Uy lực tên lửa Iran hay nỗi hổ thẹn của Arab Saudi

Ngày đăng: 03:58 18/09/2019 Lượt xem: 433

Uy lực tên lửa Iran hay nỗi hổ thẹn của Arab Saudi

Quân đội Arab Saudi sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi về việc lưới phòng không bất lực trước những tên lửa, UAV lao vào nhà máy lọc dầu.

"Vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu trọng yếu của Arab Saudi bắt nguồn từ lãnh thổ Iran, sử dụng hàng loạt tên lửa hành trình bay thấp xuất phát từ các bệ phóng ở phía tây nước này", quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ hôm 17/9.

Báo cáo mới nhất của tình báo Mỹ nhận định Iran có liên quan đến vụ tấn công hai nhà máy tại Abqaiq và Khurais, đông bắc Arab Saudi. Ba quan chức Mỹ trước đó cho biết có những "bằng chứng rất thuyết phục" cho thấy tên lửa được khai hỏa từ một căn cứ Iran gần biên giới Iraq.

 
 
 
Video Player is loading.
Hiện tại 
0:53
/
Thời lượng 
0:53
Đã tải: 0%
 
Tiến trình: 0%
 
 

Vụ tấn công nhà máy dầu lớn nhất thế giới. Đồ họa: Next Animation.

Việc Mỹ cáo buộc Iran phóng nhiều tên lửa bay qua không phận một loạt quốc gia đồng minh với Washington như Iraq và Kuwait để tấn công nhà máy lọc dầu Arab Saudi khiến các chuyên gia quân sự đặt câu hỏi: Phải chăng uy lực của tên lửa hành trình Iran quá mạnh, hay do hệ thống phòng không của Arab Saudi cùng các đồng minh quá yếu?

Ảnh chụp từ vệ tinh Digital Globe được chính phủ Mỹ công bố hôm 16/9 cho thấy nhà máy lọc dầu ở Abqaiq có 17 vị trí bị đánh trúng, trong khi cơ sở tại Khurais có hai điểm va chạm và gây cháy lan ra mặt đất. Quan sát điểm va chạm và thiệt hại do những khí tài tấn công gây ra, nhiều chuyên gia quân sự nhận định chúng phần lớn là tên lửa, bởi UAV mang thuốc nổ khó đạt được sức xuyên và uy lực công phá mạnh như vậy.

"Ảnh vệ tinh thể hiện rõ ràng độ chính xác của vũ khí được sử dụng, chúng tạo ra những lỗ thủng gần như y hệt nhau ở các khu vực trọng yếu tại nhà máy lọc dầu Arab Saudi. Loại vũ khí này mang thiết bị dẫn đường và điều khiển tự động, cho phép chúng đánh chính xác mục tiêu từ khoảng cách rất xa", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

Rogoway nhận định đây là một đòn tập kích tổng lực với sự tham gia của nhiều vũ khí như UAV tự sát, tên lửa hành trình và thậm chí là máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) được triển khai từ nhiều hướng, trong đó tên lửa hành trình đóng vai trò là vũ khí chủ lực.

Cả phiến quân Houthi ở Yemen và quân đội Iran đều sở hữu những mẫu tên lửa hành trình uy lực có khả năng tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Arab Saudi.

Tên lửa Soumar tại nhà máy chế tạo của Iran năn 2017. Ảnh: Tasnim.

Tên lửa Soumar tại nhà máy chế tạo của Iran năm 2017. Ảnh: Tasnim.

Iran đang biên chế tên lửa hành trình tầm xa Soumar được phát triển từ mẫu Kh-55 dành cho oanh tạc cơ chiến lược Liên Xô. Iran mua được một số tên lửa Kh-55 vào đầu thập niên 2000, sau đó tháo rời chúng để nghiên cứu và cho ra đời biến thể Soumar sử dụng đầu nổ thông thường, đặt trên bệ phóng mặt đất và đạt tầm bắn 2.500 km.

Phiến quân Houthi hồi giữa tháng 7 ra mắt Quds-1, tên lửa hành trình có nhiều điểm tương đồng với Soumar, khiến một số chuyên gia cho rằng Iran đã bí mật chuyển giao tên lửa hành trình cho phiến quân Yemen. Lực lượng Houthi chỉ sơn lại và đổi tên cho những quả đạn này.

Tuy nhiên, Quds-1 có một điểm khác biệt so với Soumar, như động cơ phản lực và thân nhỏ hơn, cánh thiết kế cố định và không có khả năng thu gọn, tầng đẩy sơ tốc cũng đơn giản hơn tên lửa Iran. "Quds-1 có đầu đạn nhỏ và tầm bắn ngắn hơn Soumar. Nhiều khả năng Iran đã hỗ trợ phiến quân Houthi về công nghệ để phát triển loại vũ khí này", chuyên gia Fabian Hinz thuộc tạp chí Arms Control Wonk đánh giá.

Rogoway cho rằng những tên lửa hành trình như Soumar hay Quds-1 đều có khả năng thay đổi hành trình trong khi bay và tấn công mục tiêu từ những hướng bất ngờ nhất. "Đây không phải đạn pháo thông thường, chúng có thể cơ động liên tục để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, như tăng tối đa sát thương và khả năng xuyên phá lưới phòng không, thậm chí là chối bỏ trách nhiệm của bên phóng đạn", chuyên gia này viết.

Nếu cáo buộc của Mỹ là đúng sự thật, tên lửa hành trình của Iran đã thể hiện được khả năng ẩn mình rất hiệu quả, khi hàng chục quả đạn có thể xuyên thủng loạt lá chắn phòng không ở Iraq, Kuwait, căn cứ quân sự Mỹ ở Bahrain và cuối cùng là các tổ hợp phòng thủ của Arab Saudi để đánh trúng mục tiêu.

Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ một thực tế đáng hổ thẹn với quân đội Arab Saudi, nước đứng thứ ba thế giới về chi tiêu quân sự trong năm 2018 với ngân sách quốc phòng khoảng 67,6 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. "Quân đội Arab Saudi sẽ phải có rất nhiều điều cần giải thích về việc lý do họ không thể bảo vệ được những cơ sở lọc dầu quan trọng nhất trước đòn tấn công", Gary Grappo, cựu đại sứ Mỹ ở Oman, nói.

Các vị trí bị tấn công tại nhà máy Abqaiq hôm 14/9. Ảnh: Digital Globe.

Các vị trí bị tấn công tại nhà máy Abqaiq hôm 14/9. Ảnh: Digital Globe.

Lưới phòng không của Arab Saudi được coi là thuộc hàng mạnh nhất tại Trung Đông với 17 radar cảnh giới tầm xa AN/FPS-117, 6 radar cảnh giới chiến thuật AN/TPS-43, cùng nhiều hệ thống phòng không tầm xa Patriot, tên lửa tầm ngắn HAWK cải tiến và pháo Oerlikon Contraves. Các tổ hợp này được kết nối vào mạng lưới quản lý không phận thống nhất mang tên "Peace Shield" (Lá chắn hòa bình), cho phép chia sẻ dữ liệu mục tiêu và điều phối tác chiến.

Các tổ hợp phòng không này được hỗ trợ bởi lực lượng không quân hùng hậu với 167 chiến đấu cơ đa năng F-15SA, 61 tiêm kích hạng nặng F-15C và 53 máy Eurofighter Typhoon có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu trong thời gian ngắn.

Thế nhưng, cả "Peace Shield" lẫn các biên đội tiêm kích đều "im hơi lặng tiếng" khi vụ tấn công xảy ra. Không một tín hiệu báo động nào được phát đi, cũng không có quả tên lửa phòng không nào được khai hỏa, cho thấy lưới phòng không của Arab Saudi vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.

"Tôi nghĩ lãnh đạo Arab Saudi sẽ phải trăn trở rất nhiều trước việc quốc gia đầu tư nguồn lực quốc phòng nhiều thứ ba thế giới lại không thể bảo vệ cơ sở dầu mỏ trọng yếu, tôi phải nhấn mạnh là quan trọng nhất, khỏi các vụ tấn công như vậy", Grappo nêu quan điểm.

Arab Saudi là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới, thiệt hại tới các cơ sở lọc dầu của nước này gây lo ngại về gián đoạn nguồn cung toàn cầu, khiến giá dầu đã tăng tới 20% hôm 16/9.

Tên lửa Iran đe dọa các cơ sở chiến lược của Arab Saudi
 
 
 

Các cơ sở dầu khí Arab Saudi trong tầm tên lửa Iran. Video: CSIS.

Theo cựu đại sứ Grappo, các mối đe dọa như tên lửa hành trình hay UAV đều không dễ bị phát hiện, nhưng chúng lẽ ra đều là mục tiêu cần được ưu tiên phát hiện, ngăn chặn hàng đầu, nhất là sau hàng loạt vụ tập kích nhằm vào các nhà máy lọc dầu, sân bay và nhiều địa điểm khác ở Vùng Vịnh gần đây.

Đây không phải lần đầu nhà máy tại Abqaiq bị tấn công. Nó từng là mục tiêu đánh bom tự sát của nhóm khủng bố Al-Qaeda hồi năm 2006, nhưng lực lượng bảo vệ đã chặn được xe bom của các tay súng trước khi nó kịp tiếp cận cơ sở.

"Tôi rất thất vọng nhưng không thấy bất ngờ với vụ tấn công. Riyadh đáng lẽ phải tăng cường phòng thủ, đặc biệt là sau vụ tấn công của Al-Qaeda", Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy, cho hay. "Tôi đã xem các bức ảnh vệ tinh, đòn đánh rất chính xác, họ biết phải tấn công vào đâu và thực hiện một cách hoàn hảo. Đó là điều rất đáng báo động".

Vũ Anh (Theo CNBC)

tin tức liên quan
test 123