CÙNG CHIA SẺ VỀ ĐIỀU CÒN ĐANG TRĂN TRỞ

Ngày đăng: 10:27 12/06/2019 Lượt xem: 655
CÙNG CHIA SẺ VỀ ĐIỀU CÒN ĐANG TRĂN TRỞ
                                                              CTV Hoàng Văn Kính




                                  Tác giả nguồi giữa

           Tôi được mời dự cuộc gặp mặt các BTV, CTV nhân kỉ niệm SÁU MƯƠI NĂM ngày mở Đường Trường Sơn - Ngày truyền thống bộ đội Trường-Sơn; kỉ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; kỉ niệm ngày thành lập Trang thông tin và Bản tin Trường-Sơn do Hội Trường-Sơn Việt Nam tổ chức sáng ngày 9 tháng 6 năm 2019
Lần đầu tiên từ ngày ra mắt Trang thông tin và Bản tin Trường-Sơn, đây là cuộc gặp mặt có đông đủ các BTV và CTV từ khắp mọi miền đất nước. Nhiều anh chị từ những miền đất xa xôi không quản cái nắng nóng gay gắt 39-40 độ về từ chiều hôm trước để kịp cho ngày hội tụ.
Vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của Ban tổ chức. Sự góp mặt của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, cùng đông đông đủ cán bộ các cơ quan Hội đã thể hiện sự trân trọng với đội ngũ BTV, CTV chúng tôi.
Báo cáo tóm tắt về 7 năm xây dựng và phát triển Trang thông tin điện tử Trường-Sơn và 4 năm Bản tin Trường Sơn của Tổng Biên tập, nhà văn nhà báo Phạm Thành Long đã nêu bật quá trình phát triển từ những bước đi chập chững, khó khăn ban đầu tưởng như không thể vượt qua đến nay đã trở thành Trang thông tin điện tử nổi bật, thuộc tốp đầu các báo điện tử cùng loại. Chỉ mới có 7 năm thôi, từ số ra đầu tiên đến nay đã có trên 25 triệu người truy cập. 4 năm với 23 số bản tin Trường Sơn được xuất bản. Cùng với hàng chục video clip, hàng ngàn bức ảnh được truy cập... đã phản ánh đầy đủ thành quả và sự nỗ lực hết mình của Ban biên tập, của đội ngũ BTV, CTV và nhân viên. ( Báo cáo đầy đủ đã được thể hiện trong bài viết “Gặp mặt đội ngũ Biên tập viên-Cộng tác viên của Hội trong cả nước” đã được đăng tải trên Trang thông tin điện tử ngày 9 tháng 6 năm 2019)
          Hai ấn phẩm là kênh phát ngôn và thông tin chính thức của Hội, phản ánh nhanh nhậy mọi hoạt động của Hội từ TW đến các cơ sở Hội ở mọi miền của đất nước, nó còn là tiếng nói của Hội với các cơ quan, đơn vị và xã hội.
 Sức lan tỏa đã được khẳng định.
          Cùng chia xẻ với những ý kiến tâm huyết của các đại biểu trong hội nghị, tôi có suy nghĩ:
           Đội ngũ BTV và CTV hầu hết là những người lính Trường Sơn. Các anh chị đã từng hoạt động và chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, về với đời thường dù còn trăm ngàn mối lo, nhưng vẫn đau đáu trong lòng không quên một thời hào hùng, gian khổ hy sinh đánh Mỹ trên đường Trường Sơn. Tất cả đã được thể hiện qua những tác phẩm văn, thơ, ảnh... Mỗi tác phẩm phản ánh một sự thật về cuộc chiến đấu hào hùng, sự hy sinh anh dũng, tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, trí thông minh, tình nghĩa đồng đội và lòng quả cảm của những người lính Trường Sơn năm xưa. Hàng ngàn tác phẩm đã viết, được đăng tải, mỗi tác phẩm như một nốt nhạc ngân vang trong bản trường ca bất hủ về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của cả một thế hệ đánh Mỹ cứu nước.
           Mỗi bài viết có thể “chưa đạt chuẩn” văn chương, văn phong chưa hay, câu cú còn lủng củng, còn sai ngữ pháp, lỗi chính tả ... nhưng tất cả những gì được viết ra đều chân thật, có sức nặng tái hiện lại một giai đoạn đánh giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, một sự tri ân đồng đội những người còn sống và những người đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc. Năm tháng có thể qua đi nhưng cái giá phải trả để có được một cuộc sống bình yên hôm nay thì không thể, không được phép lãng quên. Nó phải được ghi nhớ, nhắc nhở, lưu giữ và truyền lại cho hậu thế bằng những tác phẩm nghệ thuật, những câu chuyện thực được viết ra từ những người trong cuộc.
          Nhìn thấy trên mái tóc các anh, các chị BTV, CTV đều có ít nhiều sợi bạc, đuôi mắt hằn sâu nhiều nếp nhăn của tuổi tác. Rồi một ngày nào đó tất cả chúng ta những người lính Trướng Sơn năm xưa sẽ ra đi mang theo cả kí ức hào hùng của một thời đánh Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Rồi con cháu của chúng ta sẽ viết tiếp những câu chuyện đánh giặc của cha ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng những câu chuyện ấy sẽ không thể đi sâu vào góc cạnh để lột tả hết được sự thật, cái bi hùng và bản chất của những sự kiện dù cách viết có  hiện đại hơn, văn phong được chải chuốt hơn bởi chúng không phải là những người trong cuộc. Không thể trách chúng.
          Có muôn vàn câu chuyện, có muôn vàn sự thật như trong huyền thoại mà tôi tin rằng các thế hệ mai sau không thể hình dung ra; có những khoảnh khắc trong cuộc sống và chiến đấu mà chỉ những người trong cuộc mới  thấu hiểu và lí giải được. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải ghi chép lại. Vậy ngay từ hôm nay, từ bây giờ  phải nhanh tay lên kẻo muộn. Đấy là bổn phận của mỗi người lính Trường Sơn, những người một thời đã từng cầm súng, cầm vô lăng, cầm cuốc xẻng...đánh giặc cứu nước; bổn phận của mỗi BTV, CTV chúng ta. Bằng những bài viết, những thước phim, tấm ảnh... ta sẽ để lại cho mai sau một kho tư liệu quý, người thật việc thật về một con đường huyền thoại có thật, về chủ nghĩa Anh hùng của cả một thế hệ đánh Mỹ cứu nước là có thật. Để mãi mãi ghi nhớ, không ai được phép lãng quên, để không ai dù vô tình hay cố ý được phép bóp méo, xuyên tạc sự thật lịch sử.
          Những hố bom dù có sâu rộng đến mấy rồi cũng sẽ bị năm tháng khỏa lấp. Những vạt rừng dù có bị đốt cháy bởi thứ chất độc tàn bạo da-cam điô-xin rồi cũng sẽ được thiên nhiên trả lại màu xanh. Những quả bom mìn dấu tích còn lại cuối cùng của cuộc chiến tranh rồi cũng sẽ được tháo gỡ, nhưng Đường Hồ Chí Minh-con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian.
 

tin tức liên quan
test 123