"Ngô Văn Dụ người làng Rau"

Ngày đăng: 09:17 28/09/2019 Lượt xem: 4.717
“NGÔ VĂN DỤ NGƯỜI LÀNG RAU”

                    Ghi chép của Phạm Thành Long



Toàn cảnh Lễ ra mắt tập ký "Ngô Văn Dụ người làng Rau".



Vợ chồng đồng chí Ngô Văn Dụ tại Lễ ra mắt tác phẩm ký.



Từ trái qua phải: Đồng chí Trần Quốc Vượng , Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 12.



Bìa cuốn sách "Ngô Văn Dụ người làng Rau"
 

    Đó là tên tập ký của Nhà thơ Trần Quang Quý viết về 36 năm đầu đời của Đại úy Ngô Văn Dụ, nguyên Trưởng ban kế hoạch Tổng hợp Sư đoàn 471 Trường Sơn, Ủy viên BCH Danh dự Hội Trường Sơn Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng.
Chiều nay, 27/9/2019, tại 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức giới thiệu về tập sách văn học ấn tượng này.
   Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Lê Hồng Anh nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội TSVN, Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường ống Xăn dầu Trường Sơn; Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn 471; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 12; Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12 cùng nhiều đồng chí, đồng đội, bạn bè và người thân trong gia đình và quê hương đồng chí Ngô Văn Dụ đã tới dự và chia vui cùng nhà thơ Trần Quang Quý và đồng chí Ngô Văn Dụ nhân ra mắt tập ký “Ngô Văn Dụ, người làng Rau”.



    Nhà thơ Trần Quang Quý (ảnh trên) đã tâm sự về quá trình viết tập ký về anh Ngô Văn Dụ: “…Khi tiếp xúc với anh Ngô Văn Dụ, tôi nhận thấy ở anh sự bình dị và chân tình. Tôi biết ngày trước anh là một cậu học trò có thành tích học tập xuất sắc. Năm lớp 10, anh đoạt giải Nhất Văn tỉnh Vĩnh Phúc… Anh thích làm thơ và làm khá nhiều thơ. Cuộc đời anh không theo nghiệp văn chương mà hoạt động và trưởng thành trong lĩnh vực kinh tế và chính trị…Ngay từ thời tuổi trẻ, anh có thói quen viết nhật ký. Anh đã có gần 10 cuốn nhật ký và hơn 100 bức thư viết cho vợ và gia đình… Nghiên cứu từ 5 cuốn nhật ký và 31 bức thư được lưu giữ cùng 3 buổi trực tiếp trao đổi với nhân vật, đọc các cuốn Lịch sử Trường Sơn, Lịch sử Sư đoàn 471 Anh hùng, Lịch sử bộ đội Đường ống xăn dầu Trường Sơn…tôi đã tái hiện 36 năm cuộc đời của anh Ngô Văn Dụ - từ thuở niên thiếu cho tới những năm tháng học đại học và làm cán bộ giảng dạy trường Đại học Kinh tế Quốc dân, rồi 12 năm khoác áo lính chiến đấu ở Trường Sơn… Tập ký dừng lại ở thời điểm cuối năm 1983 từ Sư đoàn 471 Trường Sơn anh về Bộ Nông nghiệp công tác…Khi ấy anh Ngô Văn Dụ ở tuổi 36…”



Tâm sự về cuốn sách, đồng chí Ngô Văn Dụ (ảnh trên) đã nhắc lại cuộc đời lam lũ của anh và gia đình. Cha mất sớm. Một mình mẹ anh tần tảo nuôi 4 con trai khôn lớn, trưởng thành. Truyền thống quê hương, gia đình đã ảnh hưởng sâu đậm và hun đúc nên ý chí, nghị lực và phẩm chất của chàng thanh niên Ngô Văn Dụ…Sau khi nghỉ hưu, anh ấp ủ chuyện viết hồi ký ghi lại những năm tháng tuổi trẻ của cuộc đời từ gần 10 cuốn nhật ký và hơn 100 bức thư anh viết về gia đình còn lưu giữ nguyên vẹn... Việc ấy chưa kịp làm thì tình cờ anh đã gặp nhà thơ Trần Quang Quý…Và tập ký “Ngô Văn Dụ người làng Rau” đã ra đời. “Cám ơn nhà thơ Trần Quang Quý đã tái hiện chặng đường 36 năm cuộc đời của tôi…”


 
Nhà văn Tạ Duy Anh (ảnh trên) – Trưởng phòng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, người biên tập chính cuốn sách đã phát biểu: “Tôi vô cùng ngạc nhiên về tên cuốn sách này… Ban đầu cầm tập bản thảo, tôi cứ nghĩ “viết về cuộc đời một Ủy viên Bộ Chính trị như ông Ngô Văn Dụ chắc toàn những chuyện to tát… Nhưng tôi gặp toàn những chuyện bình dị, những câu chuyện cảm động về một thời khó khăn… Đọc sách, tôi thấy đây là mối lương duyên giữa Trần Quang
Quý và Ngô Văn Dụ. Cuốn sách cho ta sự cảm nhận về nét văn hóa sâu đậm của một vùng quê giàu truyền thống… Cuốn sách đã tái hiện một thời chống Mỹ vừa lãng mạn, vừa bi tráng của một lớp thanh niên Ngô Văn Dụ. Người đọc đã tìm thấy một phần trong cuốn sách về sự dấn thân, sự trong sáng và đầy hoài bão, quyết tâm của một thế hệ... Xin cám ơn anh Trần Quang Quý. Cám ơn chị Hiền – phu nhân của anh Ngô Văn Dụ - thể hiện phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam nhất mực thủy chung, yêu chồng, thương con. Chị đã gìn giữ gần như nguyên vẹn những cuốn nhật ký và hơn 100 bức thư của chồng…”


 
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, (ảnh trên) một người lính Trường Sơn cũng chia sẻ: “Đọc tập ký này tôi được gặp lại quá khứ mà ở đó có những suy nghĩ rất thật của chính chúng tôi… Tác phẩm có nhiều cái bi tráng và thân thương của một thời… Tác phẩm này thuyết phục tôi, bởi sự dung dị, gần gũi với thế hệ chúng tôi. Cám ơn anh Ngô Văn Dụ và Trần Quang Quý đã mang đến không khí mới của văn học…”


 
Ông Nguyễn Tiến Quân, (ảnh trên) nguyên Chủ nhiệm Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam thì bộc bạch: “Cuốn sách hấp dẫn bởi nó ghi chép về cuộc đời một con người. Tôi thấy bóng dáng của một cuốn tiểu thuyết…Anh Ngô Văn Dụ là một con người nặng tình với gia đình, với anh em, bạn bè…”


 
Đại tá Nhà thơ Trần Anh Thái (ảnh trên) thì khẳng định: “…Cuốn sách mang nhiều lý thú về một con người. Tôi đặc biệt ấn tượng: Cuốn sách dày 490 trang thì có 136 trang viết về Trường Sơn, về người lính Trường Sơn Ngô Văn Dụ. Trường Sơn là một con đường máu… Hy sinh không thể đong đếm…Ngô Văn Dụ dầm mình trong lửa đạn và môi trường xăng dầu để trưởng thành ở Trường Sơn…”.

 

Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu (ảnh trên) – một đồng đội lính xăng dầu đường ống ở Trường Sơn với Ngô Văn Dụ đã phát biểu: “…Sau Hiệp định Pari, thì trung đoàn 537 đường ống của anh Ngô Văn Dụ là đơn vị vẫn phải chịu đựng bom đạn đánh phá của ngụy Sài Gòn… Năm 1976, Sư đoàn 471 của Anh Dụ làm kinh tế lâm nghiệp ở Tây Nguyên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng lại phải tham gia chống Phun rô vô cùng ác liệt. Máu đồng đội của anh vẫn đổ trên mảnh đất Tây Nguyên nhiều năm…Nhưng tình cảm đồng đội thì vẫn thấm đẫm… Tôi cảm phục tình cảm vợ chồng của anh qua thử thách của thời gian… Đọc sách chúng ta thấy một chàng thanh niên Ngô Văn Dụ sôi nổi, tiêu biểu cho lý tưởng của lớp thanh niên ngày ấy. Anh có nhiều nét nổi trội hơn bạn bè, đồng đội… Anh có triết lý sống, triết lý về cuộc đời rất rõ ngay từ thời tuổi trẻ…”
 
Nhà văn, nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên – nguyên chiến sĩ cao xạ Binh trạm 34 Trường Sơn nhận xét: “Anh Ngô Văn Dụ là một thanh niên bình thường như bao thanh niên lớp chúng tôi ngày ấy. Anh mê văn chương và có năng khiếu văn chương nhưng lại không hoạt động văn chương…Tôi đặc biệt ấn tượng ở 2 chương “Lính Trường Sơn” và “Vĩ thanh Trường Sơn”. Cuốn sách là sự lựa chọn thông minh của Trần Quang Quý và anh Ngô Văn Dụ: Ký văn học. Tôi nhớ anh Hữu Thỉnh từng nói “Mảng đề tài văn học của thế kỷ 21 sẽ là thời của các tác phẩm văn học tư liệu”. Ta có thể coi cuốn “Ngô Văn Dụ người làng Rau” là cuốn tiểu thuyết lịch sử cũng được. Chất thơ – sự mơ mộng đã được “tiêu hóa” tư liệu, thành một tác phẩm khác nhưng vẫn mang hơi thở của hồi ức…”


 
Nhà thơ Hữu Thỉnh, (ảnh trên) Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam rất chân tình bộc bạch: “Tôi và anh Ngô Văn Dụ là đồng hương, cùng học một thầy giỏi – thầy Thủy dạy văn. Nhưng tôi học cấp 3 trước anh Dụ 3 năm. Cách đây ít năm, tôi đã khuyên anh Ngô Văn Dụ hãy viết hồi ký đi. Hồi ký có một vị trí rất quan trọng trong văn học. “Thế kỷ 21 là thời hoàng kim của văn chương tư liệu” – một nhà tương lai học đã dự báo như thế. Hồi ký thật sự là văn chương. Tôi khuyên các tướng lĩnh, các cán bộ cao cấp của ta nên viết hồi ký. Vì, đó là cả một kho tư liệu quý giá về lịch sử một thời… Tôi vô cùng thích thú khi đọc cuốn tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa” của tướng Trường Sơn Hồ Sĩ Hậu. Đấy là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam trong 20 năm trở lại đây. Các anh có quyền tự hào đã chiến đấu ở một chiến trường gian khổ và ác liệt nhất của cuộc chiến tranh… Tôi có tâm trạng băn khoăn khi bắt đầu đọc cuốn sách. Nhưng rồi đọc xong, tôi đã được giải tỏa. Các tác giả đã lựa chọn hình thức văn chương thích hợp. Nó thể hiện sự giản dị, chân thành và thấm đẫm tình người. Lối văn thích hợp, thể hiện về tuổi trẻ Ngô Văn Dụ… Tôi thật sự xúc động khi nhiều mảng của cuộc sống lần đầu tiên tôi được biết qua cuộc đời anh Ngô Văn Dụ. Anh Dụ đã phải trải qua 2 lần gian khổ trong chiến tranh và cả sau hòa bình… Từ đấy tôi hiểu ra cái gốc về một con người. Ý chí, hoài bão, lý tưởng của anh Dụ nhất quán với cuộc đời của anh ngay từ thời tuổi trẻ. Hồi ký đã khẳng định một điều “gốc nào thì cho quả ấy”… Tôi rất phấn khởi khi cuốn “Ngô Văn Dụ người làng Rau” gia nhập kho tàng văn học, đời sống của chúng ta. Một cuốn ký đáng đọc. Qua cuộc đời 36 năm của anh Ngô Văn Dụ chúng ta thấy được một thời gian hào hùng của dân tộc… Xin cám ơn và chúc mừng anh Ngô Văn Dụ và Trần Quang Quý”.
 
Sự kiện giới thiệu ra mắt cuốn sách càng ấn tượng hơn vì nó trùng với 3 sự kiện rất có ý nghĩa của cuộc đời đồng chí Ngô Văn Dụ. Năm 2019 này, Anh kỷ niệm 50 năm vào Đảng, tốt nghiệp đại học và kỷ niệm 50 năm ngày cưới của mình.
Đồng chí Ngô Văn Dụ đã ký tặng cuốn sách “Ngô Văn Dụ người làng Rau” cho bạn bè, đồng chí, người thân tham dự buổi lễ ra mắt tác phẩm.
          Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội TSVN nguyên Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 471 – nơi đồng chí Ngô Văn Dụ đã có 8 năm công tác tại đây, nhân dịp này đã tặng hoa chúc mừng vợ chồng đồng chí Ngô Văn Dụ. Chủ tịch còn tặng cuốn sách ảnh “Hội TSVN – 8 năm một chặng đường” và cuốn sách mới nhất “Tự hào 60 năm Trường Sơn Anh hùng” cho đồng chí Ngô Văn Dụ. Các đồng chí Nguyễn Thuận Quảng, Trần Thị Chung, Nguyễn Thị Kim Quy và Nguyễn Thị Minh Hà – những đồng đội thân thiết ở Sư đoàn 471 của đồng chí Ngô Văn Dụ cũng tặng hoa, tặng quà chúc mừng anh Ngô Văn Dụ và phu nhân.



Nhà thơ Hữu Thỉnh và Tướng Trường Sơn - nhà văn Hồ Sĩ Hậu tại Lễ công bố cuốn sách "Ngô Văn Dụ người làng Rau".



Chủ tịch Hội Võ Sở, đồng chí Minh Hà và Phạm Thành Long chúc mừng đồng chí Ngô Văn Dụ và phu nhân.




Từ trái qua: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hà, Nguyễn Văn Tùy, Nguyễn Thuận Quảng, 
Nguyễn Thị Chung, Nguyễn Thị Kim Quy chứng kiến Chủ tịch Hội Võ Sở tặng sách đồng chí Ngô Văn Dụ.



Hội TS Sư đoàn 471 chúc mừng đồng chí Ngô Văn Dụ và phu nhân.




Từ trái qua: đồng chí Nguyễn Thị Kim Quy, Nguyễn Thị Chung, Trần Thị Chung - những đồng đội Sư đoàn 471 chúc mừng phu nhân đồng chí Ngô Văn Dụ (thứ ba).




Đồng chí Ngô Văn Dụ đã đọc bài thơ "50 năm ngày ấy" tặng phu nhân của mình - người thủy chung đồng hành xây tổ ấm của anh suốt 50 năm qua.
 
Ảnh: Phạm Khoa Lương
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan
test 123