Diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng 30-4-1975 của Thiếu tướng Võ Sở

Ngày đăng: 09:42 26/04/2015 Lượt xem: 819

 BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN THAM GIA TỔNG TẤN CÔNG MÙA XUÂN 1975

 VÀ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ

 

                                        Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội TTTS-ĐHCMVN

 

    Thưa các đồng chí lão thành của Bộ đội Trường Sơn; 

    Thưa các đồng chí đại biểu khách quý, cùng các đồng chí thân mến;

Hôm nay chúng tôi vô cùng vui mừng được đón các đồng chí lão thành của Trường Sơn, các đồng chí đại biểu đại diện cho các đơn vị của Trường Sơn tham gia cuộc Tổng tấn công mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thời gian dần trôi, hôm nay gặp mặt nhau tại đây, chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ tới nhiều đồng chí là nhân chứng của Trường Sơn tham gia cuộc chiến đấu cuối cùng của dân  tộc, đã ra đi gặp Bác Hồ và Anh Cả nên không có mặt cùng chúng ta hôm nay…

Chúng ta gặp mặt tại đây hôm nay để cùng tự hào nhớ về những ngày tháng không bao giờ quên của lịch sử dân tộc, của lịch sử Trường Sơn 40 năm về trước.

Thưa các đồng chí;

Cách đây 40 năm, vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Giải phóng của Tổ quốc đã tung bay trên nóc dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc 30 năm đấu tranh trường kỳ, anh dũng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Thời khắc lịch sử huy hoàng ấy cũng đã đánh dấu sự kết thúc toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại nhất, chói lọi nhất của lịch sử dân tộc ta.

40 năm sau, hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về cuộc trường chinh kéo dài suốt 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, dân tộc ta, quân đội và nhân dân ta đã làm nên một chiến thắng cự kỳ vĩ đại trước một kẻ thù hung bạo, có sức mạnh ghê ghớm về tiềm lực kinh tế và quân sự nhất thời đại, thu non sông về một mối.

   Thưa các đồng chí,

Kỷ niệm 40 năm Ngày đất nước Toàn thắng, hôm nay nhìn lại, Bộ đội Trường Sơn càng thêm tự hào về sự đóng góp vô cùng to lớn của mình vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, nhất là cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại.  

Như các đồng chí đã biết sự ra đời của Đoàn 559 - Tuyến chi viện chiến lược 56 năm trước là một nhu cầu tất yếu khách quan, là một sáng tạo chiến lược thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Để Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh được giao, Đảng ta, Quân đội ta đã đầu tư cao nhất có thể cho Bộ đội Trường Sơn trưởng thành nhanh chóng.

Từ 500 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên, hơn 2 năm sau - ngày 23/10/1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp Sư đoàn; đến ngày 3/4/1965, Đoàn 559 được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh 559 tương đương cấp Quân khu. Từ tháng 7 năm 1970, Đoàn 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn; được giao nhiệm vụ chỉ huy thống nhất toàn bộ lực lượng của ta hoạt động ở Nam Lào. Đến năm 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến.

Sau Hiệp định Pari năm 1973, thế và lực của ta trên chiến trường đã thay đổi và phát triển một cách nhanh chóng. Với tầm nhìn chiến lược, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có một bước chuẩn bị khá kỹ càng cho Ngày toàn thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta hãy cùng nhớ lại. Khi bước vào mùa khô 1973 - 1974, Bộ đội Trường Sơn được giao nhiệm vụ chi viện vô cùng to lớn so với nhiều mùa trước đó. Ban đầu là 282.000 tấn vũ khí đạn dược. Sau đó, chúng ta được giao nhiệm vụ bổ sung lên tới hơn 560.000 tấn. Có nghĩa là nhiệm vụ chi viện tăng hơn gấp đôi, nhất là nhu cầu về đạn hỏa lực.

Trên toàn chiến trường Trường Sơn, tất cả các đơn vị khí thế vào trận hừng hực với quyết tâm và ý chí lớn: “Vì miền Nam ruột thịt. Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn".

Lúc này, Bộ đội Trường Sơn đã lớn mạnh không ngừng, trở thành Binh chủng hợp thành hùng hậu. Đến thời điểm năm 1973, quy mô của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã lớn mạnh vượt tầm của một đơn vị cấp Quân khu thông thường, tác chiến với quy mô hợp đồng binh chủng lớn. Từ giữa năm 1973, Bộ đội Trường Sơn được tổ chức lại: thành lập các Sư đoàn binh chủng là một bước sáng tạo và phát triển phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của công tác chi viện. Tháng 5 năm 1973, Sư đoàn khu vực 473 được chuyển thành Sư đoàn công binh 473, Sư đoàn khu vực 571 trở thành Sư đoàn ô tô cơ động vận tải 571. Việc ra đời 2 Sư đoàn binh chủng đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn đã tạo nên một sức mạnh mới, hiệu quả mới của công tác chi viện.

Đến giữa tháng 5 năm 1974, theo đề nghị của BTL Trường Sơn, Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Sư đoàn ô tô thứ 2 là Sư đoàn 471 và chuyển các Sư đoàn khu vực 470, 472 thành 2 Sư đoàn công binh. Việc thành lập 2 Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu (571 và 471) với hơn 5.000 chiến xa là một sáng tạo đặc biệt, chưa có trong lịch sử quân sự thế giới, giúp Bộ đội Trường Sơn tập trung sức mạnh, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Quân đội giao phó trong giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến đầu năm 1974, từ Tây sang Đông Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược và chiến dịch rộng lớn với trên 100.000 km2, thông suốt với hậu phương miền Bắc XHCN, là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường Nam Đông Dương. Đường Trường Sơn vận hành đồng bộ cả Tây và Đông Trường Sơn với hệ thống cầu đường vững chắc. Đây là thành tựu hết sức to lớn, một trong những yếu tố quyết định thực hiện chi viện thắng lợi cho các hướng chiến trường, đặc biệt là sự chuẩn bị to lớn cho cuộc chiến đấu cuối cùng của dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 15/1/1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, với nhiệm vụ: “Làm đường chiến dịch, bảo đảm lương thực, đạn, xăng dầu và trực tiếp tham gia tác chiến chiến dịch”. “Chiến dịch vận chuyển 19-5” chi viện chiến lược kết hợp với nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Tây Nguyên được toàn tuyến vào trận với khí thế cao chưa từng có.

Các lực lượng của Trường Sơn ngoài việc vận chuyển chi viện cho các hướng chiến trường theo kế hoạch, đã tập trung binh lực chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh quyết định giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Tây Nguyên cho Sư đoàn công binh 470 mở đường chiến dịch và là lực lượng tác chiến tại chỗ. Bộ Tư lệnh thành lập mới 2 trung đoàn công binh 575 và 574 để thực hiện nhiệm vụ mở đường chiến dịch cơ động xe tăng và pháo hạng nặng áp sát Buôn Mê Thuột theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Điều động 2 trung đoàn cao xạ 232, 546, E 49 thông tin và tiểu đoàn ô tô 55 của E 572 trực tiếp tham gia chiến dịch. Sau đó Bộ Tư lệnh điều tiếp Sư đoàn phòng không 377 vào Tây Nguyên bảo vệ khu vực Công Tum-Plâycu-Đức Lập-Cầu 14 Buôn Ma Thuột. Tiểu đoàn 53, E 33, Sư đoàn 471 được điều động trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Đại tá Nguyễn Lang, Tư lệnh tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn được cử làm Phó Tư lệnh Chiến dich Tây Nguyên, phụ trách hậu cần.  Đầu tháng 2/1975, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn bộ binh 968 từ Nam Lào cơ động về Công Tum - Plâycu tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Hàng trăm xe của Sư đoàn 471 đã cơ động toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 968 trở về Đất Mẹ trong thời gian ngắn nhất. Cuối tháng 2/1975, hệ thống đường chiến dịch đã được các đơn vị công binh Trường Sơn và Sư đoàn 470 bí mật chuẩn bị sẵn sàng; vũ khí đạn dược được Sư đoàn ô tô 471 Trường Sơn chở đến lấp đầy các kho của Chiến dịch.

Ngày 1/3/1975, Sư đoàn 968 đã mở màn Chiến dịch Tây Nguyên bằng việc thực hiện đòn nghi binh tấn công Đồn Tầm - Chốt Mỹ thắng lợi, góp công lớn trong việc giam chân nhiều lực lượng của quân ngụy Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên để các đơn vị chủ lực của ta bất ngờ tiến đánh Buôn Ma Thuột.

Ngày 4/3/1975, Sư đoàn 471 được lệnh cơ động Sư đoàn 10 vào vị trí tập kết chiến dịch chuẩn bị tiến công Đức Lập và vận chuyển gấp hơn 100 tấn đạn hỏa lực vào thẳng trận địa bảo đảm kịp thời nổ súng. 23 giờ đêm 9/3/1975 Trung đoàn công binh 575 đã khai thông đường 50B, hai nhánh 50C và 50D xuyên thẳng vào Buôn Mê Thuột và chuẩn bị lực lượng công binh hộ tống xe tăng.

Ngày 4/3/1975 ta nổ súng tiêu diệt căn cứ Đức Lập. Ngày 10/3/1975, ta nổ súng tiến đánh Buôn Ma Thuột. Hàng chục xe tăng xuất hiện trong đội hình tấn công vũ bão của quân ta, khiến địch hoàn toàn bất ngờ. Lực lượng của Sư đoàn 377 bảo vệ các mục tiêu ở Tây Nguyên đã bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay địch, bảo vệ đội hình tấn công của lực lượng bộ binh của các sư đoàn quân chủ lực.

Chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột toàn thắng. Sư đoàn 23 ngụy và các đơn vị của chúng ở Buôn Mê Thuột đã bị tiêu diệt nặng nề. Lực lượng còn lại phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Lập tức Sư đoàn 471 được lệnh cơ động Sư đoàn 10 truy kích địch đang tháo chạy trên đường số 7 và cơ động Sư đoàn 320 theo đường 14 xuống giải phóng Buôn Hồ và truy kích địch đến Đạt Lý. Sư đoàn 471 còn huy động hàng trăm xe vận chuyển cấp tốc hàng trăm tấn gạo khẩn cấp cứu đói cho đồng bào Buôn Mê Thuột và vùng phụ cận. Ngày 18/3 Sư đoàn 968 đã giải phóng hoàn toàn thị xã Công Tum và sau đó giải phóng tiếp quận lỵ Thanh Bình. Sư đoàn 470 được Bộ Tổng Tư lệnh giao tiếp quản Công Tum và Plâycu. Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành lập gấp Trung đoàn 655 để quản lý, giáo dục hơn 1 vạn tù và hàng binh ngụy trong chiến dịch Tây Nguyên. Sư đoàn 471 tiếp tục cơ động Sư đoàn 968 và Sư đoàn 3 Khu 5 xuống đồng bằng giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa rồi Ninh Thuận và Bình Thuận cùng các đảo ven biển Nam Trung Bộ…

Ngày 25/3/1975, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên toàn thắng. Bộ đội Trường Sơn với lực lượng 3 Sư đoàn (470, 471 và 377) trực tiếp tham gia chiến dịch, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vang dội, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, góp phần tạo nên sự sụp đổ đột biến về tinh thần, lực lượng và thế trận của địch, đẩy quân ngụy Sài Gòn vào thế bị tiêu diệt và tan rã không sao tháo gỡ nổi.

Trước tình thế mới, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện kế hoạch của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động lực lượng cán bộ chủ chốt của cơ quan Bộ Tư lệnh triển khai công tác chuẩn bị chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Sư đoàn 571 được lệnh cơ động Sư đoàn 325 từ đường 9 và Li Tôn vào ngã ba 74 kịp thời tiến công địch. Các lực lương công binh Trường Sơn khắc phục vận cản, làm đường vòng tránh, bảo đảm cho các đơn vị bộ binh cơ động đánh địch. Ngày 26/3, Quân đoàn 2 tấn công giải phòng hoàn toàn cố đô Huế. Sư đoàn 571 tiếp tục cơ động Quân đoàn 2 cùng với lực lượng của Quân khu 5 đã tiến công giải phóng hoàn toàn TP. Đà Nẵng.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Sư đoàn 571 và 471 huy động cao nhất lực lượng xe vận tải cơ động cấp tốc lực lượng các sư đoàn của Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 vào vào thẳng chiến trường Nam Bộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong một thời gian “thần tốc” trước sự bất ngờ và hoang mang tột độ cho kẻ địch. Lực lượng công binh của Sư đoàn 472 và 473 sửa chữa và bắc hàng trăm cầu tạm trên quốc lộ 1, bảo đảm cho các đơn vị bộ binh cơ động thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Một bộ phận lực lượng của Sư đoàn 471, cấp tốc vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực vào thẳng kho của Chiến dịch. Trung đoàn 33, Sư đoàn 471 được điều động trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Sư đoàn 377 được huy động bảo vệ đội hình hành quân của các Quân đoàn chủ lực. Đường ống xăng dầu đã vào tới Lộc Ninh. Lực lượng xăng dầu Trường Sơn bảo đảm cung cấp xăng dầu cho các đơn vị trên nhiều hướng hành quân. Đặc biệt đã cung cấp 4.100 tấn xăng dầu cho các lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ hướng đông, Sư đoàn 571 cơ động Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tấn công Long Thành, thành Tuy Hạ rồi vượt sông Lòng tầu tiến về Sài Gòn. Ở hướng tiến công chính, E 512 của Sư đoàn 571 cơ động Sư đoàn 304 lần lượt đánh chiến căn cứ Nước Trong, Long Bình…tiến công dọc sa lộ Biên Hòa về nội đô Sài Gòn. Cùng thời gian này, Sư đoàn 471 cơ động Quân đoàn 1 đánh vào Sài Gòn theo 2 trục: Trục thứ nhất Tiểu đoàn 51 và 235 của 471 cơ động Sư đoàn 320 tiến đánh Tân Uyên. Tại đây địch đánh trả quyết liệt. 3 chiếc xe bị cháy và 8 chiếc khác bị hỏng nặng, một số lái xe Trường Sơn hy sinh và bị thương. Lái xe Trường Sơn sát cánh bên các chiến sĩ bộ binh đánh địch vượt qua Tân Uyên để qua cầu Bình Triệu…Trên trục thứ 2, Tiểu đoàn 53 và 734 cơ động lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 đánh chiếm Bến Cát, vượt cầu Sông Bé tiến vào nội đô. Ở hướng tây bắc, các trung đoàn 17, 32, 536 của Sư đoàn 471 cơ động Quân đoàn 3 tiến đánh Đồng Dù, Hóc Môn và nhanh chóng làm chủ sân bay Tân sân Nhất…Trung đoàn 9 Sư đoàn 968 được sự cơ động của Sư đoàn 471 đã đánh chiến Đồng Dù, giải phóng Tây Quy và huyện lỵ Củ Chi, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 3 tiến thẳng vào Sài Gòn…

Như vậy, lực lượng hàng ngàn chiến xa của Bộ đội Trường Sơn đã cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các Quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Chiến sĩ Dương Quang Lựa của tiểu đoàn 964, Sư đoàn 571 đã lái chiếc xe CE 1283 chở đơn vị tác chiến đi cùng xe tăng của Lữ đoàn 203 đánh chiếm Dinh Độc Lập trong những giờ phút đầu tiên.  

Chúng ta có thể khẳng định rằng: Nếu không có gần 5.000 chiến xa của 2 Sư đoàn ô tô chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn thì các lực lượng của Quân đội ta không thể tiến công thần tốc như mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn Miền Nam vĩ đại đã kết thúc. Non sông đã thu về một mối. Tuyến chi viện chiến lược vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn đã khép lại một chương huy hoàng trong lịch sử dân tộc. 

Trong 16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo nên một hệ thống giao thông kỳ vĩ dài 20.000 km đường xe cơ giới; chiến đấu chống lại hơn 4 triệu tấn bom đạn dội xuống Trường Sơn và hơn 173.000 trận oanh kích của không quân Mỹ; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường; tổ chức cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, bộ đội, các cháu Miền Nam, các thương bệnh binh… vào ra trên Đường Trường Sơn; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt Sư đoàn quân chủ lực tham gia Chiến dịch, đảm bảo hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki lô mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các đơn vị, tới các hướng chiến trường; mở 1.400 km đường ống xăng dầu…Trực tiếp tham gia nhiều Chiến dịch lớn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn huy động 6 sư đoàn cùng với lực lượng chủ lực làm nên Chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong trận chiến đấu cuối cùng của quân đội ta, dân tộc ta.

Hôm nay nhìn lại, 16 năm chiếu đấu kiên cường của Bộ đội Trường Sơn, chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ thương hơn 2 vạn đồng đội của chúng ta đã ngã xuống trên Trường Sơn. Trong cuộc trường chinh ấy, hơn 3 vạn đồng đội của chúng ta là thương binh và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP bị nhiễm chất độc da cam.

Nhưng chúng ta cũng rất tự hào khi Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt với 37 điểm Di tích nằm trên địa bàn của 11 tỉnh.

Thưa các đồng chí,

   Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta. Vị trí và tầm vóc của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã vượt lên suy nghĩ ban đầu của Đảng ta, Quân đội ta.

Hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng ta, về Quân đội ta và Nhân dân ta đã làm nên một Trường Sơn huyền thoại. Bộ đội Trường Sơn đã góp phần quan trọng biến khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của cả dân tộc ta trở thành hiện thực.

Lịch sử dần lùi xa. 40 năm qua, chúng ta đã nói, đã viết, đã đánh giá nhiều về Trường Sơn, nhưng Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mãi mãi huyền thoại và là đề tài vượt lên thời gian, vượt không gian để chúng ta và bạn bè trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về nó, về những con người và cuộc sống của họ trên Trường Sơn đã làm nên một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của nhân loại ở thế kỷ XX.

Những hội viên Hội Trường Sơn chúng ta hôm nay hãy tiếp tục phát huy phẩm chất Anh hùng của Bộ đội Trường Sơn, có trách nhiệm cùng con cháu để Trường Sơn tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp xây dựng CNXH trong thời đại mới. Đó chính là trách nhiệm trước lịch sử, trước đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên Trường Sơn và trước thế hệ trẻ cùng dân tộc hôm nay.

Chúc Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và các đồng chí lão thành của Trường Sơn dồi dào sức khỏe và trí lực, tiếp tục đồng hành cùng với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam làm cho lịch sử và truyền thống Trường Sơn huyền thoại, rực sáng hôm nay và mãi mãi mai sau.

Trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                 

tin tức liên quan
test 123