Giới thiệu bài viết " Kỷ niệm chương Trường Sơn - Vinh dự vô biên " Của Tạ Thị Ngọc Hường - Lâm Đồng

Ngày đăng: 10:39 16/08/2015 Lượt xem: 531
... trở thành người đứng đầu trước 155 chiến sĩ Hội huyện nhà dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Hội Lâm Đồng. Năm 2012 tôi cũng được nhận Bằng khen của Trung ương Hội gữi tặng. Xin gữi đến anh và lãnh đạo Trung ương Hội lời hứa nhiệt thành, chúng tôi sẽ đoàn kết, ...

 

GIỚI THIỆU BÀI VIẾT : 

“ KỶ NIỆM CHƯƠNG TRƯỜNG SƠN - VINH DỰ VÔ BIÊN ”

CỦA TÁC GIẢ TẠ THỊ NGỌC HƯỜNG

 

 

          Hồi 10h 17’ ngày 15 tháng 8 năm 2015 Trang thông tin Trường Sơn đã lên trang bài: “ TẠI SAO LÍNH TRƯỜNG SƠN YÊU THƯƠNG NHAU ĐẾN THẾ ” Của tác giả Phạm Thành Long ( Ủy viên ban Thường vụ / Phó Ban tuyên truyền thi đua / Tổng biên tập Trang thông tin Trường Sơn ). Đây được coi như một mảng đề tài mới trên diễn đàn Trang thông tin Trường Sơn của Hội chúng ta… - Cuối bài tác giả Phạm Thành Long có viết : “  Rất mong các đồng chí  tiếp tục góp thêm để cùng lý giải vấn đề rất đẹp trong phẩm chất của những người lính Trường Sơn chúng ta.”

 

          Bài viết đăng tải chưa đầy 12 giờ đồng hồ thì vào hồi 20h 06’ cùng ngày hộp thư Ban biên tập Trang thông tin Trường Sơn đã nhận được bài “ KỶ NIỆM CHƯƠNG TRƯỜNG SƠN - VINH DỰ VÔ BIÊN ” Của tác giả Tạ thị Ngọc Hường- Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Đạ Teh-tỉnh Lâm Đồng . Đầu trang viết tác giả Tạ thị Ngọc Hường còn khiêm tốn chỉ ghi là : “ Mạn đàm cùng đồng chí Phạm Thành Long …”.

 

          Đọc bài viết của tác giả Tạ thị Ngọc Hường - Nhóm Biên tập viên Trang thông tin Trường Sơn nhận thấy đây là bài viết rất “ trúng ” trước hết với nghĩa tình Trường Sơn huyền thoại của hôm qua; hôm nay và mãi mãi mai sau…, sau đó cũng rất “ trúng ” với ý tưởng của người khởi xướng mảng đề tài “ TẠI SAO LÍNH TRƯỜNG SƠN YÊU THƯƠNG NHAU ĐẾN THẾ ”. Bài viết “ KỶ NIỆM CHƯƠNG TRƯỜNG SƠN - VINH DỰ VÔ BIÊN ” không dừng trong khuân khổ một cuộc “ Mạn đàm ” như tác giả của nó đã đặt vấn đề, mà nó rất xứng đáng được đăng tải trên diễn đàn Trang thông tin Trường Sơn của Hội chúng ta để nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục truyền thống vẻ vang của Hội, theo đó để mỗi hội viên; mỗi bạn đọc đều thấy được “ TẠI SAO LÍNH TRƯỜNG SƠN YÊU THƯƠNG NHAU ĐẾN THẾ ” và thấy được cái “ VINH DỰ VÔ BIÊN ” Của những người được gắn trên ngực áo mình một tấm “ KỶ NIỆM CHƯƠNG TRƯỜNG SƠN ”.

 

          Chúng tôi xin phép tác giả Tạ thị Ngọc Hường và cả đồng chí Phạm Thành Long để chúng tôi được thực hiện việc giới thiệu toàn văn bài viết “ KỶ NIỆM CHƯƠNG TRƯỜNG SƠN - VINH DỰ VÔ BIÊN ” với các đồng chí và bạn đọc của Trang thông tin Trường Sơn .

 

Nhóm Biên tập viên Trang thông tin Trường Sơn

 

 

“KỶ NIỆM CHƯƠNG TRƯỜNG SƠN”

VINH DỰ VÔ BIÊN

 

Tạ thị Ngọc Hường

 

        

            Thưa đồng chí Phạm Thành Long! Tôi tên là: Tạ thị Ngọc Hường- Chủ tịch Hội Truyền thống TS-Đường HCM Huyện Đạ Teh-Tỉnh Lâm Đồng.

 

         Sau khi xem bài viết của đồng chí, câu hỏi “VÌ SAO CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN THƯƠNG NHAU ĐẾN THẾ? Câu hỏi tựa một lời mời bộc lộ tâm tư, tự nhiên lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Thật vậy! Đó cũng là câu hỏi từng đặt ra trong suy nghĩ của tôi.

 

          Huyện tôi có một tổ chức Hội Trường Sơn lâm thời từ khi Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận quản lý. Dưới sự lãnh đạo của Thủ trưởng Phan khắc Hy và Đinh Công Ty (2008-2009). Hai từ “Trường Sơn” xuất hiện làm lay động vô vàn kỷ niệm từ lâu ngủ yên trong lòng chiến sĩ một thời gắn bó với Trường Sơn. Tôi xin kể đồng chí nghe câu chuyện “gặp lại” Trường Sơn đầy nước mắt.

 

         Năm 2008, tình cờ tôi xem tờ báo Sài Gòn Giải Phóng có  mẩu tin “Tất cả anh em đồng chí một thời công tác, chiến đấu ở Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh mời đến dự buổi “gặp mặt” tại Thị xã Bảo Lộc - Huyện Bảo Lộc - Tỉnh Lâm Đồng”. Tôi không “công tác” và cũng không “chiến đấu” trên Trường Sơn. Tôi chỉ “đi qua” 3 tháng Trường Sơn để ra Bắc học tập khi tuổi 17, (tôi đã tham gia quân ngũ vào tuổi 14). sau 3 năm công tác tại chiến trường Miền Đông đã được chọn đi Bắc… Tôi xin kể tiếp câu chuyện nói trên - Tôi băn khoăn, “gặp mặt” mà chẳng quen ai thì lạc lõng lắm. Tôi đang ở một Huyện cách thị xã Bảo Lộc 60 Km. Nôn nao “gặp lại Trường Sơn” cứ khiến tôi thấy cay cay con mắt, bụng bảo dạ cứ đi. Tay ôm tờ báo có mẩu tin và quyển “Nhật ký Trường Sơn”, hy vọng sẽ gặp lại kỷ niệm nào đó. Đến cơ quan Thị xã, tôi nhìn quanh Hội trường toàn các “xếp”, đồng phục trắng toát, tóc đốm bạc, trên ngực lấp lánh huy chương, không ai buồn để ý đến tôi. Tôi thấy mình giống “lính trẻ”mới nhập ngũ.

 

          Ban tổ chức mời tất cả vào hội trường, sắp chỗ cho đại biểu. Họ mời tôi lên hàng ghế đại biểu của Thị xã và hỏi tên, tuổi, chức vụ để giới thiệu chương trình. - Ồ không! Tôi không phải đại biểu! “Ông Tổ chức” ngạc nhiên- Đồng chí không phải đại biểu của bộ đội Thị xã sao?- Dạ không! Tôi chỉ đi qua Trường Sơn thôi ạ! “Ông Tổ chức” nghi ngại vì tôi quá trẻ so với lớp Trường Sơn. Ông Tổ chức mời tôi đứng dậy bước ra ngoài hành lang để nói chuyện cho rõ vì hội trường đang rất ồn ào, Ông giao tôi cho đồng chí Bảo vệ cơ quan Thị xã xem giúp có sự nhầm lẫn nào không. “Ông Bảo vệ” hỏi CMND, xem xong vẻ càng nghi ngại – Đồng chí qua Trường Sơn năm nào - Dạ 1972! Ông Bảo vệ trợn mắt nhìn tôi như nghe nhầm và khuyên tôi nên rời khỏi hội trường vì “không đúng đối tượng”! Ông Bảo vệ định “tiễn” tôi ra cổng thì “Ông Tổ chức” đi tới: - Sao rồi, đồng chí nắm rõ nhân thân khách nữ chưa? – Báo cáo anh, CMND sinh năm 54, 17 tuổi sao có mặt nơi đó được chứ? Ông Tổ chức cười, bắt tay tạm biệt “Mong em cảm phiền nha!” Thấy tôi tiu ngỉu, “ông tổ chức” vẻ tội nghiệp hỏi thêm- đồng chí có giấy tờ nào chứng minh đã ở trường sơn không? – Tôi thèn lẹn đưa quyển sách rách rời, lem nhem, nói lúng búng: Em… chỉ có quyển nhật ký hồi …vượt Trường Sơn  thôi ạ! “Ông Tổ chức” đang bận rộn sao có thời gian mà nhìn vào những trang giấy cũ xì, cũ rích ấy, nhưng để khách vui lòng chia tay, “ông tổ chức” cũng ráng cầm sách lật qua, lật lại, chợt ông nhíu mày, xoay sở quyển sách nhìn cho rõ, lộ vẻ ngạc nhiên: Ủa? Sao chữ ký ai giống của xếp Thái quá vậy ta? - Đúng rồi! Chữ ký của thủ trưởng Nguyễn văn Thái đây mà! Cô gặp… ông… này ở đâu?- Dạ! Là từ lần vượt Trường Sơn năm 1972, dừng chân nghỉ ngơi tại các Binh trạm, kẻ đi, người ở hay xin vài lời dặn dò để làm kỷ niệm ấy mà! “Ông tổ chức” lật đật đi vô phía hội trường rồi trở ra với một vị cán bộ cao ráo, ngực lấp lánh huy chương, nói: Thủ trưởng xem, giống chữ ký của anh quá nè! Ông cán bộ cấm lấy quyển sách mềm rụm, rã rời của tôi lật xem, xúc động - Đúng rồi! Cháu còn trẻ thế này mà đã có mặt ở Trường sơn ngày ấy sao? – Dạ thưa! Cháu được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc học ạ! Cháu đi qua gần 80 binh trạm hết 3 tháng trời ấy ạ! Thủ trưởng Thái ôm chầm lấy tôi khóc rung cả vai, nước mắt nhòe nhạt trên gương mặt khá nhiều nếp nhăn, ông mếu máo: Trời ơi! Cháu chính là nhân chứng sống của Trường Sơn rồi!”…

 

tin tức liên quan
test 123