Kết quả cuộc thi Ký ức Sư đoàn 470.

Ngày đăng: 08:56 08/04/2015 Lượt xem: 669

BÁO CÁO

 

Kết quả cuộc vận động viết về “Ký ức Sư đoàn 470

và xuất bản sách “Ký ức Sư đoàn

    

  Ngày 16/8/2014 tại Hà Nội, cuộc họp BCH mở rộng lần thứ 4 Hội Truyền thống Trường Sơn - Sư đoàn 470 đã ra Nghị quyết về Kế hoạch kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn, một nội dung quan trọng là mở cuộc vận động viết về “Ký ức Sư đoàn”.

Ngày 23/8/2014, Ban Thường vụ Hội đã thông báo bằng văn bản đến các Chi hội và gửi đến Hội Truyền thống Trường Sơn - Sư đoàn 470 ở nhiều tỉnh, thành: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đắc Lắc,... đồng thời thông báo lên website của Trung ương Hội.

Sau 3 tháng phát động, nhiều hội viên đã lần lượt gửi bài tham gia, tuy nhiên chưa nhiều, chưa phong phú để có thể xuất bản sách.

Ngày 18/10/2014, Ban chỉ đạo và Ban biên tập đã họp thống nhất đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động đến từng cá nhân, đơn vị có trọng tâm, trọng điểm và bước đầu đã thông qua đề cương cuốn sách để cuộc vận động đi đúng trọng tâm, yêu cầu. Nhờ vậy, đến hết tháng 12/2014, cơ bản bài tham gia đã đông đảo hơn, có chất lượng hơn và thực sự phong phú, đáp ứng yêu cầu để xuất bản sách. Với phương châm vừa tổ chức bản thảo, vừa biên soạn, vừa biên tập, vừa tiếp tục nhận bài, viết bài bổ sung đến trước 23 tháng Chạp “ông Công, ông Táo lên chầu trời”, bản thảo đã hoàn thành gửi đến các biên tập viên.

Các đồng chí trong Ban biên tập đã làm việc trước và trong Tết nguyên đán để ngày 6 tháng giêng, Trưởng ban biên tập biên tập lần cuối. Và đến ngày 2/3/2015, bản thảo hoàn chỉnh, đã gửi đến NXB Hà Nội để tiến hành các khâu xếp chữ, dàn trang, mi ảnh, v.v... Kết quả, đúng ngày 2/4/2015, cuốn sách “Ký ức Sư đoàn” dày trên 450 trang hoàn thành, hôm nay đã đến tay các đồng chí, đúng kế hoạch kỷ niệm thành lập Sư đoàn. Đây là một kỷ lục về xuất bản, từ khi phát động đến lúc có sách, vẻn vẹn 7 tháng trời. Nhiều đồng chí không tin là có thể có sách.

Để có cuốn sách, từ khi phát động đến ngày 1/3/2015, Ban biên tập đã nhận được:

- 47 bài viết;

- 374 bài thơ;

- 01 trường ca;

- 01 câu đối chữ Hán;

- 01 bức đại tự chữ Hán;

- 02 bức thư pháp chữ Việt;

- 50 ảnh các loại;

- 11 ca khúc;

- 02 tập tranh và 14 ký họa

của gần 100 tác giả (cả hội viên, lãnh đạo và văn nghệ sĩ). Tác giả cao tuổi nhất là đồng chí: Đại tá Trần Danh Hòa (89 tuổi) ở Hà Nội.

Hưởng ứng sớm nhất là Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ. Khi đặt vấn đề, đồng chí đã nộp ngay 10 ký họa + tập tranh. Người gửi bài sớm nhất là đồng chí Thân Bá Chi (C1-D58-BT37) Hội Truyền thống 470 Bắc Ninh - Bắc Giang và đồng chí Lê Xuân Bá (nguyên Sư trưởng 470) Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc, gửi ngày 15/9/2014. Người gửi bài cuối cùng là đồng chí Nguyễn Văn Đãi (Phó Chủ tịch) Hội Truyền thống 470 và Họa sĩ Hoàng Đình Tài, gửi ngày 28/2/2015 và 1/3/2015, sát ngày nộp bản thảo cho Nhà xuất bản Hà Nội (2/3/2015).

Kết quả, Ban biên tập đã sử dụng bài viết của 81 tác giả và 10 nghệ sĩ Trường Sơn để in sách, gồm:

- 42 bài viết;

- 92 bài thơ;

- 8 ca khúc;

- 01 đại tự chữ Hán;

- 02 thư pháp chữ Việt;

- 05 tranh sơn dầu, sơn mài;

- 06 ảnh nghệ thuật.

Và nhiều tư liệu, ảnh chụp về Trường Sơn, ký họa... dùng minh họa cho bài viết và thơ.

Nếu tính theo đơn vị thì Trung đoàn 4 Công binh, Tiểu đoàn xe 58, K20 vận tải đường sông... tham gia nhiều nhất. Đặc biệt, Chi hội K20 có 5 đồng chí thì tất cả đều viết bài, gửi thơ. Đồng chí Vương Tiếp Tiểu đoàn 58 gửi 01 bài viết và 30 bài thơ.

Nếu theo địa bàn thì sau Hà Nội là các tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang (6), Nam Định (11), Thái Bình (4)... có nhiều bài, các đồng chí ở xa như Nghệ An, Quảng Trị, Đắc Lắc cũng gửi bài.

Riêng về thơ thì gần 2/3 là các bài thơ được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn viết trong thời gian chiến tranh (1965 - 1975).

Chúng ta đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý, có giá trị: 2 ảnh đón lẵng hoa bác Tôn, ảnh chị Ba Định thăm Sư đoàn, di cảo thơ của cố Chính ủy 559 Đặng Tính tặng Sư 470, tập thơ của cố Sư trưởng Hoàng Anh Vũ, ảnh đồng chí Đức Phương đi tìm địa điểm đóng quân cho Sư đoàn bộ.

Đặc biệt, cuộc vận động của Sư đoàn được sự hưởng ứng của các văn nghệ sĩ vốn xuất thân là cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn: Phạm Kỳ Anh, Nguyễn Trọng Nghị, Phùng Luận, Nguyễn Viết Đồng, Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Khắc Liên, Nguyễn Huy Loan và các văn nghệ sĩ Trường Sơn: Nguyễn Đức Dụ, Hoàng Kim Đáng, Hoàng Đức Tài, Vương Khánh Hồng... làm cho cuốn sách “Ký ức Sư đoàn” đến tay các đồng chí thực sự phong phú, chất lượng.

Ban Thường vụ Hội đã thống nhất đánh giá: Cuộc vận động viết “Ký ức Sư đoàn” đã hoàn thành tốt đẹp và sự ra đời cuốn sách là thành công chung của toàn Hội chúng ta, có sự đóng góp và hưởng ứng tham gia tích cực của hội viên từ lãnh đạo, chỉ huy, tướng lĩnh, các cấp cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị của Sư đoàn, sự làm việc nhiệt tình, tâm huyết của Ban chỉ đạo và Ban biên tập, sự động viên và tham gia thiết thực của các văn nghệ sĩ Trường Sơn và ngoài quân đội; sự tài trợ tinh thần và tài chính của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân để cuốn sách ra đời.

Đây là tấm lòng, là tình cảm của Hội chúng ta để kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

 

                                                                                                Thay mặt Ban CH Hôi

                                                                                                           Chủ tịch

 

                                                                                                  Đậu Xuân Tường

tin tức liên quan
test 123