Đêm giao lưu ấn tượng

Ngày đăng: 02:37 03/10/2019 Lượt xem: 2.113
 ĐÊM GIAO LƯU ẤN TƯỢNG
 
     Trong chương trình Trại viết 2019, Ban Tổ chức Trại ban đầu chỉ dành một buổi giao lưu với các nhà văn, nhà thơ Hội Nhà văn Hải Phòng vào sáng 6/10 tới. Tuy nhiên, tối 2/10 đã có một tối giao lưu đột xuất nhưng đầy ấn tượng.
    Nhà thơ Trần Quang Quý (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội) từ Thủ đô được mời xuống trao đổi với Trại viết về kinh nghiệm sáng tác văn thơ và nhất là thơ hiện đại. Nhà thơ Đặng Vương Lăng từ Hà Nội cũng đến “chào” anh em Trại viết. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Trường Sơn – Chủ nhiệm Trại viết đã “chớp thời cơ” mời thêm nhà thơ Thi Nguyên – một cây bút Đất Cảng đến cùng giao lưu với Trại viết 2019 của Hội. Nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Đây là buổi giao lưu “tập dượt” chuẩn bị cho buổi giao lưu chính thức của Trại viết với đoàn nhà văn, nhà thơ của Hội Nhà văn TP. Hải Phòng vào sáng 6/10. Qua buổi giao lưu cũng để Ban Chủ nhiệm “nhận diện” tài năng của các trại viên để có sự sắp xếp hợp lý cho buổi giao lưu chính thức sáng 6/10”. Thế là sáng kiến đột xuất ấy đã được các trại viên hưởng ứng nhiệt liệt.
     Đúng 20 giờ. Khách mời và 36 trại viên đã có mặt tại hội trường. Tham gia giao lưu có Đại tá nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Trần Quang Quý, Đặng Vương Lăng và Thi Nguyên.
     Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - Chủ nhiệm Trại viết là MC dẫn dắt chương trình đêm giao lưu đặc biệt này. Nhà thơ Vương Trọng – một nhà thơ quân đội nổi tiếng trưởng thành trong trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và cũng là nhà thơ có nhiều thành công sau năm 1975. Ông có nhiều bài thơ hay, ấn tượng để lại dấu ấn một thời, như các bài thơ “Lời thỉnh cầu từ Ngã ba Đồng Lộc”, “Viếng mộ cụ Nguyễn Du”, “Viết từ nghĩa trang Trường Sơn”, “Sợi tóc hai màu”, "Khóc giữa chiêm bao"… Bài thơ “Lời thỉnh cầu từ Ngã ba Đồng Lộc” đã được khắc trên đá đặt tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc…Anh được MC Hữu Quý mời mở đầu đêm giao lưu. Anh đã đọc 2 bài thơ “Viếng nghĩa trang Trường Sơn”, "Hai chị em" và "Trà xanh"…. Với trí nhớ tuyệt vời, nhà thơ Vượng Trọng đã trình bày đầy xúc động hai bài thơ này trong tiếng vỗ tay ngưỡng mộ của các trại viên và khách mời. Nhà thơ Trần Quang Quý, Đặng Vương Lăng, Thi Nguyên lần lượt được mời lên đọc thơ.
    Với lối dẫn đắt rất “có nghề”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý lần lượt mời các hội viên Hội VHNT Trường Sơn về dự Trại viết lên “trổ tài”.
    Những người lính Trường Sơn cầm bút dự Trại viết lần này có 3 Đại tá, 1 Thượng tá, 3 Trung tá. Số còn lại là cán bộ sơ cấp cùng 3 trại viên là TNXP Trường Sơn. Người cao tuổi nhất là nhà thơ Vương Văn Kiểm (Nam Định). Anh đã bước sang tuổi 83. Người ít tuổi nhất là thầy giáo Nguyễn Đại Duẫn (Quảng Bình) cũng đã ở tuổi 62. Cây bút nữ duy nhất của Trại viết là nhà văn Phạm Thị Hồng Loan (Nam Định). Tất cả đều được mời lên đọc thơ. Nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Tất Đình Vân đã “hát thơ” theo điệu “Cây trúc xinh” (dân ca Quan họ Bắc Ninh), bài “Đường Trường Sơn”. Đây là 1/70 bài thơ viết theo các làn điệu dân ca Quan họ trong tập thơ “Làn điệu dân ca” vừa ra mắt bạn đọc của anh. Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn, nhà văn Phạm Thành Long cũng lên góp vui với bài thơ “Thu Hà Nội” và hát ca khúc “Thu Hà Nội” mà anh đã tự phổ nhạc cho bài thơ của mình đêm 29 Tết 2016. Anh còn đọc tặng mọi người bài thơ “Nằm võng” viết ở Trường Sơn năm 1971.
     Trại viên Cấn Văn Thăng (Hà Nội) đã kể chuyện vui Trường Sơn và đọc “Hịch chống Tàu”; nhà thơ Lê Thuần (Thanh Hóa) đọc thơ vui về bóng đá U23; nhà thơ Hoàng Đại Nhân (TP. Hồ Chí Minh) kể chuyện nhờ đọc thơ của anh Vương Trọng viết về Bộ đội Biên phòng mà anh được các chiến sĩ biên phòng kết nạp vào lính biên phòng; nhà thơ Phạm Sinh (Phó Chủ nhiệm Trại viết) kể chuyện “nụ cười” Trường Sơn … khiến mọi người trong khán phòng và cả MC Nguyễn Hữu Quý cười vui nghiêng cười ngả…
      23 giờ 10, cuộc vui buộc phải kết thúc trong sự tiếc nuối của nhiều trại viên. Hơn 20 trại viên đã được mời lên đọc thơ, kể chuyện vui và hát trong đêm giao lưu. Thế mới biết, với những người cầm bút Trường Sơn hôm nay thì tuổi tác và sức khỏe không ngăn được sự nhiệt huyết “muốn được cháy hết mình” của những người lính Trường Sơn.
     Trải qua nhiều cung bậc tình cảm sau hơn 180 phút, những cây bút của Hội Trường Sơn Việt Nam tối nay đã thực sự được trở về những năm tháng tuổi trẻ dồi dào năng lượng trên Trường Sơn năm nào.
     Trước đó, buổi sáng nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn đã trao đổi kinh nghiệm viết tin ngắn, tin sâu, viết gương người tốt và kinh nghiệm để viết một bài báo hay. Đồng chí cũng trình bày một số lưu ý khi viết về lịch sử Trường Sơn, về Hội TSVN. Buổi chiều, nhà thơ Trần Quang Quý trao đổi kinh nghiệm viết văn làm thơ và về xu hướng thơ hiện đại hiện nay. Cuối giờ chiều các trại viên của Trại viết đã tham quan cảnh đẹp Đồ Sơn và viếng Đài tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ tại Bến tàu không số (K15) - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
Bài và ảnh: Phạm Khoa Lương



Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Trường Sơn - Chủ nhiệm Trại viết 2019 làm MC "rất ngọt" của đêm giao lưu.



Nhà thơ Vương Trọng đọc thơ.



Nhà thơ Thi Nguyên - nhà thơ Đất Cảng giao lưu thơ.

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Dụ (TP. Hồ Chí Minh) kể về cuộc đời quân ngũ và đọc thơ.



Nhà thơ Trần Quang Quý đọc thơ.



Cây bút Nguyễn Viết Lợi (Nghệ An) chuyên viết báo, viết văn nhưng cũng đọc thơ.



Nhà thơ - bác sĩ Nguyễn Tất Đình Vân (Bắc Ninh) hát thơ theo điệu "Cây trúc xinh".



Nhà thơ Lê Trung Khiên (Thanh Hóa) đọc thơ.



Nhà thơ Nguyễn Sơn Hải (Hà Nội) đọc thơ.



Nhà thơ Đinh Văn Hởi (Hải Ba) - Nam Định, đọc 2 bài thơ tứ tuyệt đặc sắc.



Nhà báo Nguyễn Quang Chính (Lào Cai) chuyên viết báo, viết văn nhưng cũng đọc thơ và hát rất khỏe, rất hay.



Nhà thơ Nguyễn Quốc Lập (Bắc Ninh) đọc thơ.



Nhà văn Nguyễn Ngọc Phát (Hải Phòng) đọc thơ.



Nhà thơ Cấn Văn Thăng (Hà Nội) đọc bài thơ vui "Hịch chống Tàu".



Anh Hoàng Mạnh Hùng chuyên viết báo cũng góp vui bằng thơ.



Nhà báo Bùi Hoằng (Thanh Hóa) chuyên viết báo, viết văn nhưng cũng đọc thơ trong đêm giao lưu.



Nhà thơ Hoàng Đại Nhân (TP. Hồ Chí Minh) không đọc thơ mà kể chuyện vui đọc thơ Vương Trọng viết về Bộ đội Biên phòng mà anh được kết nạp vào Hội CCB Bộ đội Biên phòng.



Nhà thơ Hoàng Sĩ Khiêm (Thanh Hóa) đọc những bài thơ mới viết khi đến Đồ Sơn.










































































 

tin tức liên quan
test 123