Thiếu tướng Hoàng Kiền nói chuyện thời sự về chủ quyền biển. đảo và thềm lục địa Việt Nam
THIẾU TƯỚNG HOÀNG KIỀN – AHLLVTND, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI TSVN
NÓI CHUYỆN THỜI SỰ VỀ CHIẾN THẮNG TRẬN ĐẦU 5-8-1964 CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM VÀ TÌNH HÌNH BIỂN , ĐẢO, NHÀ GIÀN DK THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM
Ngày 3 /8/2019, tại Nhà Văn hóa huyện Hải Hậu, BLL Truyền thống CỰU CHIẾN BINH HẢI QUÂN huyện Hải Hậu và HỘI TTTS huyện Hải Hậu, đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm đánh thắng trận đầu của HQNDVN ( 5/8/1964). Thiếu tướng Hoàng Kiền – Phó Chủ tịch Hội TSVN, nguyên Tư lệnh BCCB, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 CBHQ, đã dự hội nghị và nói chuyên thời sự về “ Chiến thắng trận đầu (5-8-1964) của HQNDVN; tình hình biển, đảo, nhà giàn DK và quan hệ Việt Nam Trung Quốc”.
Ngày 4/8/2019, tại khách sạn WHITE HOTEL thành phố Hà Tĩnh tỉnh Hà Tĩnh, BLL Truyền thống CỰU CHIẾN BINH CÔNG BINH HẢI QUÂN KHU VỰC NGHỆ TĨNH, đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm đánh thắng trận đầu của HQNDVN ( 5/8/1964). Thiếu tướng Hoàng Kiền – Phó Chủ tịch Hội TSVN, nguyên Tư lệnh BCCB, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 CBHQ, đã nói chuyện thời sự về: “ Tình hình xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quan hệ Việt Nam Trung Quốc”.
Ngày 5/8/2019, tại hội trường UBND huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, BLL Truyền thống CỰU CHIẾN BINH HẢI QUÂN HUYỆN THANH LIÊM và Hội TTTS HUYỆN THANH LIÊM , đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm đánh thắng trận đầu của HQNDVN ( 5/8/1964). Thiếu tướng Hoàng Kiền – Phó Chủ tịch Hội TSVN, nguyên Tư lệnh BCCB, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 CBHQ, đã dự hội nghị và nói chuyên thời sự về: “Tình hình biển, đảo, nhà giàn DK và quan hệ Việt Nam Trung Quốc”.
PHẦN A
MÃI MÃI TỰ HÀO VỀ HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU
Thành lập sau hoà binh vào ngày 7/5/1955, với vũ khí trang bị có hạn, lực lượng còn non trẻ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đánh thắng trận đầu với hải quân, không quân hiện đại của Hoa Kỳ, tên đế quốc đầu sỏ trên thế giới. Chiến thắng trận đầu đã tạo niềm tin cho quân và dân miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Rất nhiều hoạt động kỉ niệm 55 năm đánh thắng trận đầu do các BLL đồng đội Hải quân tổ chức diễn ra khắp mọi miền đất nước. Ngày 3 / 8 tôi dự gặp mặt kỷ niệm tại Hải Hậu - Nam Định. Tối 3 / 8 vào Thanh Hoá, đến thăm Đại tá - Nguyễn Văn Vũ - Trưởng ban liên lạc đồng đội Hải quân Thanh Hoá, anh thông báo sáng 4/8 BLL sẽ tổ chức dâng hương thả hoa đăng tưởng niệm 54 chiến sĩ Hải quân hi sinh tại Lạch Trường trong hai ngày mồng 2 và mồng 5 tháng 8 năm 1964.
Sáng 4/8 dự gặp mặt kỉ niệm của BLL công binh Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh tại thành phố Hà Tĩnh.
Ngày 5 / 8 đã nhận được giấy mời dự lễ kỉ niệm tại Thanh Liêm - Hà Nam, cố gắng ra dự. Rất vui và tự hào, xin viết đôi lời.
SỰ KIỆN VỊNH BẮC BỘ
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ được cho là hai cuộc tấn công của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công đã xảy ra vào các ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8 năm 1964 ở vịnh Bắc Bộ. Cuộc tấn công đầu được cả hai bên xác nhận, nhưng cuộc tấn công sau đã được khẳng định là không có thật mà chỉ là sự nhầm lẫn của sĩ quan hoa tiêu Hoa Kỳ, nhưng nó lại trở thành cái cớ để Hoa Kỳ mở màn chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Thực chất, Sự kiện Vịnh Bắc Bộ được Hoa Kỳ dựng lên làm một cái cớ để ném bom miền Bắc Việt Nam. Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cố tình dịch sai các tài liệu tình báo, đồng thời che giấu việc tàu chiến Mỹ đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam để tổng thống Mỹ có cớ vận động quốc hội Mỹ ra nghị quyết ném bom miền Bắc Việt Nam
Vào đầu những năm 1960, chiến lược chiến tranh đặc biệt mà Đế quốc Mỹ áp dụng ở miền Nam Việt Nam đều bị phá sản. Tổng thống Mỹ và Hội đồng an ninh quốc gia đã họp và quyết định chủ trương chiến lược mới: "Gây sức ép tối đa và liên tục bằng cách đưa quân đội vào để Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam; khẩn trương chuẩn bị đưa chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân ra miền Bắc Việt Nam". Việc tấn công miền Bắc Việt Nam và đường Trường Sơn còn nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho nhân dân miền Nam.
Để thực hiện kế hoạch đó, Chính quyền Johnson phải ngụy tạo ra một cái cớ để dọn đường dư luận và kêu gọi sự đồng thuận của lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Hoạt động triển khai máy bay vi phạm không phận và tàu chiến vi phạm hải phận của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hai mục đích trực tiếp là do thám hệ thống phòng thủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khiêu khích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản kích, Hoa Kỳ sẽ tuyên truyền và bóp méo sự thật thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công Hoa Kỳ. Từ đó, Hoa Kỳ sẽ leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là các mục đích chiến lược bao gồm: tạo cớ tấn công miền Bắc Việt Nam và phá hủy tuyến được tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam, đàn áp phong trào Đồng khởi tại miền Nam, cảnh cáo khối Xã hội Chủ nghĩa đang viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm lung lạc ý chí phản kháng của nhân dân Việt Nam, phá hoại kinh tế và đời sống xã hội tại miền Bắc Việt Nam.
Ngay từ đêm 30 rạng 31-7-1964, đúng vào thời điểm các tàu biệt kích Hải quân Việt Nam Cộng hòa bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An) để khiêu khích. Sáng ngày 1-8, khu trục Maddox (mang số hiệu 731) tiến vào khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư rồi vòng quay trở lại tiến lên phía bắc để khiêu khích. Vào 21 giờ 22, ngày 1-8, phân đội tàu phóng lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam (gồm 3 chiếc) đã rời căn cứ tiến đến vùng biển Thanh Hóa để ngênh chiến. Hải quân Hoa Kỳ ghi nhận 6 tàu chiến Swift - một loại tàu ngư lôi sử dụng trong các nhiệm vụ bí mật - của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã tấn công các đảo Hòn Mê và Hòn Ngư ở Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, phía Việt Nam Cộng hòa đã không thể đổ bộ lên đảo. Phía Hoa Kỳ đã thừa nhận tàu khu trục USS Maddox tham gia chỉ huy vụ tấn công của các tàu chiến Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 2 tháng 8, năm 1964, tàu khu trục USS Maddox, trong khi thực hiện một cuộc tuần tra thông tin tình báo tín hiệu như là một phần của chiến dịch DeSoto, đã đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam (gồm tàu 333, 336 và 339) thuộc Đoàn tàu phóng ngư lôi 135 do Phân đội trưởng Nguyễn Văn Bột chỉ huy. Một trận hải chiến xảy ra, trong đó Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng bốn máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi. Một máy bay Mỹ đã bị hư hỏng, tàu khu trục bị một vết đạn 14,5 mm. Ba tàu ngư lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam bị hư hỏng, bốn thủy thủ thiệt mạng và sáu người bị thương, phía Mỹ không có thương vong về người.
Thực tế tàu khu trục USS Maddox đã xâm phạm lãnh hải của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại khu vực Hòn Mê và Lạch Trường vào lúc 14 giờ 52 ngày 2-8. Cụ thể, ngày 02-08, tàu khu trục USS Maddox chỉ cách bờ biển Thanh Hóa 06 hải lý, nằm trong lãnh hải của Việt Nam.
Phía Hải quân nhân dân Việt Nam thông báo chỉ có hai tàu 333 và 336 bị hư hại một số thiết bị trên boong nhưng vẫn có thể chiến đấu tiếp. Hai tàu 333 và 336 tiếp tục đánh trả máy bay Hoa Kỳ, bắn rơi 1 chiếc, bắn hư hại 1 chiếc khác.
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ hai đã được tuyên bố bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, xảy ra vào ngày 4 tháng 8 năm 1964, như là một trận hải chiến. Nhưng thực sự không có tàu ngư lôi của miền Bắc tấn công, thay vào đó chúng có thể là "Tonkin Ghosts" ("Những bóng ma vịnh Bắc Bộ", tức là các tín hiệu radar lỗi).
Năm 1995 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã công nhận trận đánh ngày 2 tháng 8 là có thật, nhưng ông phủ nhận sự tồn tại của vụ tấn công ngày 4 tháng 8. Ông tin rằng hôm đó tàu chiến Mỹ đã cố ý khiêu khích một cuộc tấn công để tổng thống Johnson có cớ để leo thang chiến tranh.
Trong một cuốn băng thu âm được giải mật năm 2001, tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa hề xảy ra.
Các nghiên cứu sau này, trong đó có một báo cáo năm 2005 của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định cuộc tấn công thứ hai đã không xảy ra. Báo cáo này cũng đã cố gắng xua đi giả thuyết từ lâu rằng các thành viên của nội các tổng thống Lyndon B. Johnson đã cố tình nói dối về bản chất của sự kiện này.
Đầu tháng 1 năm 2008, Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS) cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giải mật bản báo cáo Spartans in Darkness, trong đó khẳng định Hải quân Nhân dân Việt Nam không hề tấn công tàu chiến Hoa Kỳ trong đêm 4 tháng 8 năm 1964.
Để dọn đường dư luận và kêu gọi sự ủng hộ của lưỡng viện Quốc hội, Hoa Kỳ, Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã để cho Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cố tình dịch sai các bản dịch các tài liệu tình báo từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Hơn nữa, báo cáo không đề cập tới cuộc giao chiến ngày 02-08 (Hoa Kỳ xâm phạm hải phận Việt Nam) mà chỉ đề cập tới cuộc giao chiến "trong tưởng tượng" ngày 04-08
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, ngay sau sự kiện thứ 2, Hải quân Mỹ trả đũa bằng chiến dịch Mũi Tên Xuyên ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, chiến dịch này đã mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá trong 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam.
Ngày 7 tháng 8 năm 1964, sau 3 ngày diễn ra sự kiện thứ 2, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á ( còn được gọi với cái tên Nghị quyết vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào mà chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa bởi "sự hiếu chiến của cộng sản". Nghị quyết này đã trở thành sự biện minh cho cuộc tiến công phá hoại miền Bắc Việt Nam.
DIỄN BIẾN CỤ THỂ NGÀY 5 / 8 /1964
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng tối đa lực lượng máy bay ở hai biên đội tàu sân bay Con-xten-lây-sơn và Ti-con-đê-rô-ga gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch gây chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta mà chúng đã vạch sẵn từ trước.
Tại vùng biển Cửa Hội và TP.Vinh, lúc 12 giờ 20 phút ngày 5-8, một tốp máy bay địch loại F8U, AD4, AD6 lao vào ném bom, bắn phá khu vực Sở Dầu thuộc TP.Vinh và căn cứ hải quân ở Cửa Hội. Các tàu của Phân đội 7 và Phân đội 5 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với lực lượng phòng không ở khu vực đánh trả máy bay địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Các tàu của hải quân vừa cơ động tránh bom đạn của địch vừa tập trung hỏa lực ken lưới lửa giáng trả máy bay Mỹ. Trong trận chiến đấu này, các lực lượng vũ trang đã bắn cháy 2 máy bay Mỹ, trong đó tàu T187 của Khu tuần phòng 2 đã bắn cháy 1 chiếc rơi xuống biển đông nam Hòn Mát 2km.
Tại Cửa Roòn và cảng Gianh, lúc 12 giờ 30 phút, 8 chiếc máy bay địch bay từ phía biển vào đèo Ngang chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống bắn tàu đo đạc 527 của hải quân đang làm nhiệm vụ ở Cửa Roòn, một tốp khác vòng theo dãy Trường Sơn lên thượng nguồn sông Gianh rồi lao xuống bắn phá cảng Gianh. Tàu đo đạc 527 và các tàu T181. T183 (Phân đội 7); T173, T175, T177 (Phân đội 6) thuộc Khu tuần phòng 2 đã kịp thời chặt xích neo, nhanh chóng cơ động chiến đấu, phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội ta đã bắn rơi 1 máy bay xuống biển phía đông nam Cửa Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác.
Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy lúc 14 giờ 40 phút, một tốp 8 chiếc máy bay từ hướng biển Long Châu lao vào ném bom, bắn rốc két tấn công các tàu của hải quân ta đang neo đậu ở Cửa Lục. Các tàu đã vừa chiến đấu vừa cơ động ra vịnh Hạ Long để lợi dụng sự che chắn của các núi đá làm mất tác dụng đánh phá của địch. Các tàu T144, T134, T122, T124 và tàu 225 săn ngầm thuộc Khu tuần phòng 1 và căn cứ Hải quân Bãi Cháy đã phối hợp với Tiểu đoàn Phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an địa phương bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái, trung úy An-vơ-rét.
Tại vùng biển Lạch Trường 2 tàu phóng lôi 333, 336 cùng các tàu tuần tiễu T130, T132, T146 ở khu trú đậu được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Lúc 14 giờ 45 phút, 4 máy bay AD6 lao từ hướng đông bắc vào bắn phá hai tàu T130 và T132. Tiếp đó chúng tập trung 8 chiếc AD4 đánh các tàu 333, 336 và T146. Các tàu đã phối hợp nổ súng kịp thời đánh trả máy bay địch, bắn rơi 2 máy bay và bắn bị thương 2 chiếc khác.
Lúc 16 giờ 18 phút, địch cho 11 chiếc máy bay F8U lao vào bắn phá cảng Gianh lần thứ hai. 6 chiếc lao xuống công kích tàu T175 ở Hòn La; 5 chiếc khác lao vào đánh phá cảng Gianh. Các tàu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy 1 chiếc máy bay địch. Ở Hòn La, cán bộ, chiến sĩ tàu 175 chiến đấu, đánh trả 6 máy bay địch rất dũng cảm. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước tràn vào khoang, một số đồng chí hy sinh. Thuyền trưởng bị thương nặng, nhưng tất cả vẫn kiên cường bám vị trí, vừa chiến đấu vừa cứu chữa tàu, điều khiển cơ động tàu vào được bờ kịp thời. Lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày, địch tiếp tục cho 8 chiếc máy bay khác lao vào đánh phá các trận địa pháo bảo vệ cảng Nghi Phúc và TP.Vinh. Các tàu của hải quân đã phối hợp đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rời khỏi khu vực.
Cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân địa phương, bộ đội hải quân đã chiến đấu anh dũng đánh trả không quân và hải quân của Mỹ ngày 2 và ngày 5-8-1964. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ngay trận đầu, ta đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường đánh trả, bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác; gây cho bọn đầu sỏ đế quốc Mỹ bị bất ngờ bởi đã bị tổn thất lớn.
Bị tổn thất lớn ngay trong trận đầu của kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược nhưng những người cầm quyền ở Mỹ lúc đó vẫn lấy làm đắc ý vì họ đã kiếm cớ để khởi sự cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Và dĩ nhiên, việc “trừng phạt” lực lượng tàu bé nhỏ của hải quân Bắc Việt Nam trong một trận không được, chúng tiếp tục “trừng phạt” cả miền Bắc Việt Nam. Từ đó, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã dần leo tới nấc thang tột đỉnh của tội ác và cuối cùng đã chuốc lấy thất bại nhục nhã, quân dân ta đánh bại hoàn toàn uy thế của không lực Hoa Kỳ bằng chiến thắng lịch sử “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội.
NÊU CAO VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG CỦA DÂN TỘC ĐỂ ĐÁNH MỸ VÀ THẮNG MỸ
Cùng với thành tích đánh đuổi tàu khu trục Ma Đốc ngày 2-8, chiến thắng ngày 5-8-1964 trở thành chiến công đầu tiên tiêu biểu, mở đầu trang sử anh hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Với chiến công vẻ vang ngày 2 và ngày 5-8 -1964, bộ đội hải quân đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, 5 Huân chương Quân công hạng ba, 142 Huân chương Chiến công các hạng cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc. Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng tuổi trẻ Hải quân 20 lá cờ “Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang”.
Ngày 7-8-1964, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ tuyên dương công trạng bộ đội hải quân và phòng không - không quân, Bác Hồ đến dự và khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay của Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc… Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt…”. Ngày 5-8-1965, nhân dịp kỷ niệm 1 năm “Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu”, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi bộ đội hải quân. Bức thư có đoạn viết: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, đánh rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến của Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta…”.
Trực tiếp theo dõi trận chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ của hải quân ta tại vùng biển, vùng trời Bãi Cháy (Quảng Ninh) chiều ngày 5-8-1964, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đã biểu dương chiến công của hải quân: “Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của hải quân ta. Chiến thắng này của các đồng chí có ý nghĩa to lớn lắm. Tôi sẽ báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ những điều tai nghe, mắt thấy về tinh thần anh dũng tuyệt với của các đồng chí…”.
Ngày 2 và ngày 5-8-1964 từ đó trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, đầy tự hào trong lịch sử của Quân chủng Hải quân và lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; trở thành “Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu” của quân, dân miền Bắc nói chung và Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng trong chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân của đế quốc Mỹ xâm lược.
RÚT RA
Tất cả những kẻ xâm lược đều muốn tạo cớ do Việt Nam tấn công trước để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Hãy luôn cảnh giác, tránh mắc mưu địch, đặc biệt là trên biển hiện nay.
PHẦN B - THỀM LỤC ĐỊA VÀ NHÀ GIÀN DK1
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc có 3 tầu hải cảnh hộ tống vi phạm vùng biển bãi cạn Tư Chính suốt tháng qua nay đã rút. Đây là một sự việc được rất nhiều người trong và ngoài nước quan tâm và có những ý kiến khác nhau. Tôi có thời gian công tác ở Hải quân gần 16 năm, gần 10 năm gắn bó với Trường Sa, năm nào cũng thăm các nhà giàn DK1. Về BTL công binh 10 tham gia chỉ đạo một số mặt liên quan đến các nhà giàn DK1. Qua trao đổi ý kiến với Đại tá Nguyễn Quý, Đại tá - PGS. TS Phạm Ngọc Nam, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu là Trưởng ban DK1 qua các thời kỳ : xây dựng, gia cố, xây dựng mới để viết nên một số vấn đề cơ bản về DK1.
PHẦN I: ĐÓNG GIỮ KHU VỰC THỀM LỤC ĐỊA PHÍA NAM BIỂN ĐỘNG - DK1
QUYẾT ĐỊNH ĐÓNG GIỮ KHU VỰC CÁC BÃI CẠN THỀM LỤC ĐỊA NAM BIỂN ĐÔNG THỂ HIỆN TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ SÁNG SUỐT, QUYẾT TÂM RẤT CAO CỦA LÃNH ĐẠO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA
Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đưa tàu thăm dò của họ xuất hiện sâu xuống phía nam vùng thềm lục địa của Việt Nam. Với tầm nhìn mưu lược, Đô đốc Giáp Văn Cương báo cáo đề xuất, được sự chỉ đạo của cấp trên, ông đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 cử biên đội tầu HQ 713 và HQ 668 do trung tá Phạm Hoa - Lữ đoàn trưởng chỉ huy, khảo sát đo đạc khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta trên khu vực 6 bãi đá ngầm san hô. Phía là Phúc Tần (160km2),Huyền Trân (40km2), phía Đông Nam là Ba Kè (1.000km2), phía Tây Nam là Tư Chính (700km2), nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên (300km2) và Quế Đường (90km2). Đây là những bãi cạn san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9- 25 mét, trong phạm vi rộng khoảng 80.000km2, cách đất liền từ 250 đến 300 hải lý. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh -Quốc phòng, là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, là tiền đồn phía Nam Trường Sa và nó án ngữ trên đường hàng hải Quốc tế qua biển Đông.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng đã báo cáo , Bộ Chính trị họp bàn và quyết định, ngày 17/10/1988 Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký QĐ số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi " Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học - Kỹ thuật trên thềm lục địa Nam Biển Đông" ( gọi tắt là công trình DK1). Ngày 05/7/1989 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Thủ tướng CP) ra Chỉ thị số 180/CT thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do Phó chủ tịch HĐBT Trần Đức Lương làm Trưởng ban, phó ban là Thượng tướng Đào Đình Luyện Tổng Tham Mưu Trưởng QĐNDVN - Thứ trưởng BQP, và các đ/c đại diện một số Bộ là Uỷ viên. Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân là uỷ viên Ban chỉ đạo.Quyết định của Chính phủ ngày 16/1/1989 yêu cầu ..." Khẩn trương, bí mật, khoán gọn, vừa thiết kế vừa thi công, vừa là hợp đồng kinh tế, vừa là lệnh của Nhà nước phải hoàn thành hợp đồng với bất cứ giá nào, hoàn thành tốt sẽ được khen thưởng thích đáng.. Xây dựng xong trong Quý 3/1989 ở Tư chính ( DK1/1), ở Phúc Tần ( DK1/3) và Ba Kè ( DK1/4), quý 3/1990 là DK1...
Trong thực tế triển khai cũng có những vấn đề cần điều chỉnh, đây là nhiệm vụ rất hệ trọng cần phải thay đổi cơ chế phù hợp, Chủ tịch HĐBT quyết định giao cho Bộ QP chức năng quản lý Nhà nước ( bên A) đối với công trình DK1 theo QĐ 363/CT ngày 18/12/1989...Ngày 26/2/1990 theo điện triệu tập Thiếu tướng Nguyễn Hữu Yên - Tư lệnh Công binh và Đại tá Nguyễn Quý - Cục trưởng cục kỹ thuật vật tư trang bị thuộc BTL Công binh lên Bộ họp...Nhiều ý kiến bàn đi tính lại cuối cùng toàn thể hội nghị thống nhất tín nhiệm và Thủ trưởng BQP quyết định - Giao BTL Công binh là Chủ đầu tư công trình DK1, ngày 26/2/1990 Bộ Quốc phòng ra quyết định số 60/QĐ-QP thành lập Ban Xây dựng công trình DK1 và bổ nhiệm:
Đại tá Nguyễn Quý- Cục trưởng Cục KTVTTB-Binh chủng Công binh làm Trưởng ban.
Phó ban thường trực: Đại tá Vũ Quý Khôi-Phó Viện trưởng Viện KTCB. Phó ban: Đại tá Lê Văn Chừng-Trưởng phòng Quân chủng thuộc Cục tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu và Trung tá Phan Năng Giả- Trưởng phòng Công Binh - BTL Hải quân.Cả 4 chức danh này đều vẫn là kiêm nhiệm.
Tư lệnh Công Binh quyết định Thiếu tá Nguyễn Thành Định làm Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính , Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh làm Trưởng phòng Kỹ thuật.Đồng thời Chính Phủ quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước do Giáo sư Đặng Hữu- Chủ nhiệm Uỷ ban KHKT Nhà nước ( sau là Bộ KHCN) làm Chủ tịch. Bắt đầu từ đây việc thiết kế, dự toán, sản xuất trên bờ, thi công trên biển, nghiệm thu, thanh quyết toán đều phải thông qua Hội đồng 3 cấp : cấp cơ sở (BTL Công Binh) - cấp Bộ Quốc phòng và cấp Nhà nước rất chặt chẽ.
Khi thi công trên biển Nhà nước ra quyết định cử Đại tá Nguyễn Quý là Tổng chỉ huy .
PGS - Tiến sĩ Phạm Ngọc Nam - Trưởng phòng của Viện kỹ thuật Công binh làm chủ nhiệm đồ án thiết kế. Huy động lực lượng các nhà khoa học hàng đầu về công trình biển tham gia thiết kế và thẩm định.
Các nhà máy X49 và Z756 thuộc Bộ tư lệnh Công binh thi công phần thượng tầng trong bờ tại Vũng Tàu, về đóng cọc thép dài 60 mét, đường kính 72 cm, dày 8 mm sâu vào nền san hô 20 mét và cẩu lắp phần thượng tầng trên biển hợp đồng với Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô thực hiện. Có một số đơn vị khác tham gia thi công các phần phụ trợ.
Toàn bộ các công việc được triển khai rất chặt chẽ, tuyệt đối bí mật, khẩn trương, tận dụng thời cơ thời tiết thuận lợi trên biển để thi công
Tổng số đã xây dựng 19 công trình trên 6 bãi cạn từ năm 1989 đến năm 1998, mỗi cụm có một nhà trung tâm lớn hơn, ở được tối da 35 người, các nhà khác nhỏ hơn, ở được tối đa 20 người.
Hệ thống công trình nhà giàn DK1 được xây dựng trên 6 bãi cạn khu vực thềm lục địa phía nam của nước ta trên Biển Đông, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng suốt và quyết tâm rất cao của lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam trong khảng định chủ quyền và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông theo công ước quốc tế năm 1982 về luật biển.
Đã huy động cao nhất các nhà khoa học về công trình biển, tham gia thiết kế, thẩm định, nghiệm thu đánh giá. Huy động các đơn vị trong và ngoài quân đội sản xuất gia công các hạng mục trên bờ, thi công trên biển với phương pháp đóng cọc thép trên nền san hô chưa có tiền lệ trên thế giới thành công, an toàn mọi mặt, cũng thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông rất cao của các lực lương được tham gia thực hiện nhiệm vụ.
PHẦN II: KIÊN TRÌ, QUYẾT TÂM BẢO VỆ CHỦ QUYỀN KHU VỰC THỀM LỤC ĐỊA TRÊN BIỂN ĐÔNGQUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG, KHẮC PHỤC SỰ CỐ
Cùng với quá trình xây dựng, lực lượng đóng giữ trên hệ thống nhà giàn DK1 cũng được hình thành và phát triển, Tiểu đoàn nhà giàn DK1 thuộc Lữ đoàn Hải quân 171 được thành lâp để quản lý hệ thống nhà giàn. Hệ thống nhà giàn DK1 đã phát huy vai trò đúng như tên gọi của nó, còn là chỗ dựa cho ngư dân hoạt động trên biển, là công trình khảng định và bảo vệ chủ quyền vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Quá trình đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố. Có hai nhà giàn kết cấu đặt trên pông-tông đánh chìm, sau đó chuyển cả sang đóng cọc hết, nhưng những công trình xây dựng giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm nên chưa ổn đinh vững chắc trước bão tố.
Tháng 12 năm 1990, một cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK 1/3. Nhà giàn K1/6 bị tàu nước ngoài đâm vào đến 13/12/1998 thì đổ. DK 1/ 5 bị bão lớn đánh đổ vào 23/12/1999. Hai chiếc DK1/1 và DK 1 / 4 xây dựng sớm, khi gần hết thời hạn sử dụng ( thời hạn 20 năm ) và độ ổn định không cao, ta không tiến hành bảo quản nên không chốt giữ nữa.
DK1 /4 tự đổ vào năm 2007.
DK1 / 1 tự đổ vào năm 2009.
Tổng số đã có 2 nhà dàn bị đổ do bão là 6 cán bộ chiến sĩ hi sinh, 1 nhà dàn bị tầu đâm vào làm đổ, 2 nhà dàn quá thời hạn sử dụng và bị rung lắc không sử dụng và đã đổ. Tổng số có 5/19 nhà dàn bị loại, còn 14 chiếc vẫn sử dụng tiếp.
Trước tình hình như vậy, rất nhiều cuộc hội thảo được tiến hành, tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Kế hoạch triển khai, thiết kế, tiến hành gia cố các nhà dàn DK1 được triển khai từ năm 2000 đến năm 2009 hoàn thành. Giai đoạn này do đồng chí PGS - Tiến sỹ Phạm Ngọc Nam làm Trưởng ban quản lý dự án, tiếp theo là Đại tá kỹ sư Nguyễn Bá Hiểu thay thế.
Hai phương án thiết kế gia cố được đưa ra đồng thời.
Phương án trọng lực : mỗi chân đế được gia cố 400 tấn bê tông, tổng số 1600 tấn, kết quả thi công xong có giảm độ rung lắc nhưng vẫn còn lớn. Sau đó phải chuyển sang phương án mở rộng chân đế.
Phương án mở rộng chân đế: làm thêm 4 chân phụ, mỗi chân có 2 nhánh liên kết vào cột chính. Mỗi nhánh đổ thêm 125 tấn bê tông, tổng cộng 1000 tấn bê tông, đã giải quyết được cơ bản vấn đề rung lắc khi sóng lớn, nhưng khi bão lớn vẫn còn rung lắc khá mạnh. Lữ đoàn 171 phải đưa tàu ra sơ tán bộ đội trên một số nhà giàn mỗi khi sắp có bão lớn tràn qua, vô cùng khó khăn nguy hiểm.
+ Bằng nhiều biện pháp đã gia cố, sửa chửa, duy tu bảo quản, quản lý, phát huy hiệu quả của hệ thống nhà giàn trên thềm lục địa Nam Biển Đông của nước ta.
VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Đã có hai hội nghị khoa học cấp Bộ quốc phòng diễn ra.
+ Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2002 tổ chức tại Bộ tư lệnh Công binh, do Trung tướng - GS. TSKH Nguyễn Hoa Thịnh - Giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật - Công nghệ quân sự của BQP và Thiếu tướng kỹ sư Trương Quang Khánh - Tư lệnh Công Binh đồng chủ trì.
Hội nghị đã tập trung đánh giá các mặt từ thiết kế, thi công, nghiệm thu những nguyên nhân gây rung lắc và đổ công trình. Nhiều vấn đề được rút ra, trong đó có nguyên nhân cơ bản làm công trình bị rung lắc mạnh và nghiêng, đổ.
Các số liệu cung cấp về chiều cao sóng biển tối đa để thiết kế chưa phù hợp thực tế, hiện nay do biến đổi khí hậu nên chiều cao sóng lớn hơn so với số liệu đã quan trắc trước đây.
Các công trình xây dựng bằng kết cấu thép, đóng cọc trên nền san hô . Việc đóng cọc trên nền san hô cũng chưa có tiền lệ trên thế giới, do tác động của sóng gió, làm lay cột và tạo khe hở giữa cột với nền san hô, mất ma sát giữa cột thép với nền san hô là một nguyên nhân gây rung lắc mạnh và khi sóng to dội vào đáy nâng công trình lên gây đổ nhà giàn.Từ đó đề xuất việc gia cố chống rung lắc cho 14 công trình như đã triển khai.
Hội nghị lần thứ hai vào năm 2005 cũng tại Bộ tư lệnh Công binh. Là một trong 10 hội nghị khoa học lớn trong năm của Bộ quốc phòng, do Trung tướng GS. TSKH Nguyễn Hoa Thịnh - Giám đốc trung tâm khoa học kỹ thuật - Công nghệ quân sự Bộ quốc phòng, Đại tá kỹ sư Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh, GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn Phó giám đốc Viện khoa học công nghệ Việt Nam đồng chủ trì.
Hội nghị tổng kết toàn diện quá trình thiết kế, thi công, gia cố các công trình DK1.
Các công trình đóng trên nền san hô còn lại bị rung lắc mạnh, đã gia cố bảo đảm độ ổn định, tuy vậy vẫn còn rung lắc khi bão lớn. Qua hội nghị đề xuất cho việc sửa chữa tiếp theo. Rút ra những vấn đề khoa học cho công tác xây dựng công trình biển trên nền san hô. Đề xuất phương hướng cho việc xây dựng các công trình trong tương lai.Sau hội nghị khoa học năm 2005, Bộ chỉ đạo sớm hoàn thành gia cố các công trình DK1, Ban quản lý dự án DK1 kết thúc nhiệm vụ. Việc duy tu bảo dưỡng giao về cho BTL Hải quân giải quyết, giải tán Ban quản lý DK1 thuộc BTL Công binh. BTL công binh đã đề nghị giữ BQLDA DK1 lại để làm các dự án trong nội bộ binh chủng, đồng thời dự kiến đón đầu nhiệm vụ xây dựng trong giai đoạn mới.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG NHÀ GIÀN DK1 GIAI ĐOẠN MỚI
Do các công trình đều bằng kết cấu thép, đến năm 2010 bắt đầu hết tuổi thọ, đã có các biện pháp duy tu bảo dưỡng chống ăn mòn kim loại nhưng vẫn phải tính đến phương án làm mới với qui mô phù hợp thực tế hơn.
Theo đề xuất của BTL Công binh, năm 2006, được sự chỉ đạo của Đại tướng Phạm Văn Trà - BT/BQP, Thượng tướng Phan Trung Kiên - Thứ trưởng / BQP phụ trách nhiệm vụ Biển Đông - Hải Đảo của Bộ quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho BTL Công binh nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng mới Tổ công tác gồm: Thiếu tướng Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh chủ trì,
Đại tá - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Hợi - Chủ nhiệm Khoa công trình quân sự - Học viện kỹ thuật quân sự, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu - Trưởng ban quản lý dự án DK1 cùng tham gia.
Tổ công tác vào Vũng Tàu làm việc với Xí nghiệp Việt Xô Petro tìm hiểu, sau đó bay ra dàn khoan dầu khí quan sát nghiên cứu thực tế các công trình dàn khoan dầu khí trên biển, đã lập phương án đề xuất mô hình nhà giàn DK1 mới với qui mô phù hợp, báo cáo BQP. Chính phủ chỉ đạo xây dựng các nhà dàn DK1 mới với quy mô lớn hơn, độ bền vững ổn định lâu dài hơn như phương án đã báo cáo, có cầu nối giữa nhà dàn DK1 mới với nhà dàn DK1 cũ. Toàn bộ công tác khảo sát thiết kế, thi công giao cho Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô làm tổng thầu.Ban quản lý dự án DK1 do Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, tiếp theo là Đại tá Trần Anh Tuấn làm giám đốc tiếp tục thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án. Hội đồng nghiệm thu 3 cấp thực hiện nghiệm thu chặt chẽ. Từ 2010 đến 2017 hoàn thành cả 14 công trình, về trước kế hoạch 3 năm.Đã xây dựng 14 nhà giàn DK1 mới bên cạnh 14 nhà giàn cũ và có cầu nối giữ 2 nhà để tăng thêm độ ổn định và diện tích sử dựng, tiếp tục khảng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc về nghiên cứu khoa học, nhóm tác giả tham gia thiết kế, thi công đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2012.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong quản lý, xây dựng các công trình DK1 trong điều kiện vô cùng khó khăn nguy hiểm trên biển, Ban quản lý dự án DK1/BTL Công binh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014.
TIỂU ĐOÀN DK1
Để mỗi nhà giàn là thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi đất nước, 30 năm qua, có 10 liệt sĩ đã nằm lại biển Đông, trong đó có 7 liệt sĩ nhà giàn DK1. Người ra đi gần đây nhất (cách nay gần 5 năm) là đồng chí Dương Văn Bắc, công tác tại nhà giàn DK1/11 Tư Chính. Vợ đồng chí Bắc đã được Quân chủng Hải quân quan tâm tuyển vào làm công nhân viên quốc phòng Chi đội Kiểm ngư số 2 (đóng tại TP. Vũng Tàu).
Các chiến sĩ ngã xuống cho nhà giàn bất tử. Mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhánh san hô nằm tận biển sâu.
Trải qua gần 30 năm xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, những chiến công, thành tích xuất sắc của Tiểu đoàn DK1 theo năm tháng đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: Đoàn kết hiệp đồng/ Khắc phục khó khăn/ Kiên trì cảnh giác Giữ vững chủ quyền.Tiểu đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
RÚT RA :
Hệ thống nhà giàn DK1 mãi mãi là những Trạm dịch vụ kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật, là những công trình khảng định và giữ vững chủ quyền của Việt Nam. Xây dựng, gia cố, phát triển mới hệ thống nhà giàn DK1 hiện sự tầm nhìn chiến lược, sự sáng suốt, kiên trì và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quân và Dân ta trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam Biển Đông.
Khu vực DK1 là thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp. Chúng ta bằng các biện pháp đấu tranh ngoại giao, sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển để bảo vệ chủ quyền của mình.
Lực lượng vũ trang luôn cảnh giác sẵn sàng đánh bại các hành động xâm chiếm nhà dàn nếu đối phương liều lĩnh gây ra.
Bài, ảnh Quốc Huy - BTV Trang điện tử và Bản tin Trường Sơn.
Toàn cảnh hội trường nhà văn hóa huyện Hải Hậu nơi diễn ra lễ kỷ niệm.
Thiếu tướng Hoàng Kiền - AHLLVTND nói chuyện về chiến thắng trận đầu ... và tặng tài liệu về Biển đảo tại hội nghị CCBHQ huyện Hải Hậu.
Toàn cảnh hội nghị CCB CB HẢI QUÂN khu vực Nghệ Tĩnh.
Thiếu tướng Hoàng Kiền và phu nhân dự hội nghị tại Hà Tĩnh.
Thiếu tướng Hoàng Kiền nói chuyện thời sự về biển đảo, thềm lục địa tại khu vực Nghệ Tĩnh.
Toàn cảnh buổi lẽ kỷ niệm 55 đánh thắng trận đầu ...tại Hội trường UBND huyện Thanh Liêm.
Thiếu tướng Hoàng Kiền dự lễ và nói chuyện thời sự tại buổi lễ.
Thiếu tướng Hoàng Kiền tặng tài liệu về biển đảo, nhà giàn DK cho Hội CCB HQ huyện Thanh Liêm.