NHỮNG "BÍ MẬT" TỪ HAI BUỔI GIAO BAN
Phạm Thành Long
Ngay từ khi thành lập, Cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam đã duy trì đều đặn những buổi giao ban hằng tuần.
8 giờ sáng thứ hai là buổi giao ban chính thức của Hội. Cán bộ của các Ban chuyên môn gần như có mặt đông đủ tham dự họp. Buổi thứ 2 là vào sáng thứ năm. Buổi này đúng ra là buổi hội ý công việc của Thường trực Hội với các đồng chí Trưởng ban.
Đúng 8 giờ thứ hai, buổi giao ban bắt đầu. Theo phân công thì Chánh văn phòng Trần Văn Phúc hoặc Phó Chánh Văn phòng Đoàn Danh Bình hay Nguyễn Văn Quyết được phân công trực tuần đó có trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động Hội của các đơn vị trong cả nước báo cáo trước giao ban. Sau báo cáo tình hình của Văn phòng, Chủ tịch Hội Võ Sở đề nghị các Ban Chuyên môn có vấn đề gì cần phản ánh, trao đổi.
Thông thường, các Ban căn cứ hoạt động của ban mình báo cáo, trao đổi công việc hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực đối với các công việc đang triển khai.
Nhiều buổi giao ban, tình hình công tác tổ chức và hoạt động tại các đơn vị được trao đổi khá chi tiết để rút kinh nghiệm; có hôm, nhân việc điều hành tổ chức gặp mặt truyền thống hoặc Đại hội tại một quận huyện, hoặc tỉnh đã được mổ xẻ để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Trên cơ sở theo dõi, phát hiện trong những chuyến đi thực tế tại các địa phương, những cách làm hay (cả những việc làm dở) đều được phản ánh, trao đổi trong giao ban. Đầu tháng 5/2019, sau khi dự kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn tại Hội TS huyện Gia Bình, Bắc Ninh, thấy Huyện Hội Gia Bình vinh danh 107 doanh nghiệp là con chiến sĩ Trường Sơn là cách làm hay, cực kỳ đúng hướng nên sự việc này đã được nêu ra tại Giao ban.
Tôi còn nhớ lần đi địa phương về, hiện tượng Chủ tịch Hội kiêm Trưởng ban Tài chính của một Hội địa phương; hay hiện tượng đồng chí Trưởng ban Kiểm tra lại được phân công làm Thủ quỹ Hội của một địa phương nọ; hoặc Chủ tịch Hội lại là người kiêm luôn giữ con dấu của Hội; hiện tượng Chủ tịch Hội ở địa phương điều hành hoạt động Hội không phải trên cương vị một Chủ tịch Hội xã hội mà được điều hành như chế độ thủ trưởng - người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc của một giám đốc doanh nghiệp… đều được phản ánh, đề cập tại giao ban để Thường trực cho ý kiến chỉ đạo, uốn nắm về hiện tượng “lệch chuẩn” này trong thực tiễn công tác Hội.
Không chỉ những hiện tượng, những thiếu sót trong hoạt động Hội được đề cập, phát hiện, trình bày trong giao ban mà nhiều tấm gương hội viên, những nhân tố mới, những cách làm hay, làm mới ở cơ sở đều “không lọt qua con mắt” của đội ngũ cán bộ Hội… Nhiều việc đã được đề cập, phản ánh, trao đổi trong giao ban. Có thế nói, giao ban là một “kênh” thông tin thực tế sinh động để Lãnh đạo các ban và Thường trực Hội nắm bắt tình hình để có những động thái phù hợp trong chỉ đạo, điều hành. Ngay cả có những việc mới manh nha ở cơ sở đã được đội ngũ cán bộ Hội phát hiện và trao đổi trong giao ban. Ví như hiện tượng phân biệt trong đối xử, trong sử dụng những hội viên Trường Sơn nhập ngũ sau năm 1975 chưa phù hợp là một thí dụ. Hiện tượng phần lớn cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị Binh đoàn 12 khi nghỉ hưu tham gia Hội còn khá ít. Hiện tượng có nơi “tuyên bố” không đưa vào đội ngũ lãnh đạo Hội những hội viên Trường Sơn nhập ngũ sau năm 1975…Đều được phát hiện và đưa ra thảo luận, phân tích, mổ xẻ.
Có lần trong giao ban, Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua đã trình bày hiện tượng: Tại các cuộc họp mặt truyền thống các đơn vị, có hiện tượng một số không ít đồng chí hội viên đeo quân hàm rồi huân huy chương không đúng với thực tế. Có lần, phóng viên Trang báo Trường Sơn điện tử của Hội đã giới thiệu tên, quân hàm của đại biểu X. Đồng chí Đoàn Danh Bình, Phó Chánh Văn phòng Hội phát hiện: Đồng chí X không phải là Đại tá mà chỉ là Trung tá! Vì đồng chí X có thời gian làm Phó Chính ủy trung đoàn của Đoàn Danh Bình. Nghỉ hưu chỉ với quân hàm Trung tá thôi… Hiện tượng đeo không đúng những gì mình được phong của không ít hội viên đáng để suy ngẫm. Đồng chí Đoàn Danh Bình tâm sự: “Không phải ai cũng “cam chịu” với những gì mình có đâu anh ạ. Thế mới khổ! Chung quy cũng chỉ tại cái thói “sĩ diện” mà ra cả!”
Từ hiện tượng này mà Ban Tuyên truyền – Thi đua đã dự thảo một Thông báo của Thường trực Hội nhằm uốn nắm hiện tượng đeo quân hàm, quân hiệu, huân huy chương không đúng với thực tế; rồi việc thực hiện khánh tiết không chuẩn trong tổ chức họp mặt truyền thống và trong Lễ kỷ niệm thành lập đơn vị…; việc tặng lẵng hoa tràn lan gây lãnh phí; rồi việc sử dụng các chai nước “suối” lãng phí trong các hoạt động của Hội trong cả nước… Hôm ấy, đề tài này đã được Cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam thảo luận, phân tích mổ sẻ khá sôi nổi. Ai cũng đồng tình với việc cần phải điều chỉnh, uốn nắm “sự lệch chuẩn” này. Nhưng … sau đó do nhiều cân nhắc mà Thông báo này vẫn chưa được ban hành. Thật tiếc!
Có một thông tin “lạ”: Đồng chí Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh B đã ban hành một công văn thông báo về việc không cho phép các đơn vị thuộc Hội Trường Sơn của mình đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xin kinh phí hoạt động… “Công văn lạ đời” này được phát hiện là có thật 100%. Hiện tượng ấy đã được phản ánh trong giao ban của Hội. Cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam đã phân tích việc làm “thiếu không ngoan” của đồng chí Chủ tịch Hội nọ… Trước phản ứng của nhiều đơn vị và từ các Ủy viên BCH địa phương, vị Chủ tịch ấy sau đó phải có một công văn “đính chính” nội dung của công văn “lạ kỳ” kia…
Rồi thực tế chuyện kiểm tra toàn diện của Hội đối với Hội Trường Sơn tỉnh H đã được đưa ra mổ sẻ, phân tích khá kỹ để đi đến thống nhất đánh giá thực chất hoạt động của Hội này, nhằm rút kinh nghiệm cho đợt kiểm tra 5 Hội, đơn vị trong thời gian tới. Hơn 10 ý kiến được trao đổi, phân tích, đánh giá về đề tài này tại giao ban sáng thứ hai, ngày 19/8/2019 vừa qua.
Từ thực tế của nhiều buổi giao ban, Chủ tịch Hội Võ Sở đã đưa ra nhận xét khái quát về thực trạng trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo một số Hội và đơn vị truyền thống hiện nay. Chủ tịch lưu ý Thường trực và các Ban chuyên môn nắm vững để có những trao đổi với lãnh đạo các địa phương lưu ý và điều chỉnh trong quản lý, điều hành hoạt động cho đúng Điều lệ, quy định, quy chế của Hội…
Những buổi giao ban từ ngày 20/5 đến ngày 17/7/2019, Trưởng ban Tuyên truyền - Thi đua bao giờ cũng có thông báo cập nhật kết quả Chương trình nhắn tin “Tri ân Chiến sĩ Trường Sơn”. Hoạt động tri ân của các địa phương cũng được Trưởng ban Chính sách thông báo cập nhật để toàn Cơ quan Trung ương Hội nắm được “bức tranh tổng thể’ của công tác tri ân của Hội trong cả nước trong dịp “Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn”…
Sau khi lắng nghe phản ánh, trao đổi thông tin hoặc xin ý kiến chỉ đạo những việc cụ thể của các Ban chuyên môn hoặc Văn phòng Hội, Chủ tịch Võ Sở kết luận từng nội dung một cách rành mạch, cụ thể. Những vấn đề liên quan đến chế độ, kinh phí… Chủ tịch Võ Sở bao giờ cũng hỏi lại: “Có đồng chí nào có ý kiến khác cần trao đổi về kết luận của Chủ tịch không?”. Nếu có ý kiến trao đổi lại, thấy hợp lý, Chủ tịch liền hội ý nhanh với các Phó Chủ tịch để thống nhất rồi mới kết luận cuối cùng để thực hiện. Tác phong luôn bảo đảm sự “dân chủ và đồng thuận” trong mọi hoạt động của Hội là một nguyên tắc được Chủ tịch Hội Võ Sở và các đồng chí Phó Chủ tịch Hội khác thực hiện một cách nghiêm túc. Tuyệt nhiên không một ai có hành động thể hiện quyền lực “trùm” lên Hội.
Có lẽ cũng vì việc thực hiện điều đó một cách nguyên tắc và thực chất mà từ khi thành lập Hội đến nay, mọi việc diễn ra ở Hội Trường Sơn Việt Nam đều đồng thuận, vui vẻ, bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng trong mọi hoạt động. Không khí đồng thuận, đoàn kết luôn bao trùm Cơ quan Hội.
Duy trì đều những buổi giao ban thường kỳ một cách nghiêm túc như thế, bảo đảm sự làm việc nền nếp và chính quy của Cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam.