Thiếu tướng - Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Bá Tòng từ trần

Ngày đăng: 06:59 14/12/2019 Lượt xem: 14.142
THIẾU TƯỚNG - ANH HÙNG TRƯỜNG SƠN NGUYỄN BÁ TÒNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI TỪ TRẦN

         

 
     Thiếu tướng - Anh hùng LLVT ND Nguyễn Bá Tòng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã đột ngột chia tay chúng ta về cõi vĩnh hằng sau một cơn đau tim đột ngột vào chiều nay 14/12/2019, tại nhà riêng. 
       Đồng chí Nguyễn Bá Tòng, sinh ngày 19/11/1946, quê quán: Tịnh xá, Bình Lục, Hà Nam. Đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 11/11/1973. Trước khi nghỉ hưu, đồng chí là Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12. Từ năm 2007, đồng chí là Phó Trưởng ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ chí Minh Việt Nam. Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ Nhất (tháng 7/2011), đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Đại hội nhiệm kỳ II (tháng 9/2016) đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội, phụ trách công tác Truyền thống - Lịch sử.
     Thiếu tướng - Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Bá Tòng mất đi là một tổn thất lớn đối với Hội Trường Sơn Việt Nam.
     Thường trực Ban Thường vụ Hội sẽ có thông báo chính thức về lễ viếng, lễ truy điệu và đưa tang đồng chí Nguyễn Bá Tòng để các cấp Hội, các đơn vị truyền thống và hội viên cả nước được biết.

     BCH Hội Trường Sơn Việt Nam



      Ban Biên tập Trường Sơn xin đăng bài ký "Chuyện cùng Tướng Nguyễn Bá Tòng" của đồng chí Phạm Thành Long để đồng chí, đồng đội và bạn đọc cùng chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng.


                                 CHUYỆN CÙNG TƯỚNG NGUYỄN BÁ TÒNG
                                                                               Phạm Thành Long
 
Một chiều mát mẻ hiếm hoi của mùa hè Hà Nội, tôi tìm đến khu tập thể số 262 đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thăm anh Nguyễn Bá Tòng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Ngôi biệt thự liền kề rộng 120 mét vuông của anh mang số 18. Theo dân “ngàu số” thì 18 là 1 + 8 = 9. Số 9 là con số cao nhất của các chữ số tự nhiên. Nó là số của vua chúa, Trời, Phật. Này nhé: Tràng hạt của nhà Phật có 108 hạt chứ không phải là 109 hoặc 107. Cửu trùng: 9 tầng mây chứ không phải 8 hoặc 10 tầng mây. 18 tầng địa ngục. Cửu đỉnh, cửu thần công chứ không phải là 7 hoặc 10 chiếc. Khi Bùi Bích Phương đăng quang Hoa hậu đầu tiên của báo Tiền phong năm 1988, cô mang số báo danh 18; Hoa hậu Hà Kiều Anh có số báo danh là 36 (3+6=9). Theo dõi của tôi thì có tới 7-8 Hoa hậu có số báo danh có giá trị là 9 – một con số rất hên. Chả thế mà dân có tiền lùng tìm mua biển số xe, số sim điện thoại đẹp. Họ không mê tín đâu. Thực tế đã khiến họ tin vào con số 9. Số nhà 18 là con số rất hên cho gia chủ. Nếu tôi không nhầm thì doanh nhân Trần Thị Chung, Phó Chủ tịch Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn cũng đang ở ngôi nhà có biển số 18 !...
Ngôi biệt thự của anh Nguyễn Bá Tòng khác với những ngôi nhà xung quanh không phải bởi sự cầu kỳ, lạ mắt trong xây dựng. Nó đặc biệt là ở cái hàng rào mặt tiền của ngôi nhà.  Hàng chấn song sắt trước nhà anh được phủ kín, xanh um bởi giàn trầu không cao hơn hai mét.
Tôi tò mò hỏi anh Nguyễn Bá Tòng:
- Tại sao anh lại trồng trầu không mà không phải là một thứ loại hoa hay cây leo đẹp nào khác ?
Anh cười hiền hậu, rồi nhỏ nhẹ:
- Nhiều người cứ tưởng bà xã mình nghiệm trầu, nhưng không. Cả nhà tớ không ai nghiện trầu cả…
- Thế anh chị trồng trầu không để bán ư? Tôi hỏi tiếp.
- Trầu không thì bán được bao nhiêu tiền. Mình trồng để chơi là chính. Trồng trầu không không sợ bị sâu. Chả có loài sâu nào dám ăn trầu không đâu. Mình thích trồng trầu không còn bởi lá trầu không rất xanh. Giàn trầu không vừa tạo mầu xanh lại vừa tạo ra một hàng rào khá dày, che kín phía trước ngôi nhà. Đấy là chưa kể tỉnh thoảng hái trầu không để cúng rằm, mồng một. Tiện cả đôi đường.
Lần đầu tiên tôi thấy một người trồng trầu không làm giàn cây trước nhà mà không phải là trồng vì mục đích kinh tế. Đúng là suy nghĩ của anh không giống ai.
Anh dẫn tôi vào nhà pha trà. Tôi quan sát phòng khách của anh. Nó đơn giản quá. Không thấy anh bày biện đồ đạc nào đắt tiền ở trong phòng khách như tôi vẫn thấy ở phòng khách nhiều quan chức cao cấp khác. Tôi không tiện nói ra điều ấy vì biết gánh nặng gia đình với anh là quá lớn. Anh có được ngôi biệt thự liền kề này là sự may mắn của số phận mà thôi. Anh được Binh đoàn 12 phân cho mảnh đất ở khu tập thể của Binh đoàn trên đường Nguyễn Trãi. Không đủ tiền xây nhà, năm 2003 anh bán mảnh đất ấy. Thế là năm 2006, anh thừa tiền để mua ngôi biệt thự liền kề đã xây thô này. Anh bảo, ngày ấy khu vực này còn hoang sơ lắm, rất ít người dám bỏ tiền mua nhà ở đây. Bây giờ đường xá được khai thông nên nơi này mới có giá.
 
       ***
Bên tách trà, chúng tôi cùng trò chuyện về Trường Sơn. Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ lại những ngày sôi sục của tất cả các lực lượng trên Trường Sơn trước chiến dịch Đường 9 Nam Lào đầu năm 1971.
Sáng 30 tháng 1 năm 1971, Mỹ ngụy chính thức mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào khu vực Đường 9 – Nam Lào hòng ngăn chặn Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Chúng đã tung một lực lượng lớn vào cuộc hành quân này với hơn 4 vạn quân chủ lực quân đội Sài Gòn, 6.000 quân Mỹ, 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52).
Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc ấy đã huy động lực lượng tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào gồm 4 Binh trạm (Binh trạm 27, Binh trạm 9, Binh trạm 32, Binh trạm 41) và 5 trung đoàn cao xạ (có 1 trung đoàn tên lửa và 1 trung đoàn cao xạ do Bộ phối thuộc), 10 tiểu đoàn cao xạ độc lập, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy 12,7 ly, 14,5 ly. Lực lượng phòng không của Trường Sơn với hơn 326 nòng pháo cao xạ và 360 khẩu súng máy bố trí thành 8 cụm tác chiến trên khắp địa bàn của Chiến dịch.
Chỉ sau 2 ngày đầu chiến dịch phản công, Bộ đội Trường Sơn đã bắn hạ 50 máy bay lên thẳng của Mỹ-ngụy.
Rạng sáng 12 tháng 3 năm 1971, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã bước vào đợt tổng công kích thứ 2. Lúc này, Binh trạm 27 được lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức 150 xe của tiểu đoàn 62 và tiểu đoàn 965 chở đạn pháo, thuốc quân y và lương thực tiếp tế cho các đơn vị tham gia mặt trận.
Đơn vị công binh của Nguyễn Bá Tòng thời gian ấy chốt giữ bảo đảm giao thông tại dốc U Bò gần ngã ba Chà Lỳ trên đường 16.  Đêm ấy, đoàn xe chở đạn bắt đầu vượt dốc. Khi chiếc xe đi đầu đội hình đổ dốc thì bất ngờ bị máy bay AC 130 phát hiện. Nó bắn đạn 40 ly sối sả xuống mặt đường, tạo thành những vệt lửa đỏ rực dài cả trăm mét cày giữa tim đường. Chiếc xe đi đầu trúng đạn bốc cháy. Đồng chí lái xe bị thương. Anh chỉ kịp mở cửa cố thoát ra khỏi chiếc xe đang bốc cháy. Tổ công binh của Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 công binh) của Nguyễn bá Tòng trực ở đỉnh dốc vội lao ra dập lửa và cứu chữa thương binh. Nhưng cả 4 chiến sĩ công binh đều bị thương. Chiếc xe chở đạn bén lửa vẫn đang bốc cháy. Đoạn đường dốc này khá hẹp. Những chiếc xe khác không thể vượt qua chiếc xe bị cháy để tiếp tục hành quân. Tình hình vô cùng nguy cấp cho cả đoàn xe.
Đang trực ở hầm bảo đảm giao thông ở dưới chân dốc thì Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Tòng nhận được lệnh qua điện thoại của trung đội trưởng Bằng:
- Cậu mang bộc phá lên giải quyết chiếc xe đang cháy để thông đường gấp.
- Cần bao nhiêu bộc phá hả anh? Nguyễn Bá Tòng hỏi lại cho chắc chắn.
- Còn bao nhiêu mang hết lên đây. Nhanh lên!
Miệng hỏi nhưng tay Nguyễn Bá Tòng đã sốc chiếc ba lô đựng bộc phá lên lưng. Trong ba lô còn khoảng 20 cân thuốc nổ. Tòng mang đi hết. Anh lao ra khỏi hầm hộ tống chạy thẳng lên đỉnh dốc. Mặc cho bộc phá đè nặng trên lưng, mặc cho dốc cao, Nguyễn Bá Tòng đã lao lên dốc với một tốc độ không tưởng. Trên đầu, chiếc AC130 vẫn điên cuồng vãi đạn xuống mặt đường đỏ lừ. Lũ AC130 này thật quái quỷ. Không biết nó được trang bị khí tài kiểu gì mà từ trên cao lúc nào nó cũng bắn đạn trúng giữa tim đường. Vì thế, khi nó vãi đạn, Tòng đã nép sát vào mép đường để tránh đạn. Ngớt loạt đạn, anh lại lao đi. Chỉ ít phút sau, anh đã lên tới gần đỉnh dốc. Trung đội trưởng Bằng đón anh bằng một mệnh lệnh:
- Cậu khẩn trương dùng bộc phá hất chiếc xe đang cháy kia xuống vực để cứu cả đoàn xe.
Dùng bộc phá phá đất đá mở đường thì khỏi phải kể, lính công binh Trường Sơn anh nào chả thành thạo. Nhưng đánh xe, mà lại là xe của ta thì anh chưa từng làm. Lao lên phía trước với một thoáng băn khoăn trong đầu, Nguyễn Bá Tòng đã nhanh chóng tiếp cận với chiếc xe đang cháy. Ngọn lửa đã gần trùm kín thành xe. Những bó nứa chống đạn kẹp hai bên thành xe và lá ngụy trang bén lửa nổ lép bép. Lửa táp vào anh rát bỏng. Nguyễn Bá Tòng nhanh chóng xác định vị trí đánh bộc phá. Để chắc ăn, Nguyễn Bá Tòng vội xé chiếc áo lót ra để buộc chặt chiếc ba lô đựng bộc phá vào cầu sau của xe. Anh buộc cả một bó kíp nổ thành một mối liên kết. Nếu cắt dây cháy chậm dài thì an toàn cho bản thân mình nhưng như thế thì quá nguy hiểm cho mặt đường. Trên thùng xe chở đầy đạn cối và một ít gạo. Lửa bắt đầu chùm lên thùng xe rồi. Chưa biết đạn trên thùng xe sẽ nổ lúc nào. Phải giành giật với giặc lửa từng phút, từng giây mới mong thành công. Nếu để mấy tấn đạn cối kia mà nổ thì khác nào một quả bom lớn. Chắc chắn mặt đường sẽ bị hủy hoại. Lúc ấy dù chướng ngại vật là chiếc ô tô cháy được giải quyết thì vẫn không thể thông đường. Nghĩ nhanh như thế, Tòng cắt dây cháy chậm dài chưa đầy một gang tay. Phải cố chạy thật nhanh mới mong an toàn cho mình thôi. Buộc nhanh chiếc ba lô chứa đầy bộc phá lên cầu sau của chiếc xe. Mặt, tay, ngực anh bị lửa táp cháy xém. Nhưng mặc, Nguyễn Bá Tòng đã “kích hoạt” khối bộc phá thành công. Anh vội lao ra khỏi chiếc xe. Chạy chưa đầy 15 mét thì bộc phá nổ. Một tiếng nổ kinh hoàng. Áp lực của khối bộc phá đẩy Nguyễn Bá Tòng ngã lăn xuống ta luy âm. Chiếc xe zin 130 bị hất bay khỏi mặt đường rơi xuống vực. Mặt đường không hề hấn gì.
Sau tiếng nổ lớn của khối bộc phá ấy, Nguyễn Bá Tòng bị sức ép, ngất đi. Đường thông, đoàn xe của D62 và D965 sau đó đã vượt dốc an toàn kịp thời tiếp đạn cho các đơn vị tham gia Chiến dịch.
Nguyễn Bá Tòng được anh em trong đơn vị cáng về Bệnh xá của Trung đoàn. Dù được y tá đại đội tiêm thuốc trợ lực, nhưng nằm trên cáng suốt hơn sáu ki lô mét xuyên rừng về Bệnh xá, Nguyễn Bá Tòng không có bất cứ một phản ứng nào. Anh vẫn bị ngất sâu. Mãi cho tới ngày hôm sau anh mới tỉnh. Rất may, anh không bị chấn thương nào nặng. Tuy nhiên, đôi tai của anh thì hoàn toàn điếc đặc. Khi tỉnh lại, anh vội hỏi:
- Thiệp, Hản, Đông thế nào rồi? Anh em phải ghé sát vào tai anh thông báo:
- Mấy anh em chỉ bị thương, không ai nguy hiểm đến tính mạng. Anh cứ yên tâm điều trị.
Nghe anh em thông báo, Tòng rất vui. Thế là tiểu đội của anh sau những năm chiến đấu trên Trường Sơn gian khổ và ác liệt nhưng giờ này chưa ai ra đi. Thiệp quê Thái Nguyên, Hản dân tộc Tày cùng ở Tuyên Quang với Đông đều rất hiền nhưng có bản lĩnh. Tiểu đội của anh là một tập thể yêu thương nhau hết lòng… (Hành động  dũng cảm, quyết đoán ấy của Nguyễn Bá Tòng đã giúp anh trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, ngày 11/11/1973).
Sau hơn 10 ngày điều trị, anh trở về đơn vị. Lúc này đại đội của Tòng làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở khu vực Sê Băng Hiêng. Một lần anh được phân công chỉ huy anh em đi lấy gạo và thực phẩm ở kho. Trên đường trở về bất ngờ các anh bị máy bay lao đến bắn phá. Tòng chỉ huy anh em lánh vào một chiếc hang đá nhỏ bên đường. Chiếc hang rất nông. Vừa kịp đặt ba lô gạo xuống thì một quả bom nổ ngay trên nóc hang. Mảnh bom và đá văng rào rào xuống vị trí các anh đang ẩn nấp. Nhiều anh em bị thương. Riêng Tòng, bị mảnh bom và đá cắm vào chân, vai và bụng anh, khiến máu chảy xối xả. Nguyễn Bá Tòng vẫn tỉnh táo chỉ huy anh em nhanh chóng tự băng bó cấp cứu cho nhau. Trời sập tối nhanh. Anh quyết định cho anh em ngủ lại trong hang. Sáng hôm sau đơn vị cho người ra đón và khiêng những đồng chí bị thương đi viện. Nguyễn Bá Tòng được chuyển ra Viện quân y 59. Lần ấy anh phải nằm điều trị 15 ngày. Một mảnh bom đã găm vào xương bả vai của anh. Nó “cố thủ” ở trong vai anh cho tới tận bây giờ…
 
Câu chuyện của tôi và Nguyễn Bá Tòng tiếp tục trong hương thơm của tách trà. Anh kể: Mình quê gốc ở thôn Tràng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cơ. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, gia đình mình chuyển lên phố Kép để sinh sống. Mình sinh ra ở Kép ngày 19/11/1946. Năm 1950, gia đình mình chuyển lên xóm Đồng Bụt, Yên Bình, Hữu Lũng, Lạng Sơn.
- Có phải ngày trước tên anh không phải là cái tên Nguyễn Bá Tòng hôm nay? Tôi hỏi.
- Đúng. Nhưng tại sao cậu biết nhỉ ? Anh nhìn tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Bí mật. Tôi nói. Anh không hỏi lại tôi mà kể tiếp:
- Đúng là ngày còn bé, tên tớ là Nguyễn Đức Tòng – tên bố mẹ tớ đặt cho như thế. Khi lên cấp 2, thầy Bình dạy môn sử rất quý mến tớ, vì tớ học giỏi môn lịch sử. Một hôm thầy bảo với tớ rằng: “Thầy muốn em đổi tên đệm. Tên đệm Đức cũng hay nhưng chỉ thể hiện sự đức độ thôi. Thầy muốn em làm được nhiều hơn thế. Em hãy chọn tên đệm là Bá vừa hay hơn và vừa bao hàm nghĩa rộng lớn hơn. Nguyễn Bá Tòng. Em thấy thế nào?” Thấy hay, mình gật đầu luôn. Thế là thầy làm thủ tục đổi tên đệm cho tớ. Ngày ấy tên tuổi trên giấy tờ đơn giản lắm. Tên ở nhà trường viết thế nào thì tất tật đều theo như thế. Thế là mình mang tên Nguyễn Bá Tòng từ ngày ấy theo ý của thầy giáo dạy lịch sử…
- Theo quan niệm tâm linh thì cuộc đời của con người ta được yểm vào cái tên. Rất có thể, nếu anh mang tên là Nguyễn Đức Tòng thì cuộc đời sẽ khác với cuộc đời Nguyễn Bá Tòng hôm nay đấy? Tôi cười và nói đùa với anh như thế. Nói vui với anh như thế nhưng có một điều tôi dám khẳng định rằng, dù không mang tên là Nguyễn Đức Tòng thì Nguyễn Bá Tòng hôm nay vẫn là một người sống hiền lành và có tâm đức.
Câu chuyện của chúng tôi lại trở về những ngày miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Học xong lớp 7, ngày 10/9/1965, Nguyễn Bá Tòng lên đường nhập ngũ. Anh trở thành lính của Đại đội 100 pháo cao xạ của Quân khu Việt Bắc. Từ năm 65 đến năm 68, anh cùng đơn vị đánh hàng trăm trận với máy bay Mỹ, bảo vệ các mục tiêu ở Lạng Sơn, Thái Nguyên và Việt Trì. Trong những ngày đối đầu với máy bay Mỹ, ngày 11/12/1966, anh đã vinh dự trở thành đảng viên cộng sản.
Sau khi Bác mất, Đại đội 4, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 304 B của anh được lệnh hành quân bổ sung cho chiến trường B2. Vừa vào đến trạm giao liên đầu tiên của Trường Sơn thì đơn vị được lệnh của Bộ bổ sung cho Bộ Tư lệnh 559. Đại đội 4 của anh được điều về tăng cường cho Trung đoàn công binh 98 Trường Sơn. Từ lính cao xạ, dạn dày đánh nhau với máy bay Mỹ, bây giờ lại trở thành lính công binh, Tòng và anh em trong đơn vị thắc mắc dữ lắm. Ai cũng muốn được vào Nam “oánh nhau” trực tiếp…Anh được phân về C6, D2, E98. Trung đoàn được lệnh hành quân vào trực thuộc lực lượng của Binh trạm 42, làm nhiệm vụ mở 6 km đường ngang tránh trọng điểm Dốc Con Mèo. Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Tòng được học cách tháo gỡ bom mìn, học cách đối phó với bom từ trường. Tiểu đoàn của anh tiếp tục được điều vào Binh trạm 34 bảo đảm giao thông trên đường 128A. Cuối năm 1970, anh lại cùng đơn vị quay ra tuyến ngoài mở đường 16A, 16B, 16D, mở rộng đường 9, rồi khôi phục đường ở A Sầu, A Lưới. Dấu chân của người lính công binh Nguyễn Bá Tòng đã in trên nhiều tuyến đường quan trọng, nhiều trọng điểm ác liệt của Trường Sơn. Ngày đêm đối mặt với khó khăn gian khổ và đạn bom ác liệt đã tôi luyện Nguyễn Bá Tòng. Vốn là người ít nói, môi trường ấy dường như càng làm anh thâm trầm hơn. Đối mặt với bom đạn không có chỗ cho sự sôi nổi, bồng bột.
- Tôi biết, anh chả có thời gian nào đóng quân ở Nghệ An, vậy tại sao anh - một chàng trai xứ Lạng, duyên cớ gì lại kết hôn với một cô gái xứ Nghệ? Tôi thắc mắc hỏi Nguyễn Bá Tòng.
- À, chuyện ấy dài lắm. Hồi E98 trực thuộc Sư đoàn 473, mình và anh Nguyễn Hùng Phong đã biết nhau. Sau này ra học ở Học viên Chính trị, rồi học trường Văn hóa, mình và anh Nguyễn Hùng Phong (Trưởng tiểu ban Tuyên huấn, còn Nguyễn Bá Tòng là trợ lý Thanh niên ngày 2 anh em công tác ở Trung đoàn 98) đã kết nghĩa anh em. Những ngày nghỉ, mình và anh Phong vẫn về thăm mẹ anh Phong sống ở B19 khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Đầu tháng 5/1975, một lần về chơi, mẹ đã gọi mình đến tâm sự:
- Mẹ thấy con cũng gần 30 tuổi rồi. Tính chuyện lấy vợ đi chứ!” Nghe xong, mình thú thật:
- Con chưa có điều kiện để tìm hiểu mẹ ạ. Mẹ cười, rồi nói luôn:
- Thế thì để mẹ giới thiệu cho. Con bé Hồ Thị Thanh Bình hàng xóm là đồng hương Nghệ An với mẹ. Nó ở Diễn Bích, Diễn Châu, Nghệ An. Con bé ấy đang là công nhân Thảm len Đống Đa, mới 18 tuổi thôi. Nó nết na lắm. Lần sau con về mẹ gọi nó sang cho hai đứa gặp nhau nhé.
- 18 tuổi ạ. Con sắp 30 rồi, liệu có hợp không ạ? Tôi phân vân hỏi lại.
- Con tuổi Tuất, hơn nó 10 tuổi. Tốt. Không sao đâu. Thì con cứ xem mặt cái đã.
Thế là chủ nhật giữa tháng 5 năm 1975 ấy, mẹ đã mời Hồ Thị Thanh Bình sang nhà để chúng tớ gặp nhau. Không biết có phải duyên số hay không mà sau cái lần gặp nhau ấy, chúng tớ đã thấy cảm tình với nhau rất lạ. Tháng 6 năm 1976, chúng tớ làm đám cưới. Bình sau đó chuyển về làm nhân viên Văn phòng của Bộ Điện và Than…
- Sao anh dũng cảm để chị ấy đi lao động hợp tác suốt năm năm trời như vậy? Tôi thắc mắc hỏi.
- Ngày ấy đời sống khó khăn quá. Tháng 3 năm 1982, cơ quan bà xã mình giảm biên chế. Bà ấy có suất đi lao động tại Tiệp khắc. Lúc ấy cháu Nguyễn Hồng Quân con đầu của vợ chồng mình mới 5 tuổi. Bọn mình sau nhiều đêm bàn bạc, cuối cùng hai vợ chồng thống nhất để vợ mình “đi Tây”. Hy vọng rằng 5 năm sau, vợ mình về nước, chúng mình có chút lưng vốn mới tính chuyện nhà cửa và sinh con tiếp… Một năm sau khi bà xã mình đi Tây mình mới được điều về làm Trưởng ban Chính trị Bộ Tham mưu Binh đoàn 12…
Nhấp một ngụm trà, nhìn ra cửa sổ trầm ngâm một lúc rồi anh cười, tiếp tục kể: Ngày ấy, ai để vợ đi tây, thường bị bạn bè đùa trêu là để “xe Pơ rô ở Bờ Hồ không khóa”. Mình không bị đùa trêu, nhưng nhiều đêm đối mặt với sự cô đơn trống vắng là một thử thách vô cùng lớn. Rồi chuyện nuôi con thay vợ, có lúc mình tưởng không vượt qua nổi… Năm 1986, vợ mình về nước. Năm 1988, cháu Nguyễn Hồ Long ra đời. 4 năm sau khi sinh cháu Long, nhà tôi nghỉ mất sức. Cháu Hồng Quân đang học năm thứ 3 đại học thì bị tai nạn xe máy, chấn thương sọ não…
Tôi không muốn chạm thêm vào quá khứ đã thử thách ghê gớm nghị lực của một người Anh hùng như anh. Nếu không có bản lĩnh của một người lính Trường Sơn, chắc gì anh đã vượt qua ngần ấy biến cố đổ xuống gia đình bé nhỏ của anh. Đứa cháu đích tôn của anh – niềm hy vọng của anh chị cũng bị di chứng chất độc da cam từ ông nội truyền sang. Nỗi đau của anh chị ghê gớm quá. Gánh nặng gia đình đè nặng lên anh suốt ngần ấy năm trời và chắc chắn sẽ theo anh đi hết cuộc đời… Điều khiến tôi thêm cảm phục khi biết, trong thời gian vợ đi Tây, Nguyễn Bá Tòng một nách nuôi con vẫn hoàn thành chương trình Đại học Kinh tế Quốc dân (1984-1989).
      Năm 1996, Nguyễn Bá Tòng được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12. Anh đã đặt chân tới từng đại đội của tất cả mọi đơn vị trong Binh đoàn. Anh đến với anh em bằng tấm lòng chân thật. Anh tỷ mỉ tìm hiểu mọi mặt của đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc… của từng đơn vị, giúp anh em tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…Đến đâu anh cũng đòi hỏi anh em phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị. Nếu thiếu điều này thì dù các mặt công tác khác có thuận lợi đến mấy cũng thật khó phát huy hết sức mạnh và bảo đảm sự phát triển đơn vị một cách bền vững.
- Điều gì khiến anh tâm đắc nhất trong cuộc đời làm công tác chính trị của mình trong quân đội? Tôi hỏi thẳng anh. Không cần nghĩ ngợi, anh nói luôn:
- Với mình trước hết đó là sự chân tình. Người cán bộ chính trị nếu không có tấm lòng chân tình với anh em, đồng đội thì khó có thể hoàn thành tốt được công việc. Tất nhiên, là cán bộ chính trị còn phải đòi hỏi có trình độ và năng lực chuyên môn cùng sự nhạy cảm trong mọi tình huống.
       Phải chăng phương châm này trong suốt quá trình công tác từ khi còn làm một tiểu đội trưởng đến “Chính ủy” của một Binh đoàn đã giúp anh thành công? Tôi tin điều đó.
 
       Cầm sổ hưu năm 2007, tướng Nguyễn Bá Tòng đã được tướng Võ Sở mời ngay vào Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Với một người lính có gần 40 năm gắn bó với Trường Sơn, anh không chút đắn đo nào. Trường Sơn là nơi đã thấm máu và để lại một phần cơ thể của anh. Nhưng Trường Sơn cũng đã cho anh hào quang của cuộc đời và chiếc lon cấp tướng trên vai. Tôi đã có lần nghe anh nói: “Tôi mắc nợ Trường Sơn nhiều lắm. Chính Trường Sơn đã tôi luyện để tôi trưởng thành như hôm nay…” Tôi nghĩ, đó là một lời nói chân thật từ đáy lòng. Nó không phải là sự “đánh bóng” một cách cố tình cho sự “khiêm tốn” giả tạo của một người Anh hùng. Chỉ có những người đã được tôi luyện và thử lửa thực sự trên Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vừa qua mới có cái nhìn đúng nhất, rõ nhất về chính mình.
       Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Khóa 1 (2011), rồi Khóa 2 (2016) anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch. Anh được tướng Võ Sở phân công phụ trách mảng lịch sử - truyền thống và chính sách. Mảng công việc mà anh phụ trách là một trong 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội: “Lịch sử truyền thống” và “Nghĩa tình Trường Sơn”. Lĩnh vực mà anh phụ trách buộc anh phải đi và thị sát rất nhiều trong thời gian qua. Khảo sát các di tích lịch sử Trường Sơn ở Savanakhet, Lào; Khảo sát các di tích lịch sử ở Đường 9 và điểm phát tích đầu tiên của Đoàn 559; Khảo sát các điểm di tích trên đường 20 Quyết Thắng, trên Đường 10, Đường 16.vv… Rồi tham dự những cuộc gặp mặt truyền thống của các đơn vị Trường Sơn trên nhiều vùng của đất nước. Anh đã nhiều lần trở lại Trường Sơn. Bàn chân anh và Đại tá Vũ Trình Tường, Trưởng Trưởng ban Truyền thống-lịch sử đã in dấu trên nhiều khu rừng Trường Sơn, tìm lại dấu tích lịch sử năm xưa để lựa chọn địa điểm xây dựng bia di tích. Anh cũng đã cùng anh em trong Ban và Binh đoàn 12 nghiền ngẫm nhiều đêm cho dự án đề nghị Nhà nước công nhận Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và Đường 20 Quyết thắng là Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt…
          Đi nhiều thì tốn kém tiền bạc và sức khỏe. Nghĩ nhiều cho công việc thì tổn hại sức lực. Không một đồng phụ cấp, nhưng anh và lãnh đạo cùng các cộng sự ở Trung ương Hội không mảy may tính toán cho riêng mình. Tất cả đều vì Trường Sơn và trả nghĩa cho Trường Sơn, như anh đã nhiều lần chân tình tâm sự. Đó không chỉ là phẩm chất của một người Anh hùng khi “đã hạ cánh an toàn” về với cuộc sống đời thường như Tướng Nguyễn Bá Tòng, mà còn là phẩm chất của nhiều vị tướng lĩnh và sĩ quan của Hội Trường Sơn ở mọi miền đất nước hôm nay.

PTL
 

 

tin tức liên quan
test 123