60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH – HUYỀN THOẠI MỘT CON ĐƯỜNG
Ngày đăng:
10:40 01/06/2019
Lượt xem:
2.775
Giao lưu nghệ thuật:
60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
– HUYỀN THOẠI MỘT CON ĐƯỜNG
Tối qua, ngày cuối cùng của tháng 5 lịch sử (31/5/2019), tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra giao lưu nghệ thuật mang tên “60 năm Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – huyền thoại một con đường”. Chương trình do báo Đời sống và Pháp luật thực hiện và được truyền hình trực tiếp trên kênh “Truyền hình Quốc hội” .
Nhà báo Nguyễn Quốc Huy, Phó Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật chủ trì.
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội TSVN; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Hội; Phó Chủ tịch, Thiếu tướng, AH Nguyễn Bá Tòng; Phó Chủ tịch, AH Hoàng Kiền và Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Phó Chủ tịch Hội. Nhiều cán bộ cơ quan Hội TSVN và cán bộ hội viên Trường Sơn thành phố Hà Nội đã tới dự. Dự đêm giao lưu nghệ thuật còn có các cháu học sinh, sinh viên một số trường tại Hà Nội.
Có lẽ đêm giao lưu nghệ thuật “60 năm Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – huyền thoại một con đường” là hoạt động nghệ thuật cuối cùng được tổ chức trong chuỗi hoạt động phong phú, sôi nổi và đầy ấn tượng suốt 2 tháng Tư và Năm kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn – 19/5/1959 – 19/5/2018”.
Để có được đêm giao lưu nghệ thuật này, các nhà báo của báo Đời sống và Pháp luật đã vô cùng yêu mến và đầy trách nhiệm với Trường Sơn lắm lắm. Bởi để tổ chức được đêm giao lưu nghệ thuật này là sự đầu tư công sức và tiền của thật không nhỏ.
Sân khấu của đêm giao lưu thật ấn tượng. Một màn hình lớn được đặt giữa sân khấu. Hai bên là sự tái hiện khung cảnh Chiến trường Trường Sơn với những ngọn đồi và những gốc cây trơ trọi vì bom đạn của kẻ thù. Nhìn sân khấu người xem có thể hình dung một phần về sự ác liệt của Trường Sơn trong cuộc chiến đấu 16 năm chống Mỹ, cứu nước trên Trường Sơn vĩ đại.
Các diễn viên – sinh viên trẻ đầy tài năng của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã làm sôi động khán phòng mở đầu đêm giao lưu bằng một chùm ca khúc hay nhất về Trường Sơn. Trên màn hình lớn giữa sân khấu liên tục chiếu hình ảnh chiến đấu của các lực lượng trên Trường Sơn càng làm tôn lên vẻ đẹp bi tráng về Trường Sơn qua các ca khúc. Với các cựu chiến sĩ Trường Sơn, những năm tháng hào hùng của cuộc chiến đấu ác liệt và gian khổ trên Trường Sơn như ùa về, thổn thức, khắc khoải, tự hào…
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Thiếu tướng Hoàng Kiền và Đại tá – Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe đại đội 2, Tiểu đoàn ô tô 58, Binh trạm 37, Sư đoàn 470 Trường Sơn là khách mời giao lưu đầu tiên của Chương trình. Quan lời kể của 2 vị Tướng, Anh hùng LLVT, người xem như được trở lại những năm tháng chiến đấu gian khổ và ác liệt nhất của Trường Sơn; Những ký ức không quên; hồi ức về vị Tư lệnh thông minh, sáng tạo, quả cảm tiêu biểu của Trường Sơn - Tướng Đồng Sỹ Nguyên; về những đóng góp của Hội Trường Sơn Việt Nam hôm nay trong việc giáo dục, phát huy truyền thống và hoạt động tình nghĩa Trường Sơn trong 8 năm xây dựng và phát triển Hội…
Còn chiến sĩ lái xe Trường Sơn Nguyễn Văn Mỗi ngày nào, nay là Đại tá, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Trần Hưng Đạo thì những ngày lái xe vượt trọng điểm, vượt qua bom từ trường, bom nổ chậm… dường như mới xảy ra ngày hôm qua… Qua lời kể và hồi ức ngắn của 3 cựu chiến sĩ Trường Sơn, là thông điệp gửi tới người xem về một phần của Trường Sơn huyền thoại. Ở đó những chiến sĩ trẻ bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã vượt qua sự khắc nghiệt và gian khổ tưởng như quá giới hạn mà con người có thể chịu đựng được để làm nên một Trường Sơn huyền thoại…
Sân khấu sôi động và đầy ấn tượng khi nhà báo Phùng Huy Thịnh và Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là khách mời tiếp tục của Chương trình. Các anh là 2 trong số 300 sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lên đường vào Trường Sơn tháng 9 năm 1971. Khi nói về Trường Sơn của ngày hôm qua, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm như người lên đồng. Anh đọc thơ của Phạm Tiến Duật và bình luận, nhân định về Trường Sơn đầy ấn tượng. Khán phòng nhiều lần dành cho anh những chàng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Sôi nổi và đặc biệt là khi 2 anh cùng “song đọc” bài thơ Hoàng Nhuận Cầm gửi tặng Phùng Huy Thịnh năm 1972 có tựa đề “Mùa thu gửi Thịnh”. Khi Hoàng Nhuận Cầm viết bài thơ này anh đang chiến đấu ở Trường Sơn trong một đơn vị cao xạ…
Trường Sơn – dấu án trong “Văn hóa Văn nghệ” đã sống động, ấn tượng qua trò chuyện của Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm với MC của Chương trình. Người xem rất tâm đắc với thông điệp của Hoàng Nhuận Cầm: “Trường Sơn huyền thoại và bất tử. Trường Sơn là cỏ muôn đời xanh tươi của cuộc sống chúng ta. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đừng bao giờ quên Trường Sơn và không được phép quên Trường Sơn…”
Xen giữa hai cuộc giao lưu người xem được thưởng thức những bài ca hay về Trường Sơn. Hơn 10 ca khúc về Trường Sơn đã được những giọng ca trẻ đầy nội lực trình diễn tình cảm, sôi động.
Chương trình giao lưu khép lại trong ca khúc kết hợp với vũ đạo hoành tráng: “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.
Cám ơn báo Đời sống và Pháp luật; cám ơn Truyền hình Quốc hội; cám ơn các đơn vị tài trợ đã làm nên một chương trình giao lưu đáng nhớ về “Huyền thoại một con đường”. Chương trình như một tri ân với Trường Sơn nhân kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn Anh hùng.
Thành Long
Phông chính của Đêm giao lưu nghệ thuật "Huyền thoại một con đường"
Nhà báo Nguyễn Quốc Huy, Phó Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật phát biểu khai mạc.
Các bài hát về Trường Sơn được các sinh viên trường Đại học văn hóa ngệ thuật Quân đội biểu diễn. 3 ảnh trên.
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Đại tá Nguyễn Văn Mỗi giao lưu.
Hai giọng ca trẻ biểu diễn trong đêm giao lưu. 2 ảnh trên.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm giao lưu.
Các tiết mục kết thúc đêm giao lưu đầy ấn tượng. 2 ảnh trên.
tin tức liên quan