Tháng 7 nghĩa tình đồng đội

Ngày đăng: 07:35 22/07/2015 Lượt xem: 515
 Cứ đến tháng 7 hằng năm về, những CCB chúng tôi lại trở về Quảng Trị - nơi có hàng vạn đồng đội đã nằm xuống để cho ngày 30/4/1975...

 Kỷ niệm 68 năm ngày TBLS ( 27/7/1947-27/7/2015)

 

                      THÁNG 7 NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

                                                                   ( Phóng sự: Phạm Huy Chương)

 

           Chiến tranh đã lùi về quá khứ . Sau hơn 20 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng , đất nước thu về một mối . 40 năm đã đi qua nhưng trong mỗi người CCB chúng tôi hôm nay vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm không thể nào quên của một thời cả nước lên đường ra tiền tuyến.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, ngày ấy thế hệ lớp chúng tôi ở lứa tuổi thanh niên, là những công nhân , nông dân, những giáo viên, kỹ sư , cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước , nhiều người vẫn đang là sinh viên trong các trường đại học và có cả những học sinh lớp 9, lớp 10 phổ thông cũng làm đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ “ xẻ dọc Trường Sơn lên đường đi đánh Mỹ” với ý chí “ Nước còn giặc còn đi đánh giặc / Chiến trường xa giục bước quân hành …”Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” . Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ấy lớp lớp thanh niên chúng tôi  ra chiến trường náo nức đông vui như chảy hội. Chiến đấu bao nhiêu năm mới đến một ngày mong đợi . Ngày30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất liền một dải . Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc anh em , đồng đội chúng tôi từ các chiến trường được trở về hậu phương tiếp tục học tập công tác , lao động sản xuất, xây dựng quê hương đất nước . Để có được những thành quả như thế đã có hàng chục vạn thanh niên – những đồng đội của chúng tôi đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ Quốc.

          Nhớ về các anh – những đồng đội một thời trận mạc năm xưa . Cứ vào những ngày tháng 7, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, những CCB trên khắp mọi miền Tổ Quốc họ lại họp mặt cùng nhau trở về Quảng Trị - miền đất thiêng của tuyến đầu Tổ Quốc để tri ân những đồng đội thân yêu của mình đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc, đang còn nằm lại nơi chiến trường xa.

          Điểm dừng chân đầu tiên của các CCB chúng tôi đến với Quảng Trị là đôi bờ Hiền Lương lịch sử . Chính chiếc cầu Hiền Lương thương mến, bắc qua dòng sông Bến Hải này, sau ngày hiệp định Giơ ne vơ được ký kết người ta coi cây cầu là dấu cắt hai miền đất nước, đó cũng là hiện thân của nỗi đau dân tộc trong suốt hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kiên cường và anh dũng của cả dân tộc . “ Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớ / chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa” .Chính nơi đây đã từng chứng kiến bao cảnh tang tóc, chia ly, đau thương nhưng vô cùng anh dũng kiên cường của nhân dân đôi bờ Bến Hải, cũng bởi dòng sông cây cầu này chia cắt mà trong những năm tháng ây trùng trùng đoàn quân chúng tôi ngày ấy đã phải hành quân hàng tháng trời băng rừng lội suối , vượt đỉnh Trường Sơn vào các chiến trường đánh giặc giải phóng  đất nước.


    Các CCB Trường Sơn Sư đoàn 470 bắc Ninh – Bắc Giang thăm chiến trường xưa ( Sau 40 năm trở lại cây cầu Hiền Lương)

 

           Về Quảng trị vào những ngày tháng 7 này mỗi người chúng tôi như được sống lại trong những kỷ niệm của một thời trận mạc năm xưa. Hôm nay lại được tắm mình trong truyến thống , để rồi được hun đúc thêm niềm tự hào . Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để ta vững vàng bước tiếp trên hành trình đến với ngày mai.

          Điểm thứ hai trong cuộc hành trình về thăm chiến trường xưa . Đó là Thành Cổ Quảng Trị. Nếu nói Quảng Trị là chiến trường khốc liệt nhất của chiến trường lớn Miền Nam , thì Thành Cổ Quảng Trị được ví như cái “chảo lửa” của chiến trường Quảng Trị . Điển hình trong cuộc đối đầu giữa ta và địch trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 . Nơi đây trên một diện tích chưa đầy 4 km2 , chỉ trong 81 ngày giao chiến , Mỹ - ngụy đã trút xuống đây 328.000 tấn bom , 1.230.000 quả đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay oanh kích , với sức công phá gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hi Rô Si Ma của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Số quân Mỹ -ngụy ở Quảng Trị ở thời điểm cao nhất gấp hơn 3 lần số dân của tỉnh. Thị xã sầm uất là hế, Thành Cổ trường thành cổ kính nguy nga là thế , đã trở thành những đống tro tàn không còn một viên gạch nào dính được vào nhau.

          Còn kia dòng sông Thạch Hãn trong xanh , hiền hòa như thế mà “ mùa hè đỏ lửa”năm 1972 nước lũ dâng cao , dòng sông cuồn cuộn chảy xiết. Bên bờ nam bom, đạn địch trút xối xả, đổ xuống dòng sông . Nhưng chúng vẫn không cản được bước tiến của bộ đội ta từ các binh chủng , quân chủng bên bờ Bắc , vượt sông Thạch Hãn chi viện cho đồng đội , quyết giữ Thành Cổ đến cùng. Trên dòng sông ấy đã có biết bao đồng đội hy sinh nằm lại nơi đây, dòng sông nước mặn mòi trên sông Thạch Hãn kia , đã hòa bao máu của bao người . Có một vần thơ của người CCB khi trở về viếng thăm đồng đội nơi đây, đã thổn thức gọi bạn từ đáy tâm can mình , khiến ai nghe cũng không cầm được nước mắt : “ Đò lên Thạch Hãn xin…chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.” Chiến tranh đã lùi xa, nhưng lỗi đau còn đó . Cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành Cổ Quảng Trị quả là quá sức tưởng tượng của tội ác và sức chịu đựng của con người. Điều này không những được cả thế giới biết đến mà còn làm chấn động dư luận và lương tri loài người . 81 ngày đêm giữ Thành Cổ , giữ niềm tin đã có gần 2 vạn cán bộ , chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh tại nơi đây. Giờ đây Thành Cổ Quảng Trị được xem như là một chứng tích chiến tranh, đồng thời cũng là một nghĩa trang có một không hai trên thế giới này . Nghĩa trang Thành Cổ rộng mênh mông mà không nhìn thấy một tấm mộ bia nào , nhưng nơi đây đã có hàng chục ngàn người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, để rồi buộc  địch phải quay lại ngồi đàm phán , ký kết với ta tại Hội nghị Pa-Ri , rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam . Vào thăm Thành Cổ hôm nay , thắp cho các anh nén hương thơm từ tấm lòng thành , mang nặng nghĩa tình đồng đội. Xin được tạc lòng ghi nhớ công ơn các anh – những liệt sỹ đời đời bất diệt cho sự tồn vinh của đất nước hôm nay.

 

 Cựu chiến binh Trường Sơn Sư đoàn 470 tỉnh Bắc Ninh –Bắc Giang thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị

 

Trong cuộc kháng chiến Trường kỳ của dân tộc hôm qua . Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ , hy sinh của dân tộc Việt Nam. Chỉ tính riêng số liệt sỹ đã yên nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh đã có tới hơn 60 .000 người , người ta tính ở Quảng Trị bình quân cứ 4 người dân lo cho một phần mộ liệt sỹ hay nói cách khác cứ 4 người dân được sống trong thanh bình hôm nay phải đổi bằng một sinh mạng của một chiến sỹ . Một vùng đất đẫm máu sương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước .

 Về Quảng Trị không ai khỏi bùi ngùi xúc động khi đến với các nghĩa trang liệt sỹ. Đến đó ai cũng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ.

Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn một trong những nghĩa trang lớn nhất cả nước. Nghĩa trang được tọa lạc trên đồi Bến Tắt , cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Tường huyện Do Linh. Nghĩa trang có tổng diện tích 140.000 m2 , trong đó đất phần mộ là 23.000 m2 được chia thành 10 khu vực chính thuộc các tỉnh thành . Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi yên nghỉ đời đời của 10.333 liệt sỹ mà hầu hết là bộ đội , TNXP thuộc Binh đoàn 559 đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất , quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ , niềm biết ơn và sự tôn vinh thành kính của toàn Đảng , toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu dấu của Tổ quốc, đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước .

 

 Cựu chiến binh Trường Sơn Sư 470 tỉnh bắc Ninh- Bắc Giang thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn

         

Nếu ở nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn hầu hết các liệt sỹ là bộ đội và TNXP, hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh , thì ở nghĩa trang Quốc gia Đường 9 nằm tại tành phố Đông Hà là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn các anh hùng liệt sỹ của các miền quê trong cả nước, với đầy đủ ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 , chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng trị và ở đất bạn Lào , trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ . Bộ đội chủ lực phần lớn là thuộc các sư đoàn 308, 304, 312, 968, và 320…Xúc động bùi ngùi đến từng phần mộ thắp cho các anh nén hương thơm mang từ quê nhà , bên những phần mộ đã có đủ tên , đơn vị, quê quán được quy tập về từng khu của các tỉnh thành , chúng tôi không khỏi trạnh lòng khi đến thắp hương cho hàng nghìn ngôi mộ vẫn chưa biết tên . Được biết trong tổng số hơn 1 vạn liệt sỹ yên nghỉ nơi đây, được quy tụ thành 9.500 ngôi mộ , có tới hàng trăm ngôi mộ tập thể : ngôi 9 người , ngôi 12 người , 35 người ,47 người , 72 người ngôi nhiều nhất tới cả  hơn 100 người . Trong 9.500 phần mộ được quy tập ở đây thì chỉ có 3.227 mộ liệt sỹ xác định được đầy đủ tên tuổi quê quán , được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ , còn lại hơn 6.000 phần mộ là chưa biết tên .

 

Cựu chiến binh Trường Sơn Sư đoàn 470 thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn

 

 Nghẹn ngào thắp nén tâm nhang từ tấm lòng thành chúng tôi gọi tên các anh hùng liệt sỹ. Ơi các anh , các chị! Dẫu trên mộ của các anh ,các chị có thể có tên, có thể chưa biết tên, nhưng các anh các chị đã thành danh, trở thành tên chung và niềm tự hào của đất nước. Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên mùa quả ngọt. cái ngày ra đi không trở về của các anh các chị đã làm nên ngày đoàn tụ của bao người . Sự mất mát lớn lao của các anh, các chị đã làm nên hạnh phúc của hàng triệu gia đình và cao hơn cả là làm cho đất nước cho dân tộc hồi sinh . Cái giá ấy mãi mãi trường tồn mà chúng tôi – những đồng đội của các anh năm xưa, hôm nay đang được sống thay phần của các anh , có trách nhiệm phải nhân lên và truyền lửa lại cho các thế hệ mai sau gìn giữ.

                                                                                              

          P.H.C

                                                                                              

tin tức liên quan
test 123