Tuệ tâm sự: “Được trở về từ cuộc chiến và có 2 con khôn lớn, trưởng thành, với tôi, đó là hạnh phúc. Nhiều đồng đội khác đã mãi yên nghỉ trong lòng đất. Những người còn sống như tôi phải tiếp tục làm việc. Còn sức, còn cống hiến. Đó cũng là lẽ thường”.