Mưa lụt Quảng Ninh nhớ mưa Trường Sơn

Ngày đăng: 06:30 31/07/2015 Lượt xem: 516
 Mấy ngày vừa qua, mưa lũ lịch sử đã xảy ra liên tiếp nhiều ngày liền ở Quảng Ninh. Những ngày này khiến tôi càng nhớ những trận mưa kinh hoàng trên Trường Sơn...

  MƯA LỤT Ở QUẢNG NINH NHỚ MƯA TRƯỜNG SƠN

                                                         Thành Long

 

       7 ngày mưa liên tiếp ở Quảng Ninh vừa qua là cơn mưa lũ chưa từng có trong vòng 40 năm trở lại đây ở Quảng Ninh. Mưa lớn và gió mạnh đã làm cho nhiều con đường, nhiều khu dân cư ngập lụt nghiêm trọng. Mưa lũ cũng làm các mỏ than bị hư hại nặng và gần như tê liệt hoàn toàn. Thiệt hại ước tính ban đầu ở Quảng Ninh lên tới hơn 1.500 tỷ đồng!

       Hàng ngày xem bản tin về mưa lũ trên VTV, tôi không khỏi nhớ đến những mùa mưa ở Trường Sơn. Nếu được phép so sánh mưa lũ ở Quảng Ninh bây giờ (7 ngày) so với mưa lũ Trường Sơn thì không là cái gì cả.

       Những người lính Trường Sơn chúng ta ai cũng đã từng nếm trải những mùa mưa kinh hoàng. Trời như đổ nước xuống rừng Trường Sơn chứ không phải là mưa nữa. Mưa chỉ một lúc là nước đã ngập tràn những con suối cạn. Nước ào ào cuộn chảy. Mùa mưa năm 1971, mưa ào ào liên tục suốt 20 ngày đêm không dứt. Rừng Trường Sơn mọng nước. Chúng tôi hầu như không ra được khỏi hầm. Nhiều hôm, cả Binh trạm bộ tưởng phải nhịn đói vì không có củi khô để hông sắn khô thay cơm.

        Đến giờ tôi không thể quên được cơn mưa lũ ở suối cạn nam Bạc cuối tháng 5 năm 1971. Hôm ấy tôi đi công tác xuống Tiểu đoàn 41 công binh của Binh trạm 35 ở bờ nam sông Bạc. Chúng tôi qua con suối cạn dài khoảng 3 km. Lòng suối trở thành đường 128A vắt qua. Ở đây cũng là chỗ đứng chân của đại đội 3 của tiểu đoàn 59 xe. Khi trở về, đến đầu con suối cạn thì trời đổ mưa ầm ầm. Đi một đoạn dưới mưa, chúng tôi bỗng thấy tiềng ầm ầm phía sau lưng. Ngoảnh lại nhìn, chúng tôi vô cùng kinh hãi khi thấy nước phía sau lưng cuồn cuộn chảy. Chúng tôi vội trèo lên vách đá để tránh nước lũ đang ầm ầm sau lưng. Khó nhọc lắm, tôi mới bám được một rễ cây để leo lên. Vết sẹo khi cố leo lên vách đá tránh cơn lũ suối còn để lại trên cẳng chân của tôi tới tận bây giờ. Chúng tôi ngồi trên vách đá nhìn xuống lòng suối. Có rất nhiều phi xăng không và cả phi xăng dầu còn đầy bị cuốn đi phăng phăng ra sông Sê Kông. Dưới lòng suối tiếng lục cục của đá bị nước cuốn đi nghe rất rừng rợn. Gần một tiếng sau mưa ngớt. Nước rút nhanh đến kỳ lạ. Chúng tôi lại lên đường. Khi đi ngang qua khu vực đóng quân của đại đội 3, chúng tôi vô cùng kinh ngạc. Ban sáng chiếc zin 3 cầu 157  còn được kê kích để sửa chữa dưới lòng suối. Rất khó nhận ra hình thù chiếc xe. Nó đã bị nước lũ cuốn và vo tròn trong nước lũ khoảng hơn 200 m so với vị trí ban đầu. Chiếc xe chỉ còn lại một đống sắt. Thật kinh hoàng! Trên đường về, chúng tôi không còn thấy những khối đá hộc dự trữ mà công binh tiểu đoàn 41 xếp ở bên đường nữa. Lũ suối đã cuốn phăng cả trăm khối đá hộc. Thật không tin nổi.

        Trận lũ đầu mùa ấy còn cuốn phăng cả mấy chục khối gỗ đã xẻ để chuẩn bị đóng thuyền của Tiểu đoàn đường sông 162. Mưa lũ còn làm sạt lở rất nhiều đoạn đường 128 huyết mạch.

      Mùa mưa năm ấy, mưa nhiều đến nỗi độ ẩn trong không khí dường như bão hòa. Ngồi trong hầm, mà quần áo của chúng tôi ẩm sịt.

      Mưa Trường Sơn dữ dội như vậy đã phá hủy hệ thống cầu, ngầm trên các tuyến đường Trường Sơn. Thế trận cầu đường trong mùa mưa bị tàn phá nặng nề. Cuối mùa mưa, công binh Trường Sơn lại lao vào khắc phục, sửa chữa và làm mới toàn bộ hệ thống cầu đường.

     So sánh với hôm nay để thấy công sức của bộ đội công binh Trường Sơn lớn đến thế nào!... 

tin tức liên quan
test 123