BẢN TIN TRƯỜNG SƠN,
TÍN HIỆU VUI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC
Trương Văn Nhi
(Hội viên TS Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương)
Vừa qua, Ban Biên tập (BBT) Trang tin điện tử Trường Sơn (hoitruongson.vn) thông báo: Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (sau đây xin gọi tắt là Hội Trường Sơn) sẽ cho ra mắt bạn đọc và hội viên trong cả nước một ấn phẩm báo chí mới có tên Bản tin Trường Sơn, định kỳ 2 tháng một số (từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016), sau đó tăng lên 1 tháng một số (từ tháng 6/2016 trở đi), khổ 14x20cm với độ dày 52 trang, giá 5.000đồng/cuốn. Chủ trương xuất bản đã được tổ chức Hội các cấp và hội viên Trường Sơn trong cả nước hoan nghênh và đặt mua ngay từ khi tin này đăng tải trên hoituongson.vn, trong đó cá nhân các lãnh đạo Hội và BBT đặt mua từ 20 đến 100 cuốn. Đến nay, các cấp Hội và hội viên trong cả nước đã đặt mua 2330 cuốn!
Tôi thấy, đây là những tín hiệu vui đối với việc nâng cao công tác hoạt động hội trên nhiều lĩnh vực: Chính trị tư tưởng, văn hóa – văn nghệ, khoa học – công nghệ, kinh tế, giáo dục v.v…
Lý do đơn giản là ấn phẩm báo chí này được phát hành đến tận tay hội viên với lớp người còn say mê với văn hóa đọc. Việc truy cập vào truongson.vn của hội viên hiện nay rất hạn chế bởi nhiều hội viên không biết hoặc sử dụng máy vi tính chưa quen. Chính vì vậy, Trung ương Hội quyết định cho ra Bản tin hỗ trợ cho hoitruongson.vn như đã nêu trên là phù hợp với tình hình thực tiễn của Hội ta hiện nay.
Tuy vậy, đây lại là thách thức với BBT và Văn phòng Hội. Bởi công việc làm báo in rất bận rộn: Từ tính toán kinh phí, xác định chủ đề cho từng số, giữ ổn định các chuyên mục, đề mục đến việc viết tin, bài, đặt bài đối với CTV, thu nhận tin bài, xét duyệt, biên tập, lên maket, sửa morat, in ấn, phát hành v.v… sao cho chất lượng tốt và cố gắng không có sai sót (nhất là nội dung, chính tả…).
Theo tôi, để vượt qua thách thức này, chúng ta cần đưa ra những quyết sách phù hợp. Tôi có ý kiến như sau:
- Đối với kinh phí in hoàn thiện một cuốn (4 trang bìa in màu, 48 trang ruột in đen trắng) cộng với phí phát hành thì 5000 đồng thu về không đủ chi. Như vậy, nhu cầu mua càng nhiều thì tiền bù càng lớn. Nên chăng ta hãy tính cho cân bằng thu và chi để Bản tin phát hành được lâu bền; đó cũng là xu thế của báo chí được xuất bản từ nguồn ngân sách Nhà nước hiện nay.
- Đối với khâu phát hành: Ban đầu, sau khi nộp lưu chiểu, Hội tự phát hành qua Bưu điện (đóng gói, ghi địa chỉ nơi nhận, Bưu điện thu tiền rồi chuyển đến địa chỉ người nhận). Việc làm này thật vui nhưng khá vất vả. Sau khi ổn định, Hội ký hợp đồng để Bưu điện phát hành đến tay người đặt (như các báo chuyên nghiệp vẫn làm). Khi đã vào nền nếp thì việc phát hành đỡ vất vả hơn…
- Về tên ấn phẩm: Không nên dùng tên “Bản tin Trường Sơn” nghe có vẻ khô cứng mà nên lấy tên của một ấn phẩm báo chí đặc trưng; chẳng hạn như: “Trường Sơn”, “Huyền thoại Trường Sơn” , “Trường Sơn huyền thoại”, “Truyền thống Trường Sơn”…
- Còn số lượng phát hành hằng kỳ, hằng năm chắc chắn là nhiều, nếu như Trung ương Hội có văn bản chỉ đạo đến lãnh đạo Hội cấp tỉnh, rồi từ cấp tỉnh chỉ đạo đến cấp huyện, huyện chỉ đạo đến cấp xã về việc mua Bản tin của Hội. Hiện nay, mặc dù ý tưởng nêu trên của tôi chưa có hồi âm nhưng số lượng đặt mua giờ này chắc đã vượt qua con số 2330 cuốn rồi. Và ngay bây giờ tôi cũng đã được Chủ tịch Hội Trường Sơn xã Phú Điền (Nam Sách, Hải Dương) nhờ đặt mua giúp 40 cuốn (phát cho 36 hội viên và 4 cuốn để biếu, tặng và trao đổi trong xã). Huyện Nam Sách có 18 xã, và 1 thị trấn (gồm 19 Hội và Ban Liên lạc BĐTS) số lượng đăng ký mua tối thiểu cũng khoảng 600 cuốn (sẽ có đăng ký chính thức sau)!
Trên đây là ý kiến của tôi về chủ trương ra Bản tin của Trung ương Hội. Mong rằng sự nghiệp truyền thông - xuất bản của Hội ta ngày càng phát triển.