Bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Hồng Minh - một người lính từng vượt Trường Sơn để vào Nam Bộ. Anh có nhiều thời gian hoạt động trên Trường Sơn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với anh về thơ, về cuộc sống chiến đấu hôm qua và về cuộc sống hôm ...
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN HỒNG MINH
Đồng chí Thành Long tặng Huy hiệu Trường Sơn cho Bác sĩ, Nhà thơ Nguyễn Hồng Minh.
Sáng nay, tôi và nhà thơ Vũ Trình Tường, Phó Tổng Biên tập Trang thông tin Trường Sơn đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng Đại tá, bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Hồng Minh tại nhà riêng, số 8 phố Cửa Đông, Ba Đình, Hà Nội.
Trước đó, tôi đã vào trang web riêng của anh có địa chỉ: nguyenhongminh.net để tìm thông tin về anh.
Anh Minh tuổi Tý (1948). Sinh ra và lớn lên ở Thị Cầu, Bắc Ninh. Tổt nghiệp lớp 10, nhà nghèo anh trở thành công nhân mỏ Mạo Khê từ rất sớm. Sau 2 năm làm công nhân mỏ, năm 1968, anh được chọn về học Trường cán bộ Y tế Quảng Ninh. Tháng 4 năm 1970 anh nhập ngũ. Năm 1971 anh được cử về học chuyên tu tại Đại học Y Hà Nội. Năm 1973 anh hành quân vượt Trường Sơn vào bổ sung cho lực lượng an ninh bảo vệ Trung ương Cục miền Nam. Anh làm trợ lý thanh niên Tiểu đoàn 18 An ninh. Sau năm 1975, anh làm trợ lý Chính trị Phòng PC22, Cảnh sát bảo vệ Công an TP. Hồ Chí Minh. Anh về hưu từ Công an TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty THHH thẩm mỹ Thanh Binh, có trụ sở tại 23 Cửa Đông Hà Nội...
Chúng tôi được biết anh vừa xuất bản 2 tập thơ: Quê hương và Hương đất. Hai tập thơ với 200 bài và được Hội Nhà văn Việt Nam tài trợ xuất bản. Đây là trường hợp khá đặc biệt khi anh chưa phải là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. 2 tập thơ này đã được nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu có uy tín giới thiệu trên báo An ninh, báo Quân đội Nhân dân Thứ Bảy...
Chúng tôi trò chuyện với anh khá thú vị và sôi nổi. Trong anh vẫn giữ nguyên sự nhiệt huyết và tâm hồn, cách nghĩ của người lính đã đi qua cuộc chiến tranh sinh tử. Anh nói vui với chúng tôi: Chúng mình ngồi nói chuyện hôm nay cái quý nhất là đã giữ được "gáo" mang về. Nhiều đồng đội của chúng mình đã nằm xuống. Mọi chức vụ, "áo mũ" đều bỏ lại sau lưng, chỉ còn cái tình, cái nhân cách của riêng mình. Vì thế hãy sống cho tử tế và hết lòng các anh ạ. Tôi rất ngạc nhiên khi anh nghe điện thoại báo ra nhận đồ ăn chay. Thấy vậy, anh bảo: Là bác sĩ, nhưng từ lâu rồi, tôi ăn chay. Ăn chay để phòng bệnh tật các anh ạ. Nhiều loại bệnh tật đều bắt nguồn từ sự ăn uống hôm nay mà ra cả...
Đồng chí Nguyễn Hồng Minh đọc thơ cho chúng tôi nghe từ tập thơ "Quê hương" mới xuất bản của anh.
Khi biết Hội Trường Sơn có cuộc thi thơ "Lục bát Trường Sơn", anh bảo: Tôi sẽ chọn ra khoảng chục bài gì đấy về đề tài Trường Sơn để dự thi. Rồi anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ anh mới viết còn đang để trong máy tính cá nhân. Bài thơ viết về Đèo Phulanhich. Bài thơ khá dài và đầy ngôn từ mạnh mẽ, khắc họa sự ác liệt và gian khổ của trung đội 37 cô gái công binh giữ chốt trên Đèo... Anh bảo, tôi đã đi và gặp khá nhiều những cô gái Trường Sơn và tôi đã viết nhiều bài thơ về họ. Con gái trong chiến tranh khổ cực hơn chúng ta trăm lần, vì họ là phụ nữ... Tôi bảo: Chúng tôi ở TƯ. Hội bây giờ đi nhiều, gặp lại nhiều đồng đội nữ Trường Sơn, có biết bao cô gái đơn thân không có hạnh phúc được làm vợ. Cũng có không ít những đồng đội nam của chúng ta ở tuổi sế chiều mà chưa một lần được ru con...
Rồi anh rút từ trong ngăn kéo bàn làm việc ra 2 triệu đồng đưa cho chúng tôi: Tôi xin gửi các anh 2 triệu đồng. Đây là tình cảm của tôi với anh em Trường Sơn. Sau này, tôi hứa sẽ có những đóng góp cho Hội của chúng ta.
Chúng tôi cảm động trước tình cảm của anh Nguyễn Hồng Minh. Anh bảo không cần thông tin về sự đóng góp nhỏ nhoi này của tôi. Nhưng chúng tôi xin phép được công bố tình cảm này của anh trên Trang thông tin Trường Sơn, và sẽ dùng số tiền này cho cuộc thi Lục bát Trường Sơn. Nói mãi anh mới đồng ý.
Anh không muốn chia tay với chúng tôi nếu chúng tôi không ăn trưa cùng anh. Vì công việc, chúng tôi hẹn anh vào dịp khác, có nhiều thời gian để cùng đàm đạo về đời lính, về thơ về cuộc sống...
Chia tay anh, hình ảnh vị bác sĩ, nhà thơ nghiệp dư mặc áo lính Nguyễn Hồng Minh để lại trong tôi một ấn tượng khó quên.
Thành Long