Diễn văn gặp mặt kỷ niệm: 70 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành GTVT (28/8/1945-28/8/2015)

Ngày đăng: 11:47 20/08/2015 Lượt xem: 600

 DIỄN VĂN GẶP MẶT

NHÂN 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

                                                      Thiếu tướng Võ Sở

                                                      Ch tịch Hội Truyền thống Trường Sơn

                                                                  Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

                     

Thưa các đồng chí đại biểu kính mến

Cách đây 70 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng Lâm thời long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới – Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Ngày 2/9/1945 trở thành Quốc khánh thiêng liêng của dân tộc ta. Ngày Quốc khánh 2/9/1945 là thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám long trời lở đất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay – và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

          Như các đồng chí đã biết, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác Hồ của chúng ta đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người đã sáng lập ra Mặt trận Việt Minh để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái chính trị, không phân biệt tôn giáo, giai cấp…đứng lên dưới ngọn cờ đỏ sao vàng của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành độc lập dân tộc. Chỉ chưa đầy 5000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trong cả nước.

   Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 là kết quả tất yếu của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ mà Bác Hồ và Đảng ta đã xác lập cho cách mạng Việt Nam và kiên định theo đuổi ngay từ ngày thành lập Đảng 3/2/1930.

   Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá mang tính thời đại. Đó là:

- Một đất nước và dân tộc dù nhỏ bé và lạc hậu nếu đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản vẫn có thể tiến hành cuộc cách mạng dân chủ và nhân dân thắng lợi, mang lại độc lập tự do cho đất nước và dân tộc.

- Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là thắng lợi của đường lối cách mạng, là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lê nin vào hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam mà Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã tiến hành – Cách mạng dân tộc và dân chủ.

- Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là bài học thắng lợi về chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ và Đảng ta đã tiến hành. Nếu nắm được nhân dân, đoàn kết tập hợp được nhân dân thì sẽ có tất cả. “Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết! Thành công! Thành công! Đại thành công!” trở thành “công thức” và “chìa khóa” của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

- Bài học về nắm thời cơ, chớp thời cơ, tận dụng điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh quốc tế và trong nước để tạo nên một bước ngặt vĩ đại đi tới thắng lợi trong đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ vĩ đại…

     Chúng ta có thể khẳng định rằng: Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 là thắng lợi to lớn nhất và rực rỡ nhất trong lịch sử của dân tộc ta, của Đảng ta. Nó là một mốc son chói lọi đưa dân tộc ta, đất nước ta bước sang một trang mới: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Từ đây chúng ta đã rũ bùn nô lệ để đứng lên làm “chủ nhân ông” của một đất nước tự do và độc lập; xác lập vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Thưa các đồng chí,

Nền độc lập của nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay lập tức bị đe dọa. Thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa. Thành quả của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bị đe dọa. Để bảo vệ thành quả to lớn vừa giành được, nhân dân ta, dân tộc ta đã phải tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp suốt 9 năm gian khổ. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu ngày 7/5/1954, chúng ta đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên một nửa đất nước. Thành quả của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 thực hiện chưa chọn vẹn. Cả nước ta lại phải bước vào một cuộc trường chinh mới: Tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chúng ta đã mang tinh thần của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dài 21 năm đã kết thúc bằng một chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Non sông đã thu về một mối. Như vậy là dân tộc ta đã phải trải qua một chặng đường kháng chiến gian khổ suốt 30 năm để thực hiện một cách trọn vẹn Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945; Đưa dân tộc ta, đất nước ta bước vào một thời đại mới – Thời đại Hồ Chí Minh và Xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, chúng ta đang bước những bước đi vững chắc và nhiều vận dụng sáng tạo của sự nghiệp đổi mới khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng năm 1986. Tổ quốc ta đã và đang bước trên con đường xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Sự nghiệp ấy chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp, mở ra cho đất nước, dân tộc ta một vị trí và tâm thế mới trong một thế giới phát triển.

Thưa các đồng chí,

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại của dân tộc, Bộ đội Trường Sơn chúng ta rất tự hào trong đội ngũ của mình có hàng ngàn đồng chí đã trực tiếp tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền về tay nhân dân, Tháng Tám năm 1945. Những chiến sĩ của cách mạng Tháng Tám ngày nào đã mang tinh thần của Cách mạng Tháng Tám vào Trường Sơn làm nhiệm vụ lịch sử. Họ đã sát cánh cùng các thế hệ đàn em viết nên một Trường Sơn huyền thoại và Anh hùng.

16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược cho công cuộc giải phóng đất nước và cách mạng của ba nước Đông Dương, Bộ đội Trường Sơn chúng ta tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó; Góp phần to lớn và rất quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc; Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao từng tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của Bộ đội Trường Sơn có mặt tại đây hôm nay, dù tuổi cao, sức yếu vẫn tiếp tục tham gia xây dựng Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam không ngừng phát triển. Họ chỉ có một mong muốn: Tiếp tục cùng các thế hệ hôm qua và hôm nay giữ vững và phát huy thành quả bền vững của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 trong thời đại mới.

Chúng ta tự hào về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta càng tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới đất nước mà Đảng ta, Nhân dân ta, Quân đội ta đang ra sức thực hiện. Chúng ta tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của đất nước và dân tộc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mãi mãi soi đường và khích lệ các thế hệ người Việt Nam chúng ta trên con đường xây dựng đất nước phát triển như mong ước của Bác Hồ và thế hệ cha ông từng làm nên sự kiện lịch sử vẻ vang, chói sáng của dân tộc 70 năm trước.

Thưa các đồng chí,

Hoàn chung với không khí chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hôm nay chúng ta cùng vui mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Ngành Giao thông Vận tải Việt Nam. Ra đời trong những ngày cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám – ngày 28/8/1945, Ngành GTVT Việt Nam đã đảm nhận một sứ mệnh vô cùng to lớn, là lực lượng cách mạng “Đi trước mở đường”.

Với lực lượng non trẻ, Ngành GTVT VN bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại những dấu ấn đẹp. Vượt lên gian khổ và vô cùng thiếu thốn của đất nước, Ngành đã tham gia mở các con đường giao thông trong khu cách mạng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; Mở các con đường kháng chiến tại Khu 5, Khu 4; Mở đường phục vụ Chiến dịch Biên giới 1950. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Ngành GTVT đã mở nhiều con đường để bảo đảm cho bộ đội hành quân và đưa xe pháo lần đầu tiên tham gia Chiến dịch. Nhiều con đường kháng chiến  vận chuyển hậu cần từ hậu phương Khu 4 lên Điện Biên, từ Việt Bắc lên Điện Biên…Ngành GTVT đã góp phần vô cùng quan trọng để các đơn vị chủ lực của quân đội ta làm nên Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954.

Khi miền Bắc bước vào xây dựng CNXH, Ngành GTVT lại bắt tay xây dựng hệ thống giao thông trên nhiều địa bàn quan trọng của đất nước: Cải tạo và phát triển hệ thống giao thông ở khu 4, ở Việt Bắc, Tây Bắc, ở các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội  trên miền Bắc XHCN.

Lịch sử rực rỡ nhất của Ngành GTVT VN là thời kỳ chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ (1964 – 1972). Các lực lượng của Ngành GTVT đã vượt qua mưa bom, bão đạn, mở thêm nhiều con đường chiến lược từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình để bảo đảm cho việc vận chuyển hàng ra tiền tuyến. Lực lượng giao thông của cả miền Bắc phải oằn mình trên nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy… đối phó thắng lợi trước sự đánh phá vô cùng ác liệt của không quân Mỹ, bảo đảm giao thông luôn thông suốt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngành GTVT đã gắn bó đặc biệt và chi viện to lớn, hiệu quả đối với nhiệm vụ chi viện chiến lược cho các chiến trường của Bộ đội Trường Sơn.

Từ những năm đầu thập niên 60, các đơn vị của Bộ GTVT đã mở các con đường phía Tây Nghệ An và Quảng Bình, tạo điều kiện để Tổng Cục Hậu cần vận chuyển hàng vào giao cho Đoàn 559. Ngành đã mở đường 16 từ đường 15 vào Làng Ho - Điểm vận chuyển hàng đầu tiên của Đoàn 559 vào Nam…

Trước sự phát triển về thế và lực của ta ở chiến trường miền Nam, yêu cầu công tác chi viện ngày càng lớn. Tuyến chi viện 559 cần phải thay đổi phương thức vận chuyển chi viện từ gùi thồ sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới. Chỉ có vận chuyển bằng cơ giới thì mới đáp ứng được nhu cầu của các hướng chiến trường. Trước yêu cầu đó, Bộ Chính trị đã quyết định trao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.  

 Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ với tầm nhìn và sự chỉ huy sáng tạo, hiệu quả, cuối tháng tư năm ấy, sau khi đi thị sát trở về, ông đã đưa ra 2 quyết định quan trọng, có tính bước ngoặt: Mở thêm đường 128 (dài 178 km) từ Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn, Lào nối với đường 9 ở Sê Pôn và mở con đường ngang (Đường 20 dài 125 km) phá thế độc đạo của đường Trường Sơn từ bến phà Xuân Sơn đi qua Phu La Nhích, rồi nối với đường 128A ở Lùm Bùm (Lào). 2 tuyến đường mới này bảo đảm cho xe cơ giới vận chuyển được cả trong mùa mưa khi tránh được túi nước Seng Phan dài 30 km trong mùa mưa.

 Ngành GTVT đã huy động tối đa lực lượng để chi viện cho Bộ Tư lệnh 559 mở 2 con đường huyết mạch này. Lực lượng xe máy, lực lượng cán bộ, kỹ sư từ Viện Thiết kế, Viện Kỹ thuật Giao thông chi viện cho Công binh Trường Sơn trong việc khảo sát, thiết kế cầu đường để mở đường 20; Bộ GTVT còn xin Trung ương điều Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân, đang phụ trách giao thông Khu 4 vào tăng cường cho Bộ Tư lệnh 559 với tư cách là Phó Tư lệnh đặc trách việc chỉ huy mở đường 20 cùng với Phó Tư lệnh Võ Bẩm. Nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm của Ngành cũng được Bộ tăng cường cho Trường Sơn như: Quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông Nguyễn Nam Hải vào làm Cục phó Cục Công binh Trường Sơn (Kết thúc chiến tranh đồng chí Nguyễn Nam Hải về làm Thứ trưởng Bộ GTVT)…

Hơn một vạn chiến sĩ công binh và TNXP đã hoàn thành mở con Đường 20 Quyết thắng “trọc thủng Trường Sơn” trong một thời gian kỷ lục: 126 ngày mở 125 km đường trong đó có hàng chục ki lô mét vượt qua khu vực dốc Ba Thang toàn vách đá hiểm trở. Việc hoàn thành 2 con đường huyết mạch này trước mùa mưa 1966 đã tạo ra một bước ngặt trong nhiệm vụ chi viện chiến lược của Đoàn 559 - vận chuyển bằng xe cơ giới cả hai mùa mưa nắng. Đường 128A sau này được công binh Trường Sơn mở vào Sê Sụ, tỉnh Át Tô Pơ, Lào rồi đi tới Lộc Ninh. Đường 128 A là một trục chính quan trọng của đường Trường Sơn…

Song song với thời gian mở đường 128 và đường 20, các lực lượng của Ngành GTVT đã mở thêm đường 22 tránh Đèo Ngang và Đường 21 từ Thạch Hà nối lên các cửa khẩu của Trường Sơn để bảo đảm “chân hàng” của hậu phương chuyển cho 559 luôn thông suốt. Trước đó, Ngành GTVT đã mở đường 15, đường 12 từ phía Tây Quảng Bình tới Lằng Khằng (Lào) và đường 050 trên đất Lào…

Năm 1965, lực lượng GTVT tham gia mở đường và bảm đảm giao thông bên cạnh công binh Trường Sơn lên tới 8.000 người (trong đó có hơn 5.000 TNXP và hơn 1.500 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân giao thông). Cán bộ nòng cốt của Cục Công binh Trường Sơn là những cán bộ, kỹ sư của Bộ GTVT tăng cường cho Trường Sơn.

Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác chi viện, Bộ GTVT đã quyết định thành lập Ban 67, đặc trách bảo đảm giao thông các tuyến đường ở Đông Trường Sơn để hàng hóa chi viện được vận chuyển thuận lợi đến các cửa khẩu của Trường Sơn.

Năm 1972, đồng chí Lê Ngọc Hoàn (sau này là Bộ trưởng Bộ GTVT) đang là chỉ huy công trường mở đường phía Tây Quảng Bình và Nghệ An của Cục Công trình 1 Bộ GTVT đã được tăng cường làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 67 công binh Trường Sơn; đồng chí Vũ Tiến Đề, từ công nhân lái máy húc của đội cơ giới giao thông được điều vào chi viện cho Trường Sơn. Anh đã trở thành chiến sĩ lái máy húc đầu tiên của công binh Trường Sơn được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT …

                  Năm 1973, bộ đội công binh Trường Sơn đã thi công chiếc treo hiện đại Bản Đông rồi sau đó là cầu treo Đắc Rông điểm đầu của đường 14 - Trường Sơn Đông. Chiếc cầu này được thiết kế bởi Viện Thiết kế Giao thông. Có thể nói, chiếc cầu treo Đắc Rông là kết quả của sự hợp tác hiệu quả của Ngành GTVT với Công binh Trường Sơn.

                 Suốt chặng đường 16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ đội Trường Sơn với Ngành GTVT có một mối quan hệ vô cùng đặc biệt. Ngành GTVT đã bổ sung lực lượng cán bộ kỹ thuật cầu đường nòng cốt cho bộ đội Công binh Trường Sơn làm nên kỳ tích xây dựng một hệ thống giao thông phức hợp trên Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài gần 20.000 km…

Mối quan hệ giữa Ngành GTVT với Bộ đội Trường Sơn không chỉ diễn ra trong chiến tranh. Sau năm 1975, nhiều cán bộ, chiến sĩ công binh Trường Sơn đã chuyển ngành sang lực lượng của Bộ GTVT tiếp tục xây dựng những công trình GTVT của đất nước. Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT (1982-1986). Rồi sau đó, ông là Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Đường Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới. Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – đơn vị kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn đã tham gia xây dựng hàng trăm ki lô mét đường và hầm trên cả ở trục chính và nhánh Tây của Đường Hồ Chí Minh…

Lịch sử vẻ vang 70 năm của Ngành GTVT Việt Nam, có những trang vàng rực rỡ ghi nhận các lực lượng của GTVT Việt Nam đã góp phần xứng đáng cùng với Bộ đội Trường Sơn làm nên kỳ tích Đường Trường Sơn huyền thoại.

Và Lịch sử của Bộ đội Trường Sơn luôn ghi đậm mối quan hệ đặt biệt ấy với Ngành GTVT Việt Nam.

Trong gần 30 năm của sự nghiệp đổi mới đất nước, Ngành GTVT đã làm nên nhiều kỳ tích trong xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng GTVT của đất nước. Nhiều tuyến đường cao tốc, nhiều sân bay, bến cảng đã được cải tạo nâng cấp và xây dựng mới, trong đó có Đường Hồ Chí Minh hôm nay. Thành tịu ấy của Ngành đã trở thành tiền đề vô cùng quan trọng để đất nước phát triển và đổi mới hôm nay.  

Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành GTVT VN, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trân trọng gửi tới đồng chí Bộ trưởng Đinh La Thăng và cán bộ, công nhân viên Ngành GTVT VN lời cám ơn và lời chúc sức khỏe. Chúc Ngành GTVT tiếp tục có những kỳ tích mới trong phát triển hạ tầng của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí.

 

 

tin tức liên quan
test 123